TIẾNG QUÊ - tiếng yêu thương sẻ chia và trách nhiệm

Nguyễn Hồng Vinh là nhà báo, nhà quản lý, hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng của Đảng, nhưng cũng là người có tâm hồn thơ nhạy cảm, dạt dào. Có lẽ vì thế, năng lực thơ của ông, chỉ đến lúc rời ghế công chức mới có dịp bung phá và “hồi xuân”.

TIẾNG QUÊ - tiếng yêu thương sẻ chia và trách nhiệm

Kể từ tập thơ đầu tiên của ông, “Từ những nẻo đường” (Nxb Hội Nhà văn) in năm 2010, đến nay, ông đã in 9 tập thơ, bình quân cứ 1, 2 năm, ông xuất bản một tập thơ… Còn bây giờ, trong tập thơ mới gồm 72 bài, thì nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh quan tâm đề cập những gì trong “Tiếng quê” của mình? 

Đây là tập thơ mà ông viết chỉ từ năm 2020 đến đầu năm 2021; nhưng chủ yếu viết trong năm 2020. Như chúng ta biết, năm 2020 là năm có nhiều ngày kỷ niệm các sự kiện lớn của đất nước. Cũng là năm bùng phát thảm họa đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam; năm có những trận lũ lụt, sạt lở rừng gây thương vong nhiều chiến sĩ quân đội, công an, đồng bào và hủy hoại tài sản của nhiều người dân miền núi ở miền trung. Với một nhà thơ có tâm, nhưng trước hết là sự nhạy cảm của một nhà báo, nhãn quan của một nhà chính trị có trách nhiệm, ông không đứng ngoài cuộc trước những vấn đề nóng bỏng nêu trên của đất nước. 

Vì vậy, trong “Tiếng quê”, ông có đến 15 bài thơ, viết về các mảng đời sống liên quan tới những vấn đề rất thời sự của nước nhà - đó là công cuộc phòng, chống dịch, chống bão lũ, bảo vệ rừng, chống suy thoái đạo đức… Nó không dừng ở “tiếng quê” cụ thể, mà là sự sẻ chia, gợi mở trách nhiệm của mỗi người trước những vấn đề có tầm quốc gia, mà những người quan tâm thời cuộc không thể bỏ qua; vì vậy, ta có thể coi đó là “Tiếng Nước”. Như ta đọc trong tác phẩm với các bài: Lời mẹ; Tiếng quê; Khát vọng; Tháng Hai đáng nhớ; Bình yên dần hồi sinh; Thắm tình người Việt Nam; Cấp độ; Đường xanh; Hồi sinh đang tới; Lời rừng và biển; Ngày mới giữa biển khơi; Thư gửi người lính biên cương… 

Sau mảng thơ lớn này, tạm xếp là mảng thơ thứ hai, “thơ chính luận - thế sự” với âm hưởng tự hào, khắc ghi truyền thống, được cổ vũ, phát huy trong đời sống đương đại, trong mở cửa, đổi mới: Ghi nhớ lời tiền nhân; Nghĩa Đảng, tình Dân; Chữ Nhân Dân được viết hoa trong Hiến pháp; Con đê niềm tin; Những niềm khắc ghi trong tâm; Những cây cầu trên một dòng sông; Tiếng vọng tình yêu; Những con đường lòng dân… 

Và thứ ba là mảng thơ trữ tình viết về vùng quê, về những kỷ niệm, vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, nghĩa cử, tình yêu trong cuộc sống thường ngày: Chuyện thời đáng nhớ; Lá thư qua bưu điện; Hoa ban đầu mùa; Cây gạo năm xưa; Mùa gọi; Tâm tình người trồng rừng; Phút giây hạnh phúc; Xao xuyến thu; Mảnh vườn ký ức; Tản mạn chiều… Chưa kể một số bài thơ viết tặng các bạn văn nghệ sĩ, nhân đó gửi gắm tình cảm và tư tưởng của mình. 

Viết về mảng đời sống và tinh thần liên quan những vấn đề thời sự nóng bỏng thật sự là một thách thức với sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là thơ. Nếu những vấn đề nóng bỏng là “đất diễn” thu hút của báo chí, thì với tác phẩm văn học cần có thời gian, một sự sâu ngấm, chuyển hóa xúc cảm và chín muồi cảm hứng nghệ thuật; lại đòi hỏi khắt khe về câu chữ, đặc biệt là cái mới trong sáng tạo. Quả thật là vấn đề không giản đơn chút nào! Tôi tự hỏi, những nhà thơ “chuyên”, trong năm qua, có mấy ai chuyên tâm làm thơ về chống dịch, ngoại trừ một vài bài bút ký, ghi chép, hoặc có thể mới dừng ở ý tưởng của truyện, tiểu thuyết… Tôi biết, Nguyễn Hồng Vinh phải trăn trở, phải cố gắng hết mức mới có thể hướng tới những điều hồn cốt mà mình muốn biểu đạt, truyền đi những tín chỉ tình cảm và sự sẻ chia của mình trước sự kiện đại dịch mang tính toàn cầu…

Tất nhiên, trong sự nhanh nhạy bám những vấn đề thời sự và đã có những thành công ấy, không tránh khỏi một số ít bài thơ còn dừng ở mức “phản ánh”. Nhưng chúng ta đòi hỏi gì hơn, sau những bài thơ ấy vẫn để lại cho người đọc những điều ngẫm ngợi về thế sự, về tình người, đó chính là thái độ trách nhiệm của ông. Tôi nghĩ, chính ông cũng tự ý thức về sự đóng góp của mình nhằm kịp thời “Truyền đi “thông điệp” tâm hồn” (Lá thư qua bưu điện), thông điệp của tình người trong lúc cần chia sẻ, động viên. “Tình người” cũng là tâm điểm hội tụ trong tâm thức, trong quan niệm sáng tác khá nhất quán của ông từ trước đến nay: “Hơi ấm tình người - men rượu nồng say/Mọi thi pháp văn chương sẽ trở nên vô nghĩa/Nếu không bám rễ cuộc đời nay!” (Hồn thơ - men rượu nồng say). Vâng, thơ trước hết là tình, tình là gốc.

Chúng ta đừng vội bỏ qua những bài thơ trữ tình, uyển chuyển về thi tứ, dào dạt và sâu lắng mạch cảm, day trở và gửi gắm được nhiều nỗi niềm tâm sự, những giãi bày kỷ niệm, tình cảm riêng, tình quê hương… vốn có từ những tập thơ trước, nay vẫn được tiếp nối mảng thơ, điệu thơ “thuộc” ông nhất, “chủ đạo” trong sáng tác của ông, mà ông “giấu” ở phần sau để “ưu tiên” những vấn đề mang tính thời cuộc của đất nước ở phần trước. 

Đó là lẽ sống, sự vươn sống trong hình tượng “Hoa ban mùa đầu”. Đó là cây gạo đầu làng vươn tỏa bóng, là nhân chứng của những cuộc chia ly trong chiến tranh, người lính ấy đã không trở về, để người con gái ở hậu phương đi qua “Mùa hoa gạo rực hồng/Tràn lên bao nhung nhớ/Một tình yêu sáng trong/Ơi cay đắng - yêu thương/Giục bao người tiếp bước…” (Cây gạo năm xưa). Đó cũng là ý nghĩa, vẻ đẹp của tình yêu và cuộc sống trong hai chữ “Thủy chung” ông viết ở bờ sông Hồng nhân ngày Valentine: “Cuộc đời trăm ngàn lẽ/Không gì thay Thủy chung/Sống bằng cả yêu tin/Ấm mãi niềm Hạnh phúc!” (Nguồn hạnh phúc). Hay sự giãi bày tâm sự trong mái ấm gia đình, của một người cầm bút: “Những vần thơ đêm đêm thắp lửa/Được sinh thành từ trải nghiệm đời anh…/Thương anh ngày dài và đêm khuya khoắt/Vẫn suy tư những con chữ ngày mai…/Bình minh lên, mở trang báo sớm nay/Thơm mùi mực, sáng bài thơ nồng ấm…/Hạnh phúc bắt nguồn từ nuôi dưỡng Yêu - Tin!” (Phút giây hạnh phúc). Những câu thơ giản dị, chân tình, nói như không, nhưng trong đó là niềm yêu thương da diết, sự tin yêu, trân quý nhau; những phút giây hạnh phúc của tình yêu, của người sáng tác trước trang giấy mênh mông cuộc đời, trước tác phẩm mình vừa lên mặt báo. Nếu không có ngọn lửa Tin - Yêu ấy, người nghệ sĩ: “Có thể viết gì đây?/Khi lửa lòng nguội tắt/Con thuyền lạc khơi xa/Chẳng biết đâu bờ bến!” (Tản mạn chiều).

Vì vậy, hồn thơ Nguyễn Hồng Vinh luôn trân trọng, gửi gắm tâm cảm của mình trong mỗi kỷ niệm đẹp, lãng mạn, gắn với những thời khắc dễ rung động, lay thức của thiên nhiên, dù chỉ là một chút lòng xao xuyến ở thời khắc chuyển mùa. Và cảm thức về mùa luôn là mảng thơ rất đậm trong ông ở tập thơ này. Bây giờ là đầu thu: “Nắng hửng rồi và Thu đã sang/Lá xào xạc như cuối chiều ta gặp/Trăng vẫn sáng tựa đêm nào cùng dạo/Hương tóc em còn mãi tỏa bay!” (Xao xuyến thu). Cũng là điệu tâm tình về mùa thu, về những trang viết ấy, nó được đẩy lên mức cao hơn, sự thức trở với những gì mình thể hiện, những bày tỏ của tâm hồn: “Tiếng ai thì thầm trang viết đêm nay/Gọi yêu thương cùng ngọt ngào, cay đắng?/Lá xào xạc và tiếng chim đong đếm/Thức cùng em khắc khoải tận bình minh” (Tâm tình thu). Có thể nói, “Hương tóc em còn mãi tỏa bay” mới là dưỡng khí nuôi dưỡng phẩm chất “Thi sĩ” trong ông, mới làm cho thơ ông như được “hồi xuân” và vượt qua “bản năng” báo chí! 

Nhưng đi mãi chân trời góc biển nào, cuối cùng ông cũng trở về mảnh vườn nhà mình, mảnh vườn quê dung dị, gần gũi, nhớ thương…, là biểu tượng nguồn cội, biểu tượng mái ấm gia đình nông thôn, nơi nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách cho mỗi con người. Nơi ấy có những người thân yêu nhất của mình: “Mẹ lẫn đã lâu, nhưng mỗi sớm, mỗi chiều/Nhớ cây nào ra hoa, lúc nào kết trái/Vẫn để phần con khi về tự hái/Tình mẫu tử thiêng liêng, hơn sông rộng, núi dài!/Sống giữa thị thành ồn ã đêm ngày/Lại mong nhanh cuối tuần về thăm mẹ/Đứng bên giàn tầm xuân đầy nụ/Ao ước thời hoa niên trở lại bây giờ!/Mảnh vườn ơi, nơi chưng cất tứ thơ/Gói kỷ niệm ủ bao điều thầm kín/Chẳng ngôn từ nào chứa hết điều em muốn/Ơn lắm mảnh vườn đã nuôi dưỡng hồn thơ!...” (Mảnh vườn ký ức).

Có lẽ không cần nói gì thêm nữa. Những lời yêu thương, dung dị mà da diết về “Mảnh vườn ký ức” ấy của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã nói đủ đầy cả lẽ sống, phẩm cách và lý do của sự sáng tạo. Đó chính là tiếng nói sâu lắng, rung động và thức tỉnh lâu bền của “Tiếng quê”!

Hà Nội, ngày 1-5-2021