Phát triển du lịch bền vững

Trong xu thế dần khôi phục du lịch sau đại dịch Covid-19, có định hướng phát triển du lịch bền vững, thân thiện hơn môi trường. Hội An là một trong những địa phương đầu tiên có những hoạt động cụ thể nhằm chuẩn bị cho xu hướng này.

Du lịch xanh kết hợp với nét văn hóa bản địa đặc sắc sẽ giúp du lịch Hội An phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Du lịch xanh kết hợp với nét văn hóa bản địa đặc sắc sẽ giúp du lịch Hội An phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Nhiều doanh nghiệp tham gia “cam kết xanh”

Tính đến cuối năm 2019, mỗi năm Hội An (Quảng Nam) thu hút tới năm triệu du khách trong và ngoài nước. Các loại rác thải phát sinh từ hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm đến 40% trong tổng số lượng rác thải hằng ngày của thành phố. Việc gia tăng phát thải, chủ yếu là rác thải hữu cơ, các loại rác thải nhựa dùng một lần và túi nylon chiếm đến 23% tổng lượng rác phát sinh, gây quá tải cho bãi rác tập trung của thành phố tại xã Cẩm Hà.

Hiện, TP Hội An đang phân loại rác tại nguồn, xử lý rác dễ phân hủy theo cách thân thiện với môi trường, giảm việc sử dụng và tăng tỷ lệ tái chế đối với rác nhựa. Một số doanh nghiệp đã đi tiên phong trong việc hướng đến thương hiệu, sản phẩm du lịch thân thiện môi trường. Một số doanh nghiệp có dịch vụ tái chế rác thải nhưng do ảnh hưởng của dịch nên hoạt động của doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại và hiệu quả của các hoạt động nêu trên không như kỳ vọng.

Chị Hoàng Ngọc Mai (Managing Editor của tạp chí Destination Review) cho biết, trong nửa cuối năm 2021 có nhiều dấu hiệu khả quan từ việc các quốc gia hay các điểm đến trên thế giới đang bắt đầu mở cửa trở lại cho du lịch cả nội địa lẫn quốc tế với xu hướng bao trùm là du lịch bền vững hay du lịch xanh, hướng đến du lịch có trách nhiệm hơn trong tương lai.

Tại lễ ký kết và công bố “Khung Kế hoạch doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An - Điểm đến xanh - Giai đoạn 2021 - 2023” vừa qua, bà Bùi Thị Thu Hiền - Quản lý Chương trình Biển và Tài nguyên ven bờ Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho biết: “Ý tưởng xây dựng Khung kế hoạch được IUCN và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hội An lên ý tưởng từ năm 2019. Ý tưởng này đã có sự tham gia và cam kết của 36 doanh nghiệp tại địa phương. Hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia nhằm thúc đẩy một hệ sinh thái tái chế góp phần giảm rác thải rắn nói chung và rác thải nhựa nói riêng tại TP Hội An.

Cụ thể từ chiếc ống hút…

Ông Nguyễn Minh Lý, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cũng nhấn mạnh, du lịch xanh và thân thiện với môi trường hậu Covid cần sự quan tâm của các bên liên quan. Một mô hình kinh tế và xã hội bền vững có thể thực hiện được nếu tất cả các bên liên quan cam kết tham gia và tạo điều kiện giảm chất thải. 

Khi bắt đầu thực hiện theo khung kế hoạch, các doanh nghiệp sẽ có những hoạt động theo tiêu chí cụ thể, với mục tiêu giảm rác thải đã nêu rõ từng phần như: Tổ chức chiến lược, nhân sự thực hiện và lồng ghép vào chương trình chung của doanh nghiệp; Từ chối sản phẩm nhựa dùng một lần (ống hút, hộp xốp…); Tiết giảm sản phẩm khó tự xử lý (túi nylon, bao bì nhựa); Tái sử dụng sản phẩm có bao bì có thể sử dụng lại (chai lọ, sản phẩm tẩy rửa…); Thay thế sản phẩm và vật liệu có thể thay thế (ống hút, hộp thức ăn… sản xuất bằng nguyên liệu thân thiện môi trường như tre, giấy…); Truyền thông (duy trì và tăng cường nhận thức, kỹ năng); Tạo sản phẩm và dịch vụ hướng tới du lịch xanh. 

Trong tọa đàm về kinh tế tuần hoàn, giảm rác thải nhựa ngay sau lễ ký cam kết, bà Nguyễn Thị Thu Trang, đồng sáng lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) cũng chia sẻ: “Dự án Giảm ô nhiễm nhựa với các giải pháp địa phương tại Hội An mong nơi này trở thành điểm đến xanh, giảm rác nhựa, phát triển kinh tế tuần hoàn, là tiền đề để nhân rộng quy mô tới các địa phương khác”.

Các chuyên gia cho rằng, kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Trong đó, giảm chất thải là cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế tuần hoàn, tức là một hệ thống kinh tế tăng hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và giảm tác động đến môi trường của các sản phẩm. 

Theo khung hành động, từ 2021 - 2022 với 36 doanh nghiệp, dự kiến từ 2022 - 2023 sẽ là 100 doanh nghiệp với mục tiêu giảm 30% rác nhựa khó tái chế, sử dụng một lần trước năm 2023, tiến tới giảm 100 % lượng rác này trước năm 2030; tái chế tối thiểu 50% rác hữu cơ trước năm 2030.