Ngược thượng nguồn:

Sông Gianh - nỗi buồn xưa hóa lời gió hát

Hơn 150 năm chia cắt, dòng sông Gianh (Quảng Bình) êm đềm từng như một vết hằn lịch sử khi thành giới tuyến phân tranh Trịnh - Nguyễn. Dù bây giờ không còn lo chuyện trễ nải đò giang ngày cũ, song với cư dân hai bên bờ, Linh Giang xưa và sông Gianh nay vẫn đầy nỗi buồn xưa chất chứa và cả những bí ẩn chưa được khám phá.  

Cầu Gianh trên quốc lộ 1A.
Cầu Gianh trên quốc lộ 1A.

Bờ nam, bến bắc

Bắt nguồn từ núi Côpi cao hơn 2.017 m thuộc dãy Trường Sơn hùng vĩ, sông Gianh dài 160 km chỉ chảy duy nhất ở địa bàn tỉnh Quảng Bình, thành hệ thống sông lớn nhất ở địa phương này. 

Trong “Đại Nam nhất thống chí” (1875), sông Gianh còn được gọi là tên Linh Giang. Còn “Đại Nam thực lục tiền biên”, quyển 1 chép lời trăn trối của Chúa Tiên năm 1613: “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang (dãy Hoành Sơn) và sông Linh Giang hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng”. Trong lịch sử, sông Gianh từng là ranh giới giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong, thành một lằn ranh đớn đau của lịch sử nước nhà. 

Phía thượng nguồn sông có ngôi làng Lệ Sơn lưng tựa vào 99 ngọn núi, mặt hướng ra sông Gianh mải miết chảy về Biển Đông. Hàng trăm năm nay, đây là làng văn hóa đứng đầu trong “bát danh hương” Quảng Bình về tinh thần hiếu học và lễ nghĩa. Tương truyền từng có 100 con chim phượng hoàng rủ nhau bay về đậu ở núi làng Lệ Sơn, cho nên địa danh này là vùng địa linh nổi tiếng ở Quảng Bình. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phà Gianh là “tọa độ lửa”. Cho tới bây giờ, nhắc đến phà Gianh, hẳn tất cả những ai đã từng qua đây trong những năm tháng cả nước ra trận đều không khỏi bùi ngùi, xúc động. Bao người đã nằm lại nơi đây, còn lưu dấu tích trên những tấm bia dựng trên bến phà, bên triền sông.

Không chỉ chia cắt trong hơn 150 năm lịch sử phân tranh rồi vắt qua các cuộc chiến tranh của dân tộc mà cho tới cả những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, dòng sông Gianh vẫn bị chia cắt về giao thông trên con đường thiên lý bắc-nam. Sông Gianh không quá rộng nhưng để sang được bờ bên kia có khi phải mất một ngày chỉ vì sự trễ nải của chuyến phà trong thời bao cấp. Tôi nhớ những ngày giáp Tết ngồi đợi phà trong rét buốt dưới ánh đèn vàng vọt với từng đoàn xe dài dằng dặc kiên nhẫn xếp hàng qua sông, để rồi sau này, có nhạc sĩ thốt lên “Ôi cái nắng chang chang cồn cát Quảng Bình/Sao mà thương mà thương chuyến phà/Nặng nhọc quá dòng sông”… 

Sang sông không còn phải đợi đò 

Cho tới những năm 90 của thế kỷ trước, dù chỉ cách trung tâm thị xã Ba Ðồn hơn 2 km nhưng nhiều xã bên kia sông Gianh vẫn chưa biết đến ô-tô. Ðơn giản, vì ô-tô không thể đi đò ngang. Thời điểm đó, mỗi lần gia đình tôi về quê ngoại là phải cơm đùm, bánh bới để ăn phòng khi nhỡ đò. Mà thật lạ, khúc sông Gianh tại bến đò Phù Trạch thì rộng, lồng lộng gió thổi, người và xe đạp chen chúc nhau mà người lái đò thì bình chân như vại. Ai đến kịp thì tất tả xuống bến để sang sông trong nỗi nơm nớp lo đò đầy. Còn ai không kịp chen chân thì kể như ngồi chờ từ sáng đến trưa hoặc từ trưa tới chiều. Ai chậm chân sau 5 giờ chiều thì phải chờ đến sáng hôm sau mới qua sông được. Có lẽ câu “Ăn cho no mà chờ đò Phù Trịch” xuất phát từ hoàn cảnh ấy.

Thập niên 90 của thế kỷ trước, cầu Gianh trên quốc lộ 1A hoàn thành đã xóa đi sự cách trở trên đường thiên lý bắc-nam. Tỉnh Quảng Bình cũng nhờ thế kéo gần khoảng cách giữa vùng phía bắc của tỉnh với trung tâm tỉnh lỵ là thành phố Ðồng Hới. Nhưng còn từ bên này sang bên kia sông và từ hạ nguồn đến thượng nguồn sông Gianh là cả một sự cách trở vời vợi. Chỉ có phà, thuyền để qua sông, song những chiếc phà cũ kỹ không thể oằn lưng chịu mãi được sự khắc nghiệt của mưa nắng miền trung. Không riêng gì vùng nam thị xã mà cả vùng rộng lớn bên kia sông Gianh đều trong tình trạng đò giang trễ nải như vậy. Sông Gianh nhiều cồn bãi nên mỗi mùa mưa lũ, sự cách biệt lại kéo dài cả tháng. 

Sau cầu Gianh, cầu Quảng Hải được xây dựng để thay cho bến đò ngang. Tuy nhiên, quá trình xây dựng cây cầu khá ì ạch, nhiều người ở xã Quảng Hải chưa kịp hưởng lợi thì xảy ra vụ chìm thuyền ngang sông đầu năm 2009 làm gần 50 người chết gây chấn động cả nước. Đến khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thì cầu mới được thực hiện nhanh hơn và hoàn thiện để sử dụng. Bây giờ hệ thống cầu Quảng Hải vẫn giữ vị trí quan trọng nhất để kết nối đôi bờ sông Gianh của thị xã Ba Đồn. Dòng Gianh êm đềm và hiền hòa là vậy nhưng cũng có lúc hung dữ và man dại. Tôi nhớ trận lũ lịch sử năm 2010, sông Gianh trở nên hung hãn, bên này từ quốc lộ 12A nhìn sang bên kia là biển nước cuồn cuộn chảy. Chiếc cầu làm vững tin cho hàng vạn người dân bên kia dòng sông để chống chọi với trận đại hồng thủy. Chủ tịch thị xã Ba Đồn Đoàn Minh Thọ chia sẻ, ở giữa cồn bãi sông, mỗi khi nước lũ về là ngập sâu, nên chiếc cầu không chỉ là gạch nối về giao thông mà nơi đó còn là vị trí để người dân đưa các loại xe ô-tô, máy nông cụ, thậm chí trâu bò lên tránh lũ; đó cũng là nơi tập kết lương thực, nước uống để cứu trợ khẩn cấp cho người dân một cách kịp thời nhất, hoặc là nơi để sơ tán tạm bà con trong các ngôi nhà ngập sâu trước khi đưa đến nơi an toàn. 

Sau cầu Quảng Hải, Quảng Bình xây dựng được 10 cây cầu “nối những bờ vui” trên dòng sông Gianh để nỗi buồn xưa đã hóa lời gió hát “Bây chừ sang sông không phải đợi đò/Bắc cầu sông quê cho đôi lứa hẹn hò”. 

Đặc sản sông Gianh

Chiều đầu hè, Nam-người bạn vốn làm nghề nuôi cá lồng trên sông Gianh hẹn tôi làm chuyến ngược thượng nguồn. Nam cho biết, sông Gianh sau khi “trườn” ra khỏi dãy Trường Sơn hùng vĩ rồi uốn lượn qua hàng trăm làng mạc và vô số rặng núi đá vôi từ Minh Hóa về Tuyên Hóa qua Quảng Trạch, Ba Đồn trước khi đổ ra Biển Ðông. Trên hành trình đó, sông nhiều lần nhập, tách dòng tạo nên nhiều nhánh nhỏ (rào) mang những sắc thái khác nhau, khi ồn ào rộng lớn, lúc êm đềm uốn lượn. Phía thượng nguồn, sông Gianh được hợp lưu bởi hai dòng là nguồn Nậy (rào Nậy) và nguồn Trổ (rào Trổ). Ngoài ra, còn nguồn Nan (sông Rào Nan) từ phía tây Tuyên Hóa và nguồn Son (sông Son) từ hệ thống sông ngầm Phong Nha-Kẻ Bàng nhập với sông Gianh ở ngã 3 Văn Phú. 

Với cư dân bên sông như Nam, dòng sông như sợi dây vô hình kết nối con người với sông Gianh. Nam đưa tôi đến sông Gianh đoạn chảy qua thôn Tiên Xuân, thị xã Ba Đồn để tìm hiểu nghề cào chắt chắt. Khúc sông này không rộng nhưng là đoạn hợp lưu giữa hai dòng nước mặn - ngọt của dòng Gianh tạo nên môi trường sinh sống của con chắt chắt, thành nguồn nuôi dưỡng bao thế hệ cư dân cồn bãi và cũng tạo nên một món đặc sản dân dã mang nặng ân tình sông Gianh. 

Dưới cái nắng mỏng đầu hè, chúng tôi ghé lại thuyền của chị Nguyễn Thị Mai ở xã Quảng Tiên đang cào chắt chắt. Con thuyền cắm bãi đứng một chỗ, nước ngang nửa thân người, chị Mai đi ngược dùng chiếc cào, cào sâu vào đất. Đoạn, chị đưa cào lên đổ một mớ chắt chắt lẫn trong đất, đá vào cái sàng; người phụ nữ đi cùng sàng nước để gạt đất đá, rồi đổ ít con chắt chắt vào chậu nhôm nổi trên mặt nước. Công việc cứ lặp đi lặp lại cho tới khi chắt chắt ít đi thì họ nhổ sào, di chuyển thuyền đến khu vực khác. Chị Mai chia sẻ, nghề cào chắt chắt không nặng nhọc nhưng phải ngâm nước từ sáng tới trưa. Người đi cào chắt chắt thường bới thêm cơm, nước để nghỉ trưa trên thuyền, có khi chỉ vài củ khoai, miếng bánh qua loa cho xong bữa rồi tiếp tục cào. Mỗi thuyền có hai người và cứ hai ngày đi một chuyến. Nghề cào chắt chắt phụ thuộc vào con nước, nếu thủy triều dâng cao thì không cào được hoặc thu rất ít chắt chắt. Chị Mai nói thêm, cào chắt chắt đã thành nghề truyền thống của gia đình. Dọc hai bờ ven sông, nhiều chiếc nón trắng thấp thoáng trên mặt nước đang hì hục cào từng mớ chắt chắt. Tiếng soàn soạt của nước, tiếng cười đùa của các chị làm rôm rả cả khúc sông. Nhiều người nhầm tưởng chắt chắt là con hến nhưng không phải vậy. Chắt chắt chỉ nhỉnh hơn chiếc cúc áo, vỏ mỏng hơn hến, lại sống trong khu vực nước “lập lờ” mặn, ngọt và hầu như riêng có ở đoạn sông này. Với người dân nơi đây, dường như trong mỗi con chắt chắt luôn chất chứa vị ngọt ngào của phù sa dòng Gianh, giọt mồ hôi chát mặn của người đi cào nên có vị riêng không lẫn vào đâu được.

Ngoài chắt chắt, con sá sùng mà dân gian tương truyền dùng để tiến vua trong các bữa ngự yến xa xưa cũng là một đặc sản sông Gianh. Sá sùng na ná giun đất nhưng có phần to hơn, chuyên sống ở các đụn cát tại nơi giao nhau giữa sông và biển. Muốn săn được sá sùng, ngoài việc tốn công dò dẫm thì còn phải tinh mắt, nhìn đúng hang mà chúng sống. Khi thấy hang thì dùng lưỡi mai cắm thật sâu và chặn bắt. Săn sá sùng không đơn giản vì khi bình minh chưa lên chúng đã rúc sâu vào hang. 

Chiều trên cầu Gianh lộng gió, trong dòng xe hối hả dọc đường thiên lý, lòng tôi rộn lên cảm xúc bi tráng về một thời binh đao, chia cắt để rồi nhận ra dòng sông Gianh vẫn muôn đời bí ẩn và rất đỗi tự hào.