Tự tin bắt nhịp đổi thay

Người viết trẻ cần thêm những cơ hội để chặng đường sáng tác rộng mở, phong phú hơn, đặc biệt ở giai đoạn văn học nước nhà đang sôi động hội nhập và phát triển. Một số cây bút chia sẻ với Thời Nay.

Một chuyến đi thực tế do Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 tổ chức. Ảnh: THÀNH DUY
Một chuyến đi thực tế do Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 tổ chức. Ảnh: THÀNH DUY

Nhà thơ Nam Thiên Phú (Hà Nam, tạp chí điện tử Kinh tế chứng khoán Việt Nam): “Người trẻ ngày nay có hứng thú với các cuộc thi sáng tác. Họ có mặt ở khắp các diễn đàn mạng để tìm các cuộc thi thơ, văn. Đây là một gợi ý mà Hội Nhà văn Việt Nam có thể lưu tâm tổ chức, giúp người viết trẻ khẳng định mình”.

Nhà thơ - Thiếu úy quân đội Nguyễn Thị Kim Nhung (tạp chí Văn nghệ quân đội): “Khi nhà văn trẻ quan tâm đến các hoạt động của hội nghề nghiệp là khi các hoạt động ấy đã góp phần thúc đẩy, khuyến khích họ trong việc sáng tác. Hội có thể tạo cơ hội để những cây bút trẻ có không gian thực tế trao đổi, trải nghiệm; có một cơ chế nào đó để hỗ trợ những tác phẩm có chất lượng của người trẻ được lan tỏa hơn; nhìn nhận thỏa đáng hơn về sáng tác của họ”.

Nhà văn Nguyệt Chu (Giáo viên Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội): “Tôi thấy trong các lĩnh vực khác thường kêu gọi được tài trợ từ nhiều nguồn, nhưng trong lĩnh vực văn chương thì hầu như là không. Vì thế, tôi cũng rất mong chúng ta sẽ tìm được các nguồn hỗ trợ để duy trì và mở ra các cơ hội cho văn trẻ. Thí dụ, hội nghề nghiệp có thể mở thêm các kênh riêng cho người viết trẻ, nhận, chọn lọc và đăng bài của các cây bút trẻ và quảng bá kênh này đến với người đọc”. 

Nhà văn Phạm Phú Uyên Châu (Giảng viên Trường đại học khoa học Huế): “Khác với thế hệ trước, người viết trẻ bây giờ có những cây bút lớn lên cùng với internet, biết đến mạng xã hội trước cả khi bắt đầu sáng tác. Đó là nơi thuận tiện để người viết tìm kiếm và giao lưu với độc giả và các thế hệ bạn văn. Cũng là nơi khiến chúng ta dễ xao lãng và đánh mất mình. Người trẻ cần tận dụng những lợi thế của thời đại mình một cách tỉnh táo và cẩn trọng. Thay vì xem mạng xã hội như một “vũ đài biểu diễn” mà quên mất “sân khấu” chính của mình là văn chương.

Nhà thơ - Đại úy công an Trần Ngọc Mai (Phòng quản lý nghiên cứu khoa học - Trường đại học An ninh nhân dân TP Hồ Chí Minh): Cuộc sống đang thay đổi rất nhanh, cùng với đó là những sự kiện rất khó dự báo (như tình hình dịch bệnh vừa qua), đây chính là thách thức và cơ hội của những người trẻ. Sự năng động và khả năng tiếp nhận những cái mới của thế hệ trẻ là lợi thế rất lớn. Đi cùng sự phát triển về khoa học kỹ thuật, kinh tế là sự thay đổi về lối sống, văn hóa và tư duy, những đề tài mới sẽ xuất hiện, một tầng lớp độc giả mới cũng xuất hiện, người viết trẻ cần phải bắt nhịp được sự thay đổi của đời sống, từ đó thể hiện vào trong tác phẩm của mình”.