Chống sạt lở nơi cực nam Tổ quốc

Ngày 17-11-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết (NQ) số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH). Đã hơn một năm NQ được ban hành nhưng tại Cà Mau, vùng cực nam của Tổ quốc những tác động của thiên nhiên, BĐKH vẫn đang đe dọa trực tiếp đời sống người dân. Người dân vùng ven luôn phải sống trong cảnh lùi làng tránh biển.

Sạt lở bờ biển đe dọa nhiều khu dân cư ở Cà Mau. Ảnh: tienphong.vn
Sạt lở bờ biển đe dọa nhiều khu dân cư ở Cà Mau. Ảnh: tienphong.vn

Kỳ 1: Thấp thỏm cảnh làng lùi trước biển

Còn tiếp tục “lùi”

Có lẽ xã Đất Mũi là nơi duy nhất của Việt Nam với ba mặt giáp biển và phải chịu tác động từ hai dòng hải lưu trên Biển Đông và Biển Tây. Sự khác biệt của hai dòng hải lưu được phân biệt rõ ràng khi hằng năm Biển Tây có thể được bồi đắp hàng chục mét, chạy dọc bờ biển và chiều ngược lại Biển Đông biển xâm thực hàng chục, thậm chí hàng trăm mét.

Cuối tháng 2-2019, giữa cái nắng rám mặt của vùng biển Tây Nam Bộ, chúng tôi trở lại xã Đất Mũi. Tuy là mùa nước mặn xâm nhập nhưng người dân Đất Mũi lại tỏ ra lo lắng trước thực trạng xâm thực của biển. Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi Bùi Thanh Thương cho biết: “Xã có khoảng hơn 20 km chạy dọc bờ Biển Đông và khoảng hơn 30 km chạy dọc Biển Tây. Trong khi Bờ Biển Tây thuộc vào khu rừng ngập mặn Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, được bảo vệ nghiêm ngặt mỗi năm biển lại bồi thêm khoảng 50 đến 70 mét thì ngược lại bờ Biển Đông với cửa sông lớn đổ ra biển và là nơi người dân sinh sống thì trong khoảng 5 năm trở lại đây biển liên tục xâm thực, tại nhiều khu vực ăn sâu vào từ 300 đến 400 mét”.

Hiện xã Đất Mũi có tổng diện tích tự nhiên là hơn 15.024,8 ha đất tự nhiên, với 3.656 hộ dân và 14.623 nhân khẩu. Nhưng trong đó chỉ có 87 ha là đất ở và đất nông nghiệp, còn lại là đất rừng đặc dụng thuộc quyền quản lý của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và một phần kinh doanh dịch vụ, du lịch. Hằng năm hiện tượng sạt lở đất làm sụp nhà dân diễn ra ở hầu hết các ấp của xã Đất Mũi và trong khoảng 5 năm trở lại đây hiện tượng sạt lở lớn được tập trung vào hai ấp Kinh Đào Đông và ấp Kinh Đào Tây. Tại tổ 4, ấp Kinh Đào Tây được người dân nơi đây đặt cho cái tên khá ưu ái “Làng lùi biển”.

Giải thích về điều này ông Võ Thanh Bền, Phó Trưởng ấp Kinh Đào Tây nói: Hàng chục năm trở lại đây hễ cứ biển lở đến đâu thì nhà của các hộ dân sẽ được lùi theo vào đến đó.

“Làng lùi biển” thuộc khu vực cửa biển Vàm Xoáy, được hình thành từ năm 1995. Khi đó, theo chủ trương của tỉnh Cà Mau là giải tỏa, di dời những hộ dân sinh sống trong rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Ban đầu để tạo cuộc sống ổn định cho người dân, mỗi hộ được cấp tám mét đất chiều ngang và chạy dài khoảng 35 mét, dọc theo cửa biển Vàm Xoáy.

Biển cứ “nuốt” dần đất của người dân và hầu hết cư dân của “Làng lùi biển” phải dựng nhà tạm, lều tạm để sống bám lấy nghề biển. Nhưng giờ đây muốn dựng lều tạm cũng khó bởi đất cũng không còn, khi một bên là biển và đã lùi sát vào bìa rừng đặc dụng.

Nhìn xa xăm về phía biển, bà Trần Thị Kiều Diễm, người đã phải bốn lần dời nhà, chạy biển nói: “Nếu còn lùi được, chúng tôi vẫn phải tiếp tục lùi”.

Bà Diễm sinh năm 1956, quê gốc Gò Công, tỉnh Tiền Giang theo gia đình vào sống tại Đất Mũi và đến năm 1995 thuộc diện giải tỏa trong rừng đặc dụng chuyển về đây ở. Mỗi lần di dời nhà bà Diễm đều phải lùi vào vài chục mét nhưng lần thứ tư chỉ lùi được hơn chục mét.

Phân trần về điều này, bà Diễm cho biết: Nếu lùi nữa sẽ vi phạm đất rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Lần cuối cùng dời nhà, được khoảng ba ngày thì gia đình bà Diễm nhận được giấy của xã nhận nền di dời vào khu tái định cư.

Chống sạt lở nơi cực nam Tổ quốc ảnh 1

Quang cảnh "Làng lùi biển" sau khi nước rút.

Bám trụ cửa biển

Mới 14 giờ, nắng đang chang chang chiếu, ông Võ Thanh Bền đã giục chúng tôi: “Các chú có muốn vào làng lùi biển phải đi sớm, không nước dâng là khỏi vào”.

Men theo lộ bê-tông đi sâu vào khoảng hơn 200 mét, làng lùi biển hiện ra. Ranh giới của làng lùi biển với khu vực khác là đoạn lộ bê-tông cụt, đã bị biển “gặm nhấm” chỉ còn lại trơ khấc những tảng bê-tông lởm chởm.

Ông Bền cho biết: “Ngày xưa con lộ rộng khoảng 2,5 mét, chạy hết làng nhưng khoảng 5 năm trở lại đây tốc độ sạt lở quá nhanh và đã cuốn hết xuống biển. Trước đây, nhà dân nằm cách xa lộ bê-tông hàng trăm mét nhưng tất cả đã phải lùi vào qua con lộ, bám sát ranh rừng đặc dụng. Cách duy nhất để đến được các hộ gia đình là lựa lúc thủy triều rút, bám theo những cây gỗ khô dạt bờ”.

Hầu hết các gia đình nơi đây đều có từ hai đến ba thế hệ cùng sinh sống trong một mái nhà. Nói là nhà nhưng hầu hết nhà của người dân làng lùi biển đều như những túp lều nhỏ xíu được thiết kế chung một khuôn mẫu là dựng cọc cừ chàm hoặc cọc bê-tông cắm xuống dưới mặt nước, sàn gỗ ván gép, vây quanh bởi tôn, lá và được lợp bằng mái tôn.

Làng lùi biển có 42 hộ gia đình sinh sống nhưng mới đây, theo chủ trương của địa phương đã có 18 hộ được di dời vào khu tái định cư. Còn lại nhiều hộ đã có trong danh sách nhưng xã chưa có đất để di dời, hoặc nhiều hộ có tên trong danh sách nhưng không có điều kiện để chuyển, vẫn phải bám trụ lại.

“Tất cả đều tạm bợ, chênh vênh trước những đợt sóng biển. Mỗi khi nước lên cả làng muốn ra khỏi nhà đều phải bì bõm lội nước để lên bờ. Nhưng giờ biết sao được, biển thì “gặm nhấm” từng ngày, người dân lùi tiếp sẽ không được bởi đất rừng đặc dụng. Muốn di dời, phải chờ đến lượt…”, ông Bền nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi Bùi Thanh Thương, xã thường xuyên có hàng trăm hộ dân nằm trong diện phải di dời nhưng mãi đến cuối năm 2017 mới lập xong phương án vùng tái định cư với 60 nền đất. Đến thời điểm hiện nay, mặc dù đã được các cấp chính quyền hỗ trợ giao đất không thu tiền nhưng vẫn còn hàng chục hộ không chịu chuyển về ở. Ngoài cái khó về kinh phí hỗ trợ, đầu tư hạ tầng cơ sở cho người dân thì vấn đề quỹ đất làm khu tái định cư cho dân vùng sạt lở cũng không có. Trước đây, mỗi hộ gia đình ngoài bãi đều được cấp chiều ngang tám mét, chạy dài khoảng 35 mét nhưng vào khu tái định cứ mới chỉ được cấp năm mét chiều ngang. Tại các vùng sạt lở chủ yếu là dân nghèo, hàng ngày đi làm mướn hoặc đi móc cua, bắt ốc… Thanh niên khỏe mạnh làm thuê cho các chủ ghe, thuyền đi biển. Tâm lý họ đều muốn bám trụ lại trước cửa biển để tìm kiếm việc làm.

Một trong những hộ còn cả ba thế hệ đang bám trụ lại làng là gia đình ông Nguyễn Văn Quang. Năm 1997, ông Quang được người em nhượng lại cho nhà và đất. Sau nhiều lần “lùi” nhà, giờ đây với diện tích tám mét ngang gia đình ông Quang được chia làm ba. Nhà ông Quang ngoài cùng và nhà của hai người con trai nằm ở phía trong.

Ông Quang kể: “Mỗi khi mùa nước cao, sóng đánh bì bõm thì cả đêm không ngủ được. Có những đêm sóng đánh vào tận chỗ ngủ, ướt sạch. Vợ chồng chỉ biết co ro ngồi vậy”.

Theo quyết định của chính quyền xã, hộ gia đình ông Quang đã được cấp đất tại khu tái định cư mới nhưng vào chỗ ở mới lại không có chỗ đậu ghe, thuyền, lưới hoặc sẽ bị mắc cạn. Do đó, ông Quang vẫn bám trụ lại.

Cuộc sống của hàng chục hộ dân ở làng lùi biển vốn dĩ đã chơi vơi nhưng giờ đây họ chẳng biết bám víu vào đâu khi ở cũng không được mà di dời cũng không xong. Hầu hết họ đều sống bằng nghề chài lưới, làm thuê kiếm cơm từng bữa, sống qua ngày. Nói như ông Thạch Son, người Khmer, thuộc diện di chuyển về đây từ năm 1995 đến nay: “Mần mướn cả ngày, chuyển đâu chẳng được. Nhưng ăn còn chưa đủ, lấy đâu tiền mà cất nhà”.