Viết trong vùng dịch:

Trong bão dịch miền chân sóng

Giống như nơi mà chúng ta đang từng ngày hồi hộp trước dịch bệnh, thay vì sợ hãi, hãy bình thản tái tạo nhịp sống mạnh mẽ mỗi ngày. Mỗi người đều như một ngọn đèn soi chiếu chính cuộc sống của mình, cùng nhau thắp sáng tin yêu  bằng hy vọng, bằng tinh thần của một chiến binh. 

Giáo viên đo thân nhiệt và hướng dẫn học sinh rửa tay khử khuẩn khi đến trường.
Giáo viên đo thân nhiệt và hướng dẫn học sinh rửa tay khử khuẩn khi đến trường.

1/Sự sống thật ra vô cùng kỳ diệu. Nó không hề mơn mởn, sẵn có, dễ dàng. Nó dường như thành tựu từ chính những gì khô cằn nhất, thiếu thốn nhất và khó khăn nhất. Sinh tồn là một quá trình kéo dài nhiều năm tháng, được trải nghiệm trong từng thời khắc nhỏ nhoi, nhưng lại là một sự kết tinh vĩ đại tạo nên muôn mặt chuyển động của đời sống. 

Quê tôi là một miền đất hiền hòa bên bờ sóng. Những làng mạc trù phú hoa màu thẳng cánh cò bay gối đầu lên mép sóng. Hải Hậu bình yên là một vùng đất mà dịch bệnh đến chậm hơn các vùng miền khác. Nhưng một ngày dịch bệnh đã ập đến vùng miền tôi. Sau khi test nhanh, trường tôi đã có ca dương tính và xã tôi ở đã có ca F0, lan ra các xã chung quanh, trước tình hình đó trường tôi và các xã lân cận đã bắt tay vào học trực tuyến. 

Đây là một tình thế khó đối với người đã gần 30 năm cầm phấn đứng trên bục giảng  trực tiếp như tôi. Bởi phải loay hoay tìm phương pháp nào dạy cho học sinh hiểu được những điều chúng tôi dạy. Không gian mạng vừa gần vừa xa, nhìn thấy các em trên màn hình, tôi cứ băn khoăn không biết học sinh của mình có hiểu được điều mình nói hay không? Có những buổi, màn hình bị tối đen, học sinh hốt hoảng: cô ơi em không nhìn thấy cô. Có khi học sinh đang học thì bị bật ra ngoài vì máy điện thoại hết pin. Liệu học sinh hiểu được 60% bài tôi dạy hay không? 

Tiếp cận công nghệ thông tin, trình chiếu dạy trên zoom đối với tôi quả là điều không đơn giản. Tôi đã học hỏi và cập nhật từ đồng nghiệp trẻ, học ngay cả con trai tôi là một sinh viên vừa mới ra trường. Tôi vừa là thầy vừa là trò nên phải cặm cụi học từng ly từng tí.

2/Xã Hải Hà nơi tôi dạy học rộng mênh mông, có xóm nằm xa trung tâm trường học nhiều cây số. Học sinh đến trường là cả một quãng đường khá xa. Những ngày giãn cách, mưa tầm tã, học sinh không được đến trường, sách giáo khoa lớp 6 mới cải cách, phụ huynh phải đăng ký nhờ trường mua hộ sách. Các em không đến nhận sách thì lấy gì mà học khi cải cách giáo dục đang diễn ra, phải làm sao đây? Chúng tôi chia nhau ra đem sách đến tận nhà cho các em. Từng bộ sách bọc trong áo mưa đi tới từng nhà phụ huynh trao sách cho các em. Có học sinh nhà sát gần nghĩa địa, vừa tới gần cổng thấy tấm biển thông báo nhà có người F1 phải cách ly. Tôi ngần ngại, thương đứa bé học trò nhỏ xíu gầy guộc dầm mưa trong cổng tre bị khóa. Đôi mắt của đứa bé ngơ ngác rồi chợt mừng rỡ khi nhận bọc sách tôi treo vào cổng. Tiếng chào cô cất lên sao thương lạ như tiếp thêm cho tôi những bước chân đi qua các ngõ xóm đang bị cách ly trao sách cho học trò.
 
Thương biết bao nhiêu những ngôi trường miền chân sóng Hải Hậu đã hơn năm tháng trời không được cất lên một tiếng trống trường. Ngôi trường im lìm trầm mặc như một người già khắc khoải trông ngóng đàn trẻ thơ. Cánh cổng khép kín mặc hoa phượng thắm lặng lẽ rơi trên sân trường. Học trò nhớ trường, thầy cô nhớ học trò. Tôi thương những đứa học trò khi cả nhà chỉ có một cái điện thoại cục gạch chứ không phải là điện thoại thông minh. Những buổi học của tôi nhìn vào phòng zoom thấy thiếu vắng học sinh. Lòng thấy khắc khoải vì buổi học không trọn vẹn, thương những đứa trẻ khi gia đình đang bị đi cách ly, nhà nghèo không đủ tiền mua điện thoại thông minh để tham gia học trực tuyến. Đêm đêm tôi lại nghiên cứu để soạn giáo án sao cho phù hợp chương trình giảm tải, sao để dạy online cho học sinh dễ hiểu và tiếp thu bài một cách nhanh nhất.

3/Chồng tôi là bộ đội biên phòng  ở vùng biển Nam Định, khi chớm dịch, anh đã cùng đồng đội nhận nhiệm vụ vào tận Long An chống dịch. Hơn bảy tháng trời  anh chống dịch nơi xa, tôi chẳng đêm nào ngon giấc. Khi ngồi viết những dòng này thì anh đang cùng đồng đội lên tàu chở về khu cách ly rồi mới về đơn vị công tác và thăm vợ con. Tôi vẫn lo lắng dặn anh, cần phải giữ gìn để không lây dịch bệnh trên chuyến tàu về quê hương. Sau những sự cố gắng ấy, tôi càng nhận ra, những người phụ nữ Việt Nam đều có một sức chịu đựng bền bỉ. Trong dịch bệnh, chúng tôi đã âm thầm vượt khó như một bài toán phức tạp cần giải bằng nhiều đáp án.

Hải Hậu vùng biển với một diện tích là 230,22 km2, 20-30 năm về  trước là một vùng đất rộng lớn, dân cư không đông đúc nhưng đến nay thì tỷ lệ dân số phát triển, nhà cửa san sát và các đô thị đã mọc lên. Các con phố kề nhau thì nguy cơ lây nhiễm càng cao hơn. Chính vì thế khi dịch bệnh bùng phát, chính quyền địa phương đã kịp thời xử lý truy vết, dập dịch một cách nhanh chóng. Chỉ cần có một thông tin ai đó bị F0 và F1 là đã có giải pháp kịp thời ngăn chặn, mặc dù ban đầu người dân hoang mang nhưng chỉ thời gian ngắn thì tư tưởng đã được bình ổn. Con số đẩy cao lên thì có những phòng tuyến kịp thời như những chiến lũy chống dịch ngăn chặn quyết liệt. Nhịp sống và hơi thở cuộc sống sinh hoạt vẫn diễn ra lạc quan, tin tưởng. Nơi những thôn xóm, làng mạc và con phố bùng dịch thì các lực lượng tổ dân phố vẫn gồng mình lên với tinh thần chống dịch giữa thời bình. 

Người dân Hải Hậu chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất và rất anh dũng trong chiến đấu. Giờ đây trong dịch bệnh, họ lại cẩn thận giữ gìn sự sống của mình. Bởi sự sống của mình tồn tại chính là tồn tại sự sống của một vùng đất, của một cộng đồng.