Thích ứng linh hoạt, an toàn với covid-19

Tác động của dịch Covid-19 đến văn hóa-nghệ thuật

Đại dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng toàn cầu, tác động sâu rộng không chỉ về y tế, kinh tế-xã hội, giáo dục mà còn cả văn hóa-nghệ thuật, từ đó tạo ra những thách thức lớn, là phép thử đối với năng lực ứng phó của các quốc gia, đồng thời cũng bộc lộ nhiều điểm yếu trong hệ thống an sinh xã hội, trong đó có cả những vấn đề phát triển văn hóa-nghệ thuật của từng nước. 

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động văn hóa bị ảnh hưởng. Ảnh: MINH LÊ
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động văn hóa bị ảnh hưởng. Ảnh: MINH LÊ

Thị trường nghệ thuật ảm đạm

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi trong hai năm qua, việc áp dụng các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến hoạt động văn hóa-nghệ thuật ngưng trệ. Văn hóa-nghệ thuật là lĩnh vực rất nhạy cảm đối với những biến động lớn của xã hội như chiến tranh, thiên tai hay bệnh dịch. Do đặc thù của lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật là liên quan tập trung đông người, không phải là những nhu cầu thiết yếu, thuộc lĩnh vực tinh thần nhạy cảm, nên dường như có một quy luật là lĩnh vực này luôn chịu ảnh hưởng đầu tiên và phục hồi cuối cùng.

Do dịch bệnh, nhiều địa phương phải tạm thời đóng cửa di tích lịch sử-văn hóa, danh lam, thắng cảnh, dừng tổ chức các sự kiện, lễ hội, hoạt động văn hóa tập trung đông người. Số lượng khách tham quan trên cả nước giảm sút nghiêm trọng. Việc tạm dừng tổ chức các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, khu vui chơi, giải trí... đã gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế, quảng bá, xúc tiến giới thiệu các giá trị văn hóa và du lịch của địa phương, gây thất thu lớn cho ngân sách các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng người dân địa phương. Một số hoạt động tập trung, trực tiếp tuyên truyền lưu động phục vụ các sự kiện chính trị và kỷ niệm lớn của đất nước, hội thi, hội diễn, triển lãm đã phải chuyển đổi hình thức tổ chức để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. 

Vì ảnh hưởng dịch Covid-19, tổng doanh thu ngành điện ảnh nửa đầu các năm 2021, 2020 giảm mạnh so năm 2019. Số liệu của trang thống kê độc lập Box Office Việt Nam cho thấy, doanh số toàn ngành của sáu tháng đầu năm 2019 đạt hơn 2.000 tỷ đồng, năm 2020 chỉ đạt 750 tỷ đồng (phải đóng cửa từ ngày 20/3 đến 9/5), năm 2021 đạt 1.156 tỷ đồng. Hiện nay, các doanh nghiệp điện ảnh gặp nhiều khó khăn khi phải chi trả nhiều kinh phí cố định như lương, bảo hiểm xã hội, y tế cho nhân viên, mặt bằng, lãi vay ngân hàng, điện, nước, duy trì máy móc thiết bị trong khi không có doanh thu. 

Các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề do không được tổ chức sự kiện và tập trung đông người. Hệ thống thư viện trong cả nước phải hạn chế các hoạt động phục vụ tại chỗ hoặc tạm thời đóng cửa trụ sở theo quy định của địa phương. Hầu hết thư viện tỉnh, thành phố phải dừng hoạt động phục vụ lưu động. Đội ngũ nghệ sĩ tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn gần như không thể hoạt động, dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà hát phải cắt giảm diễn viên hợp đồng vì không có doanh thu biểu diễn. Họ đều là nghệ sĩ trẻ, được tuyển chọn gắt gao, là nòng cốt về chuyên môn nghệ thuật và đã phục vụ cho nhà hát nhiều năm. Điều này đã tác động đến đời sống tinh thần của nhân dân, thị trường nghệ thuật trong tình trạng ảm đạm.

Để hỗ trợ các hoạt động văn hóa-nghệ thuật vượt qua đại dịch, ngành văn hóa đã chủ động trong việc nắm bắt những khó khăn của các tổ chức văn hóa-nghệ thuật cũng như nghệ sĩ. Một số gói hỗ trợ cho những văn nghệ sĩ có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, các doanh nghiệp, đơn vị nghệ thuật đã được thực hiện. Những nỗ lực như vậy thể hiện trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và đóng góp không nhỏ vào nỗ lực chung của cả nước trong việc bảo đảm mục tiêu kép, vừa chống dịch bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người dân, vừa phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã trở thành một phép thử đối với sự phát triển văn hóa-nghệ thuật của đất nước. Giờ đây, bên cạnh tính hấp dẫn, giá trị văn hóa-nghệ thuật, chúng ta cần lưu tâm đến an toàn sức khỏe của người tham gia sự kiện, sinh hoạt văn hóa-nghệ thuật. An toàn sức khỏe trở thành một yếu tố quan trọng trong việc tổ chức sự kiện. Chuyển đổi số chắc chắn phải được thúc đẩy nhanh để phù hợp hơn với nhu cầu công chúng trong xã hội hiện tại. Việc tham quan, thưởng thức nghệ thuật qua công nghệ, từ xa trở nên phổ biến hơn. Văn hóa số dần hình thành và được xác định rõ ràng hơn trong bối cảnh xã hội số, kinh tế số và công dân số.

Tác động của dịch Covid-19 đến văn hóa-nghệ thuật -0
Một chương trình nghệ thuật tại Hà Nội được tổ chức trực tuyến. Ảnh: LÊ MINH 

Hỗ trợ sự phát triển của văn hóa-nghệ thuật

Để tháo gỡ và hình thành nên định hướng phát triển bền vững cho lĩnh vực văn hóa, chúng ta cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) đưa ra khẩu hiệu “We need culture; Culture needs us” (tạm dịch là “Chúng ta cần văn hóa; Văn hóa cần chúng ta”) và đề xuất một số khuyến nghị để các quốc gia thành viên có thêm những lựa chọn, giải pháp phù hợp hoàn cảnh của đất nước. 

Bên cạnh việc tổ chức một hội nghị bộ trưởng với hơn 130 nước thành viên tham gia để thảo luận về cách thức đối phó với dịch bệnh, UNESCO còn tổ chức rất nhiều diễn đàn trao đổi khác nhau để tìm cách hỗ trợ cho sự phát triển văn hóa-nghệ thuật. Theo khuyến nghị của UNESCO, tăng cường khả năng tiếp cận văn hóa và hỗ trợ các nghệ sĩ là một trong số những giải pháp quan trọng. Khi người dân tiếp cận nhiều hơn với các hoạt động văn hóa-nghệ thuật, họ có cơ hội thêm hiểu và yêu hơn lĩnh vực quan trọng này. Từ đó, người dân sẽ mong muốn tham gia tích cực và chủ động hơn trong các hoạt động văn hóa-nghệ thuật. Bên cạnh đó, nghệ sĩ chính là những người tạo ra các tác phẩm văn hóa-nghệ thuật. Bằng tài năng của mình, các tác phẩm văn hóa-nghệ thuật truyền cảm hứng cho toàn xã hội về cái đẹp, tình yêu nước, sự đoàn kết, lòng trắc ẩn đối với đồng loại, từ đó tạo nên động lực sống, cống hiến... 

Đối với những hành động cụ thể hơn, chúng ta cần nhanh chóng thiết lập một hệ thống hỗ trợ văn hóa-nghệ thuật ứng phó với khủng hoảng một cách tổng thể, toàn diện và bền vững. Các chính sách và biện pháp hỗ trợ khu vực văn hóa-nghệ thuật nên được xây dựng theo các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, trong đó không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức này khắc phục nhanh các khó khăn hiện tại do Covid-19 gây ra, mà còn hỗ trợ về lâu dài trong việc củng cố và xây dựng năng lực, nguồn lực cho các tổ chức văn hóa-nghệ thuật. 

Về ngắn hạn, Chính phủ có thể miễn thuế VAT năm 2021 đối với tất cả tổ chức văn hóa-nghệ thuật, để họ có khả năng bù lại những tổn thất do Covid-19 gây ra; hoãn nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho tất cả tổ chức văn hóa-nghệ thuật trong thời gian hai năm; miễn thuế thu nhập cá nhân trong hai năm 2020-2021 cho các cá nhân nghệ sĩ, người thực hành văn hóa-nghệ thuật ở Việt Nam; các tổ chức văn hóa-nghệ thuật được hưởng lãi suất ưu đãi đặc biệt cho các khoản vay ngân hàng; hỗ trợ miễn phí, giảm phí cho việc sử dụng các công nghệ hỗ trợ hoạt động truyền thông (đường truyền băng thông rộng), công nghệ kỹ thuật số tiên tiến hỗ trợ hoạt động trực tuyến (công nghệ thực tế tăng cường/thực tế ảo AR/VR, số hóa, thu thanh, thu hình, chia sẻ dữ liệu,...) cho các tổ chức văn hóa-nghệ thuật có thể tiếp tục thực hiện các chương trình, sự kiện của họ trực tuyến. 

Về trung và dài hạn, nên thành lập Quỹ hỗ trợ văn hóa-nghệ thuật ứng phó khủng hoảng (nguồn từ ngân sách nhà nước và từ xã hội hóa); xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thực hành văn hóa-nghệ thuật ở Việt Nam (về quản lý và quản trị văn hóa-nghệ thuật, về khai thác công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động văn hóa-nghệ thuật;…); xây dựng những chương trình có sự hợp tác công-tư dài hạn và tổng thể để tạo điều kiện cho các tổ chức ở khu vực doanh nghiệp và các không gian, nghệ sĩ ngoài công lập có môi trường thuận lợi để sáng tạo và góp phần lớn hơn vào sự nghiệp phát triển bền vững của kinh tế, xã hội và văn hóa đất nước; thúc đẩy việc huy động nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đặc biệt là các tập đoàn về công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thực hành văn hóa-nghệ thuật.

Các tổ chức văn hóa-nghệ thuật không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với văn hóa mà còn với sự phát triển chung của kinh tế-xã hội đất nước. Chính vì vậy, sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như toàn xã hội thể hiện sự quan tâm đến các tổ chức văn hóa-nghệ thuật, cũng như đời sống của văn nghệ sĩ, thể hiện chủ trương “không để ai lại phía sau” của Thủ tướng Chính phủ.