Một lễ bỏ mả

Làng H’Rach, huyện Kong Chro, Gia Lai. Buổi chiều. Ở nghĩa địa làng. Từ xa đã thấy những đám người tụ tập. Những người Kinh mang hàng hóa tới chuẩn bị để bán trong buổi tối bỏ mả. Những người làng đi lại quanh nhà mồ. Họ bận rộn dựng nhà mồ mới cho ma. Tiếng máy rè rè cưa theo những đường vạch sẵn ngay tại chỗ sẽ dựng nhà mồ.

Phía trước mọi người chuẩn bị nấu nướng là hàng ghe rượu cần dựng sẵn chờ người thử.
Phía trước mọi người chuẩn bị nấu nướng là hàng ghe rượu cần dựng sẵn chờ người thử.

Chúng tôi dựng xe gần một chiếc xe khách trông thì đoán tuổi đời chắc cỡ gấp đôi mình. Chiếc ô-tô có nhiệm vụ che mát cho chủ hàng phía trước đang dọn dẹp đồ. Nắng 2 giờ chiều. Gió ù ù.

Ngoài chiếc xe khách này, còn có năm, sáu chỗ khác nhỏ hơn, những người bán hàng đến từ đầu trải những tấm bạt ra nền đất cát, bày la liệt những trứng luộc, bim bim, bia chai, bia lon, nước ngọt, xoài, ổi…  Lễ bỏ mả bây giờ, xem ra hiện đại hơn ngày xưa rất nhiều. 

Dân làng mỗi người một việc. Đám đàn ông quây quanh nhà mồ, cưa, dựng, ghép, đóng những thanh gỗ lại, dựng thành bốn bức tường quanh nhà mồ. Đám phụ nữ bê các ghè rượu xếp thành hàng, bẻ lấy những nắm lá trên một cành cây lớn đã được chặt sẵn để một bên. Họ nhét lá vào ghè và đổ đầy nước để sẵn cho buổi tối rượu cần.

Đám thanh niên thịt lợn, nấu bếp. Các cụ già làng ngồi bên hai ghè rượu lớn. Gần với nhà mồ hơn. Đám choai choai đi xe máy rồ rồ ra ra vào vào kiểu làng có việc, nhưng đoán chỉ là đi gọi nhau đến tụ tập, loanh quanh rồi lại đi rủ người khác. Đám trẻ con long nhong, được cho vài nghìn thì ra mua trứng cút luộc, nước ngọt, bim bim. Đám chó cũng bận rộn đi loanh quanh chỗ thịt lợn, rồi quanh đám trẻ, chờ nhặt các mảnh da lợn, hay các vỏ trứng luộc. Ai cũng hào hứng.

3 giờ, tiếng cồng chiêng vang lên. “Bộ chiêng này mới mua năm ngoái, 35 triệu đó”. Một già làng tự hào khoe với tôi. Tôi chú ý một dàn chiêng 16 chiếc được treo trên một thanh tre dài có hai người khênh hai đầu. Ở giữa có hai người nữa cầm dùi vừa đi theo vừa chơi. Đây là bộ chiêng Arap, thường được dùng trong những dịp đám tang, bỏ mả, đâm trâu. Ngoài bộ chiêng Arap, còn có độ chục chiếc chiêng khác to hơn, kích thước khác nhau. Tính vào là hơn 20 cái. Dẫn đầu cả đoàn cồng chiêng là một người đánh trống, gọi là trống chơ gút. Cũng ở những lễ như thế này, tôi mới có cơ hội chiêm ngưỡng bộ chiêng như thế.

Đội cồng chiêng đi quanh nhà mồ sau khi nhà mồ đã được dựng xong. Vừa đi vừa chơi. Đám choai choai được dịp thể hiện, vác những chiếc chiêng to. Già làng bảo, “giàn chiêng bé (chiêng Arap) kia mới khó. Không phải ai cũng biết chơi”. Đám trẻ hầu như ai cũng biết đánh chiêng lớn. Đội cồng chiêng luôn đi quanh đối tượng là trọng tâm của buổi lễ, theo chiều ngược kim đồng hồ. Như hôm nay, họ đi quanh nhà mồ cả tiếng đồng hồ (và còn tiếp tục cho tới sáng hôm sau). Khi mệt thì sẽ có người thay. Tiếng chiêng hầu như không bao giờ dứt trong suốt mấy ngày lễ.

Trong lúc đó, người nhà, họ hàng vào nhà mồ ngồi khóc người đã khuất. Họ bày tỏ sự tiếc thương lần cuối trước khi làm lễ bỏ mả, chia tay vĩnh viễn với người chết. Tôi hỏi quanh thì mọi người nói người đã khuất là một người đàn ông tầm 30, 40. Tự tử bằng thuốc cỏ. Rồi có người nói người này mới chết được một năm, người khác lại bảo được ba, bốn năm rồi.

Tôi có cảm giác hỏi người đồng bào về thời gian là một việc rất khó. Vì con số chính xác hình như là một điều gì không quan trọng trong văn hóa của họ.

Chúng tôi đã trải nghiệm sâu sắc điều này rồi. Thí dụ, khi bạn hỏi “mai mấy giờ cúng ở nhà rông?” họ sẽ bảo “tầm 7, 8, 9 giờ đó”. Rồi hôm sau, bạn sẽ chờ từ 7 giờ đến 2 giờ chiều vẫn chưa thấy cúng nhà rông.

Tôi mới nhận ra, người làng không vội vã như chúng tôi. Họ được xem ngày rồi, cứ trong ngày ấy các thứ ấy xong là được. Và bao giờ tỉnh rượu thì đi thịt lợn, bao giờ thịt xong thì chia phần, chia xong thì cúng. Cứ thế thôi, không việc gì mà vội, mọi việc rồi cũng xong. Hóa ra, chúng tôi cứ vội vã, lại không hiểu văn hóa người làng.

Buổi chiều, khi người nhà và họ hàng khóc thương xong, thì người làng đến chia buồn với gia chủ và sẽ được gia chủ chia thịt. Thịt mấy con lợn vừa được làm ngay tại nghĩa địa, để trong gùi, ai đến được một vốc. Họ cứ cầm trong tay về nhà, hoặc là sẽ xin bịch nylon của hàng quán quanh đó mà đem về nhà, hoặc ra đâu đó ngồi uống rượu với nhau. Những người Kinh do đó bán được nhiều rượu và bia.

Tôi để ý một bà cụ mặc váy đen, cổ đeo nhiều vòng hạt cườm các mầu, lặng lẽ đi thử hết ghè rượu này đến ghè rượu khác. Nhưng có vẻ mọi người không thích rượu hôm nay, “chua quá. Người ta thích rượu ngọt cơ”, anh Kpató người làng bảo với chúng tôi. Thế là các ghè rượu không mấy người uống.

Tối.

Tầm 8 giờ, các làng lân cận, sang “Trao chiêng” với làng Hrach này. Người ta chơi cồng chiêng quanh nhà mồ và nhảy điệu Xoang theo nhịp chiêng. Hầu hết là thanh niên. Nam một vòng, nữ một vòng. Ai cũng có vẻ rất vui, hô lên theo nhịp. Các già làng thì ngồi một phía trước nhà mồ, quanh một chóe rượu cần lớn, vừa uống vừa nói chuyện với nhau.

Nghĩa địa càng lúc càng đông. Rượu cần, rượu đế, bia (mua của mấy người bán hàng) tiếng nhạc cồng chiêng, điệu múa rộn ràng hòa với bầu trời sao giữa núi rừng khoáng đạt, say sưa.

Đôi lúc, sức sống mãnh liệt của Tây Nguyên lúc ấy làm tôi  hơi ngợp và lo lắng. Vì núi rừng rộng lớn trong đêm? Vì quá nhiều những người đàn ông tụ tập ở một chỗ? Vì mùi rượu khắp các ngả của làng? Đúng khi tôi đang ngồi trên nền đất gần các già làng thì một chàng thanh niên liêu xiêu đi lại và đột ngột ngồi xuống. Chàng nồng nặc mùi rượu, nói cái gì không ai biết, xong ngã vật ra, ngủ. Say quá. 

Cũng có thể vì cái sức sống ấy, nên dù có bao nhiêu thứ đổi thay, cái chất Tây Nguyên tiềm tàng vẫn cứ âm ỉ mãnh liệt. Ngay cả khi nhìn bên ngoài, từ những chiếc xe đỗ ngoài bãi, những món bánh kẹo đã thành đi mua cho tiện, đến khi đêm xuống, vẫn lại thấy là người Tây Nguyên thật nhất.

“Ở đây, người đồng bào say nhưng lành lắm. Không quậy đâu”, chú Bằng, một người làng gốc bắc vào làm kinh tế đã dặn chúng tôi như thế khi chỉ đường cho chúng tôi đến bãi tha ma làng.

Đêm bỏ mả càng lúc càng đông. Thanh niên từ các làng khác sang, họ khoác tay nhau nhảy múa. Vui vẻ. Bỏ ma rồi, bỏ mả rồi, phải ăn mừng chứ.

Đây là một khởi đầu mới mà. Cho cả ma, cho cả người sống.

Lúc mới chết, người ta dựng nhà mồ tạm cho ma, vì quan niệm là ma vẫn sống song song với người sống. Họ thăm viếng thường xuyên và mang thức ăn cho ma nữa. Rồi chia cả đồ đạc trong nhà, như là gùi, là ghè rượu… Nói chung, người sống được thế nào, người chết được thế ấy. Người góa phụ thì sẽ phải ăn mặc xấu xí, rách rưới trong thời gian chưa bỏ mả. Giờ bỏ mả rồi, họ dựng một ngôi nhà mồ mới, đẹp hơn cho ma, rồi bỏ mả, bỏ ma. Từ nay, ma có thể vĩnh viễn về với tổ tiên, có thể tái sinh làm người ở một kiếp khác. Còn người sống, thì có thể bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới. Tự do khỏi những kiêng kỵ tang gia. Góa phụ có thể ăn mặc xinh đẹp, có thể tái giá rồi, cả làng vui cho cô. Chia tay vĩnh viễn với ma từ đây.

Từ nay, chúng ta bắt đầu những cuộc đời mới. Nên ăn mừng là phải. Nên phải uống rượu cần cho đủ “kang”. Người ta có một cái que đặt ngang miệng ghè rượu. Ở giữa là một đoạn tre dài độ 2, 3 cm. Khi ai đó được mời, thì người ta thêm nước tới miệng ghè rượu. Cần được đưa bằng tay phải, vì tay trái là dành cho ma. Tay phải nhận cần, hãy uống cho đến khi cái que lộ ra, là hết một “kang”. 

Chúng tôi làm hết mấy “kang”, hút thuốc tẩu cùng các già làng, rồi về nhà đi ngủ, trong tiếng cồng chiêng vẫn âm vang núi rừng.