Những gợi ý qua “Hải quốc từ chương”

Di sản văn chương về biển đảo Việt Nam đã một lần nữa được khảo chú, bổ sung lên đến gần 350 tác phẩm thời trung - cận đại và gần 100 tác phẩm dân gian (ca dao, tục ngữ, hò vè) tại cuốn sách “Hải quốc từ chương - Tùng thư văn học biển đảo” (NXB Khoa học xã hội) của PGS, TS Trần Trọng Dương. Không chỉ đồ sộ về mặt số lượng, mà từ góc tiếp cận đối tượng khảo cứu, độc giả sẽ thấy những gợi ý thú vị từ kho tàng của cải ông cha để lại cho con cháu hôm nay.

Cuốn sách “Hải quốc từ chương”.
Cuốn sách “Hải quốc từ chương”.

Tiếng Việt trong mỗi người

Tiếng Việt giàu thanh điệu biểu cảm, tiếng Việt mang giá trị tinh thần Việt, tiếng Việt ngoài chức năng thông tin ngôn ngữ, còn mang hồn quê hương. Tìm về cái hay cái đẹp của tiếng Việt là hành trình “tơ lụa” của biết bao thế hệ người Việt. “Hải quốc từ chương” ra đời trên hành trình đó, từ tâm thế của tác giả, từ tâm trạng của người hôm nay trước một thực tại luôn biến đổi không ngừng, dựa vào cội nguồn để vững, để mà chắc dạ, yên tâm. Sẽ thanh thản, từ tâm thôi, khi học được từ tiền nhân cái ung dung tự tại: “Sáng leo lên đỉnh mây trời/Tối về vụng biển nằm ngơi trang vàng” (trích trong bài thơ “Hạnh An Bang phủ” của vua Trần Thánh Tông (1240-1290). 

Tác giả cuốn sách đã tìm lại và đưa đến cho người đọc những giá trị văn chương trung - cận đại hữu ích cho đời sống hiện đại. Như chính anh đã bộc bạch: Các sáng tác văn học biển của các tác giả nổi tiếng, phần lớn là các nhà nho, nhà văn hóa, hoàng đế, như Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Minh Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…, là những tác phẩm tạo nên sự phong phú về nội dung và nghệ thuật. Từ không khí chung là vẻ đẹp non sông, gắn với các chiến tích lẫy lừng thủy chiến, cùng những đau xót phận người trước thiên tai… “Không thể nghi ngờ rằng, văn học biển đảo chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam. Những tác phẩm này, ngoài giá trị như những sử liệu, còn mang nhiều giá trị về mặt nghệ thuật”, Trần Trọng Dương nhấn mạnh.

Những áng văn chương về biển Việt trong quá khứ cũng như thực tại, luôn khiến người đọc mênh mang, được tiếp sức từ đó nguồn truyền thống mặn mòi, sâu lắng, bao la, một truyền thống đầy hảo cảm tự hào: “Biển đông vạn dặm giang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình” (Trích trong bài thơ “Cự Ngao đới”, Nguyễn Bỉnh Khiêm), từ hàng trăm năm trước, tiền nhân vẫn như đang nói với chúng ta hôm nay.

Văn chương về biển từ không gian văn hóa

Trước nay, nghĩ đến văn học, chúng ta thường đặt tác phẩm vào phân kỳ lịch  sử, gắn với những sự kiện chính trị xã hội của thời đại mà tác phẩm ra đời, để hiểu hơn, để dễ cảm nhận hơn. Ở đây, những tác phẩm văn học biển Việt còn được tác giả khảo chú từ góc nhìn không gian địa lý lịch sử. Theo Trần Trọng Dương: “Các văn liệu Hán Nôm thời trung đại, một cách khách quan, đã phản ánh quá trình đông tiến của các cửa sông/cửa biển và của con người. Vì thế, khi tiến hành sưu tầm các văn liệu biển đảo, đề tài còn chú ý đến tính lịch sử của các địa danh này. Ở một chừng mực nào đó, các văn liệu này còn có thể coi như những sử liệu quý giá cung cấp cho khoa địa lý học lịch sử”. 

Với tâm niệm này, chắc chắn, bên cạnh việc thưởng thức, cảm nhận lại những áng văn chương biển đảo, người đọc còn được gợi mở tri thức về những địa danh lịch sử, những phong tục tập quán vùng miền, những ứng xử văn hóa biển đảo giàu bản sắc… từ phần chú giải tác phẩm. Góc nhìn văn chương từ không gian địa lý lịch sử còn mở ra hướng tư duy, ngõ hầu gợi ý cho những người làm lịch sử hôm nay, một hướng tiếp cận liên ngành.

Cũng giống như những ấn phẩm trước của Trần Trọng Dương, “Hải quốc từ chương” với hàm lượng khoa học đã được các nhà chuyên môn đánh giá nghiệm thu, cùng diện đối tượng văn chương anh quan tâm khảo cứu, chúng ta có ngay một hình dung: đây là kết quả của cả một quá trình nghiêm ngắn chuyên tâm từ trẻ. Với những cuốn sách lần lượt ra đời, Trần Trọng Dương được ví như một gạch nối giữa truyền thống (Hán Nôm) và hiện đại. Anh đưa đến những mã thông tin văn hóa Việt tin cậy hữu ích cho chúng ta trong sáng tạo, trong đời sống. 

Đặc biệt, đối với những người trẻ quan tâm đến văn hóa truyền thống, “Hải quốc từ chương” chính là một tập hợp tư liệu ngồn ngộn hình tượng văn hóa biển và “ký hiệu” ngôn từ đã được thuần Việt trong không gian và thời gian qua văn chương, đó là những gợi ý quý báu.