Nhiều lối vào lịch sử muôn màu (Kỳ 2)

Kỳ 2: Mở thêm ra những bài học quý

Nhiều bạn trẻ chọn trang phục truyền thống Việt để chụp ảnh làm kỷ yếu.
Nhiều bạn trẻ chọn trang phục truyền thống Việt để chụp ảnh làm kỷ yếu.

Từ những câu chuyện được kể hay mô hình được trưng bày trong bảo tàng, di tích, các không gian văn hóa, có thể nhận ra, rút ra những bài học để áp dụng vào đời sống đương đại. Cần ứng dụng rộng rãi và có thêm những giải pháp cập nhật hơn để các giá trị lịch sử đa dạng hòa mình vào xã hội ngày nay.

Hài hòa, hợp lý

Trong sự phát triển kinh tế, việc truyền tải các giá trị lịch sử, văn hóa cần được hướng tới những giá trị vật chất nhất định. Hoạt động kinh doanh lành mạnh và sáng tạo sẽ tạo động lực cho công chúng thêm trân trọng lịch sử và lưu giữ bản sắc văn hóa Việt. Qua đó, việc tuyên truyền về lịch sử còn có tác dụng tạo sức hút, tạo ra lợi nhuận để duy trì lâu dài.

Một thí dụ, chế tạo sản phẩm dựa trên nguyên liệu hay họa tiết từ lịch sử văn hóa là cách hay để thương mại hóa. Như các sản phẩm gốm Bát Tràng vẫn mang tính ứng dụng cao trong đời sống với những bộ đồ thờ, gia dụng ấm chén, bát đĩa, bình hoa... kết hợp hài hoà giữa màu men, họa tiết truyền thống với sắc màu của hơi thở đương đại. Hoặc sau nhiều năm mày mò nghiên cứu về lịch sử, các hoa văn Việt cổ, may mặc, thiết kế, đến nay doanh nghiệp V’style đã phát triển song song cả hai dòng sản phẩm là Việt Cổ Phục truyền thống và Việt Phục cách tân. Chị Trần Thị Trang, chủ cửa hàng V’style chia sẻ: “Việc cách tân cần nhất là sự khéo léo giữ lại những đặc điểm chính để có thể phân biệt được cái hồn của lịch sử Việt. Nếu chỉ phục dựng sản phẩm thì tính ứng dụng sẽ không cao và sẽ không phổ biến rộng rãi được”.

Lẽ đương nhiên, nếu muốn Việt Cổ Phục đến được với xã hội, được nhiều người sử dụng thì việc cách tân sản phẩm để phù hợp hơn với nhiều người dùng, nhiều mục đích sử dụng là điều tất yếu. Nếu không, các sản phẩm sẽ chỉ như những bức tranh đẹp, chỉ có thể ngắm nhìn mà khó có thể chạm tới. Tuy nhiên, vận dụng lịch sử, văn hóa vào kinh doanh là ý tưởng hay nhưng vẫn chưa có sự thống nhất trong định hướng phát triển. Như với trang phục mang màu sắc lịch sử, khách hàng cũng chưa dành nhiều tâm huyết. Số lượng các đơn vị mua để sử dụng cho mục đích công nghiệp hoặc kinh doanh nhỏ vẫn còn hạn chế, dẫn đến sự phát triển của thị trường chưa hiệu quả và lợi nhuận không cao.

Bên cạnh đó, câu chuyện khai thác, sáng tạo từ lịch sử mà không làm mất đi giá trị vốn có cũng là vấn đề đáng được quan tâm. Giống như việc lấy lịch sử “trộn” với hiện đại, phải biết cách “trộn” sao cho khéo, cho hợp lý.  Điều này đòi hỏi rất lớn từ sự sáng tạo, am hiểu về lịch sử và sự hiểu thời đại. Về vấn đề này, GS, TS Trịnh Sinh cho rằng: “Lịch sử phải là một khoa học tôn trọng sự thật. Nếu không có chuyên môn thì “lợi bất cập hại” sẽ làm sai lệch lịch sử. Làm việc gì cũng cần phải có chuyên môn sâu, nhất là những vấn đề liên quan đến lịch sử, không khéo sẽ phản cảm, sai lạc lịch sử”.

Nhiều lối vào lịch sử muôn màu (Kỳ 2) -0
Các em học sinh thi kể chuyện theo sách. Ảnh: LÊ MINH

Sinh động hóa những câu chuyện trong nhà trường

Rất nhiều nét tinh túy của lịch sử, đặc biệt là về văn hóa trang phục, văn hóa ẩm thực, văn hóa lối sống… đến nay vẫn có thể được áp dụng vào đời sống thường ngày. Việt Nam được biết đến là quốc gia đa dạng văn hóa mỗi vùng miền, dân tộc, việc mỗi địa phương phát huy các bản sắc đặc trưng sẽ giúp tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng. Để làm được điều này, cần phải tạo ra thật nhiều “chất xúc tác” cho người dân.

Với các em học sinh, cùng lúc tiếp nhận nhiều môn học khác nhau, việc truyền tải lịch sử sao cho sáng tạo, thoải mái phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên. Cô Hà Thanh, giáo viên dạy Lịch sử Trường THCS Ninh Xuân, Ninh Bình cho biết: “Để những tiết học lịch sử được hay hơn, các thầy cô thường tổ chức dưới nhiều hình thức, tùy từng nội dung bài học mà sẽ lồng ghép trong chương trình chính khóa, dạy ngoại khóa, dạy trải nghiệm (nếu có điều kiện), xem video về nội dung bài...”. Bên cạnh việc học sinh tiếp cận chủ yếu qua sách giáo khoa, các em cũng sẽ được tạo cơ hội tìm hiểu, trao đổi, trình bày trước lớp trên bảng phụ hoặc máy chiếu. Bên cạnh đó, những chia sẻ và giảng dạy về lịch sử của giáo viên sẽ giúp mở rộng thêm sự hiểu biết của các em và vận dụng kiến thức liên môn trong dạy học lịch sử”.

Tổ chức buổi tham quan cũng là cách để thầy cô đưa lịch sử văn hóa dân tộc tới gần hơn các học sinh. Đây là hình thức khen thưởng những em học sinh có thành tích xuất sắc được đi tham quan các địa danh nổi tiếng của địa phương. Sự đa dạng của điểm đến trong mỗi chuyến đi vừa giúp các em hiểu hơn về lịch sử văn hóa nước nhà vừa tiếp thêm động lực giúp các em cố gắng hơn trong quá trình học tập.

Làm giàu cho nghệ thuật

Mặt khác, lịch sử còn là nguồn cảm hứng bất tận của nghệ thuật. Tính đến hiện tại, âm nhạc có sử dụng chất liệu lịch sử đã chạm tới trái tim nhiều khán giả. Sử dụng các yếu tố văn hóa, lịch sử để dẫn dắt câu chuyện âm nhạc, nhiều ca khúc khai thác các yếu tố lịch sử, văn hóa đã mang lại thành công, trở nên phổ biến và nhận về những phản hồi tích cực trên các trang mạng xã hội.

Các giai điệu truyền thống như chèo, cải lương hay ca dao còn có thể xuất hiện song hành cùng âm nhạc đương đại. Thành công tiêu biểu phải kể đến “Về nghe mẹ ru” của “Cải lương chi bảo” NSND Bạch Tuyết và hai bạn trẻ Hoàng Dũng, Hứa Kim Tuyền. Sự kết hợp độc đáo giữa cải lương và dòng nhạc EDM giúp “Về nghe mẹ ru” cùng lúc lọt vào tốp 10 ở 3 bảng xếp hạng nghe nhạc trực tuyến có tiếng ở Việt Nam tại thời điểm ra mắt bao gồm: BXH Billboard Vietnam Top Vietnamese Songs, BXH zingchart và BXH nhac.vn. Với độ phủ sóng lớn, tân cổ “Về nghe mẹ ru” đã giúp giới trẻ có hứng thú hơn với dòng nhạc truyền thống của đất Việt.

Như vậy, để tiếp tục vững bước trên hành trình tìm về nguồn cội, cần phải tìm nhiều cách lan tỏa nội dung lịch sử trong bối cảnh hiện tại. Bởi khi chúng ta sáng tạo, với điểm nhìn đứng đắn, hoàn toàn có thể tạo nên những thành quả sâu sắc khi biết đánh thức những nét đẹp tiềm ẩn và tiếp tục truyền cảm hứng cho công chúng bằng những giá trị văn hóa, lịch sử đích thực. Để làm được điều này, không chỉ cần định hướng, chính sách, cơ chế của Nhà nước mà rất cần sự tiếp nối, chung tay sáng tạo, áp dụng của cả cộng đồng. Đó là con đường để có nhiều hình thức phổ biến rộng rãi lịch sử văn hóa, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu văn hóa Việt Nam.