Chậm trễ khắc phục hậu quả bão lũ

Kỳ 3: Lúng túng cách hỗ trợ

San lấp mặt bằng khu tái định cư xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (ảnh chụp ngày 6/4).
San lấp mặt bằng khu tái định cư xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (ảnh chụp ngày 6/4).

Sau mưa bão, các địa phương thường tập trung sửa chữa nhà ở từ nguồn xã hội hóa, ngân sách. Nhưng thực tế thì nguồn sinh kế hằng ngày của người dân cũng thiệt hại rất nặng nề mà không được hỗ trợ thì khó phục hồi trên diện rộng. 

“Tiến độ” nào cho vùng thiên tai?

Cách đây không lâu, kiểm tra thực tế hiện trường các địa phương, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình từng thẳng thắn phê bình lãnh đạo các huyện triển khai các dự án (DA) cấp bách nhưng rất chậm; đồng thời đề nghị lãnh đạo UBND các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa và Quảng Ninh quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu tái định cư (TĐC) cho các hộ dân phải di dời do sạt lở đất. 

Theo đó, UBND các huyện phải thường xuyên tổng hợp, báo cáo nhanh cho UBND tỉnh về tiến độ thực hiện các DA gồm: các hạng mục đã và đang triển khai, dự kiến thời gian hoàn thành, khó khăn, vướng mắc, để kịp thời chỉ đạo. Các ngành, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo phối hợp các địa phương giải quyết kịp thời những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và quá trình xây dựng khu TĐC cho người dân. Các cấp, ngành phải khẩn trương hoàn thành các DA TĐC ngay trong thời gian tới để người dân định cư lâu dài, vừa tổ chức sản xuất ổn định đời sống. “Chủ tịch UBND các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa và Quảng Ninh chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh nếu thực hiện các DA TĐC trên địa bàn chậm tiến độ so yêu cầu đặt ra”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm nhấn mạnh.
 
Trở lại thời gian sau đợt mưa lũ năm ngoái, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Bình đã phối hợp UBND các huyện, các đơn vị liên quan kiểm tra, khảo sát, lập phương án xây dựng khẩn cấp các điểm TĐC cho các hộ dân tại bốn điểm sạt lở nghiêm trọng là xóm Ba Cồn, thôn 1, thôn 2 Đạm Thủy, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa; thôn Thuận Tiến, xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa; bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh; bản Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. Tổng số hộ cần phải di dời do sạt lở là 109 hộ dân. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình Mai Văn Minh, mục tiêu là san lấp mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng và phúc lợi công cộng thiết yếu: điện, đường, trường học, nước sinh hoạt… phù hợp quy hoạch lâu dài của địa phương và phong tục tập quán, sản xuất và đời sống của người dân. Sở đã đề xuất tổng mức đầu tư bốn DA TĐC khoảng 55 tỷ đồng. Sở cũng đề nghị UBND tỉnh sớm quyết định giao chủ đầu tư và bố trí vốn để triển khai các DA khẩn cấp này.

Tưởng người dân sẽ sớm có đất TĐC song thực tế lại không như vậy. Ngoại trừ DA TĐC Bản Sắt được huyện Quảng Ninh triển khai nhanh nên đã cơ bản hoàn thành và giao đất để địa phương hỗ trợ làm nhà cho bà con, vào thời điểm đầu tháng 4, các nơi khác chỉ mới triển khai bước đầu là san lấp đất. Điều này cho thấy lãnh đạo các địa phương trên vẫn chưa thật sự sát sao, quyết liệt chỉ đạo để nhằm nhanh chóng ổn định đời sống người dân vùng sạt lở do thiên tai. Bởi lẽ, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo từ rất sớm cho các huyện là nếu cần thì ứng vốn của huyện để thi công dự án, tỉnh cấp sau. Lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng đã hướng dẫn cách thức chuyển đổi “tắt” đất rừng để sớm thực hiện DA cho người dân nhưng lãnh đạo các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa đều không làm theo mà chờ có vốn và đủ thủ tục mới triển khai nên chậm.   

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm đề nghị các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa đẩy nhanh tiến độ thực hiện khu TĐC vùng sạt lở, hoàn thành việc xây dựng nhà để sớm ổn định chỗ ở cho 90 hộ dân trong quý II năm nay. Đặc biệt, các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh hướng nhà ở và quy hoạch đường giao thông nội bản một cách hợp lý, phù hợp điều kiện thực tế địa hình, bảo đảm an toàn, phục vụ nhu cầu đi lại và phù hợp phong tục tập quán sinh hoạt của người dân địa phương. 

Làm sao thoát sản xuất tạm bợ?

Như vậy, một thí dụ từ tỉnh Quảng Bình cho thấy, nếu lãnh đạo các địa phương, cơ sở không sát sao từng ngày, từng tuần cho công tác khắc phục hậu quả bão lũ cho dân về cơ sở hạ tầng thiết yếu, thì mỗi tháng trôi qua, mùa mưa bão của năm tiếp theo sẽ đến rất nhanh và tổn thất lại có nguy cơ chồng chất, khi mà những mất mát, thiệt thòi vẫn chưa được bù đắp, trang bị. Như nhận định của bà Huỳnh Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, nơi ở tạm bợ, hiểm nguy thì khó làm ăn phát triển được. Từ cây trồng đến vật nuôi đều tạm bợ thì không thể đẩy mạnh nhân đàn hay mở rộng diện tích. “Rất khó cho các ngành chuyên môn như chúng tôi khi chưa xong phần căn cơ cho bà con vùng sạt lở. Chúng tôi muốn triển khai mô hình nông nghiệp, giải pháp thu nhập cho bà con thì phải dựa vào ổn định nơi ở. Vì vậy, tùy vùng, tùy đặc thù khu vực làng, bản mà có cách phù hợp. Vẫn cần sự đầu tư bài bản, lâu dài mọi mặt vẫn tốt hơn”.

Ông Đinh Xuân Sâm, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau mưa bão mất mát nhà cửa, tài sản, sinh kế nên tinh thần của nhiều người dân suy sụp. Vì vậy, lãnh đạo huyện, các cấp, ngành động viên tinh thần, chung tay cùng bà con vực dậy sau thiên tai. Huyện xuất ngân sách hỗ trợ giống, sửa chữa nhà ở, tổ chức các hoạt động ra quân giúp bà con khôi phục ruộng đồng ưu tiên sản xuất, an sinh. Từ đầu năm đến nay, huyện đã hỗ trợ bà con hơn 2.500 cây giống như sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm… là những giống cây trồng kinh tế cao. Tuy nhiên, đề án phát triển mạnh vùng chuyên canh cây ăn trái có kinh tế cao, địa phương còn gặp khó về nguồn lực, từ kinh phí, kỹ thuật, giống… Huyện Nghĩa Hành cũng đã kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ hạ tầng như lưới điện phục vụ nước tưới cho vùng kinh tế, vì sau mưa bão thường hư hỏng nhiều.

Một số ý kiến nhà quản lý địa phương cũng cho rằng, cấp bộ, ngành cần có chính sách hỗ trợ thiệt hại sau mưa bão cho những vùng thiên tai. Bộ NN&PTNT cần có chính sách hỗ trợ mạnh, thiết thực cho các vùng chuyên canh trên địa bàn các tỉnh, thành phố chịu thiệt hại thiên tai, để có căn cơ tái phục hồi nguồn sống, thu nhập cho nhân dân vùng thiên tai.

Nhìn sang tỉnh Quảng Nam. Trong những năm qua, một số địa bàn của tỉnh đã chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ - du lịch. Thành phố du lịch Hội An là một thí dụ sinh động về chuyển đổi đó. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của Hội An không chỉ ở khu phố cổ di sản thế giới, mà còn liên quan đến bờ biển đẹp với hàng trăm nhà hàng, resort, khách sạn… Sau bão lũ cuối năm 2020 đến nay, tất cả các dịch vụ trên đều án binh bất động vì bờ biển “vỡ nát” chưa được khắc phục. DA về việc chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An cho đến nay vẫn đang trong giai đoạn chờ nhà tài trợ phê duyệt, trong đó có cả việc chờ những nghiên cứu khả thi. 

(Còn nữa)

Thiệt hại trắng đồng sau mùa mưa, ông Võ Tẫn ở xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành được chính quyền địa phương hỗ trợ cây giống bưởi da xanh và chôm chôm gây dựng lại vườn nhà. Không muốn chuyên canh cây ăn trái rủi ro mất trắng sau mùa bão, ông muốn đầu tư thêm, mở rộng chăn nuôi lợn, bò để giảm mất mát. Tuy nhiên, nửa năm sau mưa bão ông vẫn chưa thể tìm được nguồn vốn vay. Sự hỗ trợ, chia sẻ của địa phương cũng chỉ phần nào qua khó khăn trước mắt. “Tôi mong có hỗ trợ vay ngân hàng để tái sản xuất. Cần khoản vay 50 triệu đồng, mình trồng cây, chăn nuôi thêm. Nuôi trồng mỗi thứ một ít thì sẽ đỡ mất, đỡ lo hơn”, ông Tẫn mong đợi.