Ngày hội Sen và âm nhạc nơi nơi

Những ngày cuối tháng 5, nhiều lễ hội và ngày hội âm nhạc diễn ra nơi nơi.

Đúng ngày sinh nhật Bác (19/5), tại quảng trường Văn Miếu (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ nhất được khai mạc với chủ đề “Sen ngày mới”. Một loạt các hoạt động văn hóa, du lịch ấn tượng diễn ra từ 19 đến 21/5 như: Hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm sen Đồng Tháp; chương trình nghệ thuật “Sen trong tôi” trình diễn áo dài, áo bà ba; hoạt động giao lưu, tôn vinh những người trồng sen giỏi và những người sản xuất, chế biến sản phẩm từ sen; chương trình giao lưu đờn ca tài tử - hò Đồng Tháp. Tỉnh Đồng Tháp cũng lập kỷ lục 200 món ăn chế biến từ sen. Song song lễ hội là Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long lần thứ II. 

Trong ngày 20/5, tại Bảo tàng Áo dài Việt Nam (TP Thủ Đức), Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình “Gia đình Việt” với sinh viên Lào, Campuchia tại TP Hồ Chí Minh. Trong chương trình, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã trao tặng 30 bộ áo dài cho nữ sinh viên Lào, Campuchia.

Còn tại khu vực Tây Nguyên, tối 20/5, bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 tại Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk. Liên hoan do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức từ 18 đến 20/5, thu hút 150 nhạc sĩ, nghệ sĩ của 20 tỉnh, thành phố tham gia. Với  51 tác phẩm âm nhạc mới sáng tác được dàn dựng và trình diễn. Trong đó, có 49 ca khúc và hai tác phẩm khí nhạc, tứ tấu và độc tấu. Một số ca khúc gây được ấn tượng mới trong khán giả có thể kể như: “Về đây em phải thế” (Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai); “Khúc tháng Giêng” (Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Yên); “Làng” (Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh); “Hồi sinh” (Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế); “Điệp khúc đại ngàn” (Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi)… Sau Liên hoan đợt 1, đại diện Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ thành lập Trung tâm âm nhạc Tây Nguyên nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc, đặc biệt là chất liệu âm nhạc dân tộc đáng quý ở đây… 

Để phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ (được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2013), toàn tỉnh Kiên Giang hiện có gần 100 câu lạc bộ và nhóm đờn ca tài tử tại 15 huyện, thành phố với hơn 1.500 người tham gia sinh hoạt. Hằng năm, Kiên Giang tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, giao lưu đờn ca tài tử vào các dịp lễ, Tết. Bên cạnh đó, tỉnh có chương trình kết nối và mở rộng không gian sinh hoạt đờn ca tài tử toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long như: Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.