Lý Sơn “cô đơn”

“Cho mở, không cho mở, suốt ngày cứ cãi nhau ba cái chuyện san lấp mở đảo. Có ai biết tụi tôi cần gì, muốn gì không”, bà Phận tay đẩy, tay đưa sắp xếp hàng quán vừa lảm nhảm một mình. Bà bực mình ngày nào cũng nghe nheo nhéo mấy giọng điệu cãi nhau khơi khơi. Những âm thanh vo ve tranh nhau bảo vệ đảo như tất thảy vô tư. Đảo càng sầm uất ồn ào, cư dân đảo như bà càng thấy cô đơn…

Càng nhiều công trình mọc lên ven biển cũng là lúc cư dân bản địa Lý Sơn xa dần “mùi biển”.
Càng nhiều công trình mọc lên ven biển cũng là lúc cư dân bản địa Lý Sơn xa dần “mùi biển”.

Những vụn vỡ

“Mày có trả đất cho tao không… mày có tin tao phá nhà mày không?”… Trời hửng sáng, tiếng la hét ầm ĩ của ông Võ Lễ ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm cả xóm “đoàn kết tỉnh giấc”. Vài người tụ tập, những chiếc xe máy dừng lại tò mò. Kẻ cười, người nhìn hai anh em ông Lễ, ông Lượng ôm nhau giằng co. Tiếng cười hài hước, tiếng can ngăn lấy lệ. Dường như cả xóm đã quen với cuộc vật lộn của hai người già.

Mười mấy năm trước, cha mẹ ông Võ Lượng chia hơn nghìn m² đất cho năm anh em. Lấn biển vài năm, mỗi nhà rộng thêm mươi mét đất. Con đông, ông Lễ cấn đất cho ông Lượng lấy tiền đi mua nhà nơi khác. Nay đất tăng giá, ông Lễ quay về đòi. Cứ vài ngày cãi vã lại xảy ra. Hàng xóm quen dần với âm thanh cự cãi, chửi bới lẫn nhau của anh em nhà Võ.

Sau hồi vật lộn, ông Lễ tóc bạc trắng ngã sõng xoài dưới đất. “Anh tưởng tôi không dám đánh hả”, vừa nói ông Lượng trợn mắt, bẻ tay trói ông anh già hom. “Mày dám trói anh mày à. Bớ làng, nó giết tôi”, la hét một hồi, ông Lễ rên rỉ. Hàng xóm và người đi đường giải tán. Chỉ còn lại anh em ông mắt đỏ ngàu gườm nhau.

Đảo đông đúc, bà con ăn nên làm ra, cảnh tranh giành đất đai không còn lạ như vài năm trước.

Giữa trưa nắng, tôi lang thang về lại xóm Tây, thôn Tây, xã An Hải tìm nhà ngư dân Nguyễn Tấn Châu và “người đàn bà đi biển” Ngô Thị Phi. Ngơ ngác đi tìm căn nhà thân quen, tiếng người phụ nữ ngoài biển vọng vào: “Vợ chồng nó bán nhà đi chỗ khác rồi. Xuống khu mới hỏi thăm”. Lần mò con hẻm nhỏ nhiều ngóc ngách, căn nhà mới ba tầng khang trang choán lối đi vào hẻm. Phải đến hai lần tôi mới gặp được vợ chồng kình ngư. Vừa đối mặt, ông Châu buông lời “Bao tính toán vỡ hết”.

Gần 60 tuổi, vợ chồng ông gắn bó với biển cả. Bà Phi là nữ kình ngư chèo thuyền lướt sóng cùng chồng mưu sinh. Hai năm trước, căn nhà mặt biển được ngã giá tiền tỷ, vợ chồng bà quyết định bán tất. Căn nhà mới trong con hẻm nhỏ hiện đại, đầy đủ tiện nghi. Bà Phi mở thêm dịch vụ “homestay” để đón khách, cũng là lúc ông Châu cùng con tàu 20 CV, đùm túm ngư lưới cụ xuống vũng neo tàu cách nhà hơn 7 km lưu trú.

“Hồi trước ở mặt biển, ghe thúng ở cạnh nhà. Cứ sáng mình canh con nước lên, xuống để đi đánh cá. Mưa lũ, sóng lớn chạy ra lôi ghe thúng vô hiên. Giờ nhà một nơi, thúng một nẻo. Có khi cả tháng ổng ngủ dưới ghe canh sóng nước đi khơi. Cứ nghĩ bán nhà vô hẻm ở thì vẫn theo nghề biển được. Tính sai hết rồi. Mọi thứ không như mình nghĩ”, bà Phi buồn bã.

Bữa rày vừa đi ghe, ông Châu vừa tìm mối bán nhà. Cái cảnh phải bán nhà, về với biển lần nữa chưa bao giờ ông nghĩ tới.

“Tui bán nữa, kêu giá ba bốn tỷ gì đó. Bán lo cho tụi nhỏ xong tui với bả xuống gần âu tàu làm cái nhà nhỏ ở đi ghe cho tiện. Sống không biết chừng nào lui chứ giờ còn yêu biển. Mình ra gần biển ở, nếu sóng gió mình chạy vô đất liền trốn bão”, ông Châu buông thõng người.

Làn sóng mới ào ra đảo Lý Sơn mang theo những cơ hội cùng vụn vỡ ăn mòn tâm thức cư dân. Những cuộc ẩu đả, tranh giành đất hiển hiện ở mọi ngóc ngách xứ đảo. Đảo xưa cách đất liền chỉ có gió và sóng biển êm dịu cùng cư dân hiền hòa. Nay thì những “âm thanh của đất đai” ùa ra lấn át cái bình yên của cồn cát khơi xa. Ở biển - lên bờ - về biển, cái vòng lẩn quẩn bắt đầu và không biết bao giờ ngừng.

Những vụn vỡ âm ỉ trong tâm thức hiển hiện dần trên nếp nghĩ của cư dân xứ đảo. Bức tranh rạn nứt báo hiệu cho những vụn vỡ nối tiếp trên cồn cát giữa khơi.

Lý Sơn “cô đơn” ảnh 1

Ông Trần Văn Phương muốn chuyển nhà từ biển vào gần xóm núi sau khi bán đất.

Đi tìm “cô đơn”

Cứ vài tháng, ven núi Sỏi, Hòn Tai, Hòn Vung lại xuất hiện nhà mới “từ biển vào núi”. Những căn nhà khang trang, cao tầng còn thơm mùi sơn dần hình thành xóm mới ven núi.

Cả đại gia đình chị Phạm Thị Tâm vô khu nhà mới sau “cơn lốc” của đất. 11 thành viên dọn đến căn nhà ba tầng khang trang, đối diện núi Sỏi. Chồng và cha chị vẫn đi khơi với thuyền bạn, sau khi bán cái tàu cũ không còn chỗ neo. Đàn bà già, trẻ nương nhờ ruộng hành tỏi sống tạm. Mỗi khi đình làng có hội, cả nhà dắt díu nhau về “quê cũ”. Chị cứ mong ngóng lễ làng để về gặp láng giềng ở biển.

“Hồi trước không cần lễ làng thì bà con vẫn gặp nhau, vui lắm. Giờ vô đây nhà mới nhưng buồn hơn. Xưa không để ý lễ hội ở đình làng, giờ thì ưng có nhiều để về gặp mặt các ông, bà, người quen”, khuôn mặt nâu quánh của chị Tâm đầy ưu tư.

Vài năm nay, dịch chuyển “ngầm” cư dân bản địa ở Lý Sơn đưa những người từ biển đi về phía núi. Những xóm chài, làng biển bên chân sóng được thay thế dần bởi công trình kiên cố. Những xóm chài mới dần hiện lên ven núi vòng quanh đất đảo. Hiện thực bề mặt ẩn bên trong một dư chấn sâu sắc - dư chấn của “phát triển”. Lý Sơn của thời phun trào nham thạch triệu năm kiến tạo địa chất dữ dội để lại những di sản kỳ vỹ. Và Lý Sơn thời phát triển, một cơn “địa chấn” chưa từng có trong đời sống người cù lao. “Cú sốc” đất đai tiền tỷ, những cuộc dịch chuyển cư dân về địa lý, cộng đồng dần tách rời văn hóa miền biển là những cơn “địa chấn” khiến đảo cô đơn giữa sầm uất. Những đình làng trăm tuổi ở biển sẽ “mồ côi” khi làng chài đi dần vào núi.

Phe phẩy cái quạt giữa trời trưa nắng, bà Nguyễn Thị Phận thắc mắc, nhiều “đại gia” ra đảo xây nhà to, lấp biển mở đảo. Người đồng ý, kẻ phản đối. Người ta cứ tranh cãi mà không hiểu bà Phận và cư dân đảo nghĩ gì, muốn gì. Người ta không sống, không thở cùng đảo mà tranh cãi như tất thảy vô tư. “Nếu không cho lấn biển thì mươi năm nữa đất đâu con cháu ở, mà cho mở rộng người ra đông thì nước ngọt không có, dân mới lấn dân cũ. Phải xem tụi tôi thiếu cái gì, thừa cái gì, phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ rồi hẵng quyết. Không thể ồ ạt, lớt phớt như vậy được”, bà Phận khảng khái.

Trong thời gian ngắn, Lý Sơn gom góp về những mảnh ghép rời rạc. Sức chứa chật hẹp bị bung vỡ, tắc nghẽn. Quê hương Hùng binh Hoàng Sa đang đối diện cơn “địa chấn” phát triển. Cơn địa chấn đưa cư dân cù lao xa dần nếp nghĩ thuở xưa. Đảo nhỏ ngàn năm với những trầm tích lịch sử, văn hóa trước nguy cơ bị tàn phá chỉ trong thời gian ngắn bởi hai chữ “phát triển”. Đã có vài cuộc hội thảo chuyên đề tìm hướng đi mới cho Lý Sơn, và tất cả chỉ dừng lại ở những lý luận, tranh cãi. Đảo tiền tiêu với nền văn hóa đặc quánh về đình làng Âm Linh Tự, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, niềm kiêu hãnh về Đội Hùng binh đất đảo đến với thời hiện đại “ngơ ngác”, bởi chưa có khảo sát, nghiên cứu khoa học toàn diện vì một Lý Sơn. Lý Sơn cần gì, muốn gì để không là ốc đảo cô đơn, để Cù Lao Ré vừa lớn, vừa giữ được hồn cốt nghìn xưa. Để Cù Lao Ré bớt gấp gáp, mệt nhọc.

“Hội thảo thì nhiều nhưng thật sự chưa có một cuộc tổng nghiên cứu thực tế toàn diện về Lý Sơn. Những phát sinh trong quá trình quản lý cũng khiến chúng tôi khó khăn trong quản lý. Mình cứ giám sát, xử lý khi có vi phạm, còn lại thì vận động người dân”, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn trăn trở.

Sáng nào, ông từ đình làng An Hải Nguyễn Văn Thọ cũng đến đình hương khói và thờ cúng mỗi khi lễ tiết. 72 tuổi, gắn bó cùng Ban Khánh tiết trông coi, hương án cho đình làng, mấy năm nay ông cứ tự vấn. Ông nghe nói, sắp tới quanh đây sẽ phát triển khu dịch vụ, thương mại ven biển. Đình làng An Hải của làng ông hướng vọng biển cả, những bài tế lễ sẽ xen lẫn tiếng xình xịch, ồn ã của nhà hàng, quán karaoke. Ông không biết lúc ấy, hồn thiêng Hùng binh có chứng giám cho lời nguyện cầu của con dân đất đảo.

“Từ khi có tiếng giày xăng-đá vang lên trên đường làng là bao nhiêu mối tình quê e lệ, sáng trong thi nhau tan vỡ” - “Xóm giếng” qua một thế kỷ của nhà văn Tô Hoài đang hiển hiện ở bờ đảo xa…