Gửi từ “vùng đỏ” (Kỳ 2)

Kỳ 2: Hành trình khó quên

Theo dõi tình trạng bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: SƠN KAI
Theo dõi tình trạng bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: SƠN KAI

Nguyễn Khánh Hòa vừa đi làm được ba năm. Chàng trai trẻ sinh năm 1996, là điều dưỡng gây mê hồi sức của một bệnh viện Trung ương ở Hà Nội. Khi xung phong lên đường vào TP Hồ Chí Minh chống dịch, Hòa mất nhiều tuần vừa thuyết phục, vừa... tranh cãi để tìm sự đồng thuận từ bố mẹ. 

Lên đường

Trong rất nhiều căn nhà, của rất nhiều nhân viên y tế khác, cũng xảy ra những cuộc tranh luận tương tự, giữa cha mẹ với con cái, giữa vợ với chồng... Trong cuộc tranh cãi để giành phần lên đường tình nguyện, phần lớn người “chủ chiến” kể cả khi giành phần thắng, vẫn  khó giấu bộn bề suy nghĩ. “Mình chỉ là một nhân viên y tế non trẻ giữa hàng nghìn anh chị đã xung phong vào tuyến đầu. Vì thế, tâm trạng lúc nào cũng đan xen giữa sự quyết tâm và sự hoang mang. Hoang mang không phải do sợ mà vì không biết mình sẽ giúp được gì cho đồng nghiệp trong tâm dịch. Quyết tâm vì mình còn trẻ, chưa vợ con và không muốn cuộc sống vô nghĩa”, Hòa chia sẻ.

Cùng tâm thế đó, bác sĩ Ngô Hải Sơn, tình nguyện từ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) vào hỗ trợ Bệnh viện dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) khi cô con gái thứ hai của anh mới vài tháng tuổi. Ngày lên đường, gia đình chụp chung một kiểu ảnh kèm theo lời nhắn gọn gàng của người vợ: “Ngày bố Sơn lên đường vào nam chống dịch! Chỉ mong hai chữ bình an với tất cả mọi người trong đoàn. Bố đi mau về với J&P nha”. Cứ cách vài ngày, bác sĩ Sơn lại cố gắng cập nhật tình hình của bản thân lên trang cá nhân, xen kẽ là những cập nhật của vợ về các con. Không ai thấy sự lo lắng trong gia đình trẻ này mà chỉ thấy một bên là tiền tuyến - một bên là hậu phương, rất bền chặt và vững lòng.

Để sẵn sàng “ra trận”, điều dưỡng Hòa, bác sĩ Sơn hay các y, bác sĩ ở nhiều chuyên khoa khác nhau, ngoài tinh thần tình nguyện, còn phải học, chuẩn bị kiến thức về sử dụng máy thở, chuyên môn chăm sóc bệnh nhân Covid-19... Bác sĩ Nguyễn Thúy Hằng (Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội) thường xuyên đăng tải tài liệu về Sổ tay điều trị và hồi sức cấp cứu bệnh nhân Covid-19 cho các bác sĩ không chuyên, khóa đào tạo trực tuyến chuyên đề về điều trị bệnh nhân Covid-19... trên trang cá nhân. Chị Hằng cho biết: “Mình chia sẻ lên đây giúp các đồng nghiệp quan tâm, đồng thời cũng là để bản thân có thể xem lại nhiều lần”. Hai vợ chồng chị Hằng đều là bác sĩ, những ngày qua luôn ở tâm thế sẵn sàng tham gia bệnh viện dã chiến của Thủ đô. Tuy nhiên, trong thâm tâm chỉ mong ngày đó không tới... Bởi là bác sĩ, chứng kiến thực tế đồng nghiệp đang chiến đấu trong tâm dịch, họ hiểu rõ những tổn thương mà người bệnh, nhân viên y tế có thể gặp phải, cả về sức khỏe lẫn tinh thần.

Lạc quan bước qua 

“- Chú cho tôi quay cái giường lại để tôi nhìn cái ông kia, không biết ông ý thế nào rồi, ông ý yếu lắm - tay bà chỉ sang chồng đang nằm cách một giường. 

- Bác phải chịu khó tập thở đi, ông ý hiện tại đang khỏe hơn bác đấy - mình phì cười nhìn ông cụ đã 82 tuổi đang giơ tay lên xuống tập thở.

Sau đấy bà cụ vẫn nhất quyết kê gối, kê chăn đòi quay đầu giường nên mình đành nâng đuôi giường và kéo dài dây oxy cho cụ, lúc này bà mới yên tâm nằm xuống tập thở nhưng vẫn không quên lầm bầm mắng mỏ gì đó ông cụ...”.

Bác sĩ Sơn kể lại một trong nhiều câu chuyện giữa người với người, giữa bác sĩ với bệnh nhân, một câu chuyện nhẹ nhàng như thắp sáng những buồn bã bên trong bệnh viện dã chiến đang hằng ngày cứu chữa hàng nghìn bệnh nhân Covid-19. Từ đó, giúp các y, bác sĩ lấy lại tinh thần, làm chủ công việc để tiếp tục cuộc chiến dài hơi phía trước. “Trong cái nóng hầm hập của bộ đồ bảo hộ, chiếc khẩu trang kín mít đến khó thở và những tiếng tít tít bất tận của hàng chục cái monitor; theo dõi và trợ giúp bệnh nhân là công việc chúng tôi không được ngắt quãng và chẳng phân biệt ngày đêm. Tần suất tiếp xúc liên tục với bệnh nhân đã nhanh chóng tạo thành mối liên kết mơ hồ giữa nhân viên y tế và người bệnh”, bác sĩ Ngô Hải Sơn kể về mối liên kết đặc biệt hình thành giữa tâm dịch, tạo ra cơn sóng lòng không hề nhẹ trong tâm người thầy thuốc, từ đó vượt qua trở ngại, mong muốn hết mình cứu chữa người bệnh.

Điều dưỡng Nguyễn Khánh Hòa trải qua những ngày sắp xếp nội vụ và tập huấn chuyên môn, đã bắt đầu các tuần trực đầu tiên trong Bệnh viện dã chiến số 13. Đối diện với rất nhiều bệnh nhân nhập viện hằng ngày, anh không còn giữ được tinh thần lạc quan như trước đó: “Khác xa so những gì mình chuẩn bị. Thực tế vừa nặng nề, vừa có phần quá sức. Thậm chí có lúc cảm thấy bất lực”. Bác sĩ Ngô Hải Sơn thì lặng lẽ chia sẻ: “Vốn đã quen với những tua trực cấp cứu liên tục nhưng điều trị, cấp cứu và chứng kiến sự ra đi của những bệnh nhân ở đây khiến mình choáng váng và nặng nề. Mới chuyển lời thăm hỏi của người thân để động viên bệnh nhân tiếp tục tập thở vài tiếng trước, mà sau đó đã tiến triển nặng, phải thở máy, rồi không qua khỏi”...

Sự khởi đầu của những nhân viên y tế trẻ, mang trong mình bầu nhiệt huyết cống hiến, không hề như họ mong đợi. Tinh thần có lúc nao núng, một số người đã định bỏ cuộc. Nhưng rồi, ngày qua ngày, được chứng kiến tiến triển của người bệnh dù tốt hay xấu, mỗi người trong họ dần hình thành những cảm xúc khó nói thành lời. Trong đó, xúc động hơn cả là các câu chuyện về tình yêu thương giữa khó khăn.

Những ngày qua, bệnh viện dã chiến dù vất vả tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân nhưng cũng liên tục chứng kiến rất nhiều người bệnh khỏi bệnh, góp phần tiếp lửa quyết tâm cho các y, bác sĩ tuyến đầu. Điều dưỡng Hòa muốn xin ở lại thêm vì cảm thấy mình còn có ích, phải cố gắng giúp đỡ mọi người. Mỗi lần bóp oxy hỗ trợ bệnh nhân thở, anh đều luôn động viên không ngớt: Cô ơi, chú ơi, ráng lên. Điều dưỡng trẻ có thân hình mũm mĩm này còn tích cực làm mới tinh thần trên trang cá nhân bằng bức ảnh cầm chiếc bộ đàm kèm câu chú thích hóm hỉnh: “Alo alo, các bệnh nhân điều trị khỏi Covid đang di chuyển tới cổng viện. Mong một sớm mai sẽ không còn ai cần phải thở oxy nữa. Doraemon hết”.

Ngô Hải Sơn thì chẳng còn thời gian suy nghĩ dông dài, thay vào đó tận dụng lúc hiếm hoi rảnh cùng kiến thức... làm chồng để cùng đồng nghiệp tìm cách chống... mướt mát mồ hôi. “Do đặc thù khu điều trị bệnh nhân Covid-19 không được sử dụng điều hòa mà cần thông khí tự nhiên, cộng với bộ PPE quá kín dẫn đến mồ hôi chảy như tắm. Các anh em đã xin chị em ít... “hàng đặc chủng” để thấm. Có ông còn phát hiện ra loại có mùi bạc hà và dán vào rất mát nữa cho nên người thì dán vào trán, kẻ dán vào mặt, trong áo, trên mặt. Có ông thì dán vào gấu quần để ngăn mồ hôi chảy xuống dép”, Sơn chia sẻ đầy hóm hỉnh về trang bị mới của kíp trực là... chiếc băng vệ sinh chống thấm. Anh thậm chí còn tán dương bộ đồ bảo hộ một cách hứng khởi: “Khi mặc bộ level 4 và đeo khẩu trang đến cuối ca trực, mình có cảm giác lâng lâng giống như đang ở đỉnh núi 6.500 m, chỉ khác ở đó lạnh -20 độ. Sau đợt này sẽ nghiên cứu mang bộ PPE này đi leo núi vì nó giữ nhiệt rất tốt”.

Trong bệnh viện dã chiến, câu chuyện giữa người bệnh và nhân viên y tế ngày qua ngày, giờ qua giờ luôn là sợi dây quan trọng để duy trì mầm sống, động lực vượt qua chính mình của cả đôi bên. Nhiều người dù vô cùng mỏi mệt, nhưng khi cùng nhau lạc quan nở nụ cười nhìn về phía trước thì sẽ biến khát khao sống trở thành động lực chiến thắng. 

Ngày bay vào tâm dịch, điều dưỡng Nguyễn Khánh Hòa rạng rỡ gửi một bức ảnh chụp bầu trời trong xanh qua khung cửa sổ máy bay, kèm theo lời nhắn: “Đây là lần đầu mình đi máy bay, mà may mắn nhất là được trên một hành trình đầy ý nghĩa”. Còn hiện tại, Hòa chỉ mong hành trình sẽ đi đến điểm cuối, khi mà những buồn vui trong bệnh viện dã chiến chỉ còn là ký ức khó quên để người ta kể lại với nhau nghe trong bình yên.

(Còn nữa)