Viết trong vùng dịch:

Sài Gòn thương khó - Sài Gòn hồi sinh

“Trong nỗi hân hoan phố phường mở cửa/Nhìn kìa, khói bếp/Đến lúc phố thưa lại đầy như xưa/Một cuộc sống mới/Khắp lối tái sinh rạng ngời yên vui…” (Bài ca tôi hát lần này -  Thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương).

Nhà văn Phương Huyền - Ủy viên BCH Hội NV TPHCM trao quà cho người yếu thế trong mùa dịch.
Nhà văn Phương Huyền - Ủy viên BCH Hội NV TPHCM trao quà cho người yếu thế trong mùa dịch.

1/Nghe câu hát có vẻ rất vui sau hơn 120 ngày Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh được mở “phong ấn”, nhưng sao giai điệu phảng phất nỗi trầm buồn man mác, như một khúc bi ca gợi lại ký ức còn “nóng” chuỗi ngày đã qua với bao nhiêu thương khó, bi thống đến gần tận cùng của cảm xúc. Một quãng ngắn trong cuộc đời mà như vừa trải qua một cơn lốc xoáy khốc liệt.

Cứ nghĩ rồi sẽ qua nhanh, chỉ là một lần 14 ngày, thành phố sẽ lại bình yên như lần hai tuần tháng 4/2020. Không ai có thể ngờ, lần quay lại thành phố của virus có hình dáng chiếc vương miện mỹ miều Corona-Covid-19 mang độc dược tử thần đã kéo dài tới 9 lần 14 ngày, với lực tàn phá siêu cấp, càn quét, hủy diệt, dọc ngang thành phố, không chừa một góc hẻm nào, chỉ cần đi qua là tất cả nơi đó như hóa thạch, đóng băng, lạnh lẽo và cô đơn.

2/Nhà tôi nằm ở con phố nhỏ, trong chung cư cũ theo kiểu Pháp có tuổi trên 70, nằm chung lưng với Bệnh viện đa khoa Sài Gòn cũng ở tuổi 82, có cái cổng nhỏ hay được các cô dâu, chú rể làm bối cảnh chụp hình kỷ niệm…, giữa hai đại lộ xưa có tuổi trên trăm năm là Hàm Nghi và Lê Lợi. Phố khá yên tĩnh, mang vẻ đẹp có phần hơi xưa bởi hàng cây xanh và vài kiến trúc từ thời Pháp vẫn lưu dấu, như khu nhà Sở Hỏa xa Sài Gòn của Công ty hỏa xa Đông Dương từ năm 1914 nằm ngay đầu đường. Đặc biệt cuối phố, ăn thông ra đại lộ Nguyễn Huệ, lại mang không khí đầy hào nhoáng, là một không gian của ánh đèn mầu rực rỡ từ các tòa nhà cao tầng lộng lẫy, của hội hè vui chơi, nhộn nhịp mua sắm… 

Dịch Covid-19 tràn vào thành phố, con phố nhà tôi không còn yên bình như vốn có, mà khá ồn ào chỉ với một âm thanh đơn sắc đầy ấn tượng, nghe muốn xé ruột gan - tiếng còi xe cứu thương, đầy thắc thỏm lo âu. Có lẽ suốt đời tôi không thể quên mùi nhang loại tẩm hóa chất hắc nồng được cắm từng bó to ngay dưới gốc cây trước bệnh viện, từng làn khói theo gió là là bay ngang phố, chùng chình dưới tán lá mãi không tan. Hơn hai tháng trời, thở cũng không dám thở sâu, trái tim nặng trĩu, nhịp đập hình như chậm hơn, giữa trưa, trời nắng mà thấy lành lạnh, hoang vắng, buồn thao thiết. 

Vâng! Riêng TP Hồ Chí Minh, trong bốn tháng dịch bệnh đã có hơn 18 nghìn người đi về nơi miền xa, bỏ lại khoảng trống vắng vĩnh viễn không gì bù đắp trong gia đình, người thân, bè bạn. Và con số hơn 1.500 trẻ em trong chớp mắt trở thành mồ côi, không còn được vòng tay yêu thương ấm áp của cha mẹ ấp ủ, chăm sóc, nghe mặn đắng xa xót, cảm thương trào nước mắt. Những con số như một vết dao cứa sâu, một vết thương bi thiết ăn sâu vào tâm khảm của hơn 10 triệu người ở Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, ám ảnh biết bao mảnh đời, phận người  thành phố trong những thời khắc thảm họa dịch bệnh hoành hành.

3/Hơn 120 ngày đã qua như trong cơn ác mộng, để một bình minh ngày mới, thấy thành phố chuyển động trong nắng mai với những âm thanh quen thuộc như vốn có. Lướt qua dòng người trên đường, cho dù gần như bao bọc kín mít, nón kính, khẩu trang, áo choàng, nhưng vẫn gặp những ánh mắt lấp lánh vui nhìn nhau, mừng bình an dù không biết nhau. Và ở tòa nhà Liên hiệp hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, những cuộc gặp gỡ mừng tủi trào nước mắt, không tay bắt, không ôm nhau, chỉ là cái đụng tay khe khẽ, mà thấy xốn xang “vui sao nước mắt lại trào”. Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố thì tất bật lo ngay việc tổ chức chấm chung khảo cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam”, nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội thì kể câu chuyện phải trả tiền gấp đôi cho một dịch vụ nhỏ mà vui như bắt được của. Và rồi cái câu nói quen mà tự dưng như mới: “Hôm nay ăn gì”, cũng làm mọi người bất chợt khoảnh khắc chùng xuống.

Chắc chắn năm tháng sẽ qua đi, những cam go, khốc liệt, khổ đau, mất mát…, do đại dịch sẽ dịu dần và chỉ còn trong một trang lịch sử thương khó của thành phố hơn 300 năm. Cho tới hôm nay, những con số buồn ngày càng giảm sâu, những con số vui ngày càng tăng mạnh, mang đến nguồn hy vọng thật nhiều cho sự hồi sinh của thành phố. Thành phố sẽ từng bước cẩn trọng trong “bình thường mới” để mở cửa, để phục hồi, để kiến tạo lại, đưa thành phố “bình thường” như trước, dù biết rằng nỗi đau vẫn sẽ âm ỉ dài trong một góc ký ức người thành phố, khó có thể quên, không thể nào bỏ sang bên như chưa hề có những thương đau cứa vào tim. 

Trước đã yêu Sài Gòn. 

Trong mất mát yêu  hơn Sài Gòn

Qua thương khó càng yêu Sài Gòn

Và càng tin Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh sẽ hồi sinh mạnh mẽ.