Vinh danh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Sáng 29/6, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”. Đây là chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822-1/7/2022). 

Triển lãm tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
Triển lãm tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Tấm lòng muôn nơi với nhà thơ yêu nước

Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước đã tiếp tục làm sáng rõ nhiều vấn đề chung quanh thời đại, quê hương và gia đình của Nguyễn Đình Chiểu, vị thế của nhà văn hóa được UNESCO vinh danh và giá trị các tác phẩm của ông. Từ đó, đề xuất các giải pháp tiếp tục bảo vệ và phát huy di sản của Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu. 

TS Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Tác phẩm và cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu đã đi vào lịch sử, văn học, văn hóa, nghệ thuật, đời sống người dân Nam Bộ cũng như cả trong nước và nước ngoài. Nguyễn Đình Chiểu thể hiện bản lĩnh của nhà nho uyên thâm, dùng ngòi bút làm vũ khí để bày tỏ quan điểm yêu nước, yêu dân. Ông hết lòng dạy chữ cho học trò; hết lòng vì người bệnh khi là thầy thuốc; khi là nhà thơ, ông đã dùng ngòi bút để dạy đạo, thể hiện tấm lòng ái quốc qua các tác phẩm thơ, thơ điếu, văn tế. 

Theo nghiên cứu của GS, TS Venkat Reddy Konatham (Đại học tiếng Anh và Ngoại ngữ Ấn Độ), hình tượng Lục Vân Tiên và lối sống Nam Bộ đã có những ảnh hưởng nhất định đối với cộng đồng người Ấn Độ sinh sống tại Việt Nam. Cụ thể, cộng đồng Ấn kiều đã đến Việt Nam (chủ yếu ở Nam Bộ) đã tiếp xúc và giao lưu với văn hóa, con người và lối sống Nam Bộ như tinh thần trượng nghĩa, tính đoàn kết cộng đồng có trước có sau, luôn luôn sẵn sàng đùm bọc cứu giúp nhau trong cơn hoạn nạn, lúc khó khăn, có hiếu với cha mẹ, có chí tiến thủ, trọng nghĩa khinh tài, không quá chú trọng đến nhà cửa, yêu chuộng người tài, người có học, giáo dục truyền thống lễ nghĩa, trọng chữ tín trong làm ăn buôn bán. Đó chính là phẩm chất, lối sống Nam Bộ đã được khắc họa hết sức rõ nét trong tác phẩm “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu. Quá trình cộng cư đã hình thành những gia đình Ấn - Việt, sự ảnh hưởng của lối sống này ngày một rõ nét hơn. 

Còn theo PGS, TS Phan Thị Hồng Xuân, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, sự kiện nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO công nhận là Danh nhân cũng đã có sự ủng hộ của các quốc gia khu vực Đông Nam Á, các tổng lãnh sự ASEAN ủng hộ việc UNESCO công nhận Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân văn hóa thế giới. Điều này cũng góp phần tăng thêm ý nghĩa, cho thấy chúng ta đã có sự hội nhập sâu rộng. Như vậy, bên cạnh những giá trị, tư tưởng nhân văn của Việt Nam cũng như những danh nhân trước đây đã được quốc tế công nhận thì nay đối với Bến Tre, nơi cụ Đồ Chiểu có nhiều đóng góp, đã có thêm một nhân vật tiêu biểu, đáng tự hào.

Vinh danh ở tầm quốc tế

Năm 2021, kỳ họp lần thứ 41 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO, diễn ra từ ngày 9 đến 24/11 ở Paris, Pháp) đã chính thức thông qua hồ sơ khoa học Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022-2023.

Theo TS Lê Đức Thọ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” được tỉnh Bến Tre tổ chức là một trong những hoạt động quan trọng của tỉnh, thay mặt Việt Nam cam kết với UNESCO về việc vinh danh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân văn hóa, cùng kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của ông (1/7/1822-1/7/2022). Bến Tre mong muốn UNESCO, các quốc gia thành viên của UNESCO, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các bộ, ban, ngành Trung ương của Việt Nam, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để hoạt động gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, thơ văn của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu xứng tầm với danh hiệu cao quý được công nhận, vinh danh ở tầm quốc tế; đồng thời, đề nghị đưa kỷ niệm Ngày sinh của Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu được tổ chức cấp nhà nước vào những năm chẵn, năm tròn theo quy định hiện hành.

Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, ngày 30/6, sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật kỷ niệm tại Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri, Bến Tre). Trước đó, tỉnh Bến Tre đã tổ chức nhiều hoạt động lớn như triển lãm tái hiện cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu với hơn 300 hiện vật, tư liệu, hình ảnh về quê hương đất nước, gia đình, sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng ra mắt cuốn sách “Nguyễn Đình Chiểu - Danh nhân văn hóa thế giới”.

 PGS, TS Đoàn Lê Giang, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần rất lớn để bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc. Văn thơ của ông mang tâm tình, suy nghĩ của người dân Nam Bộ, đặc biệt là người dân Bến Tre đối với thời cuộc, nhân sinh và đạo đức. Điều này được minh chứng cụ thể, ở bất kỳ nơi đâu tại Nam Bộ, rất dễ bắt gặp nhiều người dân có thể nói thơ Vân Tiên.