Người giữ hồn văn hóa Cơ Tu

Ở làng Gừng, thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam vẫn còn một nghệ nhân luôn đau đáu việc bảo vệ, phát triển văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Ông A Lăng Đợi, 56 tuổi, hằng ngày vẫn ngồi dưới mái nhà Gươl, bên ché rượu cần, kể những câu chuyện mang đậm nét núi rừng, buôn làng.

Các chi tiết điêu khắc tỉ mỉ trên cột nhà Gươl được A Lăng Đợi phục dựng.
Các chi tiết điêu khắc tỉ mỉ trên cột nhà Gươl được A Lăng Đợi phục dựng.

Mạch văn hóa luôn trôi chảy

Còn nhớ năm 2019, trong Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - Thế giới lần thứ năm tại TP Hội An, nghệ nhân A Lăng Đợi xuất hiện trong trang phục già làng, đầu đội mũ lông chim, mặc quần áo thổ cẩm của người Cơ Tu. Hôm nay, chúng tôi gặp lại ông tại ngôi nhà Gươl trên triền đồi ở làng Gừng, do chính ông thiết kế, cùng thanh niên trong làng xây dựng. Vẫn đôi mắt sáng to cùng giọng nói chắc khỏe của người con miền núi đại ngàn Đông Giang.

Ông vừa trở về sau chuyến gặp gỡ đoàn cán bộ văn hóa từ TP Hồ Chí Minh ở làng văn hóa Toom Sara (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ngôi làng này được ông góp sức phục dựng). Những chuyến đi - về của ông cứ liên tục. Nhưng ông không mệt. “Tôi rất vinh dự được mang văn hóa Cơ Tu của mình đi xây dựng ở một vùng đất thành phố. Vì chiến tranh mà những nét văn hóa dân tộc bị người dân ở thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) và hai thôn là Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) của TP Đà Nẵng quên dần. Tôi đã có cơ hội truyền lại các làn điệu hát lý, hát giao duyên, múa Tung Tung Da Dá, điêu khắc gỗ... cho bà con”, ông kể.

A Lăng Đợi đã bước đầu thành công trong việc lưu giữ, phục dựng lại một bản làng mang đậm sắc thái Cơ Tu. Ngôi làng ở Toom Sara với mái nhà Gươl, những ngôi nhà Moong lợp bằng lá nón vừa dùng để ở mà có thể kết hợp làm du lịch đã thu hút được sự quan tâm từ du khách. Anh Vương Quốc Huy, khách du lịch đến từ tỉnh Quảng Ngãi giãi bày: “Việc bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể ở làng Toom Sara này rất tốt. Các nghề truyền thống của người Cơ Tu gần như được các nghệ nhân bảo tồn và phát triển trọn vẹn từ nghề dệt thổ cẩm, nghề chế biến rượu hay các loại nhạc cụ mang đậm bản sắc người Cơ Tu. Đặc biệt, ngôi nhà sàn với những chi tiết nhỏ cũng được chăm chuốt kỹ càng. Tôi cảm thấy thật may mắn khi ở thời điểm này mà vẫn còn có thể ngắm nhìn, chiêm nghiệm nét đặc trưng văn hóa của đồng bào Cơ Tu”.

Lưu truyền cho thế hệ sau

Ở tuổi 56, A Lăng Đợi cứng cáp tựa như cây lim giữa đại ngàn. Nhiều nét văn hóa lâu đời trong làng của đồng bào Cơ Tu, ông Đợi thuộc nằm lòng. Đó là những nghi lễ cúng bái thần linh mỗi lần đi đốn gỗ dựng nhà, đến nghi thức mừng cơm mới hằng năm. “Lễ mừng cơm mới, nhà nào cũng cúng mừng hết, họ đi bắt cá ở suối, xin từ rừng các sản vật như chuột, chim... để cúng thần linh trước. Sau đó, đem hết lên nhà Gươl để cúng lại và tổ chức ăn uống tập thể, vui lắm...”, ông hồ hởi kể.

Ngôi nhà gỗ của ông ở làng Gừng luôn tấp nập người lui tới. Họ là những đoàn khách đi tham quan, những người học trò mà ông đang truyền lại kiến thức, nghi lễ xưa. Trong đó, A Ting Nuôi và A Ting Nay là những học trò xuất sắc, họ đã đủ khả năng điêu khắc, xây các loại nhà truyền thống của người Cơ Tu. “Những kiến thức già Đợi truyền dạy thì khó nhưng già Đợi rất nhiệt tình chỉ bảo. Ở đây, em được học điêu khắc gỗ, học đánh cồng chiêng của người Cơ Tu, vui lắm”, chàng thanh niên A Ting Nuôi cười nói. Học trò của A Lăng Đợi còn có A Lăng Blêu cũng tài năng không kém. Hiện nay, khả năng điêu khắc gỗ của Blêu đã được khẳng định. Những sản phẩm điêu khắc vốn cần làm trong nửa tháng thì Blêu chỉ cần năm ngày là hoàn thiện.

Quay lại thuở thiếu thời của A Lăng Đợi, từ khi lên 15 tuổi, ông đã đi theo người cậu của mình là già làng A Ting Neh lúc bấy giờ. Đây là người thầy đầu tiên truyền dạy cho A Lăng Đợi nghề điêu khắc gỗ truyền thống. Từ việc búng dây mực giúp cậu rồi chuyển sang học điêu khắc gỗ, rồi trí tò mò, niềm say mê dần dần thôi thúc chàng trai. Thuở đó tiếp thu, tìm tòi kinh nghiệm. Bây giờ, ông đã như một “kho sử sống” của bản làng Cơ Tu ở huyện Đông Giang.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, A Lăng Đợi là một người rất có trách nhiệm, năng nổ. “Ông A Lăng Đợi còn tham gia các hoạt động về văn hóa ở địa phương cũng như các khu vực lân cận, những hoạt động đó đều liên quan đến giá trị lâu đời của người Cơ Tu, huyện Đông Giang”, bà Hương cho biết.

Nghệ nhân A Lăng Đợi sinh năm 1964 tại làng Gừng, thị trấn P’rao, huyện Đông Giang. Gần 10 năm nay, ông được địa phương lựa chọn đóng vai vị già làng trong những đợt giao lưu, giới thiệu văn hóa Cơ Tu tại nhiều nơi như Hội An, TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội. Ông là một trong 26 nghệ nhân tiêu biểu ở địa phương, được UBND huyện Đông Giang tặng giấy khen nhân tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.