Lưu ký ức Sài Gòn ngày dịch

Mê sưu tầm đồ cổ và được biết đến với rất nhiều bộ sưu tập, kỷ lục quốc gia, nhưng mấy tháng nay, anh Huỳnh Minh Hiệp, Phó Chánh văn phòng Trung tâm UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam lại “phá lệ”, sưu tầm toàn đồ mới. Bộ sưu tầm với hơn 1.000 hiện vật liên quan đến đợt dịch thứ tư tại TP Hồ Chí Minh mà anh dành nhiều tâm sức tìm kiếm, lưu giữ đang khiến không ít người xúc động. Họ nhìn thấy một chặng đường gian nan nhưng đầy tình thương yêu của Sài Gòn trong ngày giãn cách.

Nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp cùng các hiện vật trong bộ sưu tập về mùa dịch tại TP Hồ Chí Minh.
Nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp cùng các hiện vật trong bộ sưu tập về mùa dịch tại TP Hồ Chí Minh.

Bộ sưu tập đặc biệt

“Thân tặng anh Lúa những kỷ vật lưu giữ ký ức của một giai đoạn khó khăn, “mệt mỏi” của Sài Gòn khi đại dịch Covid-19 tràn đến. Một giai đoạn mà trước đây Sài Gòn chưa từng trải qua và đang hồi sinh mạnh mẽ”. 

Đọc những dòng chữ Chủ tịch UBND phường An Lợi Đông, TP Thủ Đức viết vào cuốn sổ lưu niệm khi trao tặng mấy tờ giấy đi đường trong đợt giãn cách vừa qua, anh Hiệp vẫn rưng rưng. Nó khiến anh nhớ lại những ngày TP Hồ Chí Minh gồng mình chống dịch, khó khăn bủa vây. Ngay cả khi có thể cùng bạn bè ngồi uống cà-phê trò chuyện cùng nhau, đôi lúc, anh Hiệp vẫn chưa dám tin đó là sự thật. “Sài Gòn những ngày giãn cách sao mà đau lòng đến vậy không biết. Đường phố không bóng người, đâu đâu cũng dây giăng. Giờ thì hồi sinh rồi, mừng rồi”, nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp nhớ lại.

Phần lớn trong bộ sưu tập “lạ đời” này của anh Hiệp là hơn 500 phiếu đi chợ của người dân tại TP Thủ Đức cùng các quận, huyện còn lại ở TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có rất nhiều hiện vật lưu ký ức mùa dịch khác như các loại giấy đi đường, giấy nhập-xuất viện điều trị Covid, giấy hoàn thành cách ly, giấy mời đi tiêm vaccine, giấy đi chợ hộ dân... Anh giữ lại cả những tờ giấy đính trên xe thiện nguyện, xe các đoàn phục vụ chống dịch và mấy cái áo tình nguyện viên trao tặng. Với nhiều người, những món đồ đó đã hết hạn sử dụng, có thể cất vào quên lãng hoặc để đâu chẳng nhớ nhưng với anh, đó là những mảng ký ức cần được ghép nối và lưu giữ kỹ càng. 

Mấy nay, người tìm đến tiệm cà-phê Lúa của anh Hiệp rất đông. Họ muốn gửi tặng những gì còn giữ lại trong đợt giãn cách chưa từng thấy ở TP Hồ Chí Minh. Trước họ biết anh là người sưu tầm đồ cổ và những hiện vật về Sài Gòn xưa, còn nay, người ta truyền tai nhau về một “anh Lúa” lưu ký ức mùa dịch. “Mấy tờ giấy thôi, tôi cũng quý. Tôi muốn lưu lại hình ảnh Sài Gòn giai đoạn này để mọi người luôn nhớ về giai đoạn khó khăn, kinh khủng nhất mà chúng ta đã cùng nhau bước qua. Có những hiện vật lạ lẫm vô cùng như giấy đủ điều kiện để tập thể dục ở phường Tân Phú, quận 7 hay giấy nhận chăm sóc em bé bốn ngày tuổi cả nhà nhiễm Covid từ một tình nguyện viên trong mùa dịch. Tôi lưu lại đây, ai cần đến xem và nghe những câu chuyện về nó, về Sài Gòn mùa dịch”, anh Hiệp cho biết thêm.

Những ngày không thể nào quên

Ai tặng gì liên quan đến dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh đợt này, anh Hiệp sắp xếp, lưu lại hết. Khách vừa rời đi, anh tìm một góc vắng trong tiệm, ngồi xem kỹ từng tờ giấy, món đồ. Khi lật lại ký ức bằng hiện vật, anh nhớ như in những ngày mình rong ruổi khắp thành phố với người bạn thân tên Dũng trong vai trò tình nguyện viên đi trao tặng vật dụng y tế, thực phẩm, nhu yếu phẩm tại những khu vực “giăng dây”, cơ sở y tế. Những ngày buồn đáng nhớ, anh Hiệp gọi đợt giãn cách kéo dài tại TP Hồ Chí Minh như vậy.

Đáng nhớ là vì trong đau thương, mất mát ấy, anh cùng nhiều người dân khác đã kịp chung tay, góp sức phòng, chống dịch. Đáng nhớ là vì khổ cực, hiểm nguy đến mấy mọi người vẫn nương nhau bước qua giai đoạn gian truân nhất để biết quý trọng hơn tình người, sự sẻ chia. Đáng nhớ là vì có quá nhiều thứ trước đây chưa từng, cả cách người ta cho đi yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Giữa những ngày “khiếp khủng” ấy, tình người vẫn là điều lấp lánh, ấm áp vô ngần.

Bên cạnh bộ sưu tập các hiện vật mọi người gửi tặng, anh Hiệp còn tự làm một bộ sưu tập ảnh mùa dịch cho riêng mình. “Sài Gòn có bến Chương Dương/có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do/phường Chợ Quán, khóm Cầu Kho/bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm...”. Những câu thơ trong bài “Sài Gòn” được anh tái hiện theo hình thức bưu thiếp, phía trên gắn thêm con tem dịch Covid. Nhân vật chính xuyên suốt trong bộ bưu thiếp là anh với bộ đồ bảo hộ mầu trắng kín mít, mặt đeo khẩu trang, đứng cạnh những địa danh nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh. Sài Gòn quen mà lạ vì vẫn là cảnh cũ, góc quen nhưng khi dịch tới vắng tanh, không bóng người. Đó là những bức ảnh anh nhờ bạn đồng hành tranh thủ chụp khi cả hai cùng nhau làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm cho những nơi cần trong chuỗi ngày “ai ở đâu, ở yên đấy”. 

Ngồi xem lại từng bức ảnh, anh Hiệp kể vanh vách lúc đó mình đi đâu, làm gì, lòng chông chênh thế nào. Nhất là khi vào các bệnh viện dã chiến, chứng kiến lằn ranh sinh tử, anh cảm nhận rõ nhất sự mất mát của dịch bệnh cùng nghị lực của mọi người. Ai cũng tìm đủ cách để gắng gượng, mong ngày dịch bệnh tan đi. Và thêm nhiều câu chuyện đẹp khác đã được anh giữ lại bằng hình ảnh, hiện vật, giấy tờ: “Đợi tình hình ổn hơn chút nữa, tôi sẽ bày biện mọi thứ trong triển lãm “Sài Gòn mùa dịch”. Tôi nghĩ ai ở Sài Gòn trong mấy tháng qua chắc khó lòng quên những ngày đáng nhớ này. Đôi khi, có những điều không vui ta vẫn cần lưu giữ vì nó giúp ta mạnh mẽ hơn, yêu thương nhau và yêu Sài Gòn nhiều hơn. Gần 50 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, đây là món quà tôi dành tặng thành phố trong những ngày khó khăn mà chúng ta cùng nhau cố gắng vượt qua”. 

TP Hồ Chí Minh đang hồi sinh từng ngày, người dân tìm cách thích ứng linh hoạt trong tình hình mới. Thế nhưng, trong những câu chuyện thường nhật, người dân vẫn nhắc nhớ về Sài Gòn những ngày giãn cách với chốt chặn, giấy đi đường, phiếu đi chợ, túi quà F0, điều trị Covid, cách ly tại nhà... Nhắc chẳng phải để bi quan, nhắc để dặn người, dặn mình không được quên những ngày đáng nhớ, nhất là những hy sinh, mất mát lặng thầm.