Khởi nghiệp ở quê hương

Kỳ 3: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

Nhiều cuộc thi, hoạt động hỗ trợ đã được tổ chức để đồng hành với các doanh nhân khởi nghiệp.
Nhiều cuộc thi, hoạt động hỗ trợ đã được tổ chức để đồng hành với các doanh nhân khởi nghiệp.

Sự trở về của đội ngũ trí thức trẻ đã và đang là động lực quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh hệ sinh thái (HST) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) dần được hoàn thiện ở tầm quốc gia, một số địa phương đã ban hành các chính sách, chương trình hành động cụ thể để thu hút được đội ngũ nhân lực trẻ trở về. Phản ứng nhanh nhạy này đang hun đúc, chắp cánh cho nhiều dự án khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thay da đổi thịt các vùng quê. 

Cả hệ thống đồng hành 

Năm 2016, khi Chính phủ chọn làm “Năm Quốc gia khởi nghiệp”, ở Đồng Tháp phong trào này vẫn còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, nhận thấy vai trò quan trọng của lực lượng thanh niên, trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan (nay là Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và đội ngũ lãnh đạo tỉnh đã đến từng vùng quê, tìm hiểu tâm tư, tháo gỡ khó khăn, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho các bạn trẻ. Những lời động viên tinh thần, gợi mở hướng tư duy cùng việc tháo gỡ chính sách, kết nối tiêu thụ sản phẩm... từ lãnh đạo tỉnh đã khởi lên một cách mạnh mẽ phong trào lập thân, lập nghiệp và khát vọng làm giàu trên mảnh đất sen hồng. 

Đến Trung tâm đặc sản và du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội, dễ dàng bắt gặp rất nhiều sản phẩm khởi nghiệp nổi bật như tinh dầu Hương Đồng Tháp của Đoàn Ngọc Minh Thùy, sản phẩm làm từ sen thương hiệu Ecolotus của Ngô Chí Công, sản phẩm làm từ sen thương hiệu Senta và củ ấu thương hiệu Vina Ấu của Nguyễn Anh Thy… Gần như hoạt động xúc tiến thương mại nào của Đồng Tháp, các sản phẩm khởi nghiệp cũng được mang theo giới thiệu một cách trân trọng.

Quảng bá, hỗ trợ startup tiêu thụ, mở rộng thị trường chỉ là một phần, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định: Tại Đồng Tháp, trùm lên tất cả là một chiến lược phát triển được thực thi rất công phu và đồng bộ của các cấp, sở, ngành, huyện, xã. Từ chương trình đào tạo nhân lực căn cơ, sự chăm sóc tận tụy hoạt động khởi nghiệp, sáng kiến kiên trì lập lưới hàng trăm Hội quán, từ đó nảy mầm các mô hình khởi nghiệp, các hợp tác xã (HTX) kiểu mới gắn bó, nương tựa nhau để làm ăn.

“Coi phát triển doanh nghiệp, đặc biệt phong trào khởi nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, kế hoạch để cả hệ thống chính trị căn cứ vào đó xây dựng chương trình phát triển HST hỗ trợ các startup. Khởi nghiệp đòi hỏi dấn thân nhưng các bạn trẻ không đơn độc”, Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp Huỳnh Minh Thức cho biết. 

Nhiều năm qua, chiến lược Đồng Tháp đi rất rõ ràng: Chú trọng phát triển các tài năng khởi nghiệp. Sâu sát với từng dự án, cán bộ đoàn các cấp đảm nhận nhiệm vụ kết nối để các startup tiếp cận vốn vay, nhận sự dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn, tham gia chương trình ươm tạo, cuộc thi khởi nghiệp, đồng thời tháo gỡ các thủ tục pháp lý rườm rà. Ngoài ra, Đồng Tháp còn triển khai nhiều chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất, thuê mặt nước, hỗ trợ tập trung đất; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp CNC, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, tham gia chương trình OCOP…

Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ, các startup ở Đồng Tháp có sự phát triển khá nhanh về số lượng, quy mô và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, riêng cấp tỉnh có bốn cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp; một câu lạc bộ (CLB) Sáng tạo khởi nghiệp tỉnh; 14 CLB khởi nghiệp cấp huyện, năm CLB khởi nghiệp trong trường THPT, 162 CLB thanh niên làm kinh tế, 216 tổ hợp tác và các HTX thanh niên...

Kết nối những người trẻ

Nhóm “Kết nối thanh niên Bắc Kạn khởi nghiệp” qua mạng xã hội Facebook hiện có rất nhiều thông tin chia sẻ về kiến thức nông nghiệp, tìm kiếm thị trường, tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp với cộng đồng gần 21.000 thành viên thường xuyên tương tác. Chỉ trong thời gian ngắn, Bắc Kạn đã phát triển được 315 mô hình kinh tế, 35 tổ hợp tác và 31 HTX nông nghiệp do thanh niên làm chủ, phần lớn đều có thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. 

Điểm sáng trên được bắt nguồn từ chủ trương, chính sách hết sức kịp thời để đón nhận dòng chảy tri thức trẻ trở về xây dựng quê hương. Từ năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bắc Kạn đã ban hành Đề án số 03-ĐA/TĐTN hỗ trợ thanh niên lập thân khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2022. Căn cứ vào đó, hằng năm đều có chương trình hành động cụ thể. Bởi vậy, bên cạnh hệ thống chính sách đồng bộ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành thì tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ cán bộ đoàn các cấp là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy khởi nghiệp ở Bắc Kạn phát triển… Đặc biệt trong vai trò thủ lĩnh thanh niên, nhiều cán bộ đoàn, hội cơ sở đã trực tiếp tham gia, làm chủ các mô hình kinh tế hiệu quả, trở thành người truyền cảm hứng cho thanh niên như: Bí thư Đoàn xã Như Cố, huyện Chợ Mới Lường Đình Hùng - người đồng sáng lập và duy trì hoạt động của HTX nông nghiệp Thanh niên Như Cố; Ủy viên Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Bắc Kạn Đinh Tuyết Nhung đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Kạn, Giám đốc HTX Nhung Lũy…

Chị Ma Thị Mận, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Kạn cho biết, nếu như trước đây, phần lớn thanh niên, nhất là ở các thôn, bản xa thường lựa chọn đi làm công nhân hoặc kiếm việc làm thuê thì nay, rất nhiều bạn trẻ đã quan tâm, có những cách làm sáng tạo phát huy thế mạnh đồi rừng để phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và thậm chí là làm giàu trên mảnh đất quê hương. Vượt qua những lúng túng bước đầu, hiện các sản phẩm đã được đầu tư khá kỹ về thương hiệu, mẫu mã và từng bước tiếp cận thị trường lớn trong nước.

Tạo động lực thu hút người trẻ

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, với môi trường, thể chế kinh doanh và đầu tư đang từng bước được cải thiện, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. 

Chính sách không thiếu nhưng hiệu quả của khởi nghiệp ĐMST tại các địa phương lại không giống nhau. Thực tiễn đã chứng minh, để chắp cánh cho các sản phẩm khởi nghiệp ĐMST vươn xa cần hội tụ đủ cả hai yếu tố: tinh thần khởi nghiệp của thanh niên và vai trò đồng hành của chính quyền địa phương. Điểm sáng mới với hơn 150 mô hình, HTX do thanh niên làm chủ tại Cao Bằng là một minh chứng thêm cho nhận định này. Anh Triệu Văn Thực, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Cao Bằng cho biết: Khó khăn nhất của thanh niên hiện nay khi khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là vấn đề về nguồn vốn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, khi tỉnh có những chính sách hỗ trợ, hầu hết các mô hình, HTX nông nghiệp do thanh niên làm chủ đều mạnh dạn mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật, mua thêm máy móc cơ giới, qua đó nâng cao năng lực sản xuất.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: Khởi nghiệp không chỉ là công việc của doanh nghiệp hay đội ngũ thanh niên trẻ mà trước tiên phải được khơi gợi từ các cấp chính quyền. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ khi nào chuyển đổi được mô hình tăng trưởng thì vai trò của người trẻ mới rõ nét. 

“Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định quan điểm “chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”. Theo đó, mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới cần phải thay đổi đi vào chiều sâu, tạo ra những chuỗi ngành hàng, chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng được cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn… Và đây cũng là động lực để thu hút đội ngũ thanh niên, trí thức trẻ trở về quê hương, đảm nhận nhiệm vụ hiện đại hóa ngành nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Một dự án khởi nghiệp có thể tạo ra sinh kế cho nhiều hộ dân, một tư duy đột phá có thể thay đổi phương thức canh tác của cả vùng nông nghiệp, một đam mê khởi nghiệp cháy bỏng có thể tạo ra sản phẩm mang tầm thương hiệu quốc gia.