“Tối lửa tắt đèn” trong thành phố

Đành rằng, dịch dã gây thiệt hại lớn về kinh tế, nhiều hoạt động khác bị đình trệ. Tuy nhiên, ở góc độ khác đây là thời gian để nhiều người nhìn lại mình, tự làm mới mình, sống nhân văn và có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và người thân của mình. Như nhạc sĩ Văn Cao từng viết “… từ đây người biết thương người, từ đây người biết quê người”. Những chăm lo nho nhỏ cho nhau, giúp nhau vượt qua đại dịch là nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam đã hiển hiện trong mỗi con người, từng khu phố.

Cư dân tại tòa nhà 159 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh nhận thực phẩm đi chợ giúp dân của Ban quản lý chung cư.
Cư dân tại tòa nhà 159 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh nhận thực phẩm đi chợ giúp dân của Ban quản lý chung cư.

“Ba tại chỗ” giữ “pháo đài” vững chắc 

Chung cư 159 Điện Biên Phủ nằm trong tâm dịch của phường 15, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh hiện vẫn là vùng xanh hiếm hoi trên địa bàn phường 15. Có được kết quả này là sự đồng lòng của cư dân, bảo ban, che chở nhau trong lúc dịch bệnh. Với nụ cười mãn nguyện, anh Khương Quốc Biển - Thành viên Ban Quản trị (BQT) Chung cư 159 chia sẻ “Từ hôm giãn cách xã hội, BQT đã đặt ba con heo từ các đơn vị bộ đội trên địa bàn thành phố, mổ sẵn rồi mang về chung cư chia thành nhiều phần cho các hộ dân, cái khó khăn nhất của người dân là lương thực, thực phẩm thì chúng tôi đã họp và thống nhất với cư dân trên nhóm zalo là BQT sẽ đặt đầu mối để mang về tận chung cư rồi bán cho người dân với giá rẻ hơn ở chợ, còn các đồ dùng thiết yếu khác thì hằng tuần cư dân thống kê và BQT sẽ cử người đi mua giúp dân, với tinh thần ai ở đâu ở yên đó mọi nhu cầu đều được BQT cấp ứng tận nơi”. Mô hình này đạt hiệu quả cao vì người dân không phải đi ra ngoài mới có nhu yếu phẩm. Trong bối cảnh dịch bệnh cư dân cũng chia sẻ với nhau từ mớ rau, con cá, cân thịt cùng nhau vượt qua khó khăn, chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 để vượt qua dịch bệnh.

Không chỉ sẻ chia trong nội bộ chung cư, nhiều cư dân đã tình nguyện quyên góp tiền, thực phẩm đến các bếp ăn thiện nguyện để tiếp tế lương thực, thực phẩm phục vụ tuyến đầu chống dịch. Là cư dân của chung cư 159 chị Đoàn Cẩm Chi tâm sự: “Của ít lòng nhiều mỗi người góp một chút để các bếp ăn thiện nguyện luôn đỏ lửa giúp đỡ những nơi cần giúp được các chị em bảo nhau, mỗi lần nhận được tin nhắn cần huy động của nhóm bếp ăn dã chiến chị em không ai bảo ai đều góp chút đỉnh để bếp ăn dã chiến phục vụ bệnh nhân và bác sĩ tuyến đầu chống dịch”.

Thực hiện ba tại chỗ toàn bộ bảo vệ chung cư ở lại để chống dịch, phân công và đăng ký với UBND phường 15 cử anh Hoàng Mạnh Khuyến - Tổ trưởng bảo vệ thực hiện đi chợ giúp dân, mọi nhu cầu của người dân từ xét nghiệm cộng đồng, tiêm phòng Covid-19 đều được sắp xếp khoa học đến đi chợ mua lương thực, thuốc men phục vụ cư dân đều được anh Khuyến thực hiện nhiệt tình, chu đáo. “Gần hai tháng nay tôi không về nhà, trực tại chung cư 159 Điện Biên Phủ 24/24 giờ phục vụ toàn bộ nhu cầu của cư dân, thật ra tôi cũng nhớ nhà lắm nhưng vì việc chung để cư dân yên tâm ở nhà tôi sẽ ở đây khi hết giãn cách mới về”.

Mùa dịch sẽ qua đi nhưng tình cảm ấm áp của người dân chung cư 159 Điện Biên Phủ còn mãi, cư dân tự chăm lo, chia sẻ với nhau, cùng nhau vượt qua dịch bệnh sẽ càng vun đắp tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đó chính là phẩm chất cao đẹp của người Việt Nam trong lúc hoạn nạn, khó khăn. Người xưa có câu: “Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”, khi dịch bệnh đi qua cư dân lại càng gắn kết, đùm bọc, sẻ chia hơn nữa vì đã được thử thách trong đợt dịch lịch sử này.

Quả thật, đại dịch làm chậm lại các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, điều này quá rõ. Ở góc độ khác, nó cũng mang lại những giá trị vô hình, mà kể cả khi có nhiều tiền cũng chưa chắc mua được. Đó là sự chia sẻ, tấm lòng bao dung, tình làng, tình bà con lối phố và những bữa cơm gia đình đầm ấm… Qua thời gian giãn cách, nhất là những cảm nhận về sự nguy hiểm từ dịch bệnh không chừa bất cứ ai, thì chia sẻ lương thực, thực phẩm, kinh nghiệm chống dịch bệnh…, nhất là sự đồng cảm giữa người với người, nhà với nhà, khu phố, đồng hương…đã được người dân vận dụng một cách uyển chuyển, vừa giúp dìu nhau qua lúc khó khăn, nhưng vẫn giữ được chỉ thị của Chính phủ, quy định của thành phố.

Biến nhà hàng thành bếp ấm

Khi nói về điều này, ông Lê Thanh Song, nguyên đại tá quân đội nghỉ hưu, hiện cư ngụ tại 27/20 đường Út Tịch, phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cho biết, đã vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên ở phía nam, chùa Vĩnh Nghiêm ủng hộ hơn 500 triệu đồng, hơn hai tấn gạo, dầu ăn, nước mắm giúp hơn 220 người làm nghề tự do, công nhân ở trọ không có thu nhập, gia đình khó khăn đang kẹt lại tại TP Hồ Chí Minh vượt qua thời điểm dịch bệnh.

Sau khi nhận được hỗ trợ 2,5 triệu đồng, 10 kg gạo, dầu ăn, rau củ…, từ bà con khu phố, bà con đồng hương…, anh Lê Viết Dĩnh, làm nghề bán nước đá, hiện ở trọ tại 220/50A/68D Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh, nhất là từ khi được phường 21 gọi tiêm vaccine ngừa Covid-19, thì đã yên tâm ở lại, không còn ý định về quê Yên Mỹ, Hưng Yên như những ngày trước nữa. Anh Dĩnh bộc bạch, đúng là “một miếng khi đói bằng một gói khi no. Trước kia em cứ nghĩ người hàng phố không cảm tình bằng người ở quê, nay qua sự chân tình giúp đỡ của mọi người trong dịch bệnh mà không kể thân sơ, đã làm em rưng rưng trăn trở”.

Những ngày dịch bệnh và người dân thực hiện ở tại khu dân cư 220  Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh, dù không trực tiếp gặp nhau, nhưng ai cũng cảm nhận được qua ánh mắt thân thiện, những tin nhắn trong nhóm chia sẻ từ bó rau, quả trứng, cân thịt, con cá và thậm chí nhỏ như quả chanh, quả ớt cho nhau bằng cách nhắn tin đã treo ở cổng, ra mà lấy… Dù đã về hưu, nhưng anh Trịnh Thanh Lưu, ở số 220/50A/62D Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh, cũng tích cực tham gia giữ an ninh trật tự khu phố, bốc dỡ rau củ của những nhà từ thiện chuyển đến, rồi chia cho từng nhà. Anh Lưu tâm sự , trong bối cảnh này, mỗi người một chút, người không có của thì góp công, chung tay dìu nhau qua những ngày dịch.

Bài bản hơn, anh Lê Đình Thanh, tổ trưởng tổ 30, khu phố 2, phường 21, quận Bình Thạnh, lại có cơ duyên làm “anh nuôi” cho hàng trăm người suốt từ đầu dịch đến nay. Bắt đầu từ một vài gia đình trong khu phố ủng hộ hơn 20 triệu đồng và nhờ anh đứng ra mua lương thực, thực phẩm giúp bà con nghèo, người neo đơn trong khu phố vượt qua  đại dịch. Thấy anh làm chu đáo, bà con khu phố nhờ anh tạo nhóm trên Zalo, từ đó các gia đình đặt hàng theo nhu cầu thực tế và nhờ anh mua giúp. Nhờ các mối quan hệ, anh đặt người quen ở Lâm Đồng mua hàng và chuyển về TP Hồ Chí Minh, sau đó huy động người nhà phân loại, đóng gói rồi giao tại cửa nhà các hộ đặt hàng. Đối với hơn 20 người là sinh viên, công nhân và các hộ thuê nhà, anh coi như các hộ trong khu phố, không để ai  thiếu thốn trong những ngày giãn cách xã hội này. Cái khó, theo anh Thanh là khi tìm được nguồn hàng tốt, thì lại khó khăn về vận chuyển, về chuyển tiền qua ngân hàng và cả về thời gian giao nhận hàng cho các hộ.

Trong khi đó, ông Lê Văn Bảy cho biết, suốt 45 ngày qua đã trưng dụng toàn bộ cơ sở vật chất của Nhà hàng Tý Sửu, số 79 đường 15, phường Tân Hưng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh và 12 thành viên trong Chi bộ để mỗi ngày nấu 300 suất cơm miễn phí phục vụ cán bộ, chiến sĩ tại phường Tân Hưng và Liên đoàn Lao động quận 7, để họ toàn tâm toàn lực phục vụ chống dịch. Để có những suất ăn đủ dinh dưỡng, ông Bảy đã vận dụng nhiều mối quan hệ ở các tỉnh, thành phố cung cấp thực phẩm vừa tươi, vừa ngon, lại kịp thời để luôn có cơm dẻo, canh ngọt. Nhìn những đôi mắt quầng thâm do thiếu ngủ, nhưng vẫn ánh lên niềm vui vì đã đóng góp phần công sức nhỏ để bếp ăn từ thiện luôn đỏ lửa mỗi ngày ba lần và niềm thương yêu, sẻ chia đã dồn trong những khay cơm tình nghĩa.

Qua những ngày mà nhà cách nhà để chống dịch, nhiều người có thời gian chiêm nghiệm về cuộc sống, nhìn sâu vào lòng mình và chợt nhận ra TP Hồ Chí Minh đất rộng, người đông là thế, nhưng cũng vẫn là cái làng rộng mà thôi. Ở đó, nếp văn hóa “tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau”, chỉ tạm ẩn sau bộn bề công việc, cơm áo gạo tiền. Khi có dịp thì lối sống tốt đẹp “thương người như thể thương thân, hay bầu ơi thương lấy bí cùng…” ấy lại phát lộ rực rỡ hơn, có chiều sâu hơn và thực chất hơn. Nhiều người khẳng định chắc chắn, rằng tâm thức sẻ chia, cưu mang nhau trong những lúc khó khăn sẽ còn gắn kết họ mãi sau này, những giá trị tốt đẹp ấy như mạch ngầm còn chảy mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam.