Rộn ràng chương trình đón Xuân

Tết Nhâm Dần 2022 đang cận kề, các nhạc sĩ, nghệ sĩ ở khắp mọi miền đang có những dự định sản xuất chương trình hoặc hợp tác với các đài truyền hình để ra mắt chương trình đón xuân. Thời Nay đã ghi lại ý kiến của họ về không khí chuẩn bị những chương trình ý nghĩa đó.

Rộn ràng chương trình đón Xuân

Nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển: 

Hát về Người để lòng thêm trong sáng hơn

Trong  đêm Giao thừa năm nay, tôi sẽ hát trên sóng trực tiếp của Đài Phát thanh - Truyền hình Cần Thơ bài hát “Nguyện theo bước chân Người” do tôi sáng tác (múa minh họa Vũ đoàn Nhật Danh). Bài hát này tôi đã viết trong cuộc vận động sáng tác “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo TP Hồ Chí Minh phát động và được Giải C của Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 45 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Tôi đã biểu diễn bài hát này phục vụ các chương trình lễ hội của thành phố, tuy nhiên đây là lần đầu tôi biểu diễn trong chương trình đón Giao thừa. Tôi coi đây là may mắn, là vinh dự cho mình khi mà chúng ta đang đón một cái Tết đặc biệt, khi mà chúng ta chấp nhận sống chung với dịch.

Như chúng ta đã biết, Bác Hồ là người đã sáng lập và rèn luyện Đảng ta, đưa sự nghiệp cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và chính Người đã đem đến mùa xuân cho dân tộc, mùa xuân của độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Đọc nhiều tư liệu về Bác, tôi thấy tấm gương sáng của Người thiết tha với vận mệnh đất nước và những lời Người truyền dạy cho con cháu là “kim chỉ nam” để chúng ta phấn đấu trong công tác để cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân. Mùa xuân đến, hát về Bác Hồ lòng tôi rạo rực, bồi hồi và thêm trong sáng hơn.

Rộn ràng chương trình đón Xuân -0
 

Nhạc sĩ Lê Minh: 

Mang đến không khí đón xuân trên vùng cao Tây Bắc

Dịp đón Tết năm nay, Truyền hình Nhân Dân sẽ phát hai bài hát của tôi được quay trên Mộc Châu (Sơn La), đó là “Tiếng khèn mùa ban nở” (Thùy Dương, Trường Linh trình bày) và “Chợ nhớ” (Thùy Dương trình bày). Ca khúc “Tiếng khèn mùa ban nở” lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của một người thầy giáo đã qua một đời vợ, sau những năm tháng cô đơn thì cơ duyên đến khi một lần lên Quản Bạ (Hà Giang) dạy cho cán bộ, giáo viên, rồi cảm mến cô học trò kém mình 20 tuổi, cuối cùng họ đã nên duyên hạnh phúc. Đến bây giờ thành quả hơn 20 năm là có hai cậu con trai. Đây là bài hát mang âm hưởng Tây Bắc rất độc đáo. Bên cạnh tình yêu của đôi trai gái vùng cao đầy lãng mạn, mộng mơ và đầy chất thơ, còn là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp và sống động. 

Còn ca khúc “Chợ nhớ” gợi nhắc về phiên chợ mùa xuân vùng cao với khung cảnh đẹp và thơ mộng. Vẻ đẹp của người con gái làm chàng trai cứ mê mẩn, để rồi chàng “lạc lối” quên cả giờ về “Rượu tình em rót say say khướt ư dùng dằng... níu bước chân anh chẳng muốn về”. Sắc xuân thật tươi đẹp khi trời đất giao hòa. Thiên nhiên và con người vùng cao để lại trong chàng trai là những cảm xúc ấn tượng sâu sắc, ly rượu nếp nương và cả tình em cứ như níu giữ bước người đi. Tôi hy vọng hai bài hát này sẽ đem đến khán giả một vài nét chấm phá về không khí đón xuân trên vùng cao Tây Bắc, góp vào “bữa tiệc” âm nhạc vui xuân của các dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Rộn ràng chương trình đón Xuân -0
 

NSƯT Cao Ngọc Sơn (Nhà hát chèo Quân đội): 

Phục vụ những khán giả không thể về quê đón Tết

Dịp Tết này, tôi sẽ phát hành trên kênh YouTube “Sơn chèo” của mình hai bài hát, là bài hát văn “Tình xuân đẹp mãi lòng ta” của tác giả Ngụy Xuân Hai và bài hát chèo “Khát vọng mùa xuân” của tác giả Hoàng Công Chí. Hai bài hát đều có nội dung nói về thời khắc đón Tết trong không khí đầm ấm, vui tươi và cùng chúc phúc cho nhà nhà ấm no, hạnh phúc, an lành. Đặc biệt, năm nay khi tình hình dịch bệnh có những phức tạp, sẽ có những người xa xứ không thể về quê ăn Tết, bởi vậy hai sản phẩm như “món quà” mà tôi dành tặng họ để xoa dịu nỗi nhớ quê hương, gia đình. Tôi hy vọng khán giả sẽ tìm đến kênh của tôi cũng như hai bài hát đón xuân nói trên như để nương náu tâm hồn, để kiếm tìm ký ức về quê hương với biết bao tình cảm nặng sâu.

Dù kênh của tôi mới ra mắt nhưng đã có hàng nghìn người đăng ký, hàng chục nghìn người theo dõi. Tôi nghĩ rằng âm nhạc dân tộc luôn có chỗ đứng trong lòng khán giả và trách nhiệm của mỗi nghệ sĩ là hãy cố gắng, nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo cho ra mắt những sản phẩm âm nhạc thật dung dị, gần gũi, dễ đi vào lòng người. Tôi luôn ý thức được rằng mỗi sản phẩm mình làm ra đều phải mang thông điệp nhân văn, ý nghĩa, hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ và phải có chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt, sinh động, hấp dẫn.

Rộn ràng chương trình đón Xuân -0
 

Đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt, Giám đốc Sân khấu Sen Việt, TP Hồ Chí Minh: 

Sau tiếng cười là những bài học làm người thấm thía

Dịp Tết năm nay chắc chắn sẽ có nhiều người dân ở TP Hồ Chí Minh không thể về quê đón Tết, bởi vậy Sân khấu Sen Việt TP Hồ Chí Minh sẽ công chiếu hai vở, là vở hài dân gian “Chuyện làng Hồng Phúc” và vở tâm lý hiện đại “Chuyện nhà ông Hổ”. Hai vở này đã giành giải tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc vừa qua, vở “Chuyện làng Hồng Phúc” giành Huy chương đồng còn vở “Chuyện nhà ông Hổ” đã giành Huy chương bạc. Hai vở đều phê phán việc con người tranh giành quyền lợi, chức vụ mà quên đi lợi ích của làng xóm, quê hương, đồng thời gửi gắm thông điệp hãy sống vì mọi người, con người sống với nhau cần tình yêu thương với nhau. Bên cạnh tính thông điệp thì vở diễn còn mang tính giải trí để mang đến tiếng cười cho khán giả trong không khí xuân đang ngập tràn trên thành phố mang tên Bác. Hiện nay số lượng vé đã phát hành được 50% và chúng tôi lạc quan rằng, từ nay đến khi công diễn số vé sẽ được bán hết.