Phòng, chống thảm họa kép: Việc cần làm ngay (Kỳ 1)

Giữa lúc dịch Covid-19 còn phức tạp, việc phòng, chống bão lụt gắn phòng, chống dịch đang là vấn đề lớn đặt ra. Làm gì để vừa chủ động ứng phó thiên tai hiệu quả, bảo đảm tính mạng, tài sản cho người dân, vừa giữ được an toàn trong dịch bệnh. 

Bão năm 2020 đánh tan hoang bờ biển ở Quảng Nam.
Bão năm 2020 đánh tan hoang bờ biển ở Quảng Nam.

Kỳ 1: Ngổn ngang lo bão chồng dịch

Theo dự báo, với các tỉnh miền trung, đỉnh điểm mùa mưa bão năm nay sẽ vào tháng 10, tháng 11. Mưa bão, sóng biển cao kết hợp triều cường là mối đe dọa cho các địa phương ven biển. Trong khi đó, hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, nguy cơ lũ ống, lũ quét sạt lở đất luôn rình rập ở khu vực miền núi. Những lo lắng khi nhìn lại các mùa mưa bão đã qua và cơn bão dịch hiện nay đang là nỗi ám ảnh.

Nỗi sợ thường trực

Gần trưa, anh Hồ Văn Dượng ở thôn Gò Rô, xã Trà Phong, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) chạy xe máy đi tìm quán mua ít thực phẩm cho gia đình. Ra đến đầu thôn, anh dừng tại chốt kiểm soát để xin giải quyết. Sau một lúc anh em trực ban giải thích, anh quay xe trở về chờ địa phương hỗ trợ.

Thôn Gò Rô nơi gia đình anh Dượng ở, gần đây bị phong tỏa hơn một tuần qua do ca bệnh Covid-19. Ở trong nhà tránh dịch bệnh, nhưng anh nơm nớp nỗi lo sạt lở. Những năm trước mưa lớn kéo dài, gia đình anh cùng bà con trong làng tá túc tạm nhà văn hóa. Năm nay, dịch bệnh anh lo sợ tập trung tránh bão sẽ nhiễm Covid-19. Cơn bão đầu mùa đi qua nhưng băn khoăn, lo lắng cho nhiều cơn bão nối tiếp giữa mùa mưa lớn. “Ở nhà thì sợ sạt núi nguy hiểm mà di dời tập trung thì lo dịch bệnh lây cả nhà mình. Nếu mưa lớn thì đi thôi chứ làm sao”, anh Dượng băn khoăn. Bà Hồ Thị Hoa ở thôn Gò Rô, cũng nơm nớp: “Nhà mình ở gần khu cách ly và hay đi qua lại. Nay phải ở trong nhà không được đi ra đường nên chưa biết mưa bão sẽ làm sao”.

Từ dưới đường nhìn lên, căn nhà bà Hồ Thị Hồng ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện Trà Bồng nằm sát chân núi. Đây là nơi gia đình bà sinh sống mấy chục năm qua. Sau nhà, vách núi dựng đứng. Mưa lớn dai dẳng năm ngoái khiến cây trên núi bật gốc lôi theo đất đá đổ xuống. Vết sạt lở ngày càng khoét sâu với nguy cơ lở núi không lường được. Gia đình đã nhiều lần di tản mỗi khi có tin báo bão. 

Trước cơn bão số 5 và số 6 vừa rồi, nhà bà Hồng cùng năm nhà chung quanh được địa phương chuyển đến trường học gần UBND xã. Năm nay, bà Hồng thêm bất an vì mới đây thôi, cả thôn bị phong tỏa do có nhiều ca bệnh Covid-19. Phía trước là nguy cơ nhiễm bệnh, phía sau là núi sạt có thể đổ ập bất cứ lúc nào.

Còn nhà ông Nguyễn Văn Nam nằm trên mặt phố kinh doanh sầm uất thuộc phường Hồng Sơn, TP Vinh (Nghệ An). Đợt vừa rồi, ông Nam thường trực lo lắng bởi khu phố ở ngay cạnh chợ đầu mối Vinh - một trong những ổ dịch làm lây lan dịch bệnh, là vùng đỏ Covid. Khu chợ đầu mối và các tuyến phố kinh doanh chung quanh lại thấp trũng, hễ mưa lớn là ngập sâu, phường và thành phố phải điều các lực lượng hỗ trợ tiểu thương sơ tán hàng hóa đến nơi an toàn. “Chính vì thế, bà con hết sức lo lắng! Bởi tổ chức đoàn nhiều người đến cứu hàng hóa trong mưa bão thì rất khó bảo đảm 5K phòng, chống dịch. Khác với mọi năm, khi nghe dự báo thời tiết là chúng tôi đã tự đưa dần hàng hóa lên cao, đến nơi an toàn cũng như chưa nhập hàng hóa, nhằm hạn chế việc ứng cứu như trước đây”, ông Nam chia sẻ. Đó cũng là nỗi lo chung của người dân ở vùng thấp trũng, lại từng nằm trong vùng đỏ dịch bệnh của TP Vinh như các phường Bến Thủy, Vinh Tân… 

Bão số 5 và 6 như cú “nhá hàng” đầy lo lắng cho người dân xã đảo Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam). Đây là xã đảo mà vào thời điểm đó có hai khu dân cư Tân Lập và Long Thạnh Đông trong diện phong tỏa. Ông Huỳnh Văn Thành ở khu Tân Lập kể: “Những năm trước còn xúm tụm vào nhau, gánh đỡ cho nhau cái thuyền, căn nhà ọp xẹp. Năm ni, bão về, dịch vầy... khó mà chạy tới chạy lui đỡ đần cho nhau”.

Nhớ lại năm trước, bão to, sóng lớn đánh sạt lở bờ biển, ảnh hưởng nặng nề nhiều tài sản của nhiều nhà hàng, resort. Dọc bờ biển, cảnh hoang tàn suốt cả năm qua. Chủ nhà hàng Yang Yang bị vỡ nát vì bão - Lê Thị Vân trải nỗi niềm: “Chờ đợi thôi. Chờ đợi dịch qua, chờ đợi bão đến…”. Dự báo diễn biến mưa lũ năm nay tại tỉnh Quảng Nam sẽ khó lường. Như đợt vừa qua, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã tại các huyện miền núi bị đứt gãy đã gây khó khăn trong giao thông, cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân.

Phòng, chống thảm họa kép: Việc cần làm ngay (Kỳ 1) -0
Trường học tốc mái ở Trà Bồng, Quảng Ngãi. 

Khó bề xoay xở

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, tính đến cuối năm sẽ có khoảng 6 - 8 cơn bão đổ bộ vào nước ta. Trong những tháng cuối năm này, bão thường đổ bộ vào khu vực miền trung nên cần đề phòng nhiều tình huống xấu, liên tiếp xảy ra. Quốc lộ 14G và tuyến đường ĐT 601 đi qua địa bàn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cũng là tuyến huyết mạch thông lên huyện Đông Giang và Tây Giang (Quảng Nam), hằng ngày có lượng người và xe cộ lưu thông nhiều. Vừa qua, chính quyền xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã phối hợp cơ quan chức năng cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân nhận biết, đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế lưu thông qua khu vực nguy hiểm trong thời điểm mưa bão. Tuy nhiên, việc rất cần là sớm khắc phục để tình trạng đường sá có thể trở lại bình thường. Ông Nguyễn Văn Mạnh, thôn Phò Nam (xã Hòa Bắc, Hòa Vang), cho hay: “Tôi chạy xe tải 2,4 tấn trên đoạn đường này. Sau bão số 5 và những cơn mưa vừa qua, mặt đường bị sạt lở, đất nhão, mỗi lần đi xe máy rất dễ bị trượt ngã, ô-tô thì rất dễ bị thụt ổ gà, sa lầy trong bùn nhão. Mong các cơ quan chức năng sớm sửa chữa để việc đi lại của dân được thuận lợi”.

Hoặc như ông Lê Trung Lễ, chủ phân xưởng đóng đồ đường Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng) cho biết, xưởng mộc của ông đã đóng cửa vì dịch. Bão đến, ông cũng phải đóng cửa tiếp vì sự an toàn cho người lao động. “Tôi đang nghĩ hay chuyển toàn bộ phân xưởng vào Đại Lộc (Quảng Nam) để hoạt động. Nhưng bây giờ, nghĩ cũng không xong”, ông Lễ nói.

Sang địa bàn các xã biển TP Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) nơi có nhiều ca bệnh Covid trong cộng đồng, chính quyền chọn các trường học, nhà văn hóa, trụ sở cơ quan làm nơi tập trung di dời dân nếu thiên tai từ biển ập vào. Tuy nhiên, lượng di dời dân lớn trong khi phải bảo đảm an toàn về khoảng cách để phòng dịch, nhiều địa phương vận động người dân, cụm dân cư có nhà kiên cố tiếp nhận người đến từ vùng sạt, bà con ở tạm bợ nguy hiểm để tránh trú bão. “Chúng tôi vận động thêm nhiều nhà kiên cố, thêm nhiều địa chỉ an toàn trong xã để bố trí các hộ ở xen ghép nếu bão lớn. Nguy hiểm từ dịch dã, mưa bão gấp đôi thì mình phải lo gấp đôi. Hạn chế thấp nhất thiệt hại con người, tài sản”, Chủ tịch UBND xã Bình Châu Lê Văn Nguyên dự tính trước.

(Còn nữa)

“Dịch không được ra khỏi nhà mà mưa lớn lở sạt thì sao! Mình 70 tuổi già rồi không sợ chết chứ còn cháu nhỏ thì tội tụi nó… Năm ngoái chạy tránh bão rồi, năm nay tới chỗ đông người tránh bão lỡ nhiễm bệnh thì sao”, bà Hồ Thị Hồng chau mày trầm ngâm.