Giữ “báu vật xanh” người Cor

Người Cor Trà Bồng truyền đời, lưu giữ một loài cây thơm của rừng - cây quế, có giá trị cao. Qua dâu bể, cộng đồng người Cor vẫn sống nghĩa tình với cây quế, lập nên lời thề “còn Cor, còn quế” để răn dạy con cháu phải giữ gìn “tín ước” với Giàng…

Tổ điều tra Hạt Kiểm lâm Quảng Ngãi điều tra, tuyển chọn những cây quế dòng bản địa Trà Bồng tốt để lưu giữ, bảo tồn nhân giống.
Tổ điều tra Hạt Kiểm lâm Quảng Ngãi điều tra, tuyển chọn những cây quế dòng bản địa Trà Bồng tốt để lưu giữ, bảo tồn nhân giống.

Mong manh trong cảnh phá rừng

Dưới chân dãy Cà Đam (cao 1.450 m, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) cộng đồng người Cor đông đúc, định cư hàng trăm năm với quan niệm vạn vật đều sinh ra từ rừng và rừng là nơi tổ tiên, thần linh của họ trú ngụ. Đồng bào sống gắn bó truyền đời với cây quế, tôn thờ cây quế, gọi là “ma quế”. 

Hôm nay, rừng núi ở dưới chân dãy Cà Đam không còn nguyên vẹn như trước nữa. Khắp nơi, đồi núi bị cắt xẻ, nương rẫy keo tràm thu hoạch đốt cháy, ám khói loang lổ. Nhưng lang thang trên những nẻo rừng nguồn, chúng tôi vẫn bắt gặp nhiều khoảnh rừng quế xanh ngắt, cỗi cằn của người Cor. Tại bản cũ Trà Voòng (xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng), già Hồ An - nhà văn hóa bản địa người Cor kể rằng, không chỉ cúng “ma quế” mà người Cor có một lời thề truyền đời ngày nào còn người Cor thì ngày đó còn quế. Nếu ai trong cộng đồng người Cor phản bội lời thề thì sẽ bị Giàng phạt. Cứ thế, đời này qua đời khác, rừng núi với ba lớp “người Cor - rừng quế - rừng già” như một thể thống nhất không tách rời. Ngày xưa, người Cor ở đây thể hiện sự giàu sang, uy tín bằng cây quế. “Ông nội tôi cũng có đến 12 người con, trong đó có 11 con trai. Ông trồng rất nhiều khu rừng quế và là người giàu có, uy tín nhất vùng. Mỗi lễ cúng, hội làng, ông nội tôi đứng ra khao làng 12 con trâu…”, ông An kể.

Cụ Hồ Văn Xuân (65 tuổi, xã Trà Thủy) góp chuyện, xưa kia, người Cor mang giống cây từ rừng về rồi trồng thành những khu rẫy sau làng và nhân giống rộng rãi theo tập tục canh tác truyền thống. Mỗi cây quế có tuổi từ 5 - 7 năm thì mới được khai thác vỏ, nhành, lá và phụ phẩm... Người Cor thu hoạch cây quế theo hai mùa: mùa tiên, mùa hậu (khoảng năm tháng), khai thác rất hạn chế. Vì thế, quế sinh trưởng rất tốt, tuổi thọ của mỗi cây có thể sống gắn bó với người được vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Ở làng Trà Voòng, hiện còn khoảng 20 hộ còn giữ rừng quế. Ghé qua làng Cả (xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng), rừng quế nơi đây nằm rải rác nhưng còn lại khá nhiều, khoảng vài trăm ha. Tại đây, nhiều hộ dân vẫn còn sở hữu rừng quế lên đến hàng chục nghìn cây. Rừng quế ở làng Cả lâu đời, cỗi cằn nhất của cả huyện Trà Bồng.

Một số hộ cao niên giữ rừng quế ở làng Trà Voòng và làng Cả khẳng định, xưa nay, việc trồng quế giúp bản làng người Cor giữ rừng nguồn rất tốt. Từ lâu, trách nhiệm giữ rừng được người Cor rất coi trọng. Bởi, không chỉ trong tâm linh mà ngay thực tiễn cũng là bằng chứng xác tín vai trò của rừng đối với cuộc sống con người. Rừng giữ nước, giữ những con suối, giữ đất đai không bị xói lở, lũ quét, điều hòa khí hậu trong làng… “Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, cây quế đứng trước nhiều nguy cơ bị thoái hóa, bị tàn phá nghiêm trọng. Nguyên nhân chính do phong trào trồng keo tràm phát triển quá mạnh, đất đai dọc miền núi huyện Trà Bồng và các huyện lân cận đều bị cạo trọc để trồng keo tràm hết. Ngay chính những người Cor, cũng vì cơm áo gạo tiền đành chặt bỏ quế để trồng keo tràm vì thấy lợi ích kinh tế nhanh, cao hơn. Cứ thế, rừng quế bị xâm lấn, rừng nguồn cũng mất dần đi, thay thế là những mùa rẫy keo tràm ăn xổi, khiến cho rừng núi kiệt sức; mùa khô thì núi rừng mất nước, mùa mưa thì lũ quét và sạt lở gia tăng…”, ông An lo lắng.

Giữ “báu vật xanh” người Cor -0
Vỏ cây quế bản địa Trà Bồng được bóc ra phơi khô, chế biến khô hoặc tinh dầu trong nhiều lĩnh vực. 

Bảo tồn gien “quế Cor”

Qua trò chuyện với những người Cor đang lưu giữ rừng quế ở huyện Trà Bồng, được biết, quế là thứ cây tồn tại trong cộng đồng Cor đã nhiều thế kỷ qua. Năm 2007, trong chuyến thăm tại Quảng Ngãi, chuyên gia dân tộc học nổi tiếng người Pháp Georges Condominas cho biết, tổ tiên của ông từng đến làm việc tại vùng Trà My (Quảng Nam) và Trà Bồng. Qua các tài liệu, gia phả trong nhà ông Georges (do ông cố của  Georges Condominas để lại) ghi, vào thế kỷ VI, ở vùng Trà Bồng, Quảng Ngãi cây quế của người dân tộc Cor đã xuất khẩu đi nhiều nước ở Trung Đông,… Bằng chứng này cũng được nhiều chuyên gia văn hóa ở Quảng Ngãi xác nhận. Cụ thể, từ hơn 1.000 năm trước, quế của người Cor ở Trà Bồng đã xuất khẩu nhiều nơi trên thế giới, như: Trung Đông, Bồ Đào Nha, các nước Tây Á, Đông Âu… và cả Trung Hoa.

Theo tài liệu lâm nghiệp Quảng Ngãi, quế là cây đặc sản trong ngành lâm nghiệp của cả nước, có giá trị kinh  tế cao, tinh dầu quế là nguyên liệu quý trong ngành công nghiệp dược phẩm và thực phẩm, thuộc nhóm cây công nghiệp rất có triển vọng trong tương lai. Ngoài ra, do tán lá khá dày, rậm và xanh quanh năm nên rừng trồng quế còn có chức năng phòng hộ rất tốt. Việt Nam là vùng rất thích hợp để phát triển cây quế, chúng ta đang sở hữu nhiều gien quế, như: “quế quỳ”, “quế đơn” ở vùng Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Quảng Nam; “quế quan” ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Ninh, Vũng Tàu… Riêng tại Quảng Ngãi gien quế bản địa Trà Bồng, đây là giống quế quý, cho hàm lượng tinh dầu cao hơn rất nhiều so các loài quế khác. Trong chiến tranh, quân đội Pháp, Mỹ sử dụng cả xe bọc thép để thu gom, bảo hộ độc quyền xuất khẩu quế Trà Bồng. Tuy nhiên, sau này, có một thời gian dài, quế Trà Bồng mất giá nên người dân bỏ bê dẫn tới nguy cơ thoái hóa dần mất thương hiệu. Trước nguy cơ đó, vào năm 2014, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiên cứu lập dự án bảo tồn nguồn gien quế Trà Bồng, với kinh phí hàng tỷ đồng. Đến năm 2015, Chi cục Kiểm lâm tỉnh được giao làm đầu mối mở cuộc điều tra trên hàng nghìn ha rừng ở huyện Trà Bồng. 

Ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi kể: “5 năm trước, đơn vị chúng tôi được giao tổ chức điều tra, tuyển chọn cây giống quế “mẹ” bản địa Trà Bồng. Lúc ấy, huyện Trà Bồng đã sở hữu nhiều cánh rừng quế hàng nghìn ha, nhưng nằm rải rác khắp nơi rất khó điều tra. Chúng tôi len lỏi qua các khu rừng, bản làng để thu thập các thông tin và lý lịch cụ thể của từng cánh rừng quế. Chọn từng cây đánh giá độ che phủ, thân, tán, rễ… đủ điều kiện thì mới cắm định vị để chọn làm “quế mẹ” (hay quế dòng có gien trội). Sau nhiều năm, chúng tôi đã tuyển chọn được 200 cây quế mẹ có gien sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, tán và thân to lực lưỡng để bảo tồn, lưu giữ”.

Sau khi điều tra, lựa chọn đủ 200 cây quế người Cor Trà Bồng có dòng gien trội, cán bộ kiểm lâm sẽ tiến hành lắp định vị, theo dõi sinh trưởng của cây. Mỗi cây quế mẹ nằm ở các khu vườn/rừng của người Cor làm chủ nên chủ quế được hỗ trợ 250 nghìn đồng/cây/năm (5 năm) để giữ lại quế mẹ. “Việc bảo tồn 200 cây quế mẹ nhằm mục đích cung cấp hạt giống trội, giống quế bản địa mạnh nhằm phát triển vùng chuyên canh quế Trà Bồng quy mô lớn hơn. Đến năm 2017, chúng tôi đã có hạt giống từ 200 cây quế mẹ, ươm ra và xây dựng được khu trồng quế chuyên canh 10 ha tại tiểu khu 42, xã Trà Thủy và tiểu khu 34, xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng. Hiện, chúng tôi đang tiếp tục mở rộng mô hình, hướng dẫn người dân tham gia vào dự án”, ông Đại nói.

 Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Bồng Huỳnh Thị Thanh Thúy, hiện có khoảng 6.000 hộ dân người Cor trồng hơn 5.200 ha quế, sản lượng mỗi năm đạt từ 1.600 - 2.000 tấn/năm. Cũng do các yếu tố lịch sử nên người Cor buộc phải trồng quế theo những cánh rừng nhỏ, không tập trung được. Hiện, UBND huyện Trà Bồng đang phối hợp Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi thực hiện dự án bảo tồn 200 cây quế mẹ bản địa Trà Bồng. Trong tương lai, 200 cây quế mẹ này sẽ cung cấp giống để Trà Bồng xây dựng vùng chuyên canh trồng quế trên 10 nghìn ha. Đây là cơ hội thoát nghèo, làm giàu cho người Cor và giúp tái thiết rừng núi miền tây Quảng Ngãi...