Từ trang văn truyền đi sức sống

Dịch bệnh làm thay đổi nhiều kế hoạch làm việc, đi lại. Nhiều nhà văn đang ở trong vùng phong tỏa, giãn cách xã hội đã tận dụng thời gian để sáng tác, lan tỏa những thông điệp nhân văn.

Một số tác phẩm viết trong đại dịch Covid-19.
Một số tác phẩm viết trong đại dịch Covid-19.

Vững tâm trong sáng tác

Thời gian qua, cùng các loại hình nghệ thuật khác, văn chương đã tham gia khai thác bối cảnh dịch Covid-19. Ngoài các bài ký, tản văn, thơ, truyện ngắn đăng trên các báo, tạp chí, facebook cá nhân thì đã có những cuốn sách xuất hiện, như tập truyện ngắn và tản văn “Cô Vy tự sự - Gió và Tình yêu vẫn thổi” (nhiều tác giả), “Nhật ký mùa dịch” (nhiều tác giả); tự truyện “Đi qua hai mùa dịch” của tác giả Dy Khoa; tiểu thuyết “Những ngày cách ly” của Đào Quang Thắng; du ký “Mắc kẹt” của Phương Thu Thủy… 

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều cây bút trẻ vẫn miệt mài sáng tạo trong sự vững tâm, chia sẻ. Nhà văn trẻ Tống Phước Bảo tâm sự: “Trong tâm thế bình tĩnh, tuân thủ lệnh giãn cách và kinh nghiệm từ đợt giãn cách trước, tôi thấy việc ở nhà trong những ngày dịch lan nhanh, rộng như vậy cũng là cơ hội để mình có thêm trải nghiệm trên trang viết. Những ngày này, tôi ở nhà tiếp nhận những thông tin tích cực từ xã hội, hoặc lắng nghe những câu chuyện chung quanh về những con hẻm giăng dây, về đời sống người lao động thị thành bị ảnh hưởng, hoặc các hoạt động lan tỏa sự chia sẻ trong cơn khốn khó... Tất cả những điều đó tôi dùng làm chất liệu viết. Tôi chọn viết về những điều sát thực nhất của mùa dịch này, để ghi dấu một giai đoạn ngoan cường của đất nước...”.

Tống Phước Bảo và nhiều cây bút dùng mạng xã hội để chia sẻ các thông điệp tích cực bằng những câu chuyện hằng ngày. Song song đó, anh viết những tản văn, truyện ngắn truyền tải đến bạn đọc báo chí những yêu thương từ tâm dịch. Anh nhấn mạnh: “Tôi nghĩ thời khắc này, mặt trận truyền thông cũng chính là tuyến đầu chống dịch, ổn định tâm lý cho người dân, chia sẻ những niềm tin vào cuộc chiến này”.

Nhà thơ Phan Hoàng - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam hiện cũng đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Ông cho rằng, dịch bệnh đang ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, kinh tế, xã hội của thành phố, nhưng cũng nhờ đó ông có thời gian suy ngẫm về những việc mình đã làm được hay chưa, đồng thời chia sẻ với đồng nghiệp, đồng bào qua những hoạt động hỗ trợ, vận động thiện nguyện. “Sau hai chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa trong gần 10 năm qua, tôi đã viết một trường ca về biển đảo và đang tiếp tục sửa chữa, bổ sung. Tôi cũng đang hoàn thành bản thảo một tập thơ và hai tập ký sự để giao cho nhà xuất bản. Ngoài ra, trên bàn làm việc còn có hơn 10 tập bản thảo truyện, thơ của bạn bè nhờ tôi đọc và viết lời giới thiệu, trong đó có bảy tập thơ 1-2-3, một thể thơ mới đang mang lại cảm hứng cho nhiều bạn sáng tác”, nhà thơ Phan Hoàng chia sẻ.

Ở Gia Lai, nhà thơ Văn Công Hùng là người thích xê dịch, lãng du qua các vùng văn hóa. Mùa dịch này, ông “bó gối” ở nhà viết. Mới đây, nhà sách Liên Việt có ý in cho ông ba cuốn, trong đó một tập thơ, một tập tản văn về Tây Nguyên và một tập chân dung văn học. Ông dành ra mỗi ngày hai tiếng để làm việc, đọc kỹ lại và tập hợp. Văn Công Hùng tâm sự: “Tôi cũng nhận viết chuyên mục cho hai tờ báo, rồi viết vãng lai, trung bình mỗi tuần viết hai đến năm bài. Nhưng những ngày này, dẫu viết về gì, loanh quanh tận đâu, tôi vẫn dành thời gian viết thơ và vẫn là đề tài... Covid-19”.

Cơ hội cho nhiều cây bút

Nhà thơ Phan Hoàng hiện đang phụ trách website vanvn.vn của Hội Nhà văn Việt Nam. Website đang tạo được sự chú ý của nhiều bạn đọc trong và ngoài giới cầm bút với nhiều nội dung đa dạng, cập nhật thường xuyên. Ông cho biết, thời gian và năng lượng hiện nay của mình dành nhiều nhất cho hai trang vanvn.vn và vanhocsaigon.com - diễn đàn văn học của một nhóm văn nghệ sĩ, trí thức TP Hồ Chí Minh mà tôi chịu trách nhiệm chính. Hướng tới Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc vào cuối năm nay, ông đã góp phần giới thiệu gần 120 cây bút trẻ từ khắp các địa phương trên vanvn.vn. Trong đó, nhiều bạn trẻ viết rất khá nhưng chưa có cơ hội đăng tải chính thức, nhất là các cây bút ở vùng sâu, vùng xa, miền biên giới, người dân tộc thiểu số. “Qua những lần xuất hiện này, kể cả viết về đề tài dịch bệnh, họ cũng xuất hiện sắc nét”, nhà thơ nhận xét.

Từ An Giang, nhà văn Võ Diệu Thanh bắt tay vào đề tài dịch bệnh khốc liệt. Chị chia sẻ, cuộc sống đã giãn cách rồi, nhà văn cô đơn hơn lại là cơ hội đào sâu với những trầm tích của bản thân. Sau những khốc liệt, mọi hoàn cảnh đều được gọi tên và mọi số phận sẽ tự nhận ra mình là ai, mình đã được gì trên nỗi truân chuyên đang mang nặng. Cuốn truyện ngắn mới của chị sẽ được hình thành trên nền tảng của sự tĩnh lặng.

Đồng quan điểm ấy, nhà văn Trần Quỳnh Nga ở Hà Tĩnh chia sẻ, hoạt động trong môi trường báo chí, chị không thể ngồi im trước những khó khăn mà xã hội đang phải đối mặt. Chị thấy mình và những người cầm bút có thể đóng góp về việc tuyên truyền, lan tỏa những hành động đẹp của mọi người bằng cách viết về những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, lan tỏa những vẻ đẹp của sẻ chia, giúp đỡ, cùng động viên nhau bước qua khủng hoảng của đại dịch. Trong thời gian qua Trần Quỳnh Nga đã có ghi chép “Mặt trận không tiếng súng”, truyện ngắn “Ngày mai sáng rỡ” và nhiều tin bài ghi nhận những cố gắng nỗ lực của lực lượng chống dịch, những tấm lòng của đồng bào chia sẻ với miền nam ruột thịt từ tỉnh Hà Tĩnh.

Nhiều người cầm bút đang ngày càng bám sát mùa dịch. Từ thực tế sôi động cho đến những cung bậc tình cảm đa dạng và nhiều nỗi suy tư về thời cuộc. Tác phẩm và sự vững vàng của họ sẽ góp thêm không khí lạc quan và tinh thần chống đỡ kiên trì trong cơn biến động.