Nhận diện áo dài Việt Nam

“Áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng cả một bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý, những quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam”, đó là ý kiến của PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Hội thảo khoa học quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”.

Một tiết mục trình diễn tại Festival Áo dài Việt Nam.
Một tiết mục trình diễn tại Festival Áo dài Việt Nam.

Hội thảo do Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức, là diễn đàn để các chuyên gia nhận diện về cộng đồng cũng như các trung tâm hình thành và lan tỏa của tập quán mặc áo dài. Từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao nhận thức về giá trị của trang phục áo dài nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung trong đời sống đương đại. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý, các nhà thiết kế thời trang đã trình bày nhiều ý kiến về: Lịch sử phát triển của áo dài Việt Nam; Giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, xã hội của áo dài Việt Nam; Bản sắc văn hóa và biểu tượng của áo dài Việt Nam cùng những tập quán liên quan trang phục áo dài Việt Nam; Nghiên cứu về sự đa dạng, thay đổi kiểu cách, thiết kế và cắt may áo dài, Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa áo dài Việt Nam…

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, áo dài ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục Việt Nam, của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo và cách tân cho phù hợp nhu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại. Từ việc được sử dụng làm đồng phục công sở hay đồng phục học sinh, sinh viên đến những ngày lễ lớn của dân tộc, đâu đâu trên mảnh đất Việt Nam cũng có thể thấy thấp thoáng tà áo dài Việt Nam truyền thống. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà bà James Sterson, một người Mỹ đã nói rằng: Không một đất nước nào có một trang phục dân tộc vừa đẹp, truyền thống mà lại có chiều sâu văn hóa nhờ tà áo dài như Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang (Cục Di sản văn hóa) cho rằng: Những thực hành liên quan trang phục truyền thống áo dài của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể và có thể đáp ứng các tiêu chí của di sản đăng ký vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy: Việc nhận diện chính xác những giá trị bán nội hàm di sản văn hóa phi vật thể này sẽ giúp cho việc xây dựng hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam, đệ trình vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO.