Gặp “quái kiệt” săn cá ở Nha Trang

Được mệnh danh là “người phổi cá”, có tài săn cá dưới đáy biển sâu, đó là anh Dương Tống Chương, tên thường gọi là “Ri-săn cá” ở Nha Trang (Khánh Hòa).

Chiến lợi phẩm sau một chuyến săn về của anh Ri (thứ ba từ trái sang) và bè bạn.
Chiến lợi phẩm sau một chuyến săn về của anh Ri (thứ ba từ trái sang) và bè bạn.

1/Ri có thể lặn xuống đáy sâu tới… 20 m! Nhưng lặn sâu chẳng là gì nếu không nhịn thở, Ri cho biết mình có thể  nhịn được 2,5 tới 3 phút! Bình thường nhịn thở chừng hơn 1 phút ta sẽ thấy mặt sưng lên, mắt lồi, ngực muốn nổ tung. Còn lặn sâu từ 10 m trở xuống, áp suất nước sẽ đè như ép cái bánh mì làm tai ù đặc, có thể trào máu mũi, thủng màng nhĩ. Kể điều này để hiểu rằng cái nghiệp lặn có rất nhiều rủi ro. Nhưng rất may  trời cho anh Ri một cơ địa đặc biệt nên đã giúp cho anh thành “quái kiệt” săn cá  ở biển Nha Trang và cả khu vực miền trung suốt 30 năm.

Ri kể, vốn là đứa trẻ sinh ra  ở làng nhỏ bên bờ sông Cái, Nha Trang. Ngay từ bé đã bơi lặn trên sông săn cá, bắt tôm. Lớn lên một chút ra biển bơi lặn. Ri phát hiện ra mình có khả năng rất đặc biệt mà nhiều bạn bè cùng lứa không làm được, đó là lặn sâu và lâu. Lúc bé khi ra biển tắm thì Ri cùng nhóm bạn đã có thể săn được những con mực bơi gần bờ, cá lưỡi trâu ẩn dưới cát hay có thể săn được cá chình bông cả chục kg gần cửa sông Cái. Còn được xâu ghẹ là “chuyện nhỏ”. Từ đó Ri theo hẳn nghề lặn biển săn cá.

2/Để kiếm được cá, người săn sẽ phải tìm những đảo xa bờ. Phổ biến nhất chính là những rạn ngầm. Đó là những quần thể san hô hay lớp đá nơi tầng đáy. Để biết được nơi nào có rạn ngầm thì phải nhờ các dân bản địa. Hiện nay, người ta áp dụng công nghệ là sử dụng bản đồ rạn ngầm vệ tinh khi tải các apps để giúp định vị. Tuy vậy, tìm được rạn ngầm cũng chưa chắc kiếm được cá nếu quá sâu. Bởi sức người chỉ có thể lặn trung bình từ 20m tới gần 30m. 

Khi đến rạn ngầm, các tay săn sẽ thả mình lặn xuống thám sát một vòng xem nơi này đang có loại cá nào, kích cỡ ra sao để chuẩn bị dụng cụ săn thích hợp. Đồ nghề săn là súng cao-su bắn bằng dây cao-su. Còn với thợ săn là bộ đồ bọc kín người từ đầu tới chân để giữ ấm, di chuyển bằng chân vịt và tuyệt đối không dùng bình dưỡng khí như dân lặn thám hiểm. Khi được hỏi vì sao lại lặn nhịn thở? Ri cho biết, nếu lặn bằng dưỡng khí sẽ nhả bọt, cá sẽ kinh động hoảng sợ, không săn được.

Thợ săn để chìm dần xuống đáy như một vật thể tự trôi nhẹ nhàng vì tầng đáy dưới 10m rất tĩnh lặng, vì thế người săn phải có kỹ năng để sao cho lũ cá không nhận thấy sự xuất hiện đột ngột của mình. Theo Ri, người săn phải “thân thiện” với cá, vì thế đẩy chân vịt thật khéo léo êm ái. Cá sẽ thấy an tâm bơi lội bình thường và có khi xúm lại “chào hỏi” người săn. Khi chọn được con cá ưng ý thì phải tính toán hướng mũi lao trúng đích, con cá chỉ giẫy nhẹ rồi thu mồi. Nếu bắn không đúng làm cá giẫy giụa, tạo sóng gây chấn động vùng nước, đàn cá kinh hoàng tháo chạy thì không săn tiếp được. Vì thế, với thợ săn thiện nghệ là cứ tỉa từng con, từng con “êm ru” mà đàn cá vẫn nhởn nhơ không biết. Đây là kiểu bắn cá chọn lựa rất đẳng cấp mà Ri là tiêu biểu.

Một dạng khác vất vả hơn đó là phục kích săn mồi “khủng”, khi phát hiện con mồi to nặng tới vài chục kg đang ẩn nấp trong hang sâu hay rạn ngầm lớn. Với bọn cá này, chúng ít lang thang theo bầy đàn mà sống cô đơn một mình ở góc riêng nên thợ săn phải rất công phu đón lõng chờ. Dù vất vả nhưng được thì coi như chuyến đi đại thắng lợi. Thợ săn phải phục, núp gần vị trí con mồi khoảng 3 m, nếu xa hơn bắn không hiệu quả, gần quá cá nhạy cảm sẽ trốn mãi… Ri kể, có khi phục cá sắp ló đầu ra khỏi hang thì thợ săn lại hết hơi phải trồi lên thở. Khi quay xuống cá mất tiêu, tức muốn ói. Hay trường hợp khác, khi con mồi bơi ra tính bóp cò thì nó đột ngột quẫy đuôi lao đi. Hoặc gặp đàn cá nhỏ dày đặc lao qua mà mù nước đánh tháo. 

Tuy nhiên, với dân cao thủ, hiếm có con cá lớn nào phát hiện mà thoát khỏi mũi lao của họ. Với Ri, anh có khả năng đặc biệt hơn các bạn bè cùng nhóm là có thể tiến sát con mồi như một “con cá lạ” làm cho nó tưởng là bạn sẽ vẫy đuôi. Việc thu kết quả chiến lợi phẩm là chuyện đương nhiên. Ri kể mình đã săn được có cá đuối 78 kg ở Mũi Điện (Phú Yên), hay con cá bè nặng 50kg ở Nha Trang, hay con cá mú hoa nặng 30kg Bình Thuận. Có thể nói bộ sưu tập săn cá “khủng” của Ri rất nhiều, được bạn bè giới chơi ngưỡng mộ.

Gặp “quái kiệt” săn cá ở Nha Trang -0
 Cảnh săn cá dưới đáy.

3/Với kỹ năng săn cá đẳng cấp, Ri đang là thủ lĩnh của CLB săn cá biển Nha Trang, tập hợp những “hảo thủ” như: Hoàng “dép”, Võ Văn Đảm, Phan Văn Vụ,  Võ Ngọc Quang… và hàng chục anh em khác. Nhóm của Ri hầu như “chinh phục” mọi vùng từ Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận. Mỗi lần đi săn, nhóm thu hoạch cả vài tạ cá để cung cấp cho các hệ thống nhà hàng ở địa phương. Theo giới kinh doanh hải sản Nha Trang cá bắn có giá trị hơn rất nhiều so cá đánh lưới bởi cá có chọn lọc, tươi nguyên.

Nhóm săn cá biển của Ri còn tự tổ chức những chuyến du lịch lặn bắt cá và thưởng thức tại các đảo vắng. Đây là hình thức du lịch rất hấp dẫn với khách hàng hiểu biết, thích trải nghiệm cuộc sống thiên nhiên hoang dã. Không chỉ có khách nội địa mà nhiều khách nước ngoài cũng rất ưa chuộng kiểu chơi này. Hiện nay, nhóm được giao lưu kết nối với nhiều người chơi môn thể thao đặc biệt này như: Nga, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Với cá nhân Ri-Dương Tống Chương, anh đã đạt nhiều giải thưởng cao trong các dịp Festival biển Nha Trang ở bộ môn câu cá và lặn biển.

Chia tay người viết hỏi thêm: “Thế tình hình hiện trạng cá ở biển thế nào?”. Dương Tống Chương buồn rầu: “Sản lượng cá sụt giảm rất nhiều, đặc biệt là cá rạn do nạn săn cá bằng điện hủy diệt và cả thuốc nổ”.