Sóng ngầm làng biển

“Hôm qua cán bộ ngân hàng và tòa án đã đến nhà ông Công kiểm kê nhà, ghe cộ rồi. Chắc nay mai gì họ thu thôi chứ nợ cả chục tỷ tiền đâu mà trả”, bà Chín Lành ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) vừa kéo ghế ngồi vừa nói vọng vào bên trong quán với Đào. Câu than thở làm Đào mường tượng, vài năm trước cán bộ ngân hàng đến làng niềm nở, nhiệt tình hướng dẫn bà con làm thủ tục để vay tiền. Nay họ quay trở lại làng để… kê biên, tịch thu nhà cửa, thuyền bè của những khách hàng không trả được các khoản vay trước đây. “Làng tỷ phú nay thành làng tỷ nợ”, Đào thở d&

Những con tàu tiền tỷ phơi nắng, mưa nhiều năm qua vì chủ nhân lâm nợ.
Những con tàu tiền tỷ phơi nắng, mưa nhiều năm qua vì chủ nhân lâm nợ.

Đại gia dạt ra lều trại

Ném tấm lưới với ít cá con ra giữa quán cho vợ, Dương Minh Tiến người ướt sũng nói lớn: “Được bấy nhiêu đó, đủ nồi canh thôi”. “Được bấy nhiêu” của Tiến sau vài giờ lặn ngụp gành biển là chút cá dìa, cá bạc má con lẫn ít ốc. Vứt đó cho Đào, Tiến đi vội ra phía sau xối sạch nước biển lẫn cát trên người.

Đào lẳng lặng lượm chút cá mang ra sau “nhà” để lát nấu trưa. Nói “nhà” cho sang chứ nhìn quanh là túp lều che tạm ngay gần bờ biển Nghĩa An. Vợ chồng Đào ra bờ biển ở tạm được vài tháng nay. Căn lều dựng lên bằng tre và bạt trên phần đất của xã. Mái nhà lợp tôn và xốp cho tụi nhỏ đỡ bứt rứt mùa hè. Gần 40 tuổi, vợ chồng Đào từ tay tỷ phú xuống túp lều chỉ vỏn vẹn hai năm.

Sau mươi năm lập thân, lăn lộn nghề biển, vợ chồng Tiến và Đào tích góp, vay mượn mua đôi tàu giã cào 520 CV 4,5 tỷ đồng. “Giường chiếu hẹp giấc mơ con”, sau mấy năm khấm khá, đôi vợ chồng trẻ tiếp tục vay 3,5 tỷ đồng nâng công suất máy tàu lớn. Tàu lớn thì chuyện làm ăn bắt đầu lụi dần. Biển cạn, tàu giã cào cấm khai thác ven bờ, bị hạn chế đánh bắt khiến vợ chồng Đào chao đảo. Sau hai năm, số tiền nợ ngân hàng cả gốc lẫn lãi tăng lên gần bốn tỷ đồng. Đôi tàu lớn trị giá tám tỷ đồng nằm bờ chờ kê biên, bán sắt vụn. Tiến lặn biển kiếm cá, Đào hấp bánh bèo bán quanh làng chài.

“Nhà và ghe cắm ngân hàng vay rồi, giờ tiền đâu mà trả. Ra làm cái chòi này ở tạm để kiếm cá ốc qua ngày”, Đào thở dài ngao ngán. Tay vừa vớt bánh Đào bàn với Tiến cho đứa lớn nghỉ học vào nam làm thuê phụ bác họ.

Mấy tháng qua, vợ chồng ông Điệp trốn trong nhà không muốn gặp ai. Lúc nào đỡ mệt, ông tạt qua nhà trưởng thôn xin đôi lời để làm lán trại ngoài mé biển. Cứ nghĩ đến ngân hàng và nhóm cho vay nợ tín dụng “đen” thì ông cũng biết sẽ không cáng đáng nổi chi phí cùng gánh nợ tám tỷ đồng. Mấy chục năm bôn ba trên biển, vợ chồng ông được đôi tàu giã cào 350 CV. Nghề giã được mùa lớn, năm 2015 ông quyết định vay thêm 4,2 tỷ đồng từ ngân hàng nâng cấp đôi tàu lên 620 CV để “đánh lớn”. “Chạy trời không khỏi nắng”, chỉ hai năm sau nghề giã xuống thời, đôi tàu ra khơi không đủ chi phí trang trải, thuê lao động. Khó khăn chồng chất, ông đành chấp nhận vay “tín dụng đen” để xoay xở, đắp đổi. Càng đắp càng hụt, nợ trong nợ ngoài gần chục tỷ đồng.

Đại gia một thời nắm trong tay đôi tàu mươi tỷ cùng trăm lao động, đến nay ông cũng tìm đường “ra gành ở ẩn”. Giấy tờ nhà, tàu thuyền vay mượn chờ ngày phát mãi, nhóm cho vay tìm ông đòi nợ. “Mấy anh em cho mình vay tới hỏi tiền nhưng lấy đâu mà trả. Tụi nó cũng căng ke, hăm dọa nhưng biết mình hết sức cũng chịu thôi. Giờ mấy đứa con đi làm thuê, vài tháng lại đưa cho tụi vay mấy triệu cầm chừng”, ông Điệp giãi bày.

Cả làng nợ liên hoàn

Lang thang làng biển “tỷ phú” những ngày này không khí đìu hiu, quạnh quẽ. Chỉ vài năm trước, dọc dài bờ biển Nghĩa An mươi cây số tấp nập, rộn ràng những chuyến tàu đi về đầy cá, mực. Trên bờ hay giữa làng chài, từng nhóm phụ nữ tụ năm tụ bảy cười đùa, gánh cá, đan lưới. Hay mỗi chiều, nhóm “đại gia biển” tụ tập vui chơi, chén tạc chén thù sau mỗi chuyến lộng. Văn hóa làng biển gắn với “ăn chơi kiểu biển” vui tươi, sung túc sắp trở thành ký ức. Nay thì vắng lặng, hiu quạnh đến đáng sợ. Một bóng dáng người lạ trăm đôi mắt thăm dò, nghi ngại “người tòa án, người ngân hàng”. Không khí dường như chết lặng, đông đặc.

Sau hai ngày thương lượng, ba căn nhà của gia đình, họ hàng bà Phạm Thị Xanh được trao cho chủ mới. Cả gia đình, họ hàng đùm túm, chen chân vào nam phiêu bạt xứ người. Những năm trước các chủ tàu làm ăn khấm khá, nghe lời mời góp vốn, bà Xanh cầm cố nhà vay tiền đưa cho chủ ghe. Vài chuyến đầu, bà được nhận tiền lãi đầy đủ. Sau nhiều cân nhắc, con cái, họ hàng cạnh nhà cầm cố đất nhà vay tiền theo những chuyến khơi xa. Sau hai năm, bà điêu đứng vì nợ, đất nhà phải phát mãi trả ngân hàng. “Giờ thì lang bạt xứ người thôi. Nhà tui bán đủ trả ngân hàng nhưng con cái, mấy đứa em thì không đủ. Tụi nó vô nam làm ăn trả nợ, mình già đành phải đi theo thôi chứ biết làm sao”, bà Xanh rầu rĩ kể.

Sau những hợp đồng vay ngân hàng, “bốc nóng” bên ngoài, vay mượn niềm tin từ người thân làng xóm bằng mọi giá để tàu ra khơi là bi kịch cả làng nợ liên hoàn. Thuê người đưa hai trục tời của đôi ghe chục tỷ với giá hơn bảy triệu đồng về để ở sân nhà, mỗi ngày, vợ chồng ông Lê Đình Trung đi ra đi vào thở dài và… ngắm khối tài sản đang dần dần biến thành sắt vụn. Mấy năm trước, đôi trục tời ông bà mua hơn 400 triệu đồng nâng cấp đôi tàu đi biển. Sau vài chuyến, tàu nằm bờ, cả gia đình rơi cảnh nợ nần số tiền hơn năm tỷ đồng, đôi tời phơi mưa nắng sắp thành sắt vụn. “Bữa giờ nhiều người hỏi mua để họ về làm công trình, về làm cẩu trục vẫn được. Nhưng họ trả giá thấp quá, chỉ bằng bán sắt vụn thôi nên ổng chưa chịu. Vừa rẻ và tiếc nên nhà tui chưa bán…”, bà Siêng buồn xo nhìn ra xa. Điều bà Siêng lo nhất là những khoản nợ của hàng xóm, người thân không biết lấy gì để trả. Hàng chục gia đình cùng điêu đứng vì gánh nợ của bà.

Sóng ngầm chực bung vỡ

Xã biển Nghĩa An, TP Quảng Ngãi có hơn 90% dân số theo nghề biển đánh lưới chuồng, giã cào. Trên 1.000 chiếc tàu đánh bắt bờ bãi khơi xa cùng 12 nghìn lao động bám nghề các vùng biển phía bắc kiếm sống, trong đó, hơn 500 tàu công suất lớn cùng sáu nghìn lao động chuyên nghề giã cào. Sau nhiều năm thắng lớn, ngư dân giã cào Nghĩa An đồng loạt vay tiền nâng cấp công suất tàu lớn để tiếp tục đánh bắt khơi xa.

Bà Võ Thị Lệ Thu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết, trong số 500 tàu chuyên nghề giã cào, có đến 80% chủ tàu thuyền vay nợ ngân hàng Vietcombank, Sacombank, vay của người thân và “tín dụng đen”. Trung bình, mỗi chủ tàu nợ 4 - 6 tỷ đồng, mức thấp nhất cũng 1,5 - 2 tỷ đồng; nhiều trường hợp nợ trên ngưỡng chục tỷ đồng.

Khi hàng trăm tàu thuyền đồng loạt vay tiền nâng cấp tàu, mua máy móc thiết bị từ nước ngoài thay đổi công suất thì ngư dân chưa nhận được sự cảnh báo, khuyến cáo của ngành chức năng về những “bất thường” này. “Hằng năm chúng tôi chỉ hướng dẫn, phổ biến pháp luật về nghề cá, quy định đánh bắt. Đúng là chúng tôi chưa nắm, chưa có cảnh báo gì cho ngư dân về những nguy cơ, rủi ro khi thay đổi, nâng cấp tàu, mua máy của nước ngoài”, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An lo ngại.

Từ năm 2016 - 2017 là thời điểm ngư dân ven biển TP Quảng Ngãi chuyển đổi tàu từ máy công suất nhỏ lên công suất lớn để đánh bắt, giã cào. Nguồn vay chủ yếu từ các ngân hàng Vietcombank, Sacombank… Bà Phạm Thị Thúy Kiều, Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Quảng Ngãi cho rằng, khi ngư dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng phải giải quyết, vì đó là quy định và chính sách cho vay. Năm 2018 - 2019 ngư dân làm ăn khó khăn thì nợ xấu phát sinh. “Chúng tôi hiện còn khoảng 400 tỷ nợ vay của ngư dân biển xã Nghĩa An, Nghĩa Phú. Chúng tôi đang cùng với chính quyền địa phương tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ để ngư dân giảm dần nợ”, bà Phạm Thị Thúy Kiều cho biết.

Theo ông Nguyễn Thiên Phiến, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Quảng Ngãi cho biết, trước năm 2017, tổng dư nợ cho ngư dân Nghĩa An vay hành nghề giã cào khoảng 411 tỷ đồng, chiếm 39% trên tổng dư nợ, hiện chỉ còn 233 tỷ đồng, giảm mạnh so trước. “Hiện chỉ còn 75 khách hàng vay với 81 đôi tàu. Chúng tôi đánh giá và nhận thấy nhiều rủi ro nên chi nhánh thu hồi bớt, không hạ lãi suất hay nới các chính sách mở rộng cho vay. Hiện chúng tôi tiếp tục hỗ trợ, động viên ngư dân chuyển đổi nghề để trả dần nợ”, ông Phiến khẳng định.

Ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi tìm kiếm giải pháp tháo gỡ cho ngư dân ven biển. Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng cho biết, chính quyền địa phương đang rà soát, thống kê chủ phương tiện tàu thuyền, ngư dân đang gặp khó khăn để kiến nghị các giải pháp tháo gỡ. “Trong thẩm quyền của mình, chúng tôi nắm bắt tâm tư, kiến nghị của người dân. Có thể chúng tôi đề nghị tỉnh có ý kiến với phía ngân hàng để khoanh nợ, giãn nợ không phát sinh lãi cho ngư dân để họ trả nợ dần”, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi nói.

Biển chưa kịp cạn, ngư dân đã kiệt sức vì nợ. Hàng trăm con tàu tiền tỷ giờ neo bờ, đậu gành chơ vơ. Ám ảnh nợ nần bủa vây không lối thoát là “sóng ngầm” trong lòng người “làng tỷ phú” Nghĩa An. Ra khơi bữa có bữa không/Lạy trời đừng để tố giông cho mình. Người của biển, quen chống chọi với sóng gió chưa quen “sóng ngầm” chất chứa trong lòng. Các ngành chức năng cùng chính quyền các cấp ở Quảng Ngãi cần quan tâm, có giải pháp kịp thời chia sẻ khó khăn cho người dân vùng biển ở đây.

Cứ vài ngày, dọc bờ biển Nghĩa An lại xuất hiện căn lều mới. Những lều tạm che bằng bạt, tre và mái tôn xiêu vẹo chực ngã. Chủ nhân những căn lều tạm hầu hết từng là những kình ngư, tỷ phú trên đôi tàu tiền tỷ.