Thi đua sáng tạo và... “khoảng cách trắng”

Trong Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2021 do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức từ ngày 27/11 đến 3/12, hội thảo trực tiếp “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực văn hóa Thủ đô” diễn ra tại khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám sáng 28/11. 

Ngoài các ý kiến khá chung chung về mục tiêu và mục đích thiết kế sáng tạo như để “nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội”, hay “hiện thực hóa tầm nhìn, vì các mục tiêu phát triển bền vững”, thì có khá nhiều ý kiến cụ thể từ các chuyên gia. Như ý kiến của ông Lê Quốc Vinh, (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê. Theo ông, với danh hiệu Thành phố sáng tạo, thì Hà Nội cần thúc đẩy hợp tác công tư, thu hút các đơn vị tư nhân đầu tư vào công trình phục vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa. Thêm nữa, trước khi đầu tư không gian sáng tạo lớn thì Hà Nội cần quan tâm phát triển không gian sáng tạo nhỏ, bởi đối tượng này thường thiếu vốn, mặt bằng… Ngoài ra, Hà Nội cũng cần có sự bao dung về tinh thần sáng tạo mới, chỉ dẫn cho nhà đầu tư phát triển đúng hướng phù hợp với pháp luật và xu thế.

Cũng trong ngày 28/11, có một triển lãm rất đáng quan tâm khai mạc trực tiếp tại UNION Hall (số 29, ngách 31, ngõ 167 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) mang tên “Khoảng cách Trắng - The White distance”. Triển lãm mang tính quốc tế này chỉ có tác phẩm của bốn họa sĩ trẻ Việt Nam và hai tác giả Việt kiều từ Đức và Thụy Sĩ. Còn lại là tác phẩm của 14 họa sĩ đến từ các nước: Pháp, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Phần Lan, Ấn Độ. Các tên “Khoảng cách Trắng” được sử dụng chính vì cơn đại dịch quốc tế đã tạo “những vùng trống mới” trong tâm lý của con người. Nên đơn vị tổ chức đã khởi động dự án sáng tác về “những vùng trống mới” đó từ tháng 7 bằng chuỗi thảo luận trực tuyến hằng tuần. Tới đầu tháng 10, các nghệ sĩ quốc tế mới có mặt để sáng tác trực tiếp tại Hà Nội. Triển lãm do trung tâm nghệ thuật Heritage Space phối hợp Viện Goethe, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, Trung tâm Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cùng Đại sứ quán Thụy Sĩ tổ chức. Triển lãm mở cửa từ 10 giờ-20 giờ mỗi ngày, cho đến hết 13/12.

Cũng là “không gian sáng tạo nhỏ” do các tổ chức tư nhân chung tay khuấy động, vừa được khởi động khá thú vị từ giữa tháng 11, là Cuộc thi vẽ tranh cổ động nhằm mục tiêu bình đẳng giới mang tên “In art we trust-Trong nghệ thuật, chúng tôi tin”. Bắt đầu từ 17/11 và hạn chốt nhận tranh dự thi là 13/12, cuộc thi do các đơn vị Australia Aid, Ơ Kìa Hà Nội, Wise, Heritage Space… phối hợp tổ chức với lời mời các họa sĩ lão thành của Hội Mỹ thuật Việt Nam vào ban giám khảo như họa sĩ Lê Huy Tiếp, Đặng Thị Khuê. Sẽ có một giải nhất (trị giá 10 triệu đồng), ba giải nhì (5 triệu đồng) được trao vào cuối tháng 12.