Cơ trưởng của những chuyến bay “mở đường”

Gần 40 năm gắn bó với bầu trời và khoang lái, cơ trưởng Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines nổi tiếng với rất nhiều chuyến bay đặc biệt. Ông có đóng góp lớn cho việc đào tạo phi công, quản lý và phát triển đội bay tiên tiến hiện đại. 

Cơ trưởng của những chuyến bay “mở đường”

Lớn lên bên tiếng động cơ

Tuổi thơ gắn với tiếng động cơ và hình ảnh máy bay cất hạ cánh ở phi trường Đa Phúc (nay là sân bay quốc tế Nội Bài) gần nhà, ông Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ, từ nhỏ đã ước mơ trở thành phi công chinh phục bầu trời. Năm 1979, vượt qua kỳ thi với tỷ lệ chọi 1/1000, ông được Bộ Quốc phòng cử đi đào tạo phi công tại Nga. Về nước, gắn bó với lĩnh vực hàng không dân dụng, ông bắt đầu từ lái phụ rồi dần trưởng thành lên lái chính. 

Những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam quyết định chuyển từ khai thác công nghệ tàu bay Liên Xô sang công nghệ phương Tây, Nguyễn Hồng Lĩnh khi đó đang là cơ trưởng máy bay IN18 đã được lựa chọn để cử đi đào tạo lái máy bay Airbus A320. Năm 1994, ông trở thành cơ trưởng người Đông Nam Á đầu tiên làm chủ được buồng lái máy bay Airbus A320 hiện đại bậc nhất thời bấy giờ và chính thức làm việc hai năm cho hãng hàng không Air France (Pháp)-một trong những hãng hàng không lớn nhất của thế giới. “Tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quản lý tiên tiến, hiện đại của ngành hàng không dân dụng phương Tây và tìm cách áp dụng cho Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi, hội nhập quốc tế”, cơ trưởng Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ.

Hàng không hoạt động đa quốc gia nên buộc phải tuân thủ toàn bộ hệ thống luật lệ quốc tế để bảo đảm an toàn tuyệt đối. Chẳng có tình huống nào xảy ra trên chuyến bay là giống nhau đòi hỏi người làm nghề phải vững vàng, bình tĩnh áp dụng những kiến thức đã học, kinh nghiệm tích lũy giờ bay để xử lý, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong các giai đoạn của chuyến bay. Gần 40 năm chinh phục bầu trời, vị cơ trưởng lão luyện đã thực hiện nhiệm vụ trên nhiều dòng máy bay như AK18, AN24/26, IL18, Airbus A320, Boeing 777 và tiếp đó là dòng máy bay hiện đại Boeing 787. 

Là chứng nhân lịch sử chuyển giao giữa hai thời kỳ, cơ trưởng Nguyễn Hồng Lĩnh còn có nhiều đóng góp trong việc xây dựng đội bay mới, thực hiện chuyển giao công nghệ, đào tạo phi công đáp ứng nhu cầu trong nước. Hiện nay, trong 1200 phi công của đoàn bay 919 thì chỉ có khoảng 30% người nước ngoài, còn lại là người Việt. Đó là một sự thay đổi ngoạn mục khi cách đây hơn 10 năm, Đoàn bay 919 chỉ có 35% phi công là người Việt. Đặc biệt, cơ trưởng Nguyễn Hồng Lĩnh còn là một trong những người tham gia xây dựng Luật Hàng không dân dụng với những quy định chặt chẽ theo chuẩn mực quốc tế về tàu bay, cảng hàng không sân bay, nhân viên hàng không, hoạt động bay, vận chuyển hàng không, an ninh hàng không…

Cơ trưởng của những chuyến bay “mở đường” -0
Cơ trưởng Nguyễn Hồng Lĩnh. 

Sứ mệnh người mở đường

Với mỗi phi công, chuyến bay đầu tiên với cảm giác bỡ ngỡ khi chinh phục bầu trời, hạnh phúc khi chạm tay vào giấc mơ đều không thể nào quên. Tuy nhiên, cuộc đời bay của cơ trưởng Nguyễn Hồng Lĩnh còn có vô vàn những chuyến bay “không thể nào quên” nữa bởi ở các thời khắc quan trọng, ông luôn được lựa chọn là người thực hiện sứ mệnh của ngành hàng không. Trong số này phải kể đến chuyến bay mở đường trong chiến dịch lập cầu hàng không sơ tán đồng bào Việt Nam khỏi vùng chiến sự Lybia năm 2011; chuyến bay giải cứu người Việt sau thảm họa hạt nhân, động đất, sóng thần tại Nhật Bản; chuyến bay cơ động lực lượng giữ gìn an ninh trật tự tại Tây Nguyên… Đặc biệt hơn cả, ông là một trong các phi công thực hiện nhiều nhất các chuyến bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến khắp các quốc gia trên thế giới. Đây đều là những chuyến bay đòi hỏi bản lĩnh, tinh thần cùng kinh nghiệm dạn dày của phi công khi liên tục xử lý những tình huống chưa từng có, ở những vùng đất chưa từng đến.

Đơn cử như năm 2011, để thực hiện chuyến bay giải cứu trong bối cảnh phức tạp vì nội chiến lan rộng tại khu vực Bắc Phi và Trung cận Đông, lại chưa có đường bay thẳng đến Libya, Vietnam Airlines phải bay qua không phận 15 quốc gia mà hãng chưa bao giờ bay đến. Cùng với đó, thủ tục xin phép cất hạ cánh, điều kiện kỹ thuật, năng lực sân bay, thời tiết sa mạc… tương đối phức tạp với nhiều tình huống khó lường. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một phi công đường dài, từng thực hiện nhiều đường bay mới khắp các châu lục nên cơ trưởng Nguyễn Hồng Lĩnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiền trạm, mở đường cho chiến dịch lập cầu hàng không giải cứu người Việt tại Lybia. “Trong cuộc đời bay của mình, tôi may mắn được giao trọng trách thực hiện một số chuyến bay giải cứu mà cho đến giờ vẫn không quên được những ánh mắt xúc động, nụ cười vỡ òa hạnh phúc và tiếng hò reo của bà con khi thấy phi cơ cắm cờ Tổ quốc đến đón. Ở những nơi hiểm nguy, bất ổn mới thấy nghĩa đồng bào lớn lao vô cùng”, cơ trưởng Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ.

Ngày 28/11/2021 vừa qua, dưới sự điều khiển của cơ trưởng Nguyễn Hồng Lĩnh và các thành viên tổ bay, chuyến bay thẳng Việt-Mỹ thường lệ đầu tiên mang số hiệu VN98 đã hạ cánh xuống sân bay San Francisco. Đây tiếp tục là một dấu mốc khó quên trong cuộc đời bay của ông khi cùng với Vietnam Airlines khẳng định vị thế của ngành hàng không Việt Nam trên trường quốc tế.

Chia sẻ về hành trình đầy cảm xúc, vị cơ trưởng kỳ cựu không giấu được xúc động bởi để có được chuyến bay này, hàng không Việt Nam nói chung và Vietnam Airlines đã phải mất nhiều công sức chuẩn bị trong nhiều năm về công nghệ bay, trang thiết bị mặt đất, hệ thống dẫn đường, công tác bảo trì bảo dưỡng, công tác phê chuẩn…  mới có thể đáp ứng các điều kiện từ phía Mỹ - quốc gia có hàng rào pháp lý và an ninh hàng không khắt khe bậc nhất thế giới.

“Với khách hàng, chuyến bay thẳng đến San Francisco khởi hành vào cuối ngày, chỉ sau một đêm ngủ trên máy bay, hành khách thức dậy tràn đầy năng lượng đón ngày mới ở bên kia bán cầu. Còn với chúng tôi, đó là chuyến bay lịch sử với thời gian chuẩn bị dài kỷ lục suốt 20 năm. Trong lịch sử hình thành và phát triển ngành hàng không Việt Nam chưa từng có đường bay nào mất nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị khai thác như vậy. Nó còn đặc biệt hơn khi chuyến bay được tổ chức an toàn giữa những ngày “bão” Covid-19 đang phức tạp trên toàn cầu”, cơ trưởng Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ.

Phía trước là bầu trời

Lịch hẹn với cơ trưởng, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Lĩnh được sắp xếp trước đó một tuần nhưng vẫn diễn ra vội vã bởi phải xen giữa hai cuộc họp của ông với ban lãnh đạo tổng công ty. “Từ khi dịch bệnh bùng phát, ban giám đốc Vietnam Airlines ngày nào cũng họp, kể cả thứ bảy, chủ nhật, các ngày lễ, Tết… để cập nhật tình hình và đưa ra quyết sách kịp thời. Biến chủng mới xuất hiện nhưng có lẽ Covid-19 đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất rồi, giờ là lúc ngành hàng không phục hồi lấy lại sức mạnh từng có”, ông chia sẻ với một tinh thần lạc quan dù khó khăn vẫn còn chồng chất phía trước. Tinh thần lạc quan đó đã theo ông qua mọi thăng trầm của ngành với đủ các cương vị như: cơ trưởng, giáo viên bay, kiểm tra, thanh tra viên, chánh thanh tra bay, trưởng đoàn bay 919 và nay là Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines. 

Hành trình bất tận của những cánh chim trời sẽ không thể vì bão giông mà gục ngã. Chia sẻ những trăn trở với ngành, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: Dịch bệnh đã thổi bay toàn bộ kết quả kinh doanh trong vòng 5-10 năm nhưng hồn cốt của một hãng hàng không tiên phong luôn bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ cùng đội ngũ nhân sự chất lượng cao... vẫn còn. Trong dịch bệnh, chúng tôi vẫn tìm cơ hội để máy bay được cất cánh. Năm 2020, chúng tôi là một trong những hãng bay tiên phong trên thế giới tháo ghế chở khách để chở hàng. Rồi những chuyến bay một chiều chở khách, một chiều chở hàng... miễn sao  cán bộ, công nhân viên có việc làm. Dịch bệnh không thể kéo dài mãi. Giờ đây, khi tỷ lệ phủ vaccine đã cao, Chính phủ đã cho phép từng bước nối lại các đường bay quốc tế, trọng trách của chúng tôi là phải tìm cách phục hồi và phát triển.

“Đáy của khủng hoảng đã qua, phía trước là bầu trời!!!”, cơ trưởng Nguyễn Hồng Lĩnh lạc quan chia sẻ!