Mùa xuân của những giáo viên cắm bản

Năm nào cũng thế, cứ 20 tháng Chạp, thầy giáo Phạm Xuân Thúy, giáo viên Trường tiểu học xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) lại đưa các em từ bản Sin Suối Hồ về nhà mình gói bánh chưng, làm mứt, cũng là buổi tổng kết chia tay để các em về bản nghỉ Tết cổ truyền. Không rõ, đây là xuân thứ bao nhiêu gia đình thầy Thúy đón Tết tại bản cùng bà con người H’Mông, người Dao xã biên giới Sin Suối Hồ.

Đến nhà học sinh vui Tết, động viên các em gắng học tập là niềm hạnh phúc của các thầy, cô giáo cắm bản xã Nùng Nàng.
Đến nhà học sinh vui Tết, động viên các em gắng học tập là niềm hạnh phúc của các thầy, cô giáo cắm bản xã Nùng Nàng.

Thầy, cô giờ cũng là dân của bản

Mùa xuân như đến sớm hơn với bản vùng cao Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Sáng dậy mở cửa, gió mang hương xuân ngào ngạt. Và kia, trên mỗi mái nhà, tường đá, chạy dài khắp đầu bản cuối mường, những chậu địa lan rừng, hoa đào, hoa mận thi khoe sắc.

Bên phích nước hãm thảo quả, thứ quả rừng hễ gặp ở đâu là dậy mùi hương núi, thầy Thúy hồi ức lại những ngày đầu tiên đặt chân lên Sin Suối Hồ dạy chữ. Tốt nghiệp sư phạm Bạc Liêu ngành tiểu học, theo lời mời của người bạn lên Tây Bắc chơi. Cảnh sắc và con người nơi đây đã hớp hồn thầy giáo trẻ. Và điều làm anh khó phai nhất là những đứa trẻ bản, có đôi mắt to, đen láy, khi gặp người lạ thì trốn biệt, cùng tiếng cười giòn tan nhòa vào sương ẩn vào núi.

Từ chuyến đi ấy, anh quyết định ngược núi Lai Châu bắt đầu sự nghiệp trồng người. Anh đảm nhiệm lớp 1, tại bản Can Hồ, bản người H’Mông, một trong bảy bản khó khăn nhất của xã Sin Suối Hồ. Thời đó, Can Hồ với “4 không”, (không điện, đường, trường, trạm), lớp học chỉ là những lớp tạm của bà con dựng lên, có thầy, cô ở tại nhà bà con. Nơi biên viễn xa xôi, chỉ núi với rừng, mỗi chuyến về quê là cả một hành trình gian truân, vì quãng đường Lai Châu - Ninh Bình ngày ấy chưa thuận như giờ; nhiều chuyến về đến quê, Thúy thấy sợ chẳng muốn lên, nhưng rồi lời hứa với già bản, với các trò lại thôi thúc anh. 

Sau đợt Tết thường các em nghỉ học dài, vì mải chơi và đồng bào vùng cao nhiều lý lối phải theo, như tháng Giêng đầu năm phải kiêng gió, kiêng nước, kiêng gọi tên các con vật trùng ngày hôm đó…, họ thường đóng cửa không cho con trẻ ra ngoài. Chính trong những ngày về bản đến nhà vận động học sinh ra lớp, anh đã bén duyên với cô giáo Thanh Thanh dạy cùng bản, quê Phú Thọ. Sau đám cưới, ngôi nhà hạnh phúc của thầy Thúy, cô Thanh được đồng nghiệp dựng bằng nếp nhà gỗ cũ của bà con nhượng lại.

Trưởng bản H’Mông Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh (xã Sin Suối Hồ) phấn khởi: “Bà con Sin Suối Hồ ai cũng quý, kính trọng các thầy, cô dưới xuôi lên dạy chữ cho con em mình. Nay bản mình ai cũng biết chữ cả, công các thầy, cô lớn lắm. Không chỉ có gia đình thầy Thúy cô Thanh mà nhiều gia đình giáo viên từ lâu đã thành công dân của bản Sin Suối Hồ rồi”.

Mùa xuân của những giáo viên cắm bản -0
Món quà xuân của bà con và học sinh xã Nùng Nàng dành tặng các thầy, cô mỗi độ Tết đến xuân về. 

Đón xuân trên đỉnh Nùng Nàng

Cô giáo Đỗ Thị Hải, quê ở Phủ Lý (Hà Nam), giáo viên Trường tiểu học xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường đang tất bật công việc lên lớp dặn dò các trò về bản ăn Tết với gia đình và nhớ không quên ra Giêng đi học đúng ngày. 

Tết này là năm thứ 20, cô Hải gắn bó với giáo dục vùng cao. Nhớ những ngày đầu bước chân lên Lai Châu công tác, chị được phân công về trường Tiểu học xã Mù Sang, là một trong những trường khó khăn bậc nhất khu vực phía bắc biên giới Phong Thổ (Lai Châu). Kỷ niệm đáng nhớ mãi đến giờ với cô Hải là ngày đầu dạy lớp 1, nhiều em cứ nhìn cô mắt tròn xoe, hỏi không nói một lời, thì ra nhiều em nhút nhát bởi tiếng phổ thông chưa sõi. Thế là cô vừa dạy chữ vừa dạy phát âm tiếng Việt. Thanh xuân của các thầy cô là những ngày họp trường, thời đó ba cấp học (mầm non, tiểu học và THCS) là một. Các giáo viên cắm bản cả tháng, khi trường báo họp, thì lại kéo nhau ra trung tâm xã, nhộn nhịp lắm, cũng phải  gần trăm con người, đa số là thanh niên trẻ, mỗi người một quê. Gặp nhau vui như hội, ăn chung, nghỉ chung tại nhà bà con. Có năm, nhiều giáo viên trẻ không về quê mà ở lại ăn Tết với bản. 

Nhiều năm ăn Tết, biết bà con người H’Mông, người Dao chỉ biết làm bánh dày, bánh nếp đen, trộn từ tro cây màng tang. Vì nhớ quê, các thầy, cô vào rừng lấy lá dong gói bánh chưng. Bà con các bản thấy lạ, kéo đến xem đông lắm, vừa gói bánh, thầy, cô giải thích cho bà con về “truyền thuyết Lang Liêu”, về “sự tích bánh chưng, bánh dày” và cũng từ xuân ấy, bà con ở bản xa biết gói bánh chưng vào các ngày lễ Tết.

Sát điểm trường cô Hải dạy học là ngôi trường khang trang hai tầng trên núi Nùng Nàng, có khuôn viên, sân chơi bãi tập. Đón chúng tôi với cái bắt tay phấn khởi, thầy giáo Nguyễn Thái Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS xã Nùng Nàng cho biết, đây là năm học thứ ba các em học sinh người H’Mông Nùng Nàng không phải học ở những phòng học tạm nữa. Được biết, năm 2018, ngôi trường hai tầng kiên cố được bàn giao và đưa vào sử dụng, đây là công trình được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới. 

Thầy Sơn quê ở Nam Định, trước khi về Nùng Nàng làm công tác quản lý, anh đã có hơn 20 năm gắn bó với giáo dục vùng cao. Nơi anh công tác là những bản làng heo hút của đồng bào người H’Mông các xã Tả Lèng, Nà Tăm, Khun Há của huyện Tam Đường. Cũng như thầy Sơn, thầy Bình, cô Hải cũng là những giáo viên cắm bản nay được điều chuyển về điểm trường trung tâm xã. Ngoài công tác giảng dạy, các thầy, cô còn một nhiệm vụ hết sức quan trọng là tổ chức nuôi ăn bán trú cho những học sinh ở bản xa về học. Vì các em đang trong tuổi trưởng thành, nên công tác bán trú với các thầy, cô khá vất vả. Không chỉ là người dạy kiến thức, các thầy, cô còn là anh chị, là bạn, cùng sẻ chia, trao đổi kỹ năng sống giúp các em ổn định phát triển tâm sinh lý. 

“Tết ở bản với thầy, cô giáo ở Nùng Nàng, đó là những ngày xuân bà con, học sinh về chúc Tết thầy, cô. Năm nào cũng thế, cứ sắp ngày nghỉ, bà con và học sinh lại về trường mang trên rừng những cành hoa đào, hoa mận đẹp nhất về tặng thầy, cô. Nhiều phụ huynh lặn lội từ bản xa về tay xách cặp bánh dày, xâu thịt lợn mới mổ, cùng với lời mời Tết nhất định các thầy, cô phải về nhà mình ăn bánh chưng, bát cơm nếp mới, uống chén rượu ngô mới cất... Tết xa quê tuy cũng có chút buồn, nhưng mãi thành quen, giờ với chúng tôi bản làng thành quê hương thứ hai rồi”, thầy Sơn chia sẻ.