Những ngày đầu giãn cách

Lái chiếc xe máy chở đầy trứng gà, trứng vịt đi giao cho một bếp ăn trong khu công nghiệp Lương Sơn, chị Hà Thị Hạnh nhà ở xã Hòa Sơn, Lương Sơn (Hòa Bình) khi đến điểm chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 trên quốc lộ 6 thì quyết định quay xe. Không có giấy xét nghiệm Covid-19 cũng không có giấy “luồng xanh”, chị Hạnh sẽ không thể tiếp tục đi theo đường này nữa. 

Chốt kiểm dịch liên ngành trên đường Hồ Chí Minh.
Chốt kiểm dịch liên ngành trên đường Hồ Chí Minh.

Mắc kẹt ở cửa ngõ

Lối tắt mà chị Hạnh nói là đường liên xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình), nhưng có đoạn đường đất lắm ổ voi, ổ gà mấp mô nên bình thường chị Hạnh sẽ không chọn đường này để giao trứng. Với địa hình như cài răng lược giữa Hòa Bình - Hà Nội ở vùng cửa ngõ này, những người như chị Hạnh vẫn chở hàng theo đường “vòng qua Hà Nội”. Là hộ kinh doanh “siêu nhỏ” chuyên giao trứng cho các điểm bán lẻ trong khu vực, nhưng trong hai tuần tới, khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nếu không thực hiện các giấy tờ cần thiết, chị sẽ không “vào” Hà Nội như mọi khi được nữa. Liên tục thấy các công văn “thượng khẩn” thông báo về một vài ca F0 trong các huyện ở Hà Nội, chị cũng không khỏi lo lắng tính tìm chỗ nhập trứng khác, nằm thật xa các điểm này. 

7 giờ tối, chị Nguyễn Thị Lan, chuyên viên y tế huyện Chương Mỹ (Hà Nội) ăn vội bát cơm, dặn dò cậu con trai ở nhà dọn rửa bát, rồi tất tả phóng xe ra chốt kiểm dịch y tế cách nhà gần 20 km để thay ca cho đồng nghiệp. Chốt đã được dựng từ hơn một tuần nay, nhưng trong hai tuần tới nhiệm vụ của chị sẽ mang ý nghĩa đặc biệt hơn, sáng 24/7 là ngày đầu Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16. Dù đã tối muộn, vẫn còn đáng kể lượng xe máy, ô-tô cần lưu thông qua điểm chốt đặt trên đường Hồ Chí Minh đoạn đan xen giữa xã Miếu Môn, huyện Chương Mỹ với các xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Các phương tiện cần đi qua đều phải dừng lại khai báo y tế, xuất trình giấy tờ cần thiết. 

Thiếu tá Trương Việt Sơn, Phó Đội trưởng phụ trách Đội CSGT số 12 cho biết, từ sáng 24/7, tại chốt kiểm dịch, lực lượng CSGT đã tổ chức phân luồng, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định phòng dịch. Tuy nhiên, cũng còn nhiều người chưa nắm rõ các yêu cầu và lực lượng mỏng, thời gian giải thích làm rõ cho bà con lại dài, nên vẫn còn hiện tượng ùn ứ. 

Trong chiều 24/7, cũng có nhiều trường hợp đi, đến từ các địa phương khác qua Hà Nội trên phương tiện vận chuyển hành khách không đủ điều kiện lưu thông, đã tự nguyện đi làm xét nghiệm Covid-19. Chị Lựu, di chuyển từ Bắc Giang qua địa phận chốt kiểm dịch của Hà Nội để về quê ở Thanh Hóa. Chị cho biết do đi làm xa trở về quê vào cuối tuần nên chưa nắm được thông báo mới. Khi đến chốt kiểm dịch, nhà xe không muốn đi ra khỏi địa phận Hà Nội vì lo ngại khi quay về phải cách ly, nên chị Lựu và một số hành khách muốn đi tiếp đã xuống xe, gọi người nhà từ Thanh Hóa ra đón. Chị chép miệng nói giờ cứ về được quê đã, rồi sẽ tính tiếp. 

Xếp hàng chờ xét nghiệm

Để đi qua được Hà Nội, người dân cần chứng minh thư hoặc căn cước công dân, một trong ba loại: giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 72 giờ/giấy xác nhận đã tiêm vacxin/quyết định hết thời hạn cách ly (nếu có), đồng thời điền đầy đủ thông tin vào tờ khai y tế tự nguyện. Tuy nhiên, để lấy giấy xác nhận test nhanh ovid-19 thì trên tuyến quốc lộ 6, từ địa phận giáp ranh đến bệnh viện tuyến huyện gần nhất cũng cách gần 25 km. Còn trên đường Hồ Chí Minh, rất đông người xếp hàng chờ trước Bệnh viện Nam Lương Sơn, tại xóm Đồng Sương, Lương Sơn, Hòa Bình, để làm xét nghiệm. Các bác sĩ ghi nhận riêng trong ngày 24/7 lượng khách có nhu cầu xét nghiệm Covid-19 tăng đột biến. Bệnh viện nằm ngay vùng giáp ranh, lại gần điểm đặt chốt nên trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, ước tính đã nhận khoảng 70 - 80 khách vãng lai. Các bác sĩ, y tá đều đang phải tăng ca. 

Phía trước barrier, lực lượng chức năng cũng đang giải thích cho người dân tỉnh ngoài đã chấp thuận đi qua chốt thì trong vòng hai tuần tới, nếu không có đủ giấy tờ cần thiết sẽ không được phép vào lại địa phận này nữa. Mọi hoạt động diễn ra trong không khí khẩn trương. Có thể cũng do quá gấp gáp nên mã QR đặt tại điểm chốt trên đường Hồ Chí Minh đáng lẽ hiển thị vị trí, thì chỉ hiện ra một dãy số dài…

Tại điểm phân luồng giao thông từ xa trước trạm kiểm dịch trên quốc lộ 6 đoạn giao giữa thị trấn Xuân Mai với thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình), khá nhiều phương tiện không đủ điều kiện nên khi đến chốt kiểm soát đã phải quay đầu hoặc dừng lại để thực hiện các thủ tục cần thiết. Đến tối 24/7, một nhóm xe container chở nguyên liệu cho nhà máy thức ăn chăn nuôi CP trên địa bàn Xuân Mai, do các lái xe chưa đủ giấy tờ nên chưa thể lưu thông qua chốt kiểm dịch từ chiều, đã dừng cả lại bên đường. 8 giờ tối mùa hè mà đường phố vắng lặng như đêm 30 Tết, các lái xe không tìm được nhà nghỉ, người cơm hộp, người mì gói, đang lao xao hỏi nhau tìm chỗ xét nghiệm Covid-19. Trong số họ, người đăng ký “luồng xanh” thì giấy xét nghiệm quá hạn, người đã xét nghiệm thì chưa có “luồng xanh”. “Chúng tôi chở nguyên liệu đến nhà máy CP (vẫn thuộc Hà Nội), nhưng chưa đến nơi đã phải dừng lại từ sáng đến giờ. Giờ không đi đâu được, chung quanh nhà người ta đóng cửa hết.  Mà hôm nay chưa kịp giao thì mai chủ nhật nhà máy nghỉ, thứ hai mới lại được nhập hàng. Trong khi giấy xét nghiệm Covid-19 cho có ba ngày, thứ hai là hết hạn rồi”, anh Nguyễn Văn Kích, lái xe container biển kiểm soát 34C-250... cho biết. Xe của anh chưa có giấy chứng nhận “luồng xanh”. Trong khi đó, một lái xe đã có Giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh do Sở GTVT Hải Dương cấp với địa chỉ xuất phát từ thôn Cổ Phục Bắc, xã Kim Liên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đến địa chỉ kết thúc là TT Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội thì giấy xét nghiệm Covid-19 lại hết hạn. “Giấy tôi kiểm tra đã hết hạn rồi, một giấy khác thì phải gửi cho công ty để làm thanh toán. Một tháng chúng tôi làm xét nghiệm sáu, bảy lần do phải di chuyển các tỉnh liên tục”, anh Tuấn lái xe phân trần,  “Giấy xét nghiệm được 72 tiếng thì đã mất 24 tiếng chờ đợi, chúng tôi chỉ còn 48 tiếng thôi”. 

Tuy nhiên, tới ngày thứ hai (25/7), tình trạng ùn ứ container trước điểm chốt này đã được cơ bản giải quyết. Đội CSGT cũng bố trí đặt chốt từ xa để giảm áp lực về giao thông tại chốt kiểm soát chính trên quốc lộ. 

Gấp gáp nhưng không bất ngờ

Áp dụng Chỉ thị 16 đưa ra dường như không khiến quá nhiều xáo trộn trong đời sống thường nhật. Điều khiến xôn xao nhất có lẽ là câu chuyện người giao hàng (shipper) được phép hoạt động hay không trong điều kiện giãn cách như hiện tại. 

Nhật Linh đón tin phong tỏa một cách bình tĩnh. Đã trải qua vài lần khởi nghiệp và đều không may nhằm đúng các đợt địch, Linh đã không còn giật mình khi nghe tới những ngày giãn cách. Năm 2020, khi homestay của Linh ở Hội An (Quảng Nam) chuẩn bị khai trương thì Đà Nẵng, Quảng Nam phong tỏa ở đợt dịch thứ ba, mọi việc đình trệ, ngay sau đó là lũ lụt lịch sử khiến cuộc khởi nghiệp của anh thất bại. Năm nay, Linh vừa chuẩn bị ra mắt cửa hàng bánh mì ở phố cổ Hà Nội. Nhưng cũng vừa mở cửa không lâu thì lại bắt đầu những ngày biến thể chủng Delta hoành hành. Thu gọn mô hình từ bán trực tiếp sang bán online và bây giờ thì dừng hẳn kể từ 24/7, Linh bảo đó cũng là điều “đặng chẳng đừng”: “Cứ tiếp tục thì làm ăn nhỏ như mình cũng cầm cự không biết đến bao giờ. Nên phong tỏa sớm, làm chặt sớm, dịch bệnh qua đi bọn mình còn làm lại được”, anh lạc quan. 

Chỉ trong một ngày 24/7, các văn bản, quyết định về hoạt động của lực lượng giao hàng mỗi lúc một biến đổi. Những cửa hàng bán hàng online đều ở trạng thái hồi hộp. Sáng 25/7, vẫn còn một số shipper hoạt động, nhưng Viết Ngọc - một tài xế của một hãng vận chuyển công nghệ cho hay họ chỉ làm việc “hên xui”: “Công ty thông báo vẫn hoạt động bình thường, nhưng dịch vụ ship hàng thì đã cấm nên nếu bị phạt thì tài xế chịu rủi ro thôi”. Ngọc chỉ nhận những đơn hàng thiết yếu và chấp nhận bị trừ điểm để từ chối các đơn hàng không thuộc mặt hàng được cho phép.

Hà Nội bước vào những ngày phong tỏa lần thứ hai gấp gáp, nhưng không có nhiều bất ngờ. Trước đó, với Công điện 15 và 16 của thành phố, Thủ đô cũng đã gần như ở trong trạng thái sẵn sàng giãn cách. Điều quan trọng nhất, ở thời điểm hiện tại, Hà Nội đang dốc sức cho một chiến dịch mà không một ai có thể đứng ngoài. 

Hà Nội đã bước vào những ngày đầu tiên của lần phong tỏa thứ hai. Trưa 23/7, khi trao đổi ý kiến với lãnh đạo TP Hà Nội về việc thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg sớm nhất có thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh việc giãn cách là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.