Gọi nhau trên dãy Trường Sơn

“Đi một ngày nào đó trên Trường Sơn/Ngã xuống đây đất rừng thành nấm mộ/Đường thôi qua đấy nữa/Nấm mồ nằm cô đơn” (Chế Lan Viên).

Trong những ngày theo chân các cựu chiến binh (CCB) tìm kiếm đồng đội trên dãy Chư Mom Ray (Sa Thầy, Kon Tum), chúng tôi cứ nhớ lời kể của CCB Nguyễn Xuân Ánh: “Người ta bảo tôi 100 năm nữa mới tìm được hết các liệt sĩ ở đây”. Nửa thế kỷ sau cuộc chiến, có bao nhiêu nấm mồ vẫn cô đơn trên dải Trường Sơn?

CCB Nguyễn Xuân Ánh (ngoài cùng bên phải), CCB Hồ Đại Đồng (thứ 3 từ bên phải) đang bàn bạc lại về các tọa độ sắp tìm kiếm ở cao điểm M2.
CCB Nguyễn Xuân Ánh (ngoài cùng bên phải), CCB Hồ Đại Đồng (thứ 3 từ bên phải) đang bàn bạc lại về các tọa độ sắp tìm kiếm ở cao điểm M2.

Kỳ 1: Bước chân tìm kiếm

Dãy Chư Mom Ray, cuối mùa khô, tháng 4-2021… Nắng thiêu đốt suốt con đường dốc ngược lên đỉnh núi. Đội CCB Trung đoàn 209 (E209) bắt đầu vào một hành trình dài ngày tiếp tục tìm kiếm những đồng đội còn nằm lại từ hơn nửa thế kỷ trước. Cùng đi với họ là những người lính huyện đội Sa Thầy. Một doanh trại tạm thời lập ở độ cao 750 m, ngay tâm chân cao điểm M2.

Cuộc tìm kiếm thứ 36

CCB E209 Hồ Đại Đồng đã rong ruổi với 35 chuyến đi rừng tìm đồng đội trước đó. Ở tuổi ngoài 70, đã qua một lần tai biến, ông biết rõ sức khỏe của mình không còn như trước. Đôi khi, giữa những cơn thở dốc, ông cười: “Giá trời cho mình sức khỏe như năm 30 tuổi”. Đây là năm thứ 12 kể từ lần đầu những thành viên Ban liên lạc CCB tìm liệt sĩ Sư đoàn 1 trở lại Tây Nguyên tìm đồng đội. Không nhớ đã đi bao nhiêu chuyến, chỉ biết hằng năm vào mùa khô độ tháng 3 và tháng 11 trở đi, là các “lão già” lại rục rịch đồ đạc lên đường. Đợt dài nhất “các lão” đi đến tận hơn một tháng, có đợt đông người, sĩ số kiểm đến ngót nghét ba chục cả thân nhân và tình nguyện viên. Có đợt chỉ nhõn “các lão” với một tiểu đội vào rừng.

Chỉ tay vào dấu vết của một lán tre ở ngay tâm chân cao điểm M2 (căn cứ hỏa lực FSB 14 cũ) vẫn còn vương vài chân hương, ông Đồng bảo nơi này đã từng đặt những dấu vết cho thấy có khả năng là hài cốt liệt sĩ. Cao điểm M2 do một tiểu đoàn của sư đoàn 4 Mỹ chiếm đóng, làm lá chắn bảo vệ cho sân bay và đồn Plei Kleng (M1) phía tây sông Pô Kô và tỉnh lỵ Kon Tum. Đây là nơi diễn ra trận đầu của Tiểu đoàn 7, cũng là trận đầu của Trung đoàn “mũ sắt” 209 đánh Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên. Riêng vị trí chân cao điểm, các cựu binh 209 đã tìm kiếm ở đây ba đợt: Tháng 3, 4-2019, tháng 12-2020 và lần này từ 1-4. Tháng 12-2020, họ thậm chí đã tìm thấy dấu vết của 25 liệt sĩ sau khi đào bới nhiều ngày và đối chiếu với các ghi chép. Những chân hương do chính những người lính già để lại sau cuộc tìm kiếm. Tuy nhiên, việc xác minh vị trí chính xác của những liệt sĩ này vẫn còn là câu chuyện dang dở.

Gần 80 tuổi, nhưng kể cả giữa trưa nắng những ông già tóc bạc vẫn di chuyển liên tục, ăn uống dã chiến, các cụ đã đến cái độ đều phải dùng thuốc, nào điều hòa tim mạch, nào giảm đau xương khớp, ổn định huyết áp… Tinh thần kiên cường, độ “lỳ” và tỉ mỉ khi tìm kiếm, thì có lẽ không ai bằng. Tại mỗi khu vực tìm kiếm, ông Đồng, ông Ánh nhanh chóng quan sát, đánh dấu những điểm nghi ngờ. Khi đã quật hố lên, cũng chính các cụ là người tỉ mẩn kiểm tra đến từng cm vuông đất vì nằm dưới đó, có thể chính là xương cốt, là máu thịt đồng đội. CCB Nguyễn Xuân Ánh vẫn nhớ từng mảnh di vật, từng cúc áo to, cúc áo nhỏ, khóa xanh-tơ-rông hay những chiếc kẹp thắt lưng, cái gãy cái lành… từng đào được và đưa về bàn giao cho huyện Sa Thầy. Ông tự tay chuẩn bị từng bó nhang thắp cho đồng đội, hay bọc cờ để đánh dấu… cho đến cân lương khô cho đoàn. Ông không nề hà tự xách chiếc ba-lô dễ đến chục kg leo con dốc từ đỉnh đồi nơi xe bán tải không đi tiếp được nữa, sang tới đỉnh đồi có gốc cây bằng lăng bên cạnh, rồi lại tụt xuống nơi đoàn hạ trại. Ông bảo, khi đi rừng chỉ có tinh thần của đồng đội đi tìm đồng đội, ông được trở lại là người lính trinh sát tinh nhuệ năm nao, đôi mắt sắc bén, suy nghĩ tinh tường, từng khu vực khảo sát trên bản đồ đã được “vẽ” lại trong trí nhớ kết hợp với thực địa.

Đêm đầu tiên trong rừng, cũng là đêm gặp cơn mưa đầu mùa. Mưa ngớt, độ 1, 2 giờ sáng, đã thấy các ông lão rục rịch bếp củi, đặt ấm đun nước pha trà, pha cà-phê nhỏ to bàn kế hoạch hôm sau. Mỗi ngày, những người lính của huyện đội Sa Thầy cùng các CCB lại bắt đầu từ lán, men theo những sườn núi, đến các tọa độ đã chỉ trong tài liệu, lần tìm từng hố, từng hầm, cả những ụ đất khác biệt. Họ lần tìm theo hướng rút quân của những người lính E209 từ hơn nửa thế kỷ trước, lật tung các vị trí. Có lúc bần thần vì ngỡ như đã tìm thấy dấu vết gì, rồi lại phải thất vọng. Những người lính trẻ bặm môi với từng nhát cuốc. Những người lính già ngẩn ngơ bên những hố bom.

Tây Nguyên qua hai mùa khô 1965 - 1967 và suốt Mậu Thân 1968 là chiến trường khốc liệt. CCB Nguyễn Xuân Ánh nhìn lại đoạn đường vừa đi, mắt đỏ hoe: “Đoạn đường này tôi đã từng hành quân qua, cách đây hơn nửa thế kỷ. Chúng tôi đã từng ở đây, có những thứ thành ám ảnh”. Chính tại nơi được cánh kiểm lâm gọi là công viên bằng lăng (tên gọi khác của cây săng lẻ) - một rừng cây mà ở thời bình người ta chỉ thấy choáng ngợp vì vẻ đẹp của nó, ông Ánh nói mình đã chứng kiến những đồng đội mãi mãi ra đi. Ký ức của ông nơi đây là máu và nước mắt. Ông Ánh từng là trinh sát của Trung đoàn 66, đã chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên từ năm 1965 - 1967. Những dấu vết cuộc chiến vẫn còn đó, như cái bếp Hoàng Cầm vẫn nằm im lặng, thân cây bằng lăng mấy người ôm với những vết đạn vẫn còn lại, một vài vỏ đạn còn sót lại…

Ngày 14-4, khảo sát đồi 1184 m phía bắc dãy Chư Tan Kra giáp núi Chư Mom Ray, ông Hồ Đại Đồng cảm thán: “Bất ngờ là ở đây quân Mỹ dùng quá nhiều bom tấn. Ngang dọc vài ba chục mét lại gặp một hố bom to như giếng làng mà đồi thì rộng mỗi chiều cả km còn hố đạn pháo thì không thể đếm xuể”. Thiếu tá U Tiến Minh, trợ lý chính sách BCH Quân sự tỉnh Kon Tum, không xa lạ gì với những CCB E209. Tháng 12-2017, anh tham gia cùng các CCB cả hai phía Việt Nam và Mỹ tìm kiếm ở Chư Tan Kra. Họ tìm được nhiều hiện vật và dấu vết của 15 liệt sĩ, trong đó có chiếc bút khắc tên Phạm Bá Thi (Đại đội 1, Tiểu đoàn 7) - Dũng sĩ diệt Mỹ đầu tiên của E209. Liệt sĩ Thi cũng là người duy nhất có tấm bia được khắc tên trên mộ trong số các liệt sĩ E209 ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy. Anh Minh nói cuộc tìm kiếm này là nhiệm vụ, nhưng cũng là trách nhiệm của thế hệ sau, mỗi một quyết định đều đòi hỏi sự thật tâm và thận trọng.

Không chỉ là lời gọi từ Chư Tan Kra 

Hành trình tìm kiếm lần này không như ý. CCB Hồ Đại Đồng thở dài: “Các liệt sĩ ẩn kỹ quá”. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những dấu vết đồng đội cũng đang dần như một sợi chỉ mỗi ngày một mảnh hơn. Như ông Đồng cũng thừa nhận, khu vực này, “ước tính nếu có một trung đội bộ đội khỏe mạnh thì để khai quật hết các hầm hào trên đồi phải một mùa khô”. Họ chỉ có một tháng và phải rút quân khi những cơn mưa rừng đầu mùa tới với tần suất ngày một nhiều.

Ông Đồng nói ông đang áp dụng phương pháp tìm kiếm mới, đó là tính toán dựa trên tọa độ phía CCB Mỹ cung cấp, áp dụng công thức khử dung sai để ra tâm tọa độ chính xác, sai số chỉ khoảng 100 m. Kết hợp việc phân tích, tổng hợp thông tin trích lục liệt sĩ của Cục Chính sách Bộ Quốc phòng và các báo cáo tác chiến trong năm 1968 của Sư đoàn 4 Hoa Kỳ, việc khảo sát tìm kiếm được hy vọng sẽ gặp thuận lợi hơn trước. 

Nhật ký chiến trường của Trung tá D.M Malone, chỉ huy căn cứ hỏa lực FSB 14 (M2), ghi lại: “Quân Bắc Việt chuyển quân quanh căn cứ suốt đêm”, từ 27-3 đến 2-4-1968. “Thực ra, là suốt bảy đêm những người lính còn lại của Tiểu đoàn 7 cũng bất chấp bom đạn trở lại M2 để tìm cứu thương binh, tìm chôn liệt sĩ”, người CCB già Hồ Đại Đồng từng chia sẻ về lý do ông quyết tâm trở lại trận địa M2 tìm kiếm. 

Ở Chư Tan Kra, ngày  30-3-1968 các Đại đội C, D/3/8/Sư đoàn 4 của Hoa Kỳ từ hướng nam tiến đánh đỉnh 1198 Chư Tan Kra do Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66, Sư đoàn 1 Quân Giải phóng bảo vệ, giao tranh đã diễn ra trong cả ngày. Còn theo báo cáo của Sư đoàn 4 Hoa Kỳ, “Ngày 1-4-1968, Đại đội A và D/1/35 Sư đoàn 4 phát hiện tại YA 937.930 có 8 thi thể quân Mỹ và 10 thi thể quân Bắc Việt”. Tiếp đó, trong các ngày 19, 20, 21-4-1968 Đại đội B/2/35, Sư đoàn 4 lần lượt phát hiện bốn, hai và bảy thi thể quân Bắc Việt tại YA 937.928. Nơi đây, ngày 15-4-1968 Trung đoàn 35, Sư đoàn 4 Mỹ đã đụng đầu với E66 Sư đoàn 1 QGP và phải bỏ lại 10 thi thể (lính Mỹ - PV) (tổng hợp của CCB Hồ Đại Đồng). 

Lần tìm kiếm mới nhất, tại tọa độ YA 937.928, đoàn phát hiện nhiều di vật của quân Mỹ và quân Giải phóng. Duy chỉ có thi thể của những liệt sĩ vẫn chưa có dấu hiệu gì khả quan hơn. 

Ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy, các liệt sĩ của E209 được quy tập về ba lần. Trong đó có hai ngôi mộ tập thể và 15 ngôi mộ có hài cốt nhưng không thể xác định từng người (trừ liệt sĩ Phạm Bá Thi), tổng cộng là 117 người.

Năm đó, lính mũ sắt Hà Nội lên đường chiến đấu và hy sinh, chỉ tính riêng mặt trận Bắc Kon Tum, trong danh sách ghi lại có hơn 400 người…   

(Còn nữa)