Ngược thượng nguồn

Ấn tượng Sê Băng Hiêng

Từ thị trấn Khe Sanh (Quảng Trị) ngược theo đường Hồ Chí Minh nhánh tây ra bắc, vượt đèo Sa Mù cao vút, quanh co và hiểm trở, hết con dốc dài hơn chục cây số, không gian bỗng vỡ òa bởi thung lũng nhỏ, cây cầu bắc ngang dòng Sê Băng Hiêng, uốn lượn quanh vách núi. 

Nơi dòng Sê Băng Hiêng tiếp giáp với nước bạn Lào.
Nơi dòng Sê Băng Hiêng tiếp giáp với nước bạn Lào.

Ngày xưa cơ cực

Ba nhánh sông, một từ hướng đông, một hướng nam và một từ hướng bắc đổ về, góp thành dòng lớn, chở một chút phù sa Quảng Trị bồi đắp cho Nam Bộ qua dòng chảy Mê Công.

Từ cầu Sê Băng Hiêng thuộc địa phận xã Hướng Lập, chúng tôi rẽ hướng tây, theo đường bê-tông lớn chừng 15km là đến thôn Cù Bai sát biên giới Việt - Lào.

Già làng Hồ Thử đón chúng tôi trong ngôi nhà sàn khang trang, với hũ rượu cần thơm nức. Nhấp ngụm rượu đậm hương rừng, già Hồ Thử trầm ngâm: Ngày còn đánh giặc, già đang thanh niên, đêm đêm dẫn bộ đội vượt sông sang Lào, vào nam đánh giặc, đường vào nam muôn vàn gian khổ. Rồi giặc cũng biết được con đường, chúng dội không biết bao nhiêu bom đạn xuống Cù Bai, xuống dòng Sê Băng Hiêng, hòng chặn đường hành quân. Cù Bai trở thành cửa tử, dòng Sê Băng Hiêng trong xanh nhuốm máu đỏ biết bao anh hùng liệt sĩ...

“Ngày xưa cực lắm, gạo không đủ ăn, bom đạn liên miên, dân bản thường ngược dòng Sê Băng Hiêng lên núi cao bẫy con thú, xuống suối kiếm con cá, lấy măng, đào củ mài”, già Hồ Thử, kể lại.

Nhắc đến dòng Sê Băng Hiêng, ánh mắt già Hồ Thử “trườn” về quá khứ, bất giác bỗng long lanh về một dòng sông bên mình, hỗ trợ mình như người bạn thân: “Con sông này hào phóng lắm, nuôi sống người dân mình từ bao đời rồi, nay vẫn là con sông đẹp như cổ tích”.

“Già đã từng theo cha lên tận ngọn nguồn, nhánh chính của sông bắt đầu Khe Cuồi ở sườn bắc đỉnh núi Voi Mẹp 1.700m, cao nhất tỉnh Quảng Trị. Khe Cuồi tiếp nhận hàng trăm suối nhỏ, chảy len lỏi giữa đại ngàn Trường Sơn, qua mỗi thôn, bản, dòng suối lớn lại mang tên mới, những Xa Nông, Lang Khúc, Coóc Loòng, Trăng… trước khi hòa với nhánh phụ bắt nguồn từ động Tà Puồng gần đỉnh Sa Mù cao 1.500m”.

“Nhánh phụ thứ của dòng Sê Băng Hiêng bắt nguồn từ sườn dốc phía nam của dãy núi giáp tỉnh Quảng Bình, len lỏi qua đại ngàn sâu thẳm của khu bảo tồn thiên nhiên Hướng Hóa, qua Tà Păng, Xê Pu, hợp lưu với dòng chính ở đông cầu Sê Băng Hiêng trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây. Từ đó, sông Sê Băng Hiêng chảy thẳng về hướng tây, hơn 15 cây số là qua bản Cù Bai rồi sang nước bạn Lào, mải miết uốn lượn qua các thôn, bản xa xôi trước hòa mình vào dòng Mê Công hùng vĩ”, già tường thuật về dòng sông.

Miền ký ức của già qua tháng ngày bên sông. Dòng nước, lúc vơi, khi đầy, mùa mưa nước đục, mùa hạn nước trong nhưng họ vẫn song song đôi dòng chảy mãi.

Ấn tượng Sê Băng Hiêng -0
Cầu Sê Băng Hiêng trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây. 

Ngày mới bên Sê Băng Hiêng

Từ năm 2002, nhờ có đường Hồ Chí Minh nhánh tây xẻ dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, đã biến nhiều vùng đất hoang vu trở thành nơi giao thương thuận tiện, buôn bán tấp nập, mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng về đất đai, khoáng sản, thủy điện, lâm sản... Người dân sống ven đường Hồ Chí Minh có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Ở Cù Bai, bản làng heo hút bên bờ Sê Băng Hiêng, chỉ vài bước chân là tới đường biên, những bản vui suốt ngày vì lúc nào cũng bận rộn với việc nương rẫy, lúa nước, trồng rừng. Cù Bai là bản thuần dân tộc Vân Kiều với hơn 50 hộ dân, thì gần một nửa là tỷ phú nhờ trồng rừng.

Anh Hồ Tả Coi, 32 tuổi, say sưa kể với chúng tôi chuyện làm ăn: Hồi đầu, có anh cựu chiến binh Lê Đình Hoan từ dưới xuôi lên vận động bà con trồng rừng. Các già làng, trưởng bản làm trước, vài năm sau thấy đời sống khá lên, nên bà con mình trồng theo. Anh Hoan cho giống, cho phân thì mình trồng. Mình thì mới trồng được hơn chục năm.  Nhẩm tính, mỗi ha bời lời nếu bán ngang cũng được 70 triệu đồng, 15ha thu hơn 1 tỷ đồng, 30 con trâu, bò. Chưa kể 5ha ruộng lúa, thêm 3 ao cá, vườn cây ăn quả, tính ra trong tay hơn tỷ rưỡi đồng, đời sống giờ khá hơn ngày xưa nhiều lắm.

Cả bản Cù Bai đến nay không còn hộ đói nghèo. Nhà nào cũng có rừng, có ruộng nước, ao cá. Nhiều nhà có của ăn của để. Kể từ khi lưới điện quốc gia về đến bản, nhà nào cũng mua sắm tivi, xe máy, hơn một nửa số hộ làm được nhà khang trang kiên cố, trị giá cả vài trăm triệu đồng. Bà Hồ Thị Bảo, 75 tuổi khoe rằng: “Hồi xưa ở đây khổ lắm, không có chi mà ăn mô, toàn lên rừng đào củ thôi. Bữa ni thì đủ ăn rồi, giàu rồi. Rừng thì mẹ mới trồng được có 6 ha, ít hơn họ nhiều. Giờ vui hung, sướng hung, không có ai khổ mô con à”.

Ngày mưa, bà con Vân Kiều thôn Cù Bai lại bận rộn với việc phát dọn, chăm sóc rừng, chuẩn bị vào mùa trồng rừng mới. Đến Cù Bai hôm nay, ít ai còn nhận ra đó là “cửa tử” của ngày xưa. Bây giờ, vùng “đất chết” nham nhở vết bom đạn chiến tranh đã là những cánh rừng xanh tốt bạt ngàn; những vườn cây, ao cá; những mái nhà san sát nhau. Và ở nơi này, quanh năm cơi bếp lửa hồng với bát cơm, con cá thơm mùi đồng ruộng, rộn vang tiếng cười đùa chiều hè của trẻ nhỏ.

Dòng Sê Băng Hiêng vẫn thi thoảng chia đôi dòng nước bên đục bên trong bởi những cơn mưa rừng bất chợt. Bất chợt, tôi nhớ có chuyên gia nào đó từng đề xuất một ý tưởng độc đáo và “điên rồ”, là nối dòng chảy Sê Băng Hiêng ở phía thượng nguồn nơi động Voi Mẹp, với dòng chảy của sông Bến Hải, cùng bắt nguồn từ sườn đông ngọn núi ấy, đào núi nối dòng, chuyển nước từ dòng Mê Công mùa lũ ra Biển Đông qua Cửa Tùng, Cửa Việt.

Và nếu làm được điều ấy, mảnh đất Quảng Trị có lẽ không còn khét cháy gió Lào mỗi mùa nắng lửa. Dẫu biết núi cao, sông sâu, nhưng biết đâu, một ngày không xa, sẽ có phương tiện kỹ thuật, máy móc để làm được điều điên rồ ấy. Và lại có một tuyến đường thủy từ Quảng Trị đi thẳng qua Lào, đông bắc Thailand và bắc Campuchia, nối Biển Đông với Biển Hồ, với bao điều ao ước của người dân “bên nắng đốt, bên mưa bay”.

Khắp nẻo rừng bềnh bồng sắc hoa trắng-mầu trắng của hoa trẩu, hoa sưa nở rộ giữa mầu xanh muôn thuở Trường Sơn. Đường Hồ Chí Minh hôm nay rộng dài, thênh thang băng qua đỉnh đèo Sa Mù, từ trên cao nhìn xuống, dòng Sê Băng Hiêng đẹp như tranh. Bên này sông, những xóm thôn trù phú như A Xóc, Cha Lỳ, Sê Pu, Tà Păng, phía bên kia sông là làng tỷ phú Cù Bai yên bình soi bóng Sê Băng Hiêng, nếp sàn mới tinh tươm đượm khói, mùi bánh chưng, bánh tét, rượu ngô thơm nức chiều xanh thẳm Trường Sơn.

Huyền thoại ở Cù Bai

Nhiều người đến Cù Bai cũng đều nghe người dân nơi đây kể rằng, trên đỉnh động Mang có một mạch nước ngầm phun lên từ lòng núi, nhưng lại chảy về hai hướng khác nhau. Một hướng xuôi theo phía đông dãy Trường Sơn hợp lưu tạo nên ngọn nguồn con sông Bến Hải. Một hướng quặn ngược dòng về phía tây dãy Trường Sơn, mang tên gọi Sê Băng Hiêng. Theo cách nói của người đồng bào Vân Kiều, nơi vùng cao Hướng Lập thì Sê Băng Hiêng có nghĩa là dòng sông chảy ngược.