Mang chất dân tộc “đi để trở về”

Qua 32 bức tranh tại triển lãm “Dân tộc - Hiện đại”, họa sĩ Nguyễn Đại Giang bằng tình yêu với văn hóa dân tộc, đã mang những nét truyền thống, bình dị của văn hóa Việt để làm mới nghệ thuật. 

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang giới thiệu tác phẩm với người xem.
Họa sĩ Nguyễn Đại Giang giới thiệu tác phẩm với người xem.

Cái tôi của Đông - Tây 

Chiều 24/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đã khai mạc triển lãm “Dân tộc - Hiện đại” với nghệ thuật đảo ngược UPSIDEDOWNISM độc đáo của họa sĩ Nguyễn Đại Giang.

Nguyễn Đại Giang sinh năm 1944 tại Hà Nội. Ông từng theo học tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, sau đó tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Liên Xô năm 1974. Khả năng hội họa của chàng trai trẻ khi ấy được bộc lộ rõ khi đã có tranh được lưu giữ tại viện bảo tàng Nga từ những năm 1973, khi mới chỉ là một chàng sinh viên trẻ theo học tại Moscow. Tại triển lãm, ông bộc bạch, trước khi trở về Việt Nam, từng có nhiều năm sống ở Mỹ. Sáng đi làm, tối lại về tiếp tục với đam mê vẽ tranh. Qua những bức tranh của ông, người xem thấy được cái tôi độc đáo, mới mẻ tạo nên từ vốn hiểu biết phong phú cùng với sự  kết hợp của hai nền văn hóa Đông - Tây.

Nghệ thuật đảo ngược được cho là cũng đã có trong văn hóa của dân tộc với những kiệt tác mỹ thuật cổ, tranh dân gian. Tranh đảo ngược thường được vẽ bằng hai chiều có trên có dưới, có đúng có sai, có âm có dương. Họa sĩ Nguyễn Đại Giang mong muốn kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc để phát triển nghệ thuật đảo ngược. Điều mà tác giả luôn đau đáu trong lòng, chính là mang dân tộc mình “khoe” ra với bạn bè quốc tế. Ông tâm sự, chính văn hóa của dân tộc làm nên nét riêng, sự thu hút cho những bức tranh của ông. Và cũng chính nghệ thuật đảo ngược đã mang lại sự biến đổi mới mẻ cho con đường của ông trên nền tảng văn hóa dân tộc. Điều đó giống như một mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau của dân tộc và hiện đại.

Mang chất dân tộc “đi để trở về” -0
Họa sĩ Nguyễn Đại Giang đã được nhận một số giải thưởng quốc tế. 

Sáng tạo từ bản sắc 

Đối với họa sĩ Đại Giang, chất dân tộc luôn được đặt lên hàng đầu, là khởi nguồn cho mọi cảm hứng sáng tác nghệ thuật của ông. Chính vì thế, ngay từ cái tên triển lãm, họa sĩ đã chọn “Dân tộc” đứng trước “Hiện đại” để đề cao chất liệu dân tộc, văn hóa truyền thống.

Tác giả chia sẻ: “Khi ở Mỹ, đầu tiên tôi vẽ về các đề tài ở đây và có một số giải thưởng. Dần dần tôi suy nghĩ mình là người Việt Nam, đâu cần thiết mình vẽ người Mỹ, từ đó tôi vẽ về những gì mình đã sống ở Việt Nam những lúc mình còn nhỏ, những kỷ niệm ở quê hương, những gì đặc sắc nhất, nhỏ nhặt nhất của đời sống. Mình không đưa văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế thì ai sẽ làm đây?”.

Trong triển lãm này, Nguyễn Đại Giang tập trung khắc họa những vẻ đẹp của văn hóa truyền thống như ca trù, trò chơi ô ăn quan, đàn bầu… hay những sinh hoạt hằng ngày như chợ bán cá, không khí Tết Nguyên đán, không khí gia đình… Về hình thức thể hiện, tranh của ông có bố cục khái quát, giản dị nhưng linh hoạt trong cấu trúc tạo hình của nghệ thuật đảo ngược. Mầu sắc sặc sỡ hài hòa trong một chỉnh thể được cho là phù hợp nhân sinh quan của người Việt. Qua đó thể hiện một cuộc đời tươi đẹp, nhẹ nhàng mà đáng sống. Người xem tìm thấy ở những bức tranh niềm yêu đời, phù hợp nếp sống lạc quan của con người Việt Nam.

Họa sĩ Bằng Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Xem tranh của họa sĩ Nguyễn Đại Giang tôi thấy có sự hài hòa giữa dân tộc và hiện đại. Ở đó tôi thấy được một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc sáng tạo, thấy được hình ảnh dân tộc của mình. Trong sự sáng tạo ấy, tôi thấy được nét hiện đại trong cách thể hiện cảm xúc, tâm tư tình cảm của người nghệ sĩ. Ông có một cái nhìn sâu lắng với những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc bằng một cảm xúc mãnh liệt. Tôi mong rằng chúng ta sẽ có nhiều nghệ sĩ có những sáng tạo như vậy để làm cho nền nghệ thuật của nước nhà ngày càng phong phú đa dạng”.

Triển lãm sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 31/5.

Họa sĩ nhấn mạnh thêm, tôi ở nước ngoài, tôi càng vẽ về dân tộc bao nhiêu càng được coi trọng bấy nhiêu. Thế giới cần cái độc đáo của dân tộc anh, cái hay đó cần được phô ra, được sáng tạo và phát triển để không bị lãng quên. Muốn tồn tại, anh phải đưa được nét riêng của dân tộc anh một cách sáng tạo, anh càng đưa hay bao nhiêu, càng mạnh bao nhiêu thì anh càng thành công bấy nhiêu.