Séo Mý Tỷ - Ốc đảo nơi lưng trời

Hồi chưa có đường vào, dân du lịch hầu như ai cũng mơ có một ngày được đặt chân đến Séo Mý Tỷ để tận mắt chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ đến ngất ngây vùng lõi của Vườn quốc gia Hoàng Liên. Bây giờ, có thể đi xe máy vào tận nơi, Séo Mý Tỷ - một thôn heo hút của xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai - vẫn khiến nhiều người bao lần lên rồi đành ngậm ngùi về giữa chừng, vì mưa gió, sụt đường, lở núi, đoạn dốc cao nối tiếp, quanh co, khúc khuỷu, đá hộc ngổn ngang trên mặt đường. Mấy ngày mưa này, vào đến nơi, bơ phờ gặp trưởng thôn Hạng A Táng, cô bạn tôi không khỏi thốt lên nhọc nhằn: “Đá trên đường đi như thở ra khói ấy anh Táng ạ”.

Du khách trải nghiệm đi thuyền khám phá hồ Séo Mý Tỷ.
Du khách trải nghiệm đi thuyền khám phá hồ Séo Mý Tỷ.

Hòn ngọc trên mây

Cách đây vài năm, Séo Mý Tỷ, hay Séo, vẫn là cái tên khá xa lạ với chính người dân ở Sa Pa, chưa nói gì đến khách ở xa. Tháng tám, những cơn mưa bất chợt đến rồi đi, dưới cái lạnh bắt đầu tê người, vượt qua trung tâm xã Tả Van, đoàn chúng tôi có bốn người, hai xe vặn ga hướng về thôn Séo Mý Tỷ, đi sâu hun hút lên cao rồi xuống thấp, từng cung đường bẻ ngoặt trong sương mù, cheo leo như đi trong chuyện cổ tích. Nói Séo Mý Tỷ là ốc đảo không ngoa, vì chọn một điểm trên sườn núi nhìn xuống, sẽ thấy vùng đất này nằm trọn vẹn trong một mặt bằng, giữa cây xanh và sương bao phủ, giống như một ốc đảo heo hút trên vách đá dựng đứng, ngang với lưng trời. 

Cách trung tâm thị xã Sa Pa 20 km, Séo Mý Tỷ nằm tách biệt trên núi ở độ cao hơn 1.600 m so mực nước biển. Nơi đây được mẹ thiên nhiên ưu ái ban cho cảnh sắc tuyệt đẹp - vẻ đẹp của những ngọn núi trùng điệp hòa vào khí hậu mát mẻ, trong lành. Quả không sai khi đã có người ví nơi đây là một “tiểu Đà Lạt” của vùng Tây Bắc. Thôn có diện tích khoảng 150 ha với gần 100 hộ dân sinh sống chung quanh một lòng hồ thủy điện diện tích khoảng 60 ha. Đây có lẽ là hồ nước nhân tạo cao nhất Việt Nam, quanh năm nước xanh trong như ngọc, bồng bềnh trong mây. 

Mọi thời điểm trong ngày hồ Séo Mý Tỷ đều đẹp, nhưng đẹp nhất có lẽ là vào thời khắc sáng sớm, khi làn sương mờ giăng phủ trắng xóa trên mặt hồ, lúc bình minh những tia nắng đầu tiên soi chiếu xuống mặt nước tạo khung cảnh huyền ảo, hoặc khi chiều tàn, hoàng hôn buông xuống, chỉ còn vệt nắng cuối cùng vương vấn trên mặt hồ lung linh. 

Mấy năm chúng tôi mới quay lại, thấy rõ Séo đã đổi thay hơn nhiều. Người dân biết cách chăm chút cuộc sống hơn, những nếp nhà cũng sạch sẽ chỉnh tề hơn. Dù vậy, cái mộc mạc của một bản vùng cao vẫn còn đó. 

Séo giống như một hòn ngọc quý, giữa lúc người ta đang không ngừng than thở nuối tiếc cái thời của Sa Pa mà “chỉ nghe đến tên người ta đã nghĩ tới việc nghỉ ngơi”. Nếu như đỉnh đèo Ô Quy Hồ bây giờ kín mít hàng quán, những chòi canh mọc lên thành các điểm “check-in sống ảo”, hầu như không còn chút phong vị sương mù bảng lảng nào, thì Séo Mý Tỷ, may sao vẫn còn những thời điểm mà chỉ chớp mắt đã thấy sương mù ùa vào đầy nhà, len lỏi qua từng ngóc ngách mỗi căn nhà. 

“Mùa hè ở đây là đẹp nhất, ra hồ thưởng thức món cá nướng đầy mùi khói, chấm một chút muối chanh với mắc khén và thưởng thức, nhấp chút rượu nơi đây không có gì tuyệt hơn?”, anh Táng trưởng thôn hồ hởi nói cười chia sẻ với chúng tôi.

Séo Mý Tỷ - Ốc đảo nơi lưng trời -0
Người dân giới thiệu cho du khách về sản phẩm thổ cẩm địa phương. 

Chọn đi đường dài

Tiếp tục hành trình khám phá Séo Mý Tỷ, anh Táng loắt thoắt đi trước dẫn chúng tôi qua một đường mòn, men theo dòng suối nhỏ với những cổ thụ lâu đời mọc xanh mướt hai bên. Mở ra trước mắt là ba bể cá hồi, cá tầm được gia đình anh Giàng A Tủa nuôi gần bốn năm nay. Những chú cá quẫy đuôi trong làn nước trắng xóa, con nào con đó cũng to tầm 4 - 5 kg. Từ ngày học hỏi kinh nghiệm nuôi cá nước lạnh ở các xã khác cùng với sự hỗ trợ từ cán bộ phòng nông nghiệp thì gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư bể, cá giống để nuôi cá hồi, cá tầm. Mỗi năm doanh thu đạt gần 200 triệu đồng, trừ đi chi phí gia đình anh Tủa cũng để ra được khoảng 70 triệu đồng. Với số tiền đó anh tu sửa lại nhà cửa, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ làm kinh tế và con cái anh cũng được đi học đầy đủ. 

Từ một khu ruộng trên cao, ngắm trọn Séo Mý Tỷ, trưởng thôn Táng kể cho chúng tôi nhiều câu chuyện về mảnh đất này. Anh bảo, mới vài năm trở lại đây, Séo Mý Tỷ mới có đường cho xe máy và có điện. Hơn chục năm trước để ra trung tâm xã chúng tôi toàn đi bộ vượt hết quả đồi này tới quả đồi khác mất gần một ngày liền để đi đi, về về. Ngày ấy ở đây còn nghèo lắm, quanh năm người dân nơi đây bám với ít lúa nương mà không đủ ăn, lấy đâu tiền cho con cái đi học cái chữ. Vì vậy cái nghèo, cái đói cứ quanh quẩn hết năm này tới năm khác.

Công trình hồ thủy điện nhân tạo xuất hiện, giống như một cuộc cách mạng. Nhiều hộ dân như Tủa đã biết cách tận dụng nguồn nước để nuôi cá hồi, cá tầm ở trong rừng và cá lồng trên lòng hồ. Tận dụng thêm cảnh quan hiếm để phát triển du lịch, nhiều người ở đây bắt đầu khấm khá hơn. Du khách tới cắm trại, đi thuyền trên sông, trải nghiệm văn hóa bản địa, từ đó người dân ở đây cũng có đồng ra, đồng vào. Hiện, thị xã Sa Pa đang khuyến khích bà con nơi đây phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của người H’Mông để thu hút du khách, tăng thêm thu nhập. Ngoài ra địa phương còn có dự án tập huấn cho người dân nâng cao kiến thức tiếp cận với sự phát triển du lịch. Năm nay Covid-19 làm mọi thứ ngưng trệ, một thôn bản mà du lịch mới chỉ vừa le lói, bỗng gặp vật cản, nên mọi thứ cũng buồn hơn. 

Hôm chúng tôi đến, thấy mô hình nuôi cá lồng để khách tham quan khám phá vẫn đang hoạt động. Khi khách nước ngoài giảm mạnh, tháng trước, lượng khách nội địa đang dần trở lại thì bắt đầu đợt dịch Covid-19 lần nữa, cũng chưa rõ lần này kéo dài bao lâu. Nhưng người dân Séo Mý Tỷ vẫn thấy lạc quan. Mới bắt nhịp với du lịch vài năm, cú sốc lần này chưa khiến ốc đảo này kiệt quệ được. Ngược lại, khi tách khỏi những kế hoạch xây sửa, từ trong ốc đảo, người dân vẫn lặng lẽ ổn định cuộc sống theo cách riêng của mình. 

Những mái nhà đặc trưng của người H’Mông ở Sa Pa vẫn được dựng hoặc sửa sang lại. Chúng tôi đã ngó thấy mấy căn nhà với phần mái là lớp ván pơ mu đang được gia cố như chỉ chờ để có dịp khoe với gần xa. Ruộng bậc thang đang xanh ngắt, chỉ hơn tháng nữa là bắt đầu mùa lúa chín. Chúng tôi vào nhà Giàng A Quả, anh chàng vẫn nồng nhiệt thổi nồi xôi ngũ sắc từ gạo nhà trồng được mang ra mời, không quên chén rượu men lá đưa đẩy. Dù ít khách tới, tầm này có nhiều ngày không có khách, nhưng nhà Quả vẫn đón tiếp đầy đủ, không thiếu dịch vụ nào. 

Nhà của Quả có một tán cổ thụ rất lớn, nhìn thẳng ra hồ Séo Mý Tỷ. Nhờ vị trí đắc địa này mà Quả quyết tâm dựng nhà. Mới chỉ một năm, anh thanh niên 30 tuổi đã là một điển hình thoát nghèo của xã. Quả bảo hồi mới mở năm 2019, có tháng anh đón hơn 100 lượt khách lưu trú, thu nhập trừ đầu đuôi cũng lãi hơn 20 triệu đồng. Đó là con số nghe qua không lớn với vùng quen du lịch như Sa Pa, nhưng lại là con số đáng khích lệ ở Séo Mý Tỷ. Ngay cả bây giờ, khi khách đã ít đi đáng kể, Quả nói cũng không đáng lo ngại, vì anh tính đường dài. Không nhằm vào lượng khách “một đi không trở lại”, Quả và nhiều người ở Séo Mý Tỷ xây dựng hình ảnh bằng sự nhiệt thành, cẩn thận, chỉn chu trong cách phục vụ. Ngay cả khi Covid-19 đang hoành hành, người ta vẫn âm thầm chuẩn bị để chờ ngày lại mở cửa. 

Tôi vẫn gọi Séo Mý Tỷ là một Sa Pa khác. Có thể, vùng đất này gợi nhớ tới Sa Pa của những ngày xa xưa. Ở Séo, không phải là lo âu chặt chém, đông người, nhốn nháo, mà là biết bao hình ảnh đẹp về thiên nhiên, về tấm chân tình của đồng bào dân tộc sinh sống trên lưng chừng trời, về sự hoang hoải bình yên và kiếm tìm hạnh phúc.