Chuyện ở nơi “được nuôi để viết”

Kỳ 3: Viết về những trại viết...

Tác giả bài viết - nhà thơ Phùng Tấn Đông (đứng giữa) trong một lần trò chuyện với các nhà thơ.
Tác giả bài viết - nhà thơ Phùng Tấn Đông (đứng giữa) trong một lần trò chuyện với các nhà thơ.

Nghề viết vốn được mọi người cho là nghề đặc biệt, nghề của việc “kiến tạo hiện thực” mang đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân. Bao nhiêu giai thoại mang vẻ kỳ bí, “huyền nhiệm” về việc viết văn, làm thơ, vẽ tranh, nặn tượng...

Học viết là cần thiết

Tôi nhớ dường đâu đó, nhà thơ Hoàng Cầm từng kể về việc sáng tác bài thơ “Lá diêu bông” rằng “... như có ai đó mách bảo, câu chữ bài thơ hiện ra trong giấc mơ, thức giấc chỉ việc ghi chép lại...”. Nhiều người cho đó là việc các ông văn nghệ sĩ tự “thần thánh hóa” công việc của mình, rằng viết cũng như một dạng lao động bình thường thôi, tất nhiên là “lao động trí óc”, làm gì có thần linh mách bảo... 

Thời hiện đại-vấn đề “có nên đào tạo nghề viết văn, làm thơ không?” vẫn còn “bất nhất” ở xứ ta-trong khi ở Âu Mỹ các khóa học viết, đào tạo nghề viết là hết sức bình thường, ai muốn học cứ bỏ tiền ra mà học, mà nâng cao “tay nghề”, vấn đề muôn thuở phải xử lý vẫn là “viết cái gì, viết như thế nào”, tác phẩm được “cộng đồng diễn giải” cảm nhận, đánh giá ra sao... Ngược lại, nhiều người cho rằng việc viết là việc tự thân sáng tạo, học viết là tự học, không cần có ai “cầm tay chỉ việc” theo kiểu “truyền nghề” và nhiều người vẫn chỉ trích việc tổ chức “đi thực tế sáng tác” của các hội văn nghệ địa phương hay trung ương, cho đó là việc “phong trào”, thậm chí là việc “giải ngân”, “tiêu tiền” do nguồn hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ, hội đoàn hằng năm. Các trại viết, trại sáng tác do địa phương tổ chức hay do các cơ quan hữu quan từ trên hỗ trợ cũng được xếp vào dạng “phong trào”, dạng văn nghệ “cưỡi ngựa xem hoa”, hiệu quả thấp với “lý cứ” rằng “có tác phẩm “nổi tiếng” nào sáng tác từ các trại sáng tác đâu?”.

Đành rằng việc sáng tác vốn dĩ tự thân-nói văn vẻ như cụ Nguyễn Tuân-thì kẻ viết  luôn phải đối diện với trang giấy trắng như tử tù với pháp trường trắng, đơn độc, nghiệt ngã, nhiều khi kẻ viết đầu hàng, bỏ cuộc. Ấy thế, cũng nhiều khi người viết có sự ngẫu cảm, ngẫu hứng tình cờ, thiên tư bừng ngộ, cảm hứng ùa về, tư duy sáng rõ-lúc chẳng phải “ngồi nhìn trang giấy”-rồi cứ thế-ghi vội ý tưởng trong đầu và lao vào nghí ngoáy viết hay gõ lộc cộc trên máy chữ, máy tính và rồi tác phẩm tâm đắc hiển hiện, tựu thành. Danh họa P.Picasso từng viết về sự bí ẩn của sáng tạo nghệ thuật:

“Vì sao hai màu đặt cạnh nhau lại ngân thành tiếng hát?

Liệu có thể thực sự giải thích điều đó?

Không thể.

Cũng như người ta không bao giờ có thể học được phải vẽ như thế nào!”.

Thời @-thời toàn cầu hóa nên văn nghệ ở vùng “ngoại biên” góp vào sự đa dạng, phong phú “bản sắc” hơn so với “trung tâm” vốn lối viết bị khuôn mẫu, quy phạm hóa quá dài chăng nên những trại sáng tác được thời-nhất là những trại sáng tác, lưu trú sáng tác của giới mỹ thuật trẻ tại các quốc gia và các khu vực trên thế giới với nhiều đề tài, chủ đề khác nhau đang thu hút sự chú ý ở phạm vi toàn cầu. Như về sự ô nhiễm nặng nề của môi trường, về sự suy kiệt của hệ sinh thái, về việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19..., quy tụ nhiều những tác giả đến từ các khu vực “ngoại biên”, vùng sâu, vùng xa... Việc tham gia các trại viết vì thế cũng được nhiều văn nghệ sĩ trong lĩnh vực văn chương hăng hái tham gia, nhất là văn nghệ sĩ tại các tỉnh, thành phố vốn xa “trung tâm” và “vừa nghèo vừa khó”. Một trường đại học ở phía nam mới đây đã mở khoa “văn học ứng dụng”, đào tạo những cử nhân ngành truyền thông, đủ để “xác tín” việc học “viết” là hết sức cần thiết bởi bối cảnh văn học hiện thời đang nghiêng về việc người viết phải trả lời câu hỏi “viết như thế nào?”.

Để là một nơi “sạch sẽ và sáng sủa”

Dưới góc độ văn hóa, các trại viết, trại sáng tác là cơ hội để các văn nghệ sĩ có khoảng “thời gian rỗi” dành riêng cho việc sáng tạo bởi đa phần họ phải làm những việc khác để mưu sinh (công chức, viên chức, thợ thuyền, thậm chí lao động cơ bắp nặng nhọc...) với họ-để toàn tâm toàn ý cho “lao động sáng tạo”, thoát khỏi nỗi ám ảnh “cơm áo không đùa...”, chi cho bằng được ngồi yên một chỗ, ở một nơi “sạch sẽ và sáng sủa” (tên một truyện ngắn của E.Hemingway) và viết. 

Trại sáng tác cũng là nơi gặp gỡ những “tâm hồn bạn”-nhất là những người bạn ở các địa phương có trại viết (Nhà sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như Đà Lạt, Vũng Tàu, Đại Lải...) hay địa phương đăng cai trại viết (như trại viết sau dịch Covid lắng xuống của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tại Phú Yên đầu tháng 11 vừa qua). Sau dịch Covid tạm lắng xuống không cứ nhà văn, những con người bằng xương bằng thịt nào mà không mang nỗi “thèm người”, thèm “tương tác” với “người đời” ngay “trên mảnh đất người đời”... Những kẻ viết vốn nghiện giao du, học hỏi để không ngừng “nâng cấp” tay nghề theo lời dạy quý báu của các bậc túc nho rằng “tam nhân đồng hành, hữu ngã sư yên” (trong ba người đồng hành, ở đó có thầy ta). Người viết bài này từng dự trại Vũng Tàu, Đại Lải... Qua mỗi trại, có lẽ trải nghiệm “thú vị  nhất” là được gặp gỡ anh em viết lách “đồng bệnh tương liên” ở trong nam ngoài bắc, trải nghiệm thứ đến là được thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, được gặp gỡ với những người lao động “đổ mồ hôi sôi nước mắt” trong cuộc sống thường ngày ở các vùng miền để mình tự nhìn lại “việc viết” của mình đang thực ở đâu, có “góp” vào miền câu chữ chút gì sáng tạo không.

Và một nỗi ước mong ngày càng “nặng nợ” đó, việc tổ chức các trại viết sao cho ngày càng đi vào “thực chất” hơn, giàu học thuật hơn-bắt đầu từ việc “tuyển chọn” người dự trại-như bên mỹ thuật, phải có “giám tuyển” hẳn hoi-người tham dự phải có đề cương căn bản về tác phẩm, khi nghiệm thu tác phẩm phải có những nhà phê bình có tài năng nhận định, đánh giá và có sự thảo luận công tâm của đồng nghiệp, thậm chí người viết phải nghe những phản biện “nghiệt ngã” nhưng thấu đáo để tự nhận diện tác phẩm của mình, coi việc thành, bại là việc hiển nhiên-nói như cụ Đỗ Phủ “văn chương thiên hạ sự-đắc thất thốn tâm tri” (văn chương bao nhiêu chuyện đời người, thành bại cũng là chuyện tấc lòng).

Trong cõi văn chương-một người bạn đã rời cuộc chơi, đã về cõi khác - nhà thơ Trần Từ Duy-bình sinh hay đùa-mình muốn bỏ ra vài chục triệu để trao giải cho những tác giả 5 năm không viết tác phẩm nào-đó cũng là sự “đóng góp” cho nền văn học nước nhà. Đúng là một kiểu “đi tìm sự thật biết cười” như tên một cuốn sách Umberto Eco. Điều này cũng là cách trả lời của một người thầy ở Trường viết văn Nguyễn Du rằng, học viết văn ngoài đào tạo ra các nhà văn còn kiêm việc “loại” khỏi văn chương những nhà văn dở...

Không nên phân bổ đại trà, ai rảnh thì đi, đến lượt thì đi, khổ nỗi cứ mang những tác phẩm cũ với lối viết cũ không có chi mới đem nộp cho ban điều hành trại viết như một “chứng từ” thanh toán khi tổng kết.