Chữ như nước suối hằng ngày vẫn chảy

Nhiều năm qua, việc dạy và học nơi xã biên giới Lâm Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình luôn dẫn đầu khối giáo dục vùng đặc biệt khó khăn. Dù đại dịch hoành hành, theo con suối ở bản Bạch Đàn, con chữ vẫn hằng ngày đến với các em học sinh. 

Các thầy, cô giáo dọn dẹp sân trường sau đợt mưa gió.
Các thầy, cô giáo dọn dẹp sân trường sau đợt mưa gió.

Nơi chữ mọc lên

Lần đầu đến Lâm Thủy cách đây đã 10 năm, vượt 60 km đường rừng chênh vênh, tôi chếnh choáng khi xe vượt những con dốc cao lắc lư rồi trườn qua những góc cua hình khuỷu tay. Già làng Hồ Tình, bản Bạch Đàn dẫn đường vượt qua 9 con suối để đến với bà con Bru Vân Kiều. Đây là bản xa nhất của xã Lâm Thủy. Mọi người phải mất một buổi mới vào được bản. Tôi lang thang trong thung lũng hoàn toàn không có sóng điện thoại. Những ngôi nhà sàn như những cái nấm khổng lồ tỏa khói. Cảm giác mênh mông nhưng ấm áp tràn vào tâm khảm. Bà con hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài. Nhưng dưới các mái nhà sàn kia, tiếng trẻ em tập đọc, đánh vần vang vang như tiếng suối reo vui. Già Tình khoe: “Học sinh của bản đạt học sinh giỏi huyện Lệ Thủy, đạt giải thể dục thể thao cấp huyện, cấp tỉnh. Giàng ơi!”. 

Tên bản Bạch Đàn gắn liền với việc già làng Hồ Tình dẫn người bản Xà Khía vào rừng khai phá vùng đất mới năm 1992. Ban đầu chỉ vài hộ đi theo, nhưng sau một thời gian, vùng đất mới gần suối, đất đai tươi tốt đã có 90 hộ an cư. Già làng Hồ Tình luôn đau đáu đổi mới, tìm tòi để cải thiện đời sống cho đồng bào. Từng là Chủ tịch và Bí thư xã, ông Hồ Tình hiểu cần phải thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Ông đặt tên bản mới là Bạch Đàn, tên loài cây công nghiệp chịu được nắng mưa, thời tiết khắc nghiệt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ước mơ về bản mới đã dần thành hiện thực. Bản Bạch Đàn giờ đây được đánh giá phát triển nhất ở vùng núi cao biên giới Lâm Thủy.

Theo chân già làng Hồ Tình lên nhà sàn, tôi mải mê nghe ông kể về chuyện con nai, con hươu ngủ ngay sau vườn, chuyện con trăn cuộn tròn ôm cột cầu thang, chuyện những con rắn lim dim ngủ trong chăn mỗi khi bà con đi làm rẫy về. Thấy tôi nhìn ngắm chiếc máy khâu, già Tình bồi hồi kể lại, vào đầu thập niên 90, ông và bà con đã lấy sức nước để tạo ra điện thắp sáng. Thấy mọi người khâu vá quá mất nhiều thời gian, ông đã mua máy khâu lên bản. Những lần đi các tỉnh học hỏi kinh nghiệm làm ăn, ông mang về nhà mình máy tuốt lúa mi-ni, máy xát gạo, máy cày nhỏ, máy cấy lúa… Với một bản bị tách biệt giữa bao la bạt ngàn rừng núi, sát biên giới Lào, việc đưa kỹ thuật vào sinh hoạt và sản xuất không hề dễ dàng. Thế mà dân bản đã thực hiện cách đây hơn 10 năm. Điều đó phần nào lý giải vì sao, con em dân bản không có em nào thất học.

Bạch Đàn cũng là nơi tình yêu nảy sinh và hạnh phúc gửi trao cho nhiều thầy, cô giáo cắm bản. Một tháng, thậm chí vài tháng họ mới ra được điểm trường trung tâm, vì thế các thầy, cô mới ra trường có duyên gắn bó với nhau, hồi lâu họ nên vợ, nên chồng. Thầy giáo Nguyễn Văn Hóa cắm bản 12 năm, khe khẽ hát: “Người Vân Kiều tấm lòng trong trắng/Như cánh hoa, xinh đẹp giữa rừng/Bão tố cây rung mà lòng không lay/Trong gian khó, vẫn lớn lên như khóm măng rừng/Giữ đất buôn làng giữ bầu trời xanh/Người ơi, đây mảnh đất anh hùng/Vang tiếng ta lư giữa rừng xanh bao la…”.

Trước mắt tôi không phải là một thầy giáo trẻ nữa mà một nghệ nhân đang hát cho đồng bào Bru Vân Kiều và con suối về câu chuyện thầy trò ở Lâm Thủy...

Nỗi niềm từng kể

Cách đây hơn 10 năm, bên cạnh mỗi lớp học tre nứa đơn sơ luôn có ít nhất một căn nhà nhỏ bé bằng tre nứa. Căn nhà ấy là nơi ở của các thầy, cô giáo trong suốt thời gian dài với những ngày dài, vui buồn lẫn lộn, thương nhớ mênh mang. Lớp học là những bàn ghế ghép tạm bằng gỗ rừng do phụ huynh mang đến. Trên bàn làm việc có chiếc đèn dầu khói bốc lên đen sì. Sáng ra, áo quần, mũi của giáo viên đầy khói, thế nhưng trang giáo án vẫn cứ thơm mùi hoa rừng.

Những lá thư nhà nhàu vết thời gian quẹt mòn vì đọc đi đọc lại quá nhiều lần. Thời gian như đắp bồi thêm tình yêu của họ nơi địa đầu biên giới này. Có hôm khi vào mắc màn ngủ, các thầy, cô giáo phát hiện ra rắn mai đang nằm trong chăn ấm. Mọi người cuống lên xua đuổi, sau đó đóng chặt tất cả các lỗ thủng ở căn phòng của mình. Có thầy trên đường vào bản bắt cả con trăn cố tình ngáng đường. Khi tôi hỏi mọi người muốn “về xuôi” hay không, tất cả đều trả lời muốn ở lại, lý do đơn giản vì ở đây quá nhiều kỷ niệm. Về xuôi sẽ nhớ rừng, nhớ suối, nhớ bản không chịu nổi. Vả lại đường sá đi lại bây giờ đã thuận tiện hơn nhiều. Không còn cảnh đi bộ nửa ngày trời, không còn đi vòng từ Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) lên. Nay đã có điện, có trạm y tế khang trang và ngôi chợ tạm đã có người bán, kẻ mua. Đặc biệt, ở đây lương bổng cũng tạm đủ để các thầy, cô trang trải và phụ giúp anh em, bố mẹ dưới xuôi.

Vào mùa mưa như những ngày này, nước các con suối ở bản Bạch Đàn lên cao, đường lên bản Eo Bù - Chút Mút sạt lở nghiêm trọng. Những đống đất hàng tấn nhão nhoẹt tràn xuống đường, đá trên cao trăm mét rơi xuống rào rào. May mà chúng thường diễn ra vào ban đêm. Những lúc như thế chẳng ai dám đi lại trên đường. Trước đây, vào mùa mưa gió, lớp học vắng gần nửa, bàn ghế trong phòng học như rộng thêm, thầy, cô giáo như trống vắng với nỗi niềm nghẹn ngào khó tả.

Gió mùa Lâm Thủy rít từng hồi mang theo hơi lạnh của đá núi, mái nhà sàn của bà con Vân Kiều run bần bật. Mưa như thét gào, xối xả tắm táp núi rừng vừa gấp gáp, vừa dai dẳng. Con đường vào bản mòn trơn trượt như có cả nghìn tấn dầu ăn đổ xuống. Sóng điện thoại di động chập chờn ẩn hiện. Thi thoảng chúng tôi gọi cho người nhà dưới xuôi, đang trò chuyện tự dưng mất hút. 

Chữ như nước suối hằng ngày vẫn chảy -0
Đường vào bản ngày mưa gió. 

Mái trường nở hoa

Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thủy tọa lạc trên đồi cao ở bản Xà Khía thuộc xã Lâm Thủy. Đây là ngôi trường bán trú đầu tiên của tỉnh, cũng là đơn vị đạt lá cờ đầu cấp tỉnh, đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 và kiểm định chất lượng giáo dục mức 2. Với giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, Trường Lâm Thủy là cái tên thân mật với những thành tích được gắn lên các triền núi cao ngất bạt ngàn hoa lau và những con suối cuộn trào khi mùa mưa đến.

Cũng ít người tin rằng, dưới mái trường đến 98% là học sinh người Bru Vân Kiều, trong nhiều năm qua, các đội tuyển của trường đều đạt giải học sinh giỏi cấp huyện. Thành tích nổi bật nhất là ba năm liên tục đội tuyển môn sinh lớp 8 đều đạt giải đồng đội, có năm đạt giải nhì huyện Lệ Thủy, các môn tiếng Anh, Ngữ văn, Vật lý đều có những giải cá nhân đáng tự hào. Đặc biệt, đội tuyển khoa học kỹ thuật của nhà trường từng đạt giải nhất cấp huyện, giải khuyến khích tỉnh Quảng Bình.

Trong nhiều năm, nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học nên thầy, cô giáo và học sinh không hề xa lạ với các ứng dụng giảng dạy trực tuyến. Các phần mềm Zoom, Google meet… các hình thức liên lạc qua Zalo, Facebook, Viber… được giáo viên triển khai trong thời gian qua để trao đổi thông tin, dạy thử nghiệm trực tuyến nay phát huy hiệu quả. Trường đã khảo sát các điều kiện để dạy học trực tuyến, học trên truyền hình, học ở nhà; phối hợp, động viên phụ huynh bổ sung các điều kiện phục vụ học tập tại nhà cho học sinh. Trước đó, nhà trường đã tập huấn cho giáo viên, hướng dẫn phụ huynh và học sinh về các hình thức học tập (học trực tuyến, học trên truyền hình và giao bài học ở nhà). Bên cạnh đó, giáo viên hướng dẫn kỹ cho học sinh cách học, cách ghi chép, cách tương tác và cách thực hiện kiểm tra, đánh giá; hướng dẫn phụ huynh cách giám sát, hỗ trợ học sinh học tập và phối hợp giáo viên giảng dạy.

Mái trường đã gắn liền với bà con Bru Vân Kiều trong công tác xóa mù, phổ biến kiến thức phát triển kinh tế và lưu giữ bản sắc văn hóa vùng cao trong nhiều năm qua nay đứng trước thử thách mới khi đại dịch Covid đang hoành hành. “Chủ động đưa con chữ và tri thức đến với học sinh dù bất cứ hoàn cảnh nào, đó là nhiệm vụ mà các thầy, cô giáo phải vượt khó và phải làm được”, đó là ý kiến của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình Đặng Ngọc Tuấn. Còn tôi lại thấy rằng, khi con suối ở bản Bạch Đàn còn nước chảy thì con chữ vẫn hằng ngày đến với các em học sinh trên địa bàn biên giới này.