Khởi nghiệp ở quê hương

Kỳ 2: Con đường không trải hoa hồng

Máy bay không người lái phục vụ phun thuốc tại cánh đồng Tràm Chim (Đồng Tháp).
Máy bay không người lái phục vụ phun thuốc tại cánh đồng Tràm Chim (Đồng Tháp).

“Bố mẹ cả đời vất vả, lo cho con học cao biết rộng, làm gì không làm sao lại về quê làm nông?” - Bước chân trở về, đặt những viên gạch đầu tiên cho dự định khởi nghiệp, hầu như startup nào cũng phải tìm cách vượt qua sự cấm cản, phản đối của gia đình và đủ lời dị nghị, bàn tán của làng xóm. Vậy nhưng tất cả mới chỉ là bắt đầu!

Bài toán tư duy

Theo thống kê, 99% dự án khởi nghiệp thất bại là do sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Vì vậy khi về quê, để biến quyết tâm khởi nghiệp, biến tình yêu với nguồn tài nguyên bản địa thành một mô hình kinh doanh hiệu quả đòi hỏi rất nhiều kiến thức, kỹ năng đi kèm. 

Câu chuyện khởi nghiệp truyền cảm hứng của Nguyễn Thị Lê Na, người sáng lập thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến (Quỳ Hợp, Nghệ An) là một thí dụ. Trước khi xây dựng thành công trang trại cam sinh thái cùng xưởng chế biến mứt, bánh, trà, tinh dầu từ cam rồi tiến đến phát triển dịch vụ du lịch sinh thái… Lê Na cũng phải trải qua hành trình khởi nghiệp mà chị gọi là “đam mê dẫn đường, nợ nần dẫn lối”.

Theo Lê Na, hiện nay dù về quê khởi nghiệp đang là một xu hướng, khi khắp nơi sôi nổi bàn về kế hoạch làm nông nghiệp kiểu mới, phát huy đặc sản quê hương, nhận diện thương hiệu, sản phẩm chế biến nông sản hữu cơ/sinh thái, triển lãm quốc tế, cũng như các cuộc thi gọi vốn... Tuy nhiên nông nghiệp vẫn là nông nghiệp, vẫn gắn liền với thời tiết, thổ nhưỡng với nắng gió sâu bệnh trên các cánh đồng. Bản thân Lê Na khi bắt tay vào làm nông nghiệp sinh thái cũng phải trải qua đủ mọi thất bại mà trả giá trên cây trồng không dễ gì để sửa trong ngày một, ngày hai. Hay khi làm xưởng chế biến, suốt ba năm luôn trong tình trạng hỏng rồi đổ đi làm lại. Rất may sau đó, chị tìm được những chuyên gia nước ngoài tâm huyết, hỗ trợ về kỹ thuật cho dự án. Nhưng đó vẫn chỉ là một trong vô số các bài toán mà một startup phải giải.

“Nói đến khởi nghiệp với nghề nông mọi người thường chỉ tư duy về quê nuôi con gì, trồng cây gì hoặc mở xưởng, trang trại tuy nhiên để có thể thành công, phát triển bền vững, startup còn phải giải được các bài toán khác liên quan đến quá trình vận hành, kinh doanh, marketing, truyền thông, quản trị, bán hàng... Khởi nghiệp ở quê cũng không khác gì mô hình một doanh nghiệp ở thành phố, thậm chí còn khó khăn hơn khi thực hiện trong điều kiện mọi nguồn lực hết sức hạn chế, đặc biệt là tìm được những người đồng hành vừa có chuyên môn, vừa có lý tưởng không dễ dàng”, người sáng lập thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến cho biết.

Trước khi có được trái ngọt đầu tiên với dự án nông dược Got-a-farm, Nguyễn Thị Duyên cũng từng hai lần thất bại với mô hình trồng nấm và sản xuất gia công thảo dược gội đầu cho các nhãn hàng spa. Với tâm niệm không biết thì phải học, Duyên quyết định trước khi bước vào khởi nghiệp lần ba, cô dành thời gian chín tháng làm việc tại Công ty Yazaki chi nhánh Thái Bình để tìm hiểu cách người Nhật Bản quản lý trong nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, thực tế luôn khắc nghiệt hơn rất nhiều. “Năm 2019, khi bắt tay vào trồng dược liệu, mình phải trả giá rất nhiều cả về thời gian, tiền bạc và công sức cho những thử nghiệm. Canh tác nhưng không có sản lượng để thu hoạch. Chế biến nhưng không đạt chất lượng phải đổ đi. Đến khi ra được sản phẩm thì không biết bán đi đâu, bán cho ai, lại thành hàng tồn kho hết hạn sử dụng”, Duyên nhớ lại.

Biết mình còn nhiều thiếu sót, một lần nữa Duyên quyết định phải đi học thật nghiêm túc. Cô tham gia các khóa đào tạo của Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ (KIKUBARA CENTER), CLB Hạt mầm Nông Nghiệp Sạch (NNS), Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và các khóa ngắn hạn khác của VCCI… Nhờ có thầy cô và bạn bè hỗ trợ, Duyên dần khắc phục được những khó khăn trong công việc. 

“Đến bây giờ lại có những thách thức khác trong quản trị nhân sự, quản trị doanh nghiệp mà mình cần đối mặt và giải quyết, tùy theo quy mô phát triển của dự án, nhưng mình tin rằng bản thân không ngừng nỗ lực kiên trì thì những thử thách đó sẽ giúp mình trưởng thành hơn”, Duyên tâm niệm.

Câu chuyện nguồn vốn

Tham dự các tọa đàm về khởi nghiệp, gần như phần hỏi đáp nào cũng có những câu hỏi liên quan đến cách tiếp cận nguồn vốn. Với các startup mới, đây quả thật là một thử thách lớn, tuy nhiên trên thực tế, lời giải cho bài toán này lại rất đa dạng.

Năm 2019, khi quyết định nghỉ việc để thành lập công ty chuyên thi công, lắp đặt nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới và cung ứng vật tư, thiết bị phục vụ phát triển nông nghiệp CNC, chị Lê Thị Vân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Nông nghiệp Công nghệ cao Rich Farm chia sẻ. Quả thật lúc đó tôi cũng không có nhiều tiền trong khi lĩnh vực hoạt động đòi hỏi nguồn vốn lớn. Nhớ đến bài học kinh doanh thời còn đi làm thuê, tôi vận dụng kỹ năng đàm phán để gia hạn thời gian thanh toán với bên cung ứng vật tư đồng thời xin tạm ứng tiền từ khách hàng. Nhờ đó công ty đã linh động được nguồn vốn để tái đầu tư, mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng.

Cùng làm mô hình kinh doanh thâm dụng vốn, chàng kỹ sư Trương Trọng Nghĩa, người sáng lập của Công ty cổ phần Nông nghiệp chính xác MAPA chia sẻ bí quyết trong thời gian ngắn có thể phát triển đội bay lên tới 15 chiếc drone (giá trung bình vào khoảng 500 triệu đồng/máy bay): Tôi nghĩ ngay đến mô hình kinh tế chia sẻ giống như cách mà Grab, Uber đã làm. Theo đó, các cá nhân sở hữu máy bay sẽ vận hành chung, kết nối với nông dân qua hệ thống. Tài sản vẫn thuộc về cá nhân, tuy nhiên nguồn lực sẽ được phân bổ một cách tối ưu hơn. Đối với nhà đầu tư, lợi ích sẽ cao hơn khi vận hành đơn lẻ; đối với nông dân, chất lượng dịch vụ đồng đều và nhanh chóng. Lợi ích của tổ phun thuốc cũng tăng theo số lượng máy nhờ lợi thế kinh tế theo quy mô. Đó là một mối liên kết bền vững tất cả đều có lợi. 

Chia sẻ về nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn cho biết: Hiện nay có đến hơn 30 nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho các mô hình kinh tế nông thôn từ các tổ chức chính trị xã hội như Trung ương Đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ; từ các nguồn Quỹ ưu đãi cho khởi nghiệp các tỉnh, thành phố giao cho Đoàn thanh niên các cấp vận hành, từ các quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã hoặc thông qua các cuộc thi khởi nghiệp, các quỹ đầu tư… Các startup cần tìm hiểu thông tin và cần linh hoạt trong việc tiếp cận nguồn vốn và đặc biệt phải tìm hiểu kỹ thủ tục tín dụng để lập hồ sơ vay vốn, tránh nản lòng trước các thủ tục phục vụ phê duyệt vốn vay.

Để vững vàng trước sóng gió

Nhận định về trào lưu người trẻ bỏ phố về quê khởi nghiệp với nghề nông, chị Trần Hương Thảo - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn cho biết: Bên cạnh những mô hình kinh doanh lớn thì còn có một bộ phận những người làm kinh tế nông nghiệp bằng cái tâm qua những mô hình kinh tế nhỏ. Sản phẩm của họ tạo ra giá trị, đáp ứng cho nhu cầu của chính cộng đồng chung quanh. Vì vậy, khi khởi nghiệp đừng đao to búa lớn mà quan trọng là phải tìm cách tạo ra giá trị cho cộng đồng từ mô hình của mình. Nhiều dự án không thành công cũng vì tham vọng quá lớn.

Khuyên các bạn trẻ nên thận trọng, Ths Hoàng Sơn Công, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển tài năng Việt Nam cũng cho rằng: Nếu quá vội vàng ra một quyết định khởi nghiệp, đặc biệt với ngành nhiều rủi ro như nông nghiệp thì nguy cơ thất bại sẽ rất cao. Bởi vậy, khi bắt đầu, hãy lưu ý nguyên tắc làm nhỏ, làm chậm và chắc sẽ dễ nhân rộng hơn làm lớn ngay từ đầu; Tích lũy kinh nghiệm thực hành trên cơ sở lý thuyết khoa học - công nghệ quan trọng hơn việc vội vàng ứng dụng đại trà; kiểm soát rủi ro song song với việc chỉ nhìn thấy cơ hội và thuận lợi. Nhưng quan trọng nhất, cần xác định được mục tiêu của khởi nghiệp là gì, cho ai, trong thời gian nào… để có được sự vững vàng trong tâm lý.

Nhiều năm đồng hành với thanh niên nông thôn, anh Huỳnh Minh Thức, Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp cũng nhận định: Về quê khởi nghiệp với nghề nông là một con đường không dễ dàng bởi vậy các bạn trẻ cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thách thức. Để có thể khởi nghiệp thành công, cần chuẩn bị đầy đủ kiến thức nền tảng về chuyên môn, quản trị doanh nghiệp, kỹ năng trình bày, thuyết phục, lắng nghe…; bắt tay vào làm phải có mô hình, kế hoạch kinh doanh cụ thể, đồng thời tìm được đội ngũ đồng hành, người cố vấn và tìm cách kết nối nhanh với hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên quan trọng nhất phải có khát vọng, đam mê, tư duy đổi mới sáng tạo, thích ứng tốt với sự thay đổi hiện nay.

(Còn nữa)