Những ngày giăng dây

“Bi chưa ngủ hả? Bi ăn cơm chưa?”… “Jun đang làm gì đó?”. Cuộc trò chuyện ngắn qua cuộc gọi hình ảnh của hai bé nhỏ ba tuổi, học chung lớp mầm non, ở cùng chung cư, cách nhau mấy tầng lầu trong những ngày bị phong tỏa khiến ba mẹ đôi bên cảm thấy ấm áp vô cùng. Như nhiều cư dân đang sống tại chung cư An Phú Đông (quận 12, TP Hồ Chí Minh), ba mẹ bé Jun là anh Dũng, chị Hằng đang có những trải nghiệm “trước đây chưa từng” khi vừa bị… giăng dây, ca F0 cùng tầng, chỉ cách nhà vài căn.  

Gia đình anh Dũng, chị Hằng đi lấy mẫu xét nghiệm tại chung cư.
Gia đình anh Dũng, chị Hằng đi lấy mẫu xét nghiệm tại chung cư.

Những bịch đồ treo trước cửa

Cách đây vài bữa, khi nghe chung cư mình ở chuẩn bị phong tỏa, tầng có F0 sẽ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, anh Nguyễn Dũng hơi lo vì nhà chỉ còn ít gạo với vài hộp sữa cho con trai. Chiều đi lấy mẫu xét nghiệm xong, anh Dũng đăng dòng trạng thái trên facebook cá nhân kèm câu nói “Tụi em vẫn ổn”. Ngay sau đó, điện thoại anh Dũng ngập tràn tin nhắn, cuộc gọi. “Em cần gì không chị gửi qua liền?”, “Nhà mình chuẩn bị đủ đồ ăn chưa, để anh đưa qua một ít?” hay “Mọi chuyện ổn chứ? Cẩn thận nhé em trai”, “Anh chị và bé bình an nhé! Cần mua gì cứ nhắn em”… Mặc dù chưa vội nhận sự hỗ trợ nhưng anh Dũng vẫn cảm thấy xúc động, biết rằng tình cảm mọi người luôn đong đầy trong chuỗi ngày khó khăn chồng chất này.

Gửi mua được gạo và sữa, nhà anh Dũng an tâm đóng cửa chờ thông báo, hướng dẫn tiếp theo của ban quản trị chung cư. Ngày thường, lúc rảnh Dũng hay cùng mấy anh em trong khu uống cà-phê trò chuyện, cuối tuần chơi thể thao hoặc cùng làm mồi nhậu. Nay thì mọi hoạt động chuyển sang… online. Anh Dũng tạo ngay nhóm trò chuyện Zalo kết nối các căn hộ cùng tầng 5, nơi đang có ca dương tính. Mọi người cùng động viên nhau, chia sẻ bó rau, mớ cải hoặc những thông tin cần thiết trong mùa dịch. “Mấy bữa trước còn tự do gõ cửa nhà này, ghé thăm nhà kia, giờ vợ chồng, con cái ngồi một chỗ cũng khá bức bí. Nhưng bù lại, đây là giai đoạn mọi người nói chuyện với nhau được nhiều hơn, quan tâm nhau từng li, từng tí. Ban quản trị chung cư gửi tặng rau củ tới các tầng, mọi người nhắn nhau, ai cần ra lấy. Những lúc như thế này mới thấy tình làng, nghĩa xóm đáng quý biết chừng nào. Rồi bạn bè người gửi món này, món kia dù tôi đã từ chối. Họ nói cứ cất đó đến lúc cần. Dịch dã kéo mọi người sát lại gần nhau hơn”, anh Dũng cho hay. 

Bé Jun, con trai anh Dũng có cô bạn thân cùng lớp tên Bi. Nhà Jun tầng năm, nhà Bi tầng 12. Khi chưa phong tỏa, ngày nào hai bạn nhỏ cũng hẹn nhau chơi chung. Rồi lệnh phong tỏa ban hành, cách bảy tầng lầu, bình thường chỉ bấm thang máy là tới, giờ muốn cũng không thể gặp nhau nên vừa buồn, vừa nhớ. Hai đứa trẻ đâu biết dịch bệnh là gì, cứ đòi ba mẹ dẫn qua nhà bạn chơi, không được lại mếu máo. May có công nghệ, lúc nào nhớ quá, hai đứa trẻ lại được gặp nhau qua màn hình điện thoại. Cuộc trò chuyện chỉ là những câu bập bẹ, ngọng nghịu nhưng ánh mắt bé con rực rỡ niềm vui. Nhìn thấy con trai cười giòn tan, cứ nhấn nút trên màn hình thả những biểu tượng hình trái tim bé xíu cho cô bạn thân, ngồi cạnh, chị Hằng chỉ muốn ôm chầm lấy bé vì tự dưng thấy hạnh phúc quá đỗi. 

Cần mua hàng gì, căn hộ của anh Dũng, chị Hằng có thể đặt trực tuyến, nhờ mấy bác bảo vệ nhận giúp, giao tận cửa nhà để tránh tiếp xúc. Ban quản trị thì hỏi thăm, động viên, hỗ trợ rau củ, nhu yếu phẩm mỗi ngày. Chị Hằng nói, không phải quá thiếu thốn nhưng khi rủi ro dịch bệnh càng tới gần, mọi người càng siết chặt tay, dìu nhau qua những ngày khó khăn. Tình cảm đó như tình thân, đáng quý lắm. Chị Hằng trải lòng: “Những bịch đồ treo ngoài cửa, xong gọi nhau mở cửa lấy. Thật ra không gặp nhau nhưng lại thấy rất gần. Các anh chị tầng trên, tầng dưới suốt ngày hỏi nhà hết đồ chưa? Cần mua gì không để anh/chị mua cho. Tôi thấy cuộc sống hạnh phúc và tràn đầy năng lượng tích cực từ những điều đơn giản như thế. Hằng ngày người thân, bạn bè liên tục hỏi thăm, trò chuyện, í ới… biết ơn và hạnh phúc vô cùng. Mỗi ngày tôi không quên cầu mong hết dịch. Cầu mong chị F0 nhà bên nhanh khỏe. Cầu mong hết phong tỏa để được mở cửa cho khí trời ùa vào nhà… Cầu mong Sài Gòn mau khỏe để chúng ta thực hiện những dự định tươi đẹp phía trước”.

Những ngày giăng dây -0
 Thành viên Ban quản trị chung cư The Pegasuite phân phát rau củ quả tận nhà cho các tầng có ca dương tính.

Gần nhau hơn ngày phong tỏa

Nhà ngụ tại xóm lao động nghèo gần Khu chế xuất Linh Xuân (TP Thủ Đức), mấy tuần rồi, chị Nguyễn Thị Phượng tự cách ly tại nhà do có tiếp xúc xa với ca dương tính làm cùng chỗ. Gần hết hạn tự cách ly, điện thoại reo, chị Phượng bắt máy và nghe đầu dây bên kia là tiếng em trai, giọng buồn so “Hẻm nhà chị vừa bị giăng dây đó. Chị không biết gì luôn hả? Rồi đã mua được gì chưa”. Mở tủ lạnh ra, chị Phượng ngớ người vì nhà chẳng còn gì để ăn mấy ngày tới. Rồi gấp rút nhờ em út, bạn bè mua giúp nhu yếu phẩm giao tới, nhà có thêm chút rau, ít thịt. Đếm thời gian hẻm phong tỏa được một tuần, thầm mừng vì sắp được ra ngoài mua cho con ít trái cây, thịt cá bù lại nhiều ngày toàn tinh bột thì phường chị ở nhận ngay lệnh phong tỏa. Phong tỏa chồng phong tỏa, việc tiếp tế hay đặt mua thực phẩm giờ quá khó khăn khiến chị Phượng đâm lo. 

Viết mấy dòng tâm tư trên facebook, chị Phượng ngạc nhiên khi cô bạn cùng lớp đại học hơn 15 năm không liên lạc nhắn tin hỏi thăm. Khi đọc dòng chữ “Khó vậy sao, để tôi gửi vào ít cá, rau ăn qua giai đoạn này nhé!”, mắt chị Phượng ngấn nước. Chị Phượng cảm ơn bạn, nhưng thay vì nhận quà về cất tủ lạnh, chị xin cá cho mấy chục phòng trọ của công nhân trong hẻm. “Mấy tháng nay họ thất nghiệp, giờ thêm phong tỏa sao chịu nổi. Mình có ăn mà nhìn hàng xóm vậy cũng đâu cam tâm. Vài bữa sau bạn gửi vào thùng cá nục nhỏ nặng 20 kg, thêm rau củ, buồng chuối. Bạn không chịu lấy tiền nhưng tôi vẫn gửi một ít để san sẻ cùng nhau. Bạn gửi thêm ít cá ngừ, cá nục to dặn tôi cất riêng, bạn tặng. Nhưng chia cá nhỏ, rau củ xong vẫn còn thiếu, tôi lấy cá to ra chia hết. Chồng tôi cầm bịch ớt đi các nhà, chia mỗi nơi một ít. Buồng chuối to đùng cũng cắt nhỏ, nhà vài trái cho có trái cây mùa dịch. Nhà chỉ còn lại mớ rau, ít củ, vậy mà lòng nhẹ bâng. Có gì ăn nấy, miễn còn gạo là mừng. Mấy nay cũng có đồ tiếp tế, khi bó rau, trái bí, lúc hộp bún, bịch gạo, như bữa nay có hai ổ bánh mì. Chắt chiu qua mùa dịch vậy. Mình khổ nhưng vẫn muốn sẻ chia với người khổ hơn, vậy mới an lòng được”, chị Phượng chia sẻ.

Những ngày phong tỏa đã ít nhiều thay đổi cách nghĩ của anh Nguyễn Ngọc Song Hải (cư dân sống tại chung cư The Pegasuite, quận 8, TP Hồ Chí Minh). Bận rộn với công việc và các mối quan hệ ngoài xã hội, trước giờ, anh Hải xem chung cư đơn giản là nơi để nghỉ ngơi nên đi làm về nhà là đóng cửa, ít trò chuyện, hỏi han hàng xóm. Vậy mà chỉ vài ngày sau khi chung cư phong tỏa, mọi thứ đã khác hẳn. Hôm nọ, khi mở cửa nhà thấy rất nhiều rau củ, gạo được xếp sẵn ở đó từ bao giờ, anh Hải rưng rưng hạnh phúc. Anh Hải bày tỏ: “Ngày xưa tôi cứ nghĩ sống ở Sài Gòn có tiền là được. Chỉ sợ nghèo chứ không sợ sống một mình. Dịch đến mới thấy có tiền chưa chắc sống được vì có nhiều thứ mình đâu mua được. Trước giờ tôi rất thích các hoạt động thiện nguyện và giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình. Chỉ trao tặng tấm lòng, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nhờ ai đó giúp vì còn trẻ ráng xoay xở tìm cách. Ngay cả khi dịch mấy anh chị, bạn bè thân quen hỏi cần giúp gì không, tôi đều khéo léo từ chối vì nghĩ chưa tới mức đó. Nhưng khi bắt gặp những món quà đặt trước cửa nhà trong đợt phong tỏa này, tôi xúc động lắm”. 

Nếu trước kia cư dân bên chung cư của anh Hải thường lên nhóm chung than phiền về dịch vụ, vấn đề xử lý rác, tiếng ồn… thì giờ đây, họ dành trọn vẹn thời gian để chia sẻ, động viên và hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Những căn hộ trống được chủ nhà mở ra để mấy cô lao công, chú bảo vệ bị “mắc kẹt” vì lệnh phong tỏa có chỗ nghỉ ngơi. Mọi người cùng góp tiền tặng nhu yếu phẩm cho các cô chú, có nhà thì nấu những suất ăn dành tặng các tình nguyện viên. Dưới sảnh, ban quản trị chung cư bố trí chợ nhu yếu phẩm “0 đồng” để ai cần xuống nhận. Những tầng có ca dương tính sẽ được tình nguyện viên trao tận cửa. Tại mỗi tầng còn có những gian hàng hay bàn rau củ “0 đồng” do nhiều chủ căn hộ tự tạo ra rồi chia sẻ trên cộng đồng, ai cần cứ ghé lấy về dùng. Các căn hộ chung tầng với anh Hải tạo thêm nhóm chia sẻ thông tin để kịp thời giúp đỡ những trường hợp cần thiết hoặc gom tiền mua rau củ, thịt trứng. Chỉ là những việc rất nhỏ, những câu hỏi thăm, động viên nhưng giúp anh Hải thấy, hóa ra bấy lâu nay mình khép kín quá. Nếu mở lòng, sẽ đón nhận thêm nhiều yêu thương. Tiếng loa trong chung cư lại phát lên “Hôm nay có thêm rau củ, trứng gà, mời bà con cư dân các tầng cử đại diện xuống nhận!”. Một ngày mới lại bắt đầu, hơi đặc biệt vì ai cũng ở nhà, trò chuyện cùng nhau qua những dòng tin nhắn để rồi động viên: Sài Gòn chỉ là đang bệnh thôi, rồi sẽ mau khỏe, sẽ lại rộn ràng như xưa.