“Tiếng ảnh” của những lao động di cư

Hà Nội gần gụi, mộc mạc và chân tình đã hiện lên trong khuôn hình của gần 40 “tay máy nghiệp dư”. Họ là người bán hàng rong, công nhân vệ sinh, người dân tộc thiểu số, sinh viên, người thu mua đồng nát… đến từ khắp các vùng miền, kể lại cuộc sống chung quanh bằng những khoảnh khắc của nhiếp ảnh. 

Chị Trương Thị Thủy (công nhân xây dựng) giới thiệu tác phẩm của mình.
Chị Trương Thị Thủy (công nhân xây dựng) giới thiệu tác phẩm của mình.

1/Qua vài tháng triển khai, dự án (DA) chụp ảnh kể chuyện (photovoice) đã tổng kết nhân Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Những người tham gia DA từ 18 - 65 tuổi, đến từ nhiều tỉnh, thành phố và làm nhiều nghề nghiệp khác nhau, đã chia sẻ suy nghĩ, góc nhìn, sự tương tác với Hà Nội và cả những mong muốn, tình yêu với thành phố này qua các bức hình do chính họ chụp.

Chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh được trang bị, các “nhiếp ảnh gia” đã ghi lại nhiều khoảnh khắc rất đời giữa những cuộc mưu sinh của chính họ trên từng ngõ, phố, trong công viên, nhà trẻ…, trên cả tầng không của các công trường đang xây. Dù vẫn phải cố gắng, bám trụ nơi này nhưng dường như họ đã coi Hà Nội như ngôi nhà thứ hai mà họ dần yêu quý. 

Chị Phan Thị Liên 61 tuổi (Yên Bái) lên Hà Nội làm công nhân vệ sinh cho một tòa chung cư từ năm 2016. Chị cảm nhận, các lao động từ khắp nơi về đây kiếm sống có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế cho gia đình. Bên cạnh đó, Hà Nội không chỉ có tầng lớp thượng lưu, giàu có mà vẫn còn rất nhiều người nghèo khổ. Các lao động di cư như chị hay gặp phải sự kỳ thị, coi thường của người thành thị. “Có những người thậm chí không muốn chúng tôi bước vào cùng thang máy với họ khiến chúng tôi rất tủi thân”, chị tâm sự. Nhưng cũng có người đồng cảm khi chia sẻ rằng: Không có các chị thì làm sao chúng tôi có được không gian sống sạch sẽ như thế này! 

Trước khi tham gia DA, cuộc sống tại đô thị đối với chị là những guồng quay khô cứng, vất vả…, đến một ngày ngẩng lên quan sát chung quanh mình, rồi tự tay cầm chiếc điện thoại để chụp lại những cảnh vật, con người vốn đã quá quen thuộc, chị cảm thấy rất thú vị. Chị bộc bạch, tham gia DA photovoice, chị biết nhìn nhận, quan tâm hơn về con người và sự vật ở chung quanh mình, hiểu thêm được nhiều vấn đề xã hội… Bức ảnh chị Liên chụp là cảnh các bé mẫu giáo đang tập múa tại một nhà trẻ, bởi chị có nhận đón một cháu bé đang học ở đây.

2/Điểm chung của nhiều người lao động di cư là Hà Nội được định nghĩa qua công việc. Một người phụ nữ bán hàng rong một ngày có thể đi hàng chục cây số qua các phố phường, nhưng với chị Hà Nội có thể là một công viên nhỏ để nghỉ chân khi mỏi gối. Một nữ thợ hồ hằng ngày chứng kiến dòng người tấp nập từ ngôi nhà cao tầng mình đang xây, nhưng Hà Nội đối với chị lại là người đồng nghiệp dân tộc thiểu số chăm chỉ, ít nói. Còn một sinh viên chạy grab phục vụ hàng nghìn người khác nhau nhưng Hà Nội đối với cậu lại là một cụ già đôn hậu và tần tảo cấy lúa ở vùng ngoại ô, lần đầu tiên được nói chuyện với một người dân tộc thiểu số như cậu.

“Những người thợ xây từ quê ra Hà Nội, gắn bó với công trình này hằng tháng, hằng năm trời. Mỗi người một mảng việc khác nhau, từ những miền quê khác nhau nhưng làm cùng một công trình, ở cùng một khu với nhau. Họ là những người xây dựng nên sự hiện đại của Hà Nội, nhưng có lẽ cũng là những người cảm nhận rõ nét nhất sự ô nhiễm của Hà Nội. Có những ngày ô nhiễm không khí ở Hà Nội nặng tới mức mù mịt cả bầu trời khiến những người thợ xây mò mẫm trên giàn giáo đầy nguy hiểm. Họ cũng là người tiếp xúc gần nhất với những đám bụi khổng lồ của công trường. Chính vì thế hơn ai hết, họ khao khát một bầu không khí trong lành, những công trình xây dựng nhiều cây xanh, thân thiện với môi trường”, tác giả Trương Thị Thủy (40 tuổi, quê Thanh Hóa, hiện đang làm công nhân xây dựng tại Hà Nội) đã chia sẻ về bức ảnh mình chụp như thế.

Còn với Đỗ Thị Hồng (52 tuổi, quê Vĩnh Phúc, đang làm nghề mua bán đồng nát) thì Hà Nội cũng thân thiện, đầy tình người như ở vùng quê xa của chị. Nói về bức ảnh tham gia DA, chị cho biết: “Vào buổi trưa, chị Biên, một người bán hàng rong, tranh thủ nhặt rau tại vỉa hè để buổi chiều tiếp tục gánh đi bán trên các con phố. Hai ông cháu nhà hàng xóm thấy vậy cũng đến giúp một tay cho kịp. Họ là những người hàng xóm, một người ở Hà Nội, một người ở quê xa. Một người có nhà ở đây, một người phải ở trọ. Thế nhưng giữa họ dường như không có khoảng cách. Đó là sự giao hòa giữa hai lối sống cùng hội tụ tại một thành phố, người gốc Hà Nội văn minh lịch sự, còn người ở quê vẫn giữ theo lối sống vùng miền, để ứng xử với nhau. Đó cũng là điều tôi thích nhất ở nơi tôi đang sống, Nguyễn Tư Giản, Phúc Tân, Hoàn Kiếm, một không gian ấm áp và rộn vang tiếng cười”. 

3/Theo nhiếp ảnh gia Nguyễn Đức Long, người hướng dẫn cho các lao động di cư tham gia DA, không phải như dân chuyên nghiệp là góc nhìn phải theo khuôn khổ, bố cục. Họ có góc nhìn rộng hơn, hồn nhiên, chân thật và tự do hơn rất nhiều. Do đặc thù công việc nên họ tiếp cận được với nhiều đối tượng, từ đó có những phát hiện hay về các nhân vật và cuộc sống. Thời gian tiếp xúc với nhân vật được chụp lâu (có thể là hằng ngày) nên hiểu rõ về câu chuyện của đối tượng chụp từ đó tạo nên cảm xúc cho mỗi khuôn hình. 

Anh Long cho biết: Khi hướng dẫn tôi cũng chỉ cách cho họ nắm bắt được những khoảnh khắc của nhiếp ảnh, tức là trong một chuỗi hoạt động thì khoảnh khắc nào là tốt nhất để họ có thể chụp lại được. Như hình ảnh một phụ nữ đang rửa túi nylon của chị Đỗ Thị Hồng chụp, khi tay người phụ nữ cầm mớ nylon vung lên đó là khoảnh khắc cao trào nhất của bức ảnh mà tác giả đã chụp được rất đạt. Kết quả của DA là có rất nhiều bức ảnh đẹp, có thông tin và nhất là nhiều khoảnh khắc hay được ghi lại.

DA được Vì một Hà Nội đáng sống thực hiện, kết hợp Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng (LIGHT), Nhóm Tiên phong Hà Nội và Nhóm ảnh 91 - 94.