Rộn ràng triển lãm, tọa đàm trực tuyến

Tại trung tâm Hoàng thành Thăng Long, ngày 10-6 vừa qua, diễn ra triển lãm trực tuyến “Tết Đoan ngọ xưa và nay - Gió lành Đoan Dương”. Tại triển lãm, sản phẩm phóng to 2,4 m từ chiếc quạt cung đình đề bài thơ của Vua Lê Hiến Tông (viết trên quạt năm 1503).

Ngoài ra, còn một số bùa ngũ sắc được phục hồi dựa theo hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quai Branly (Pháp) và hình ảnh đầy mầu sắc của một cửa hàng phố Hàng Mụn ngày xưa (phố Hàng Bút hiện nay).

Cùng trong ngày triển lãm, Thành ủy Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp”. Tọa đàm có sự tham gia vừa trực tiếp, vừa trực tuyến của các chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà quản lý và văn nghệ sĩ. Các ý kiến tham vấn cũng chủ yếu xoay quanh 12 lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật được xác định tại “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa” của Chính phủ. Đó là: Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Quảng cáo; Thủ công mỹ nghệ; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và phát thanh; Thời trang; Du lịch văn hóa; Kiến trúc; Thiết kế; Xuất bản; Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm... 

Có nhiều ý kiến tâm huyết, như của nhạc sĩ Quốc Trung (Tổng đạo diễn Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa - Monsoon Music Festival), đại ý: Việc xây dựng, quy hoạch, định hướng phát triển một nền công nghiệp văn hóa, nhất là một nền công nghiệp sáng tạo có khái niệm tương đối mới. Thì việc khẳng định, đánh giá hiện trạng và tiềm năng là quan trọng đầu tiên. Tiếp theo là cái nhìn theo hướng “tư duy thị trường” và “cạnh tranh lành mạnh”. Hoặc ý kiến cụ thể của ông Lê Quốc Vinh (Chủ tịch Le Group of Companies; đồng  Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo - VCE Club): Đã hai năm, Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo, nhưng danh hiệu đó mới chỉ được những người liên quan, nằm trong hệ thống chính quyền và các cơ quan tham gia vào tiến trình vận động quan tâm. Không hiếm người đặt câu hỏi vì sao Hà Nội được chọn? Ngay cả “công nghiệp sáng tạo”, “công nghiệp văn hóa” là gì cũng rất nhiều người chưa hiểu đúng. Câu chuyện ở đây không phải là truyền thông mà là xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo cho Hà Nội như thế nào. Làm thế nào để công chúng, các bên liên quan, nhất là những người phương xa và bạn bè quốc tế công nhận chúng ta “có một Thành phố sáng tạo” thực...

Liên quan những sự kiện trực tiếp - trực tuyến, người quan tâm có thể đăng ký tham dự buổi “hòa nhạc trực tuyến - trực tiếp” “Schubert in a Mug 8 - Italian Barroco”, sẽ diễn ra hôm nay 14-6 tại địa chỉ văn hóa 56 - 60 Nguyễn Thái Học, Hà Nội với sự biểu diễn của ba nghệ sĩ Việt Nam và hai nghệ sĩ nước ngoài, sẽ bắt đầu từ 20 giờ và có “link zoom” để xem - nghe trực tuyến.