Gọi nhau trên dãy Trường Sơn

Kỳ 4: Những người lính đều không thích chiến tranh

Nhóm cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ thăm Đài tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội tại huyện Sa Thầy. Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhóm cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ thăm Đài tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội tại huyện Sa Thầy. Ảnh do nhân vật cung cấp

Những ngày trên dãy Chư Mom Ray, sang tới Chư Tan Kra tìm kiếm đồng đội, các cựu chiến binh (CCB) E209 vẫn tranh thủ cập nhật thông tin qua Facebook. Những bức ảnh, những dòng status bằng tiếng Việt, thường được các cựu binh Mỹ ấn bày tỏ cảm xúc và chia sẻ lại nhiệt tình, dù nhiều khi công cụ dịch tự động không hẳn đã làm tốt nhiệm vụ của nó.

“Có lẽ tôi phải thay đổi suy nghĩ của mình”

“Những người lính từng đối mặt với nhau, giờ lại phối hợp với nhau cùng tìm kiếm những đồng đội, tôi cứ tưởng đó chỉ là mơ”, CCB Phạm Công Hưởng bồi hồi, nhấn mạnh thêm một lần nữa về giấc mơ Khâm Đức. Thành công trong cuộc tìm kiếm ở Khâm Đức năm 2020 có sự hỗ trợ rất nhiều từ những CCB Mỹ. Năm 2013, vào thời điểm hoang mang nhất khi cả chính người trong cuộc cũng có lúc hoài nghi tính chính xác của trận đánh, thì ông Hưởng tình cờ xem được một video về trận Khâm Đức đăng tải trên YouTube của một nhà báo Mỹ - Christopher Jensen. Chris, tên thân mật của nhà báo này, đã ở Việt Nam suốt 15 tháng từ 1969 - 1970, với tư cách phóng viên tự do. Ông Hưởng ngay lập tức liên lạc với Chris. Sự phản hồi của người bạn Mỹ vượt quá sự tưởng tượng của ông Hưởng. Chris kết nối với cựu binh Randy Fleetwood - là người đã tham gia mai táng 16 liệt sĩ Việt Nam sau trận ngày 5-8-1970. 

Những ngày đầu tiên, CCB Randy không muốn hợp tác, dù Chris hết lòng thuyết phục. Một người bạn thân của Randy đã bỏ mạng ở trận chiến Khâm Đức, Việt Nam, vào ngày 5-8-1970; bản thân Randy cũng từng bị thương ở Tây Nguyên và ông từng không nghĩ mình có thể gác lại quá khứ. Nhưng ông Hưởng quyết định phá bỏ hàng rào ngăn cách, bằng sự quan tâm theo cách người Việt. Ông Hưởng đã nhờ nhà văn Minh Chuyên nhân chuyến công tác sang Mỹ, gửi một túi quà lưu niệm gồm những phong cảnh đẹp của quê hương, đất nước, con người Việt Nam tới cho Randy. 

Một thời gian sau, Randy đã viết: “Tôi từng nghĩ Việt Nam và Mỹ mãi mãi sẽ là kẻ thù. Có lẽ tôi phải thay đổi lại suy nghĩ”. Randy đã bắt tay vẽ lại sơ đồ - chính là bức vẽ dẫn tới cuộc tìm kiếm thành công năm 2020.  

“Ngôi mộ được đánh dấu V, nằm trong một khu rừng. Các thi thể được chôn ở độ sâu 4-6 feet, có một ụ đất tạo thành gò”, Christopher Jensen ghi lại qua lời kể của Randy Fleetwood. Suốt thời gian tìm kiếm ở Khâm Đức, Chris và ông Hưởng giữ liên lạc với nhau, ngay cả khi YouTube thông báo đã xóa video trận Khâm Đức vì mức độ tang thương của nó. Chris ghi chép cẩn thận những gì Randy nhớ lại, các CCB Mỹ cũng bàn bạc và sửa lại nhiều lần bản vẽ để ra vị trí chính xác nhất. Vị trí ngôi mộ nằm ở khu vực giáp ranh giữa rừng cây và một bờ vực, ở phần sườn dốc từ bờ vực xuống vực sâu, có nhiều tảng đá lớn. Thời gian trôi qua làm bờ vực sạt lở, có nhiều lỗ hổng, chỉ dấu về địa hình vực sâu, dòng chảy mạch nước ngầm và những hòn đá tảng nơi đó vẫn còn nguyên vẹn. “Thực tế chứng minh trí nhớ các CCB Mỹ đã đúng, phía mép bờ vực và rừng cây vẫn còn nhiều cây cối như họ mô tả vào năm 1970, khu mộ nằm ở đó gần điểm đánh dấu hình chữ V trong rừng”, ông Hưởng kể lại.  

Mỗi lần có thông tin, ông Hưởng lại báo cho Chris. Từ nửa vòng Trái đất, nhà báo Mỹ cẩn thận nhắc đội tìm kiếm về những vật liệu nổ còn sót lại mỗi ngày. Chris cũng là những người đầu tiên gửi lời chúc mừng tới đội tìm kiếm, khi những di vật đầu tiên phát lộ.

Cũng như ông Hưởng, CCB Hồ Đại Đồng nói phải cảm ơn sự hỗ trợ của những CCB Mỹ. “Kết hợp cả tư liệu phía Việt Nam và phía Mỹ sẽ cho kết quả tốt hơn”, ông Đồng nhận định. Các CCB Mỹ cũng đã từng cùng Ban liên lạc E209 khảo sát vị trí dựa trên các tọa độ họ đã cung cấp ở Chư Mom Ray cuối năm 2018. Những thông tin của họ cũng là một phần cơ sở để các CCB E209 tiếp tục các cuộc tìm kiếm sau này.

Những tọa độ nửa thế kỷ trước vô tri, bây giờ đang được các CCB Việt Nam cụ thể hóa trên mỗi nhát cuốc kiếm tìm trên dãy Trường Sơn. 

Chiếc hộp ký ức của một xạ thủ

Richard Norton (Rick) từng ở chiến trường Tây Nguyên năm 1968: “Tôi nhập ngũ năm 21 tuổi và thay vì hai năm, tôi đã ở trong quân ngũ tới ba năm, từ tháng 1-1967 đến tháng 1-1970. Thời gian đó, tôi đã trở thành một xạ thủ chuyên nghiệp. Chúng tôi đã ở căn cứ gần Polei Kleng. Từ vị trí của chúng tôi có thể nhìn thấy các cứ điểm ở Chư Mom Ray”, ông nói. “Chúng tôi đã ở đó (Kon Tum) từ tháng 3-1968 đến tháng 5-1968 và sau đó di chuyển đến một căn cứ bên ngoài Pleiku”, Rick cho hay. Ông có những ký ức mà ông gọi là “chiếc hộp hậu chiến”, mỗi lần “mở” hộp ra, suy nghĩ đầu tiên trong ông vẫn luôn là nỗi đau và cảm giác tội lỗi. 

Ngày 23-12-1967, Norton đã theo tàu đổ bộ vào cảng Quy Nhơn. Quân Mỹ xuống tàu vào đúng đêm Giáng sinh rồi đi bằng tàu vận tải đến An Khê, Gia Lai là nơi đóng quân của họ. Từ An Khê, các khẩu đội Mỹ phân tán đến nhiều địa điểm khác nhau. Norton thuộc nhóm C và được điều động đến Đắk Tô. “Vào thời điểm đó, chúng tôi ở Việt Nam chưa đủ lâu để biết điều gì sẽ xảy ra. Không ai nói với chúng tôi hay cảnh báo trước, chúng tôi thật sự không nhận thức được Mậu Thân là gì cho đến khi nó kết thúc. Đó là khoảng thời gian cực kỳ nguy hiểm, nhưng chúng tôi không có kinh nghiệm trước đó để mà nhìn lại hay so sánh”, Rick Norton hồi tưởng. Nỗi ám ảnh hậu chiến với các cựu binh Mỹ là rất nặng nề. “Khi trở về Mỹ, cuộc chiến ở Việt Nam là một chủ đề cấm kỵ. Chúng tôi lên máy bay và về nhà, không có ai chào đón ngoài những  người thân trong gia đình. Không có diễu hành hay lễ kỷ niệm nào, không ai muốn thảo luận về nó”, Rick cay đắng. 

Tháng 12-1968, Rick Norton rời Việt Nam và mãi tới 50 năm sau, khi người bạn thân nhất của Norton là Deryle Perryman, cũng là một CCB Việt Nam, gọi điện nhắc về quá khứ, ông mới quyết định quay lại mảnh đất ám ảnh đó. Khác với Norton, Perryman đã đến Việt Nam hầu như hằng năm, liên tục trong suốt hơn 10 năm qua. Lần quay lại Việt Nam đúng 50 năm kể từ Mậu Thân 1968, dù đã có một khoảng thời gian đáng nhớ, nhưng “tôi vẫn trăn trở đấu tranh với cảm giác tội lỗi. Mãi về sau này khi thấy những gì thật sự đang diễn ra, tôi hiểu chúng tôi không nên tham gia cuộc chiến ở Việt Nam ngay từ đầu” - người cựu binh Mỹ thừa nhận. 

Là một xạ thủ từng phải cố gắng nhắm bắn trúng các mục tiêu nên mọi hình ảnh trên chiến trường năm xưa đã “ghim” trong đầu Rick một cách sâu sắc. Nhưng phải đúng 50 năm sau, trở lại Kon Tum, Rick mới lần đầu thấy lại cuộc sống sau chiến tranh của người dân nơi đây, đó là cảnh tượng những đứa trẻ chơi đùa, người dân làm những công việc hằng ngày của họ - những thứ trước kia khi ông ngắm qua tâm mũi súng từ máy bay trực thăng ông chưa từng biết đến. 

Ông quay lại LZ Brillo Pad - một trong ba căn cứ của quân đội Mỹ ở Chư Tan Kra. Ngày trở lại, Norton đã được gặp chính những CCB E209 Việt Nam đã từng chiến đấu tại đây. Đó là cuộc gặp đặc biệt. CCB E209 Hồ Đại Đồng nói rằng, điều mà ông cảm thấy xúc động nhất, đó là khi cuộc chiến đã qua, nhưng khi gặp lại, những người lính hai chiến tuyến đã cùng nhau đi thắp hương ở những nghĩa trang liệt sĩ Việt Nam. “Rất nhiều nghĩa trang, chúng tôi đi thắp hương cùng nhau”, ông Đồng nhớ lại. Còn Richard Norton miêu tả cái bắt tay sau nửa thế kỷ giữa mình, Delyre Perryman và sáu CCB E209 là một “trải nghiệm siêu thực”. Họ rơi nước mắt. 

“Thật tuyệt khi được trở lại, nghe họ nói và đối xử thân tình với chúng tôi. Đối với họ, chiến tranh đã kết thúc. Nhưng cao hơn cả là họ đã sẵn sàng chấp nhận chúng tôi”, Norton nói với chúng tôi (PV) qua tin nhắn Facebook từ nửa vòng trái đất. Người CCB Mỹ vẫn mong muốn sẽ sớm trở lại Việt Nam để thăm lại những người bạn mới, vì ông đã được tha thứ, từ tận đáy lòng.

Ngày giỗ trận Chư Tan Kra đúng 50 năm, 26-3-2018, trong lễ truy điệu ở Đài tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội, có 12 đại diện CCB Mỹ Sư đoàn 4 và Lữ đoàn dù 173, trong đó có Richard Norton và Deryle Perryman. Họ sang lại Việt Nam, mang theo người thân, cúi đầu thắp hương trước mất mát của những người từ phía bên kia. Ngày hôm đó, cũng là ngày tổ chức lễ truy điệu 15 liệt sĩ tìm thấy ở mặt trận bắc Kon Tum cuối năm 2017.

Từ bên kia bán cầu, trong nỗi lo đại dịch Covid-19 đang hoành hành, Richard Norton vẫn theo dõi đều đặn những chuyến tìm kiếm của những CCB Việt Nam. Tay xạ thủ năm nào bần thần: “Có rất nhiều kiểu thù hận, căm ghét trên thế giới này, nhưng những người lính ghét chiến tranh hơn bất cứ thứ gì”. “Di chứng chiến tranh, sang chấn tinh thần dai dẳng theo suốt cuộc đời của lớp người qua cuộc chiến. Nên mong sao đừng có chiến tranh nữa, chiến tranh là rất xấu xa”, CCB Công Hưởng nói như vậy. Những cái bắt tay tìm kiếm ngày hôm nay, giống như một sự xoa dịu những vết thương chiến tranh, hàn gắn những nỗi đau của mấy chục năm trước.

(Còn nữa)