Tươi lại những trang sách

Mở cửa lại sau hơn bốn tháng ngưng hoạt động, doanh thu tại Đường sách TP Hồ Chí Minh khả quan khi số đơn hàng liên tục tăng. Các nhà xuất bản, công ty sách cũng ghi nhận chuyển biến tích cực của thị trường.

Thị trường xuất bản đang bắt nhịp khởi sắc giai đoạn cuối năm.
Thị trường xuất bản đang bắt nhịp khởi sắc giai đoạn cuối năm.

Nhanh chóng khởi sắc

Cùng con trai 5 tuổi ghé Đường sách TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Hồng Mơ (quận 3) dạo qua bốn gian hàng và quay ra khu vực gửi xe với hơn chục cuốn sách. Chỉ vào ba chiếc túi trong cốp xe, chị phấn khởi: “Sau bao ngày mong đợi mẹ con mình lại được mua sách mới. Đợt dịch này, việc di chuyển, giao hàng vô cùng khó khăn nên phải hết giãn cách mình mới có thể tự tìm mua. Các gian hàng giảm giá khá nhiều, lượng sách cũng phong phú, hai mẹ con đều hài lòng”.

Không chỉ đón gần 2.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm trực tiếp, gần tuần nay, các gian hàng tại Đường sách tất bật xử lý hàng loạt đơn sách trực tuyến đã đặt trước đó. Đại diện một gian hàng cho hay, lượng khách đặt đơn hàng mới cũng tăng đột biến, báo hiệu sự phục hồi nhanh chóng của thị trường xuất bản phẩm cuối năm. Rất nhiều đầu sách mới được ra mắt trong tháng 10 này và ghi nhận sự hưởng ứng tích cực từ đông đảo bạn đọc. 

Thời gian qua, như nhiều đơn vị khác, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng phải đóng cửa các nhà sách tại TP Hồ Chí Minh, ảnh hưởng lớn đến kinh doanh bán lẻ. Doanh số của tháng 7 và tháng 8 giảm đến 80% so cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ đơn hàng trực tuyến từ tháng 8 giảm thêm 50% so tháng 7 vì bị hạn chế trong dịch vụ giao hàng. Dịch bệnh cũng khiến một số đầu sách của đơn vị này không được in đúng tiến độ. Thiệt hại về kinh tế không hề nhỏ. 

Tuy nhiên, theo bà Võ Thiên Hương, phụ trách truyền thông Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP Hồ Chí Minh, tình hình đang rất khả quan khi thị trường thể hiện rõ dấu hiệu phục hồi. Kim Đồng tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến với sự xuất hiện rộng khắp trên các sàn thương mại điện tử uy tín bằng các chương trình kích cầu hiệu quả. Việc số hóa, tăng tương tác, triển khai đồng bộ nhiều chương trình trên trang web của NXB cũng tiếp cận tốt với đông đảo độc giả, giúp lượng sách được tiêu thụ liên tục tăng. Bên cạnh đó, đơn vị này tập trung giới thiệu các dòng sách mới, sách tích hợp công nghệ khiến độc giả thích thú. “Chúng tôi gia tăng tính năng, độ thẩm mỹ, tiếp tục trau chuốt nội dung nhưng vẫn cố gắng duy trì mức giá “mềm” nhất có thể để bạn đọc dễ dàng tiếp cận nhiều đầu sách mới. Dự kiến vào tháng 11 này, Trung tâm sách Kim Đồng sẽ mở cửa đón khách đến trải nghiệm sau thời gian dài đóng cửa”, bà Hương cho biết thêm.

Thời cơ mới trong khó khăn

Hơn ba năm gia nhập thị trường, bất ngờ khi đợt dịch này là giai đoạn Sbooks - một thương hiệu sách trẻ tại TP Hồ Chí Minh duy trì được doanh thu cao nhất, tăng trưởng 40% so trước dịch. Bốn tháng thị trường sách tạm “đóng băng”, Sbooks vẫn kịp tổ chức bản thảo và phát hành hơn 30 đầu sách. Đơn vị này cũng vừa khai trương gian hàng của mình và khu trưng bày “Tủ sách gia đình” tại Đường sách TP Hồ Chí Minh. 

Không tránh khỏi những hạn chế trong tiếp cận thị trường do thời gian giãn cách quá dài nhưng theo ông Nguyễn Anh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sbooks, dịch bệnh cũng mang đến khá nhiều cơ hội. Khi chuyển sang giai đoạn làm việc từ xa, đẩy mạnh thương mại trực tuyến, ông Dũng bắt đầu thay đổi mô hình hoạt động, cách vận hành để tối ưu nguồn nhân lực, cắt giảm chi phí không phù hợp. Đây cũng là thời điểm công ty ông sàng lọc, chọn thêm nhân sự giỏi để hoàn chỉnh bộ máy, chuẩn bị các bước cần thiết cho chiến lược phát triển từ đầu năm 2022. 

Với ứng dụng sách nói bản quyền như Voiz FM (Công ty cổ phần công nghệ WEWE), giãn cách xã hội lại là thời điểm tăng trưởng mạnh nhất khi độc giả thay đổi thói quen tiếp cận công nghệ số. So bốn tháng trước dịch, doanh thu giai đoạn giãn cách của Voiz FM tăng gấp sáu lần. Hiện, Voiz FM có hơn 2.000 đầu sách với hơn 500 nghìn người dùng. Từ vài trăm phút được người dùng trả tiền để nghe trên hệ thống mỗi tháng, đến nay, ứng dụng này mỗi tháng có khoảng 5 triệu phút được người dùng trả tiền. 

Nâng cấp công nghệ, trang bị thêm cơ sở vật chất, bổ sung giọng đọc trí tuệ nhân tạo, đa dạng hóa các loại hình audio để tăng tính tương tác với người dùng chính là hướng mà ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc điều hành Voiz FM đã vạch ra trong lộ trình phát triển từ nay đến đầu năm 2022: “Chúng tôi sẽ bổ sung thêm nhiều hình thức mới như tạp chí âm thanh, postcard, phim âm thanh, âm thanh hỗ trợ giấc ngủ… Đồng thời, khuyến khích người dùng cá nhân đóng góp nội dung cho Voiz FM bên cạnh việc tăng cường sự gắn kết với các NXB, công ty sách uy tín. Khi dịch bệnh kết thúc, rất có thể thói quen người dùng sẽ điều chỉnh, vì vậy chúng tôi phải liên tục làm mới mình để “giữ chân” người nghe”.

Theo Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng, trong dịch bệnh nhiều NXB, đơn vị làm sách nhìn lại chính mình và sớm có sự điều chỉnh để gia tăng tính cạnh tranh. Trước hết, các đơn vị cần linh hoạt hơn trong phương thức quảng bá, bán sách, đặc biệt quan tâm đầu tư về công nghệ, cơ sở vật chất. Nếu biết tận dụng tốt tốc độ lan tỏa của các sàn thương mại điện tử, việc đưa sách đến gần người đọc sẽ không còn khó khăn. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là thay đổi công nghệ làm sách, tiếp cận các nền xuất bản phát triển. Bên cạnh sách giấy, thị trường sách điện tử, sách nói cũng cần được đẩy mạnh đầu tư nhằm đa dạng hóa kênh tiếp cận.