Những người “cuốc đất” (Kỳ 2)

Kỳ 2: Phát triển kinh tế golf

Người chơi tại sân golf Hilltop (Hòa Bình).
Người chơi tại sân golf Hilltop (Hòa Bình).

Không cần học hết THPT cũng có thể đi làm caddie (người phục vụ). Thậm chí làm caddie có thể mua ô-tô. Đây chỉ là viễn cảnh riêng của những người làm caddie hay như một bức tranh tổng thể về sự phát triển của golf Việt Nam. Rõ ràng ở nước ta, hệ thống sân golf phát triển sẽ đem lại cơ hội việc làm cho nhiều người. Thu nhập từ sân golf cũng góp phần giúp đời sống xã hội của khu vực chung quanh ít nhiều thay đổi. Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng việc quy hoạch hệ thống sân golf cho phù hợp và hiệu quả là việc phải làm.

Từ môn thể thao khu biệt

Caddie có xe ô-tô đi làm là những trường hợp hiếm hoi. Nghề làm caddie, chủ yếu sống bằng tiền thưởng của khách. D., một caddie nữ sân Đồng Mô (Sơn Tây) kể: “Sân em người ta kín lắm, nên chắc có ô-tô cũng không đi đâu. Nhưng em có nghe ở sân khác có caddie nữ đi làm bằng ô-tô thật”. Thông thường một caddie thu nhập trung bình từ 12 - 13 triệu đồng/tháng. Nếu chăm chỉ đi làm thì thu nhập này còn cao hơn cả lương trung bình của công nhân đi làm trong các khu công nghiệp. 

Thu nhập khá cao lại không phải đi làm ca kíp đêm hôm. Con số trên cũng chưa phải là giới hạn, có caddie thậm chí thu nhập nhiều hơn nhiều lần. Nó phụ thuộc vào  mối quan hệ giữa caddie và khách thân thiết (khách ruột). Caddie giỏi, làm lâu năm thường có những “mối riêng” (khách hàng riêng) của mình. Những vị “khách ruột” đã lên sân đều thường chỉ đặt riêng caddie quen. Caddie nữ đôi khi không cần giỏi, nhưng caddie nam thì bắt buộc phải giỏi thì mới có “khách ruột” hời. Có những caddie nam giỏi đến mức sau dần chuyển sang chơi và đi thi đấu golf. 

Trong giới golf Việt Nam có những tay golf xuất sắc xuất thân từ caddie như Nguyễn Hữu Quyết và Doãn Văn Định. Tuy chưa thể sánh được với trình độ của các golf thủ chuyên nghiệp thế giới, nhưng vẫn có thể coi đây là những „câu chuyện cổ tích“ trong làng golf Việt Nam.

Tới ngành dịch vụ béo bở

Thống kê năm 2016, golf đóng góp 84 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ. Đó là chưa kể đến giá trị của thị trường dụng cụ cho golf. Quy mô thị trường golf tại Nhật Bản được ước tính gần 12 tỷ USD. 

Ở Việt Nam, mỗi sân golf trung bình tạo ra từ 300 đến 400 công việc, đồng thời nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ 30 đến 50 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó là hệ thống các dịch vụ đi kèm như ăn uống, huấn luyện, dụng cụ… Dễ thấy nhất là quanh các cổng sân golf bao giờ cũng có rất nhiều nhà bày trước cửa cả tủ các quả bóng nhiều mầu sắc xếp thành đống. Nhiều người đi qua còn lầm tưởng họ đang bán trứng. Nhưng thực chất họ đang bán bóng golf cũ (không như các nước khác, người chơi Việt Nam thường chơi bóng cũ để tiết kiệm chi phí). Ít ai biết rằng, những quả bóng đó cũng mang đến một nguồn thu nhập đáng kể cho chủ nhân. 

Chưa có con số thống kê cụ thể golf đã đóng góp bao nhiêu cho nền kinh tế Việt Nam. Nhưng chỉ nhìn khía cạnh người nước ngoài chơi golf tại Việt Nam có thể thấy triển vọng. Người Hàn Quốc và Nhật Bản cực kỳ đam mê đánh golf. Đặc biệt những gia đình Hàn Quốc sang Việt Nam sống và làm việc, cả vợ lẫn chồng đều đam mê “trái bóng nhựa”. 

Tại những chung cư cao cấp tập trung người Hàn tại Hà Nội, người ta thường thấy cảnh các bà nội trợ Hàn tụ tập đi đánh golf các ngày trong tuần. Đến cuối tuần, vợ ở nhà và lại đến lượt các ông chồng lên sân. Trước dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến Việt Nam chơi golf kết hợp nghỉ dưỡng lên tới hàng trăm nghìn lượt. Họ đem lại nguồn ngoại tệ không nhỏ cho đất nước. Đối với người chơi golf Hàn Quốc hay Nhật Bản thì Việt Nam là một thiên đường. Khí hậu gần xích đạo, golf có thể chơi ở Việt Nam quanh năm (những nước ôn đới mùa đông không thể chơi golf do mặt đất bị đóng băng). Cộng với đó các chi phí đi kèm đều rẻ hơn đáng kể. Riêng tại Đà Nẵng, số người Hàn Quốc sang du lịch kết hợp đánh golf đã góp phần đẩy lượng khách Trung Quốc xuống hàng thứ hai (số liệu năm 2016). Không phải tự nhiên mà ba năm liên tiếp  (từ 2017 - 2019), Việt Nam còn được gọi tên “Điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương“ (theo tạp chí Asia Golf).

Cách đây không lâu, có một số ý kiến lo ngại tình trạng “tăng trưởng nóng” sân golf. Từ đó nảy sinh các vấn đề như ô nhiễm môi trường, mất đất nông nghiệp, mất đất rừng phòng hộ lẫn rừng tự nhiên… Những lo ngại đó không phải không có cơ sở. Giữa tháng 6/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa quyết định thu hồi một dự án sân golf 268 ha tại huyện Đức Trọng. Toàn bộ rừng thông trên phần đất đã bị phá “tan nát”. Trong khi đó sân golf vẫn chưa đặt viên gạch đầu tiên mặc dù được phê duyệt từ năm 2007. 

Tại Hòa Bình, UBND tỉnh đã duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án sân golf Hòa Bình trên diện tích hơn 140 ha đất trồng rừng của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình (đã có quyết định thu hồi 61,58 ha). Quyết định phê duyệt trên được Thanh tra Chính phủ nhận định chưa đúng quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. 

Tiếp đó, hàng loạt những bất cập liên quan đến các dự án xây dựng sân golf của tập đoàn FLC. Các dự án xây sân golf của FLC tại Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, đã bị “tố” lấn chiếm hàng trăm ha rừng phòng hộ. Những vấn đề trên đang được chính quyền và doanh nghiệp dần dần tháo gỡ, giải quyết. Bên cạnh đó, việc cấp phép xây sân golf mới cũng đang được cân nhắc xiết chặt dần. 

Nếu có ai đó vô tình nhìn thấy hình bóng của “Số đỏ” (tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng), hoặc những thói đời… đâu đó trong golf. Điều đó hoàn toàn có thể hiểu được vì nó là hai mặt của một vấn đề. Sẽ luôn có những người coi golf là một “sân khấu nhỏ” để họ phô diễn bản thân. Sẽ luôn có những người chơi golf nhưng chưa thật sự tìm đến được giá đích thực của trò chơi. Nhưng vượt lên tất cả, mọi thứ đang dần thay đổi theo chiều hướng tích cực. Golf đang ngày một lan tỏa và thứ “văn hóa golf” cũng đang dần được định hình. Người chơi đang “ngấm dần” thứ quy tắc trên sân khiến họ trở nên tự giác, kỷ luật và thư thái hơn bao giờ hết. Trò chơi không đơn thuần là cuộc chơi, nó tiến hóa dần thành các giá trị kinh tế cũng như an sinh xã hội. Golf đang dần có được chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam.

Việt Nam hiện đang có khoảng 70 nghìn người chơi golf. Đây là một con số tương đối, được xác thực trong giới chứ chưa có cơ quan nào đứng ra thống kê. Tuy nhiên, golf đang có những bước phát triển vững chắc cả về chất lẫn về lượng. Nó càng không gói gọn trong cái khuôn khổ là một “môn thể thao quý tộc”. Càng ngày càng có nhiều người Việt Nam có đủ điều kiện tiếp cận và đam mê cùng golf. Càng đi sâu vào, người ta sẽ càng nhận ra cái trò “cuốc đất“ không đơn thuần chỉ là một môn thể thao. Nó như một thứ gì đó thúc đẩy bản thân hoàn thiện hơn, hoặc cũng có thể làm bộc lộ những bản ngã vốn có trong mỗi con người!