Gian nan mưu sinh

Đang nằm tạm trước hiên một công ty đóng cửa ở quận 3 (TP Hồ Chí Minh), thấy dáng người chở vài thùng mì tôm chạy ngang qua, anh Lê Anh Tuấn bỗng bật dậy, vẫy tay thật nhanh, ánh mắt sáng rỡ. Anh sợ người ta không thấy mình. Chiếc xe dừng lại, giọng nói của người đàn ông vừa bước sang tuổi 40 ấy lí nhí đến xót xa: “Cô có gì cho tôi không? Mấy nay giãn cách không kiếm được ve chai, đói quá!”. 

Anh Đòng đang gói kỹ những phần bánh nhà hảo tâm trao tặng để làm quà gửi về quê cho con gái.
Anh Đòng đang gói kỹ những phần bánh nhà hảo tâm trao tặng để làm quà gửi về quê cho con gái.

Tự dưng thành người vô gia cư

Cầm thùng mì nhà hảo tâm tặng, tay anh Tuấn run run. Anh nói, mấy nay bụng cồn cào vì thiếu cơm. Thùng mì này sẽ để dành ăn sống, uống nước tạm qua ngày vì trong túi chỉ còn đúng năm ngàn đồng. Giữa lệnh giãn cách, tìm ly trà đá cho đỡ khát cũng đâu dễ vì hàng quán đóng hết, đường sá vắng tanh. Hồi đầu năm, nghe bạn bè rủ lên Sài Gòn đi phụ hồ, sơn nước, ngày làm siêng cũng kiếm được vài trăm, đủ tiền gửi về lo cho ba mẹ già dưới quê, anh Tuấn thu xếp ít đồ, bắt xe rời Bạc Liêu trong đêm. “Tôi chịu khó, tiết kiệm, chẳng nhậu nhẹt gì, ở lại công trình luôn nên mỗi tuần ra bưu điện gửi về cho ba má được gần hai triệu đồng. Ông bà vui lắm vì chừng đó đủ xoay xở thuốc thang chớ già rồi làm gì ra tiền. Khi mới lên, tôi ở trọ cùng bạn tại Bình Dương vài bữa, để nhờ đồ đạc rồi bắt xe bus tới công trình làm. Đi lại xa xôi, sau đó, tôi xin ở lại canh công trình luôn. Công trình vừa xong, dịch bùng phát dữ dội, tôi “mắc kẹt” giữa Sài Gòn, tự dưng trở thành người vô gia cư”, anh Tuấn nhớ lại.

Thất nghiệp ngay thời điểm các lệnh giãn cách nối tiếp nhau, gần một tháng nay, anh Tuấn lang thang khắp khu quận 3, quận 10 lượm ve chai kiếm sống qua ngày. Tối tối, nhớ con trai duy nhất, mẹ anh lại gọi điện hỏi han. Những lúc như vậy, anh Tuấn cắn răng giấu gia đình, nói dối mình đang trọ tại Bình Dương, chờ hết dịch sẽ về. Đưa mắt nhìn sang phía bên kia đường, nơi vài người đang xếp hàng mua nhu yếu phẩm, anh Tuấn thở dài: “Tôi ráng làm xong công trình kiếm thêm tiền thành ra dịch ập tới khỏi về quê luôn. Giờ thì cố kiếm cái ăn, ngủ bờ ngủ bụi cũng được. Nhìn tôi đâu ai tin có bữa đói tới nỗi phải lục cơm thừa, nước dư người ta vứt trong thùng rác. Nhưng trong lúc khó cũng có cái may, nhiều người chẳng quen biết lâu lâu chạy qua cho hộp cơm, gói bánh. Nhờ vậy mà tôi sống tạm được mấy ngày giãn cách này chứ giờ biết làm gì, về đâu”.

Ở một góc phố vắng lặng khác của TP Hồ Chí Minh ngày giãn cách, anh Hà Văn Đòng vẫn cọc cạch những vòng bánh xe vì chẳng có nhà để “ở yên”. Thi thoảng trời nắng gắt, anh ghé tạm một mái hiên, uống ngụm nước trong chai nhựa móc hờ ở ghi-đông. Người đàn ông 47 tuổi chỉ có độc nhất bộ đồ mặc trên người khoe, cái xe đạp là cả gia tài của anh ở Sài Gòn. Trên đó có chai nước 5 lít và cái khăn sờn rách anh dùng để “tắm khô”, mấy miếng giấy bìa cứng làm chỗ ngủ, chai nước nhỏ uống lúc họng khát, hai túi lớn để lượm ve chai. “Tôi vào đây hơn hai năm rồi. Hồi đó nghĩ vào miền nam làm có nhiều tiền để gửi về nuôi con chứ đâu biết bị thất nghiệp rồi thành ra đi nhặt ve chai thế này. Trước lúc bùng dịch, ngày tôi kiếm được mấy chục, có khi một trăm ngàn. Mười bữa nay căng quá, chả nhặt được gì dù khuya nào cũng hai, ba giờ đêm mới kiếm vỉa hè ngả lưng”, anh Đòng ngồi bệt xuống gốc cây ven đường, tay cột chặt từng túi nylon đựng chút gạo, ít bánh người ta vừa cho, giọng nghèn nghẹn dù lâu lâu cố gượng cười. 

Ngủ vỉa hè bị đuổi mãi thành quen, giờ như phản xạ, cứ nghe ai nói to anh Đòng lại giật mình. Giọng nói anh cũng nhỏ dần, lời kiệm bớt vì chẳng có ai để tâm sự, sẻ chia giữa quê người. Nghe ai đó hỏi về cái nghèo, anh chỉ cười buồn: “Nghèo mãi thì có gì để kể, cố mà chịu thôi”. Quê tận Hòa Bình, anh chọn vào Sài Gòn vì làm ruộng thuê bao năm chẳng đủ tiền chữa bệnh cho con. Rồi vợ mất, nỗi buồn chồng chất, anh gửi con cho mẹ mình, khăn gói lên xe đi làm xa. 

Trước kia anh đi phụ việc cho người ta, cũng có chỗ ở, ít lương gọi là. Rồi công việc vụt mất, anh thất nghiệp giữa bao mối lo toan. Thu nhập không đủ để thuê phòng trọ, anh ngủ dọc đường, nay góc hiên này, mai bãi đất kia. Chiếc xe đạp để sát bên, lâu lâu phải mở mắt canh chừng, sợ ai đó lấy mất. Công việc lượm ve chai chiếm khá nhiều thời gian, bù lại anh có được bữa cơm, con có thêm tiền thuốc. Nhưng đó là chuyện trước dịch, còn giờ đây, khi hàng quán đóng chặt cửa, ngoài đường thưa bóng người, ve chai chẳng có gì để lượm, cơm bữa đói bữa no, anh cứ vậy lắt lay, buồn tủi. 

Gian nan mưu sinh -0
Với người đàn ông này, chiếc xe đạp là cả gia tài. 

Thương nhau trong thành phố

Ngày nghe tin TP Hồ Chí Minh tiến hành giãn cách theo Chỉ thị 16, anh Đòng sợ hết chốn dung thân. Bịt chặt khẩu trang ngồi nghỉ tạm trên vỉa hè, đôi mắt anh đầy lo lắng. Anh sợ bị phạt, sợ đủ thứ. Nhưng thay vì tiếng còi của cảnh sát, tiếng la mắng của người lạ như mọi khi, những âm thanh anh nghe trong mấy ngày gần đây lại rất khác. Đó là câu chào, lời hỏi thăm, động viên từ người lạ. Như mới ban nãy, có hai bạn trẻ ghé ngang tặng ít bánh, dặn dò nhớ đeo khẩu trang trước khi chạy xe đi. Rồi tối qua, lúc đang co ro giữa cơn mưa nặng hạt, anh nghe tiếng ai đó gọi khẽ “Chú ơi! Cầm hộp xôi ăn cho chắc bụng nè. Tui tặng chú mấy chục mai mua gì đó ăn sáng nha. Kiếm chỗ nào ấm ấm mà nằm, nằm vầy lạnh lắm”. Trao quà xong, họ lên xe chạy vút vào màn đêm, mình anh ngồi lại với túi quà trên tay, ánh mắt loáng ướt. 

Anh Đòng ít nói, hay cười, không muốn kể về nỗi khổ hay hoàn cảnh cá nhân. Với anh, lượm ve chai cũng là một nghề lương thiện, dùng sức lao động đổi ít tiền. Số tiền đó bao lâu nay anh chắt góp, gửi về quê chăm cô con gái ngoài 20 tuổi mà nhớ nhớ, quên quên. Mấy bữa nay nhiều người cho bánh kẹo, anh gói kỹ, nhét vào một túi riêng, dành làm quà cho con. Còn gạo hay mì, anh sẽ nhờ mấy chỗ tạp hóa mua lại, giá rẻ cũng được để có chút tiền gửi về quê. “Tôi chẳng quen ai vì tính tình khép kín, lắm lúc thấy cô đơn. Nhưng suốt mùa dịch, nhiều người gọi vào tặng cơm, gạo, bánh, tôi mừng lắm vì biết mình không lẻ loi. Họ quá tốt, cứ trao đi mà chẳng cần tôi phải trả lại gì. Mùa dịch ai cũng khó khăn, vậy mà nhiều người vẫn nấu cơm, nấu xôi đem đến tặng. Có hôm người ta cho tôi 100 nghìn đồng, cầm chặt trong tay rồi mà vẫn tưởng ngủ mơ. Tôi sẽ nhớ mãi những ngày khó khăn nhưng ấm áp này”, anh Đòng tâm sự.

Cầm khúc cây móc bọc tự chế trên tay, đếm mấy vỏ chai nhựa trong túi nylon lớn - số phế liệu tích cóp từ những món đồ ít ỏi mọi người đem đến cho suốt mấy ngày giãn cách, anh Tuấn nói: “Nhiêu đây bán chỉ được mấy ngàn đồng thôi, quá ít. Mà may, khi trưa được người ta tặng cơm, giờ có thêm mì tôm coi như mấy bữa tới không lo bủn rủn tay chân. Tôi thấy mình mang ơn nhiều người khi trong giai đoạn cùng cực này được họ sẻ chia, đùm bọc”. 

Kéo chiếc ba-lô đặt sát hông lên hai đùi, vội vàng mở khóa, người đàn ông có nước da đen nhẻm khoe hai bộ đồ vừa được ai đó cho kèm theo miếng lót để ngủ đỡ lạnh lưng. Bên trong ba-lô có khá nhiều khẩu trang, nước sát khuẩn cũng do người đi đường tặng. Anh chia cho bà lão ăn xin vừa ghé tới một ít, phần còn lại cất kỹ dưới đáy ba-lô. Nghĩ đến cơn mưa lạnh tối qua, anh Tuấn ước có thêm cái áo gió hay áo mưa để đêm khỏi trằn trọc vì lo ướt, sợ bệnh. Chờ dịch giãn anh sẽ gom ve chai đủ tiền vé xe về quê với ba mẹ. Chưa đầy một tháng sống cảnh không nhà với gian khó vây quanh, người đàn ông ấy đã thấm thía nỗi cô đơn.