Không để ao hồ biến thành nơi kinh doanh

Thực hiện dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo, chống lấn chiếm ao hồ trên địa bàn Hà Nội chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Song việc chống tái lấn chiếm không gian chung để kinh doanh dịch vụ cũng chẳng nhẹ nhàng hơn.

Ao Sen, nằm áp phố Đại Từ, phường Đại Kim bị hàng quán bủa vây.
Ao Sen, nằm áp phố Đại Từ, phường Đại Kim bị hàng quán bủa vây.

Những dự án hồi sinh ao hồ

Giờ đến hồ Cần, thuộc phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), nhiều bà con dân cư ra tập thể dục, ngắm cảnh sớm tối thật bình yên. Ít ai biết, trước đây nơi này từng là bãi đổ phế thải, bị lấn chiếm, vi phạm trật tự xây dựng. Từ năm 2010, hồ Cần được cải tạo, kè bờ, trồng cây, lắp hệ thống đèn điện, ghế đá. Tình trạng lấn chiếm và đổ phế thải mới chấm dứt.

Cũng nằm trong khu dân cư, giờ hồ Kim Liên, thuộc phường Kim Liên (quận Đống Đa) đã có cảnh quan đẹp, mặt nước bớt ô nhiễm. Nơi đây trước kia là điểm đen về ô nhiễm và luôn xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công, vi phạm trật tự xây dựng. Năm 2004, UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật, tạo nên “lá phổi xanh” cho thành phố và dự kiến đến giữa năm 2005 thì hoàn thành. Tuy nhiên, do những khó khăn trong đền bù, giải phóng mặt bằng, mãi đến năm 2007 dự án mới được khởi công, đầu năm 2009 mới được khánh thành. Ông Nguyễn Thế Tài sống trong khu vực cho biết, bây giờ cảnh quanh của hồ đã khá tốt, người dân rất vui vì không còn cảnh… mở cửa là thấy rác.

Ao hồ là tài sản chung và là thực thể vô cùng quan trọng của TP Hà Nội trong việc tạo cảnh quan, điều hòa không khí, thế nhưng đâu phải ao, hồ nào cũng may mắn sớm được cải tạo, bảo vệ. Cách hồ Cần không xa là ao cá cũng thuộc phường Vĩnh Tuy (nằm trong ngõ 34 Vĩnh Tuy), đến nay vẫn chưa được cải tạo theo dự kiến ban đầu. Theo tìm hiểu, dự án cải tạo ao cá được khởi công từ đầu tháng 3-2010, dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2010, gồm các hạng mục chính như nạo vét hồ, kè hồ, xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung quanh hồ, lắp đặt cống bao thu gom nước thải, lắp đặt trạm bơm, cửa điều tiết nước thải. Thế nhưng dự án chỉ thực hiện được 10% hạng mục công trình rồi… ách lại. Làm việc với lãnh đạo UBND phường Vĩnh Tuy, chúng tôi được trả lời là do hết vốn. Từ đó đến nay, dự án vẫn “treo”.

Có một dự án hướng đến hồi sinh hồ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa), nhưng đã chậm trễ hàng thập kỷ. Suốt nhiều năm, chính quyền phường Văn Chương phải vào cuộc, vận động, đẩy đuổi các đối tượng “nhảy dù” vào làm nhà tạm trên đất công ven hồ. Thậm chí còn để xảy ra cháy khu nhà ổ chuột nơi đây vào tháng 5-2015. Chúng tôi đã làm việc với hai đồng chí chủ tịch phường qua hai nhiệm kỳ và đều nhận được chia sẻ về nỗi khó khăn của công việc quản lý tại địa phương. Từ giữa năm 2019, tiến độ của dự án được đẩy lên nhanh hơn. Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội cho biết, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2020.

Theo tìm hiểu, chục năm qua, với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng TP Hà Nội, các doanh nghiệp đã tài trợ, giúp 86 ao, hồ trên địa bàn được xây kè hoàn toàn hoặc một phần, tạo cảnh quan đẹp cho cả thành phố nói chung và cho từng khu vực dân cư nói riêng. Ông Trương Mạnh Tiến, Chủ nhiệm CLB hồ Hà Nội khẳng định: “Công tác kè cứng hóa ven hồ là một nỗ lực lớn của nhiều cơ quan thành phố. Như chúng ta đã biết, rất nhiều hồ bị lấn chiếm, thậm chí có những khu người dân còn làm được sổ đỏ trên đất công. Điều này gây khó khăn rất lớn cho công tác đền bù sau đó”.

Bảo vệ đến cùng

Ao, hồ đẹp và quan trọng với đời sống, nhưng cũng dễ bị tổn thương bởi hành động vô ý thức của con người. Để được cải tạo, xây kè, làm đường chung quanh đã khó, việc gìn giữ để không bị tái lấn chiếm cũng chẳng đơn giản. Theo khảo sát, không ít hộ kinh doanh đã lấn chiếm vỉa hè ven hồ, đường ven dưới lòng hồ sát mặt nước để làm quán bia, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán trà đá, bán rau. Nhiều người vô ý thức đổ đồ ăn thừa xuống hồ ao, khiến mặt nước ô nhiễm hoặc ảnh hưởng, như ở hồ Ba Mẫu (quận Đống Đa), hồ Văn Quán (quận Hà Đông), ao Sen làng Đại Từ (quận Hai Bà Trưng), hồ Đầm Tròn (quận Ba Đình)… Thậm chí hồ Tây ở nhiều đoạn cũng bị lấn chiếm làm chỗ kinh doanh.

Vào những ngày này hồ Rùa, nằm trên phố Nguyễn Lân, thuộc phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân) đang là địa điểm phát sinh bức xúc vì bị ba quán bia lấn chiếm làm nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống. Hồ Rùa từng là điểm nóng của tình trạng lấn chiếm, đổ trộm rác và phế thải và phải mất rất nhiều công sức để hoàn thành dự án cải tạo, trả lại cảnh quan cho hồ đẹp, có đường cho người dân tập thể dục. Nhưng hiện vỉa hè phía hồ và đường sát mép nước bị chiếm dụng làm của riêng. Nhiều khoảnh bị nhân viên nhà hàng kê ghế nhựa cả ngày.

Ngay tại các hồ Xã Đàn, hồ Hoàng Cầu, dù được cải tạo xây dựng rất tốn kém, nhưng vẫn có hiện tượng quán cà-phê lấn chiếm làm nơi trông giữ xe hoặc quán bán cà-phê. Chính quyền địa phương đã nhập cuộc, song vẫn chưa dứt điểm việc chiếm dụng không gian chung.

Trước hiện tượng ao, hồ bị tái lấn chiếm, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), cho biết: “Quy định về bảo vệ ao, hồ đã rõ. Nhiệm vụ của các cấp quản lý cũng được phân công. Nhưng việc chấp hành luật pháp của nhiều nơi chưa nghiêm, dẫn đến nhiều ao, hồ chưa được bảo vệ triệt để”.

Chung tâm sự ấy, ông Trương Mạnh Tiến, Chủ nhiệm CLB Hồ Hà Nội cho rằng, do nước xả thải sinh hoạt không qua xử lý đã đổ thẳng xuống các ao hồ, kênh rạch khiến cho nhiều ao, hồ ô nhiễm. “Trong những năm qua, chính quyền thành phố rất quan tâm đến tình trạng ô nhiễm các ao, hồ, song vẫn không xử lý xuể bởi vẫn chưa nhận được sự cộng hưởng nhiệt tình của người dân, nhất là việc tái lấn chiếm để kinh doanh”, ông Tiến bày tỏ.

Ở hồ làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) từng khá nhếch nhác bởi nơi đây không ít hộ lấn chiếm lòng đường, đường ven hồ để kinh doanh. Nỗi bức xúc từng diễn ra nhiều năm vì ảnh hưởng, đi lại khó khăn. Ông Đặng Ngọc Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều, khẳng định: Kể từ trước Tết Canh Tý, với chủ trương “chính quy hóa” lực lượng công an xã, Công an xã Tân Triều đã ra quân quyết liệt, liên tục, xử lý nghiêm các hộ vi phạm và sẽ không để tình trạng vi phạm tái diễn.

Rõ ràng, việc bảo vệ, chống tái lấn chiếm ao, hồ làm nơi kinh doanh sẽ được thực hiện tốt nếu có sự quyết tâm của chính quyền và sự hợp tác của người dân. Các cấp, ngành cần nỗ lực hơn nữa để trả lại cảnh quan cho ao, hồ, để những chiếc “điều hòa không khí” góp phần bảo vệ cảnh quan, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Có nhiều trăn trở cho kiến trúc, cảnh quan ao, hồ ở Thủ đô, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, chia sẻ: “Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến không chỉ đẹp bởi những công trình kiến trúc độc đáo, những khu phố cổ, mà còn bởi những hồ nước đẹp nao lòng. Song để ao, hồ tiếp tục phát huy giá trị rất cần sự chung tay, làm đến cùng để chống ô nhiễm, chống lấn chiếm làm nơi kinh doanh dịch vụ kinh doanh, buôn bán”.