Góp tre nứa dựng khu cách ly

Người có tre góp tre, người có bạt góp bạt, người không có nguyên liệu lại góp công và nếu thiếu, xã sẽ chủ động trích kinh phí mua thêm bạt đủ để làm khu cách ly tạm cho các trường hợp có nguy cơ cao mắc Covid-19. Theo cách đó, chỉ trong thời gian rất ngắn 15 xã thuộc huyện biên giới Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) đã hoàn thành 962 phòng cách ly để sẵn sàng đón người từ nơi xa trở về…

Nhân dân xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) góp sức làm lán cách ly cho người nơi xa về.
Nhân dân xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) góp sức làm lán cách ly cho người nơi xa về.

Ngày hội đại đoàn kết tại khu cách ly

Cùng chúng tôi thăm khu cách ly ở đầu bản Nà Mười (xã Chà Tở) vừa hoàn thành, ông Tao Văn Tim, Bí thư Chi bộ bản Nà Mười chia sẻ: Không lễ lạt, không hát múa, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân năm nay người dân bản Nà Mười  đến đây góp sức làm khu cách ly phòng dịch. 

Nói rồi, ông Tim đưa chúng tôi đi vòng quanh khu cách ly với sáu phòng riêng biệt; ngoài dãy phòng cách ly còn có hai gian nhà vệ sinh; điện và nước cũng được kéo tạm từ bản Nà Mười sang. Nghe tôi hỏi về nguồn kinh phí làm dãy nhà cách ly này, ông Tim liền khua khua tay và nói: Không tiền nong đâu, cả dãy nhà này là công sức của dân bản Nà Mười góp vào đấy. Cả bản có 40 hộ, 182 nhân khẩu; hiện giờ có 40 người là con em của bản đi làm, đi học ở xa tới đây sẽ trở về. Để bảo đảm phòng dịch theo phương châm “4 tại chỗ” và an toàn cho người trong bản, chúng tôi đã họp, kêu gọi mọi người góp tre nứa, góp bạt làm nhà cách ly. Theo ý kiến bà con, chúng tôi tổ chức chia thành các nhóm vào rừng lấy tre, nứa; nhóm chẻ lạt; nhóm thì góp tiền mua bạt để làm nhà. Ngày bản làm khu cách ly, chẳng ai bảo ai bà con đều chung sức, vì ai cũng hiểu nhà cách ly dành cho người trong bản và giữ an toàn cho mọi người.

Cùng cách làm như bản Nà Mười, chỉ sau hai ngày triển khai, bản Nà Én, xã Chà Tở đã hoàn thành 10 gian lán tạm sẵn sàng đón người từ nơi khác trở về, cách ly riêng theo quy định phòng dịch. Lúc chúng tôi đến, khu cách ly bản Nà Én đã có 5 công dân được bố trí ở 5 phòng riêng, người nào người ấy đều khá thoải mái. Trò chuyện với chúng tôi, Thùng Thiên Long, học sinh từ thành phố Điện Biên Phủ được bố trí ở gian đầu tiên trong dãy phòng khá vui vẻ, không có cảm giác mệt mỏi như người cách ly tập trung ở các địa bàn khác tôi từng gặp. Long cho biết: “Trên đường từ thành phố trở về em khá lo ngại khi nghĩ cảnh cách ly tập trung chật chội nhưng ở đây, trong khu cách ly mới còn thơm mùi tre nứa, lại ở ngay gần nhà thì em có cảm giác như… ở nhà mình vậy. Em cảm nhận được tình cảm, tấm lòng của bà con dân bản; trong dịch dã mọi người càng gắn bó với nhau hơn”.

Dù rất bận với các việc cập nhật thông tin tình hình dịch; chỉ đạo tuyên truyền phòng, chống dịch và những ngày này lại phải thường xuyên nhận điện thoại từ các bản báo về, ông Lường Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND xã Chà Tở vẫn dành cho chúng tôi khoảng thời gian chia sẻ về tấm lòng, trách nhiệm của nhân dân các dân tộc Chà Tở trong cuộc chiến chống Covid còn gian nan, phức tạp như lúc này. Ông khái quát, 10 bản trong xã hiện có 85 công dân gồm: học sinh, người lao động đi làm ăn, học tập ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước hầu hết các địa phương này đang thuộc vùng dịch. 

“Khi mới triển khai, chúng tôi khá e ngại vì biết rõ đời sống bà con còn nhiều khó khăn, huy động bà con mỗi bản góp nguyên vật liệu làm hàng chục lán là việc không đơn giản, nhất là trong những ngày cao điểm thu hoạch lúa nương thì nhân lực càng khó. Song, không ngờ là chủ trương này nhận được sự đồng lòng của đông đảo người dân. 100% lán cách ly được dựng lên đều nhờ nguyên, vật liệu của bà con đóng góp; công làm lán thì không thể kể, vì hầu như gia đình nào cũng vài người tham gia, cho nên xã Chà Tở hoàn thành các khu cách ly gần như nhanh nhất huyện”, ông Toán cho biết.

Pháo đài phòng dịch từ lòng dân

Rời Chà Tở theo quốc lộ 4D, chúng tôi về xã Si Pa Phìn khi trời nhập nhoạng tối. Dù đã đặt lịch hẹn với Bí thư Đảng ủy xã Si Pa Phìn Vàng A Kỷ, song tôi khá ái ngại vì giờ hành chính đã hết mà tìm đến nhà ông giờ này cũng không tiện. Thật may vừa về đến bản Sân Bay, tôi thấy ông đang cùng bà con dân tộc H’Mông buộc những nút lạt cuối cùng cho dãy phòng cách ly tạm. Thoáng thấy tôi, ông Kỷ đã nở nụ cười tươi và nói: Thay cho điều hòa, nhà này có gió trời và ánh sáng ngàn sao. Vừa nói ông vừa ngước mắt về phía đằng đông, nơi khuôn trăng hạ tuần mới ló rạng đã sáng vằng vặc…

Nhìn sang những triền đồi thoai thoải ở đầu bản Sân Bay, ông Kỷ khẽ nói những lời gan ruột. Ông bảo, đã hơn sáu tháng trôi qua kể từ ngày Si Pa Phìn phát hiện trường hợp đầu tiên là một kế toán trường học dương tính với Covid-19 và rồi chỉ mấy ngày sau Si Pa Phìn trở thành “tâm dịch” với hàng chục ca nhiễm. Đến tận bây giờ, người Si Pa Phìn vẫn không quên gian nan, cơ cực. Khi thường đã thiếu thốn nhiều thứ nên khi dịch tràn về Si Pa Phìn càng thiếu thốn nhiều hơn. Cả huyện, cả xã dồn lực bố trí cách ly; lo nơi ăn, chốn ở cho hàng nghìn F1, F2 khiến khó khăn thiếu thốn càng nhiều hơn. Sự quan tâm của các cấp, ngành cùng tấm lòng thơm thảo của các tổ chức, cá nhân đã giúp Si Pa Phìn vượt qua khó khăn. Và nay, hiểu được nguy hiểm dịch bệnh, hiểu tấm lòng chia sẻ, lo lắng của đồng bào cả nước gửi về, mỗi người dân trong xã Si Pa Phìn luôn sẵn sàng tinh thần phòng dịch bằng sự chủ động của mỗi người, mỗi bản. 

Trung tuần tháng 11 vừa qua, Đảng ủy, UBND xã Si Pa Phìn đã chỉ đạo các bộ phận thường xuyên thông tin tình hình dịch, biện pháp phòng, chống đến nhân dân trong xã. Cùng với đó, xã cũng kêu gọi nhân dân các bản làm nhà cách ly người dân các bản đi xa trở về. Đồng lòng với chủ trương của xã, 100% bà con dân tộc H’Mông, dân tộc Thái ở 12 bản trong xã đều góp của, góp sức làm nhà cách ly. Đến cuối ngày 22/11, xã đã hoàn thành 31 phòng cách ly bảo đảm quy định phòng dịch theo hướng dẫn.

Chung quanh câu chuyện về lán tạm cách ly để phòng dịch mà những ngày này người dân 15/15 xã trong huyện biên giới Nậm Pồ đang hợp sức chung lòng, ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ nói thêm như trải lòng: Dịch ở khắp các tỉnh, thành phố, nhiều nhà máy khu công nghiệp đóng cửa thì đương nhiên là người địa phương nào cũng bằng mọi cách trở về địa phương ấy. Với Nậm Pồ, hiện còn gần 2.000 người là con em đồng bào các dân tộc thiểu số đang vắng mặt ở địa bàn vì đi học, làm việc ở nơi khác, cho nên không về cùng đợt, thì từ nay đến cuối năm các trường hợp này cũng sẽ trở về. Để người về có nơi cách ly gần nhà, thuận tiện, Nậm Pồ đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân các bản làm nhà cách ly tạm theo quy cách, diện tích chung; còn vật liệu do bà con dân bản tự chủ động góp hoặc khai thác tre, nứa trên rừng. 

Với người dân huyện biên giới nghèo Nậm Pồ thì lán cách ly đang là giải pháp tốt nhất để người nơi xa về không còn cảm giác âu lo, đơn độc trong cuộc chiến chống Covid. Còn với người địa phương, góp sức làm lán cũng là hành động biểu thị chung sức mạnh, tình đoàn kết giữa người với người cùng hợp sức xây pháo đài phòng dịch vững chắc từ lòng dân theo cách riêng của huyện biên giới Nậm Pồ…

Ngay khi huyện, xã triển khai, người dân ở 121/121 bản trong huyện Nậm Pồ đã đồng lòng hưởng ứng và đến nay đã có 962 phòng cách ly mới được làm từ vật liệu sẵn có ở địa phương. Riêng xã Chà Nưa, bà con nhân dân sáu bản: Pa Có, Nà Ín, Nà Cang, Nà Sự, bản Cấu, Nậm Đích còn tự nguyện dành riêng 182 lán nương làm nơi cách ly cho người trong bản hoặc khách phương xa không may lỡ độ đường…