Chuyện đường phố Hội An

Rất nhiều người từ các tỉnh, thành phố khác đến Hội An (Quảng Nam) và quan sát với mức độ hài lòng, bởi tuy không thấy công an mặc thường phục đứng ở những ngã tư đường phố nhưng người tham gia giao thông luôn khuôn phép, văn minh.

Nhiều tấm biển báo thay thế cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ.
Nhiều tấm biển báo thay thế cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ.

1/Điều đó cho du khách cảm nhận bình yên thoải mái dạo phố và ngắm nhìn người tham gia giao thông với sự chấp hành, cho dù con đường trước mặt vẫn đèn xanh, không xe, có khi không người giao thông, nhưng vẫn không ai vượt đèn đỏ. Đi qua nhiều tỉnh, thành phố phía bắc, anh Nguyễn Văn Vinh, quê Thanh Hóa, vào Hội An bán chiếu cói, cho biết: “Nếu ở Hà Nội hay các tỉnh, thành phố khác khi không thấy công an đứng ngã tư, họ sẽ tranh thủ băng qua đèn đỏ chứ không nhẫn nại chờ đợi”.

Trật tự là vậy, thong thả là vậy và mỗi người lại tự nhắc khẽ nhau về tín hiệu đèn đường trên những ngã tư. Thế nhưng mỗi năm tiền phạt vi phạm giao thông tại Hội An tròm trèm… 1 tỷ đồng. “Vi phạm nhiều nhất vẫn là những người tham gia giao thông bằng xe máy”, Đại tá Đinh Xuân Nghĩ, Trưởng Công an TP Hội An, cho biết. “Hình thức giám sát giao thông bằng camera kết hợp tuyên truyền, tại một vài điểm trường quy hoạch bãi dựng xe chờ đón con cho người dân, đã giúp tránh tình trạng xe cộ ngang dọc tràn xuống lòng, lề đường”, Đại tá Nghĩ cho biết thêm.

Nhưng còn một khác biệt nữa mà du khách không biết, công an của thành phố sẽ đi tuần vào lúc gần sáng hoặc đầu tối. Ban đêm, khi có những sự kiện đá bóng, đội ngũ công an đều cắt cử lực lượng chặn chốt tránh tình trạng đua xe. Các nhóm đua xe sẽ bị camera ghi hình, phục vụ cho việc phạt nguội. Ngoài ra, đối với người Hội An, vi phạm giao thông là bị lập biên bản, còn người các tỉnh, thành phố khác về, có thể tùy từng mức độ mà nhắc nhở.

Trong những ngày tháng vừa qua, mật độ phương tiện giao thông giảm đáng kể bởi không có khách du lịch đi theo đoàn lớn, theo đó, không có những chiếc xe cồng kềnh 45 chỗ ngồi nối nhau như những năm trước. Hội An trở về với nguyên vẹn Hội An xưa cũ, không ùn ứ lối vào, không kẹt đường xe ra. Ngành du lịch “nghỉ chơi dài”, bên phía cảnh sát giao thông cũng bớt bận rộn vì không phải phân luồng, giảm tắc.

So số người và phương tiện giao thông, Hội An vẫn là thành phố có tỷ lệ xe đạp tính trên đầu người cao nhất cả nước. Lý do không phải nghèo mà bởi phố không rộng, người không đông, nghề nghiệp chính là thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp nên không ai quá đỗi vội vàng đúng giờ vào ca, tan sở, quẹt thẻ tính ngày. Khách nước ngoài cũng thích đạp xe thăm đồng, chơi phố.

Nhưng giữa những cái hay vẫn có những “cài cắm”... nực cười. Anh Đỗ Xuân Đông, ngụ tại phường Cẩm An (Hội An) phàn nàn về một việc phát sinh trên đường rất khó trả lời người hỏi. Lần đó, Đông đưa bà Anna, người Mỹ, đi mua đồ trong phố cổ, khi nhìn thấy tấm biển mới xuất hiện ở ngã tư được cắt từ bìa giấy, sơn hình cậu bé, hai tay giang ra với dòng chữ “An toàn giao thông là trách nhiệm của mỗi người”, bà Anna buột miệng hỏi: “Có phải đây là cậu bé tốt không?”. Khi đi đến một ngã tư khác, nhìn thấy tấm biển tương tự, bà Anna hỏi tiếp: “Đây là cô bé tốt à?”.

Anh Đông cho biết, giữa ồn ào tiếng xe, lời giải thích bằng tiếng Anh mà ngắn gọn sợ họ không hiểu, dài dòng thì mất tập trung tham gia giao thông. Cái khó hơn bao giờ hết, với một người làm dịch vụ như anh Đông, ngoại ngữ cũng chỉ đủ dùng cho công việc chạy xe. Và khi ở ngã tư đường phát sinh một biển báo khiến Đông có những lúng túng tức thời. Khi đến cửa hàng thực phẩm trong phố, Đông đã phải nhờ công cụ dịch để giải thích cho bà Anna về tấm biển kể trên. Bà Anna bật cười: “Ồ! Vậy, các cô cậu bé... có được trả lương không?”.

Lại một câu hỏi khác phát sinh. Đông chỉ có cách lắc đầu.

Hẳn nhiên, đó là tấm biển tuyên truyền không quá rườm ở ngã tư đường phố. Nhưng cũng đã có  nhiều người... nhếch mép cười. Tấm biển đó nó được cộng thêm ở ngã tư đường, thực tế, trong nhiều tháng qua ai cũng biết, lượng người tham gia giao thông hết sức tối thiểu.

Chuyện đường phố Hội An -0
Khi phụ huynh đến đón con, phương tiện giao thông được đỗ trật tự trước cổng trường. 

2/Trong một buổi trưa vắng vẻ, tại ngã tư đường Hai Bà Trưng - Trần Hưng Đạo, nghe một người phụ nữ này nhắc khẽ một người phụ khác khi cả hai đang chạy trên hai chiếc xe máy khác nhau với hai từ ngắn gọn: “đèn đỏ!”. Ở khía cạnh là một người quan sát Hội An, cắt nghĩa được nhiều điều về con người và cuộc sống ở đây, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự cho biết: “Trừ những khi có sự kiện, còn lại không cần thiết có công an đứng ở ngã tư”.

Trong nhiều tháng qua, Hội An cũng nằm trong số nhiều thành phố du lịch khác giống như quay ngược bánh xe thời gian. Phố vắng, nhiều cửa hàng đóng cửa, khách du lịch vào nghỉ ngơi vài tuần, bị kẹt lại vài tháng. Không ít lần gặp người Hà Nội, tập thể dục trên những con đường ngoài cánh đồng Cẩm Châu, Cẩm Thanh... ở Hội An. Họ bày tỏ rằng, thích ở đây vì người nơi đây thuần phác.

Sự thuần phác được định hình từ sự đóng cửa hay sự giao lưu mềm lòng, vừa phải khởi từ tính cách tâm tình của người dân nơi đây. Ông Nguyễn Sự cho hay: “Người Hội An đã có gần 5 thế kỷ giao lưu với người nước ngoài. Người Hội An đã tiếp thu, tích tụ được, nó là số cộng của văn hóa gốc kết hợp sự du nhập luôn có sự loại trừ”.

Cũng có nhiều người đến Hội An đi nhầm vào đường ngược chiều và bị khách nước ngoài sống ở Hội An đã lâu, đứng ra nhắc nhở. Hẳn nhiên, có sự giao thoa cộng đồng sở tại với người đến sống ở đây trong việc chấp hành giao thông loại trừ hành vi xấu, vươn tới văn minh. Trong số đó có nhiều người bị nhắc là khách trong nước đến Hội An, họ không giận, mà bất ngờ, vui vẻ. 

“Người Hội An kín đáo nhưng không khép kín. Họ đón nhận cái lạ rất tự nhiên, không vồ vập, không xa lạ. Do đó, người nước ngoài hay các tỉnh, thành phố khác đến đây hay ra về đều cảm thấy bình thường”, ông Sự cho biết.

Ở một thành phố nhỏ, đường nhỏ, các di tích cũng nhỏ nhưng trong hơn 20 năm làm du lịch, Hội An đã vươn lên thành một trong những tốp đầu điểm đến của nhiều trang du lịch quốc tế. Điều này có được là nằm trong di sản tinh thần của người phố Hội, biết cách bảo ban nhắc nhở nhau không những chỉ về giao thông mà nhiều những hoạt động khác. “Ít có chuyện cãi cọ nhau trong chợ. Từ đó cho thấy trong ứng xử kể cả vấn đề giao thông vẫn giữ được nếp. Tuy rằng, có lúc vẫn có chuyện vượt đèn đỏ... nhưng nó được điều chỉnh bằng tư duy, nếp sống của người Hội An”, ông Sự cho hay.

Hơn 5 thế kỷ trước, khi đó thuyền buôn trên biển còn nhỏ, chạy nép phía bờ, Hội An có vị trí cửa sông, ngoài khơi có đảo Cù Lao Chàm chắn gió. Đây là địa thế tốt hình thành cảng thị. Và cũng là lúc người Hội An tiếp xúc với người nước ngoài buôn bán, sinh sống ở đây. Do đặc điểm tâm tính của người miền trung, giữ khư khư những gì mình có, trong đó có giữ phố cổ, nếp nhà... Và đó là điều tốt đẹp. Hơn 20 năm qua, từ khi được công nhận là di sản thế giới, người nước ngoài đến du lịch và ở lại Hội An mỗi năm lại một đông hơn.

Năm du lịch quốc gia Quảng Nam 2022, bên cạnh hoạt động tuyên truyền kích cầu du lịch, cũng cần nhìn lại một vài điều không hài lòng của du khách. Đó là những phàn nàn của cộng đồng người nước ngoài nghỉ hưu ở đây cũng như nhiều người về đây buôn bán, đó là chuyện các đám hiếu trong phố trong dân kéo dài nhiều ngày. Tại những buổi tế lễ trong các đám hiếu này, loa lớn kích hoạt âm thanh chói lói. Đám cưới, đám giỗ cũng rình rang loa đài. Bên cạnh đó, có những quán nhậu vẫn dùng loa hát karaoke miễn phí kéo dài từ chiều cho đến 9-10 giờ tối... đây là những điều lỗi thời mà nhiều góp ý cần loại bớt.