Viết trong vùng dịch:

Xuân về khắp nẻo quê hương

LTS: Bạn đọc thân mến! Từ bài đầu tiên trên số báo 1204, đến số báo này, chuyên mục “Viết trong vùng dịch” đã chia sẻ 50 bài viết của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, tác giả trên khắp vùng miền đất nước. Những bài viết lan tỏa nhiều cung bậc tình cảm, những trải nghiệm không bao giờ quên của tác giả và nhiều người khác trong bối cảnh dịch bệnh, cách ly; chứng kiến những khó khăn, mất mát; hòa cùng dòng chảy nhân ái và vượt lên cùng cộng đồng, xã hội. Trong đoạn đời nguy nan và nhọc nhằn đó, rất đông mọi người và bản thân các tác giả, luôn nỗ lực sống, làm việc, để cùng nhau đi qua mùa dịch, hướng đến ngày mai. Trước thềm xuân Nhâm Dần 2022, Thời Nay xin được đăng bài khép lại chuyên mục này, để tiếp tục cùng bạn đọc đến với các hoạt động văn hóa văn nghệ trong bối cảnh mới khi đất nước đang, và sẽ tiếp tục vượt lên khó khăn, dịch bệnh.
Xin trân trọng cảm ơn các tác giả và bạn đọc!

Người dân đang hồi phục nhiều hơn các mặt hoạt động trong bối cảnh thích ứng linh hoạt.
Người dân đang hồi phục nhiều hơn các mặt hoạt động trong bối cảnh thích ứng linh hoạt.

Một sáng thức giấc, chợt thấy xuân về qua ngõ. Xuân đi rồi xuân đến. Vòng tuần hoàn tự nhiên của đất trời cứ thế lặp lại. Con người tự bao đời đã sống hòa mình vào cái nhịp muôn thuở ấy. Dẫu trải qua muôn vàn khó khăn của đại dịch nhưng khi xuân về, người người nhà nhà vẫn rộn ràng vui Tết đón xuân. Sức sống mới của mùa xuân lan tỏa nơi nơi. Một cái Tết an yên đang đón chờ. Một trạng thái bình thường mới đang “cựa mình” tỉnh giấc cùng xuân.

Khép lại một năm nhiều biến động

Vào thời khắc của những ngày giáp Tết, lòng lại bồi hồi nhớ. Nhớ những ngày choáng ngợp tin tức về đại dịch Covid-19. Sáng dậy đã phải lật đật mở xem tin số ca nhiễm bệnh. Chiều tối lại bần thần cập nhật tin.

Nhớ cảnh sống hết sức lạ đời và bất thường trong một hoàn cảnh bất bình thường. Mặt trời vừa lặn đã không thể ra khỏi nhà. Câu nói cửa miệng nhắc nhau hằng ngày “ai ở đâu thì ở yên đấy” chỉ như mới hôm qua. Chuyện bước ra đường hít thở khí trời và tản bộ thư giãn trở thành món quà “đắt giá”. Chuyện cả xóm bị phong tỏa, giăng dây thì như cơm bữa. Đến nỗi người ta hay kháo vui rằng: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Y tế phường chưa tới để giăng dây”.

Cuộc sống con người quanh quẩn, thu gọn trong mấy m2 nhà. Một tuần chỉ được đi chợ hai lần và phải có phiếu đi chợ, có dấu đỏ đàng hoàng. Đôi khi, một ổ bánh mì cũng chẳng có mà mua. Tất tần tật mọi việc, học hành, hội họp… đều trực tuyến và trực tuyến. 

Bao gia đình, cá nhân đã phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn bủa vây. Cả hệ thống y tế phải gồng gánh, gánh gồng. Các ban, ngành, đoàn thể, quân nhân phải dốc toàn lực chống dịch và tổ chức nhiều hoạt động chung tay chăm lo.

Đúng là một năm mà cả xã hội đã phải chịu thử sức bền chí đủ lâu, đủ thấm thía. Đại dịch ập đến như trận lũ quét làm cuộc sống xáo trộn, biến động khó lường. Bao nỗi bất an, mất mát đau thương của đại dịch nhiều vô số kể. Chúng ta đã phải ngợp thở, căng thẳng và xót xa một quãng thời gian dài. Chúng ta cũng nuối tiếc tạm gác lại bao kế hoạch, dự định. Và chúng ta có quá nhiều cung bậc cảm xúc ở mỗi giây phút đang sống. Nhưng cũng chính quãng thời gian để lại vết xước bỏng rát này đã chứng minh trí tuệ và nghị lực của con người là vô cùng tận. 

Còn nhớ, một người thầy đã từng trấn an tinh thần nhân loại bằng câu nói “con người là cây sậy biết tư duy” (Pascal). Con người tuy là sinh thể yếu ớt so thiên nhiên, tạo vật nhưng nhờ tư duy nhạy bén mà con người có thể cân bằng và làm chủ cuộc sống này. Con người phải tập trung mọi sức lực, tư duy và năng lượng để thích nghi với việc “sống chung với Covid”. Và chúng ta đã làm được. Tất cả đã đồng lòng, quyết chí hướng đến một cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới như hôm nay. 

Tết trong lòng mỗi người

Xuân về, mọi thứ dường như được khoác lên mình chiếc áo mới. Người dân quê tôi đã không còn thao thức, sốt ruột vì những tiếng còi xe ám ảnh. Bởi đi cùng tiếng còi ấy là hàng chục nghìn con người đi làm ăn xa, vì Covid mà họ phải dắt díu nhau về quê với quan niệm thôi thì “có cháo ăn cháo, có rau ăn rau”. Những hình ảnh đoàn xe máy cũ đi xuyên đêm, có cả những bé nhỏ ngủ vật vạ trên tay mẹ, thương thật thương…

Giờ đây, vaccine ngừa Covid đã gần như phủ khắp. Học sinh, sinh viên chuẩn bị sẵn sàng quay trở lại trường học. Người nông dân lại ra đồng, người công nhân đã quay trở lại nhà máy, xí nghiệp bằng một tâm thế mới. Dì Hai bán vé số, cô Tư bán đậu hũ nước đường, ông Sáu mua ve chai, ông Năm bán dừa tươi và cả những cậu trẻ bán bánh mì nóng hổi… cũng đã tất bật với cuộc sống lao động bình thường như trước đây. Những tiếng rao lảnh lót của họ ngân dài, giòn tan và ngọt lịm trong nắng sớm. Mọi sự chăm chỉ cũng chỉ vì một cái Tết vẹn tròn và một năm mới khởi sắc hơn.  

Mỗi sớm mai thức dậy, lòng cảm thấy an yên. Vì biết rằng, chốc nữa đây gọi về cho mẹ, mẹ sẽ không còn hốt hoảng báo tin dữ như mọi khi. Những câu chuyện về người thân, chòm xóm chẳng may bị nhiễm Covid, có người không qua khỏi… đã thưa dần. Trong những câu chuyện kể của mẹ đã thấm đẫm dư vị Tết. Mẹ kể chuyện Tết xưa, Tết nay. Qua lời mẹ, biết rằng, người dân quê cũng đã trở về cuộc sống bình thường, cũng đang chuẩn bị cho một cái Tết bình an. Ai cũng cầu mong sang năm mới, dịch bệnh được tiêu trừ để hạnh phúc, ấm no hiện diện trên từng gương mặt xinh tươi. 

Qua bao gian khó, chúng ta khắc ghi bao bài học nhân sinh về tinh thần tương thân tương ái, về khả năng thích nghi, tinh thần trân trọng và yêu quý từng khoảnh khắc cuộc sống bình yên. Hơn thế, chúng ta còn có cơ hội được nhìn lại bản thân mình và cuộc đời. Cuộc đời tưởng dài mà hóa ngắn, tưởng ổn định nhưng lại dâu bể khó lường, trong gặp gỡ đã ẩn tàng mầm ly biệt. Ranh giới sống và chết, bình an và bệnh tật thật mỏng manh. Thay vì sống trong nỗi sợ hãi về một tương lai bất định, tại sao ta không chọn một thái độ sống tích cực, lạc quan và vui vẻ? Sống trọn vẹn, toàn tâm toàn ý từng ngày, xây dựng cho mình ý thức luyện tập, chăm sóc bản thân và gia đình. Bởi lẽ khỏe mạnh về thể chất, vững vàng về tinh thần là điều nên ưu tiên hàng đầu ngay lúc này.

Xuân về đánh dấu một chặng đường mới. Xuân về mang chồi non lộc biếc, như một liều thuốc tinh thần hữu hiệu xoa dịu những vết thương của năm cũ và khép lại những muộn phiền đã qua. Không khí Tết quê đã bắt đầu ấm dần. Ghe xuồng chở hoa đã tấp nập cặp bến Bờ kè Long Xuyên. Chợ hoa khoe sắc thắm và trở nên nhộn nhịp, vui tươi. Khác hẳn những ngày trước đó, im lìm và vắng lặng. Dẫu tất bật trong những ngày cuối năm, người dân quê tôi cũng dành chút thời gian dạo một vòng quanh chợ để ngắm hoa, chọn hoa cho dăm ba ngày Tết đủ đầy, sung túc. Trong thời buổi dịch bệnh khó khăn, việc bán được dăm chậu hoa cho người ta chưng Tết, cũng đủ làm ấm lòng những con người cần mẫn suốt mấy mùa hoa… Mà có lẽ, cả kẻ bán và người mua - Tết trong lòng mỗi người vẫn cứ nở hoa!