Long lanh tranh trúc

Một căn nhà nhỏ ở Lũy Bán Bích, Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, nằm kề phố, sáng sáng rôm rả tiếng người ghé tới để ăn bún cá Nha Trang ngon có tiếng. Nhưng khi chiều tới, khi đêm xuống, phía sau ấy là hình bóng một người đàn ông trung niên âm thầm, miệt mài bên những rèm trúc để cho ra đời những bức tranh “biết đi”.

Long lanh tranh trúc

Thổi hồn cùng gió

Tôi vẫn đùa là tranh của anh chẳng đứng yên bao giờ, nhất là khi gặp gió, như muốn nói muôn điều. Đó cũng là một sự độc đáo ở tranh trúc Nguyễn Thái Vinh. Khi anh dùng miếng mút lau bảng, pha mầu sắc trên miếng mút đó và lăn tròn từng ống trúc, tạo nên những mảng mầu tối sáng... Đặc biệt hơn khi tranh phải vẽ bằng cả hai tay cùng một lúc. Một tay se một tay phết mầu vào. Phải nhịp nhàng mới có thể tạo chi tiết tinh tế cho bức tranh. Sự đặc tả rất khác biệt ấy, sau rồi mới nối kết từng sợi trúc lại thành một bức rèm lớn, có khi to và rộng tới cả một bức tường và hiển hiện trên đó chính là những khuôn mặt biết cười, những đôi môi như muốn nói, những ánh mắt nhiều suy tư hay chiêm nghiệm... 

Bàn tay chai sần, thô ráp của người họa sĩ ấy đã miệt mài suốt hơn 20 năm qua bên những tác phẩm độc và lạ của mình.

Tranh trúc hay còn gọi là tranh được vẽ trên rèm trúc của Nguyễn Thái Vinh được ra đời từ năm 1998, khi anh bắt đầu thử nghiệm vẽ trên mỗi sợi trúc. Đối với hội họa, chúng ta đã được ngắm nhiều tác phẩm vẽ trên lụa, giấy, gỗ... nhưng vẽ trên mỗi sợi trúc tròn, thì quả thật không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới cho đến giờ, có lẽ mới chỉ có một Nguyễn Thái Vinh “chọn đường” để đi.

Xưởng vẽ nhỏ không thầy thợ, chỉ lặng lẽ một mình, Nguyễn Thái Vinh ngổn ngang với rất nhiều bức tranh trúc khác nhau. Nhiều bức hoàn thành, nhiều bức còn dở dang. Ấn tượng với tôi chính là những sợi trúc được anh tỉ mẩn kết nối thành một tấm rèm đặc biệt, mà ở đó, là một đôi mắt suy tư, hay một khuôn mặt thiếu nữ đầy khát khao, cháy bỏng thanh xuân. Có khi là một thiền sư đang chìm đắm trong cõi ảo... Dường như bên cạnh những phong cảnh mà Nguyễn Thái Vinh vẽ kia, anh vẫn thật sự mê đắm và tâm huyết hơn cả với những bức tranh trúc vẽ chân dung. Bởi anh thích thổi hồn vào những đôi mắt, những đôi mắt biết nói, để rồi nếu một ai đó đứng trước tranh của anh, vì tò mò, giơ tay lên, gạt một đường trên từng sợi tranh, giống như người ta khẽ vuốt nhẹ trên 16 sợi đàn... Thay vì âm thanh rung lên, mầu sắc cũng như rung lên, đung đưa, xao động. Những đôi mắt ấy, sau những rung rinh lại vẫn nhìn ta đăm đắm, thiết tha. Những đôi mắt được Nguyễn Thái Vinh đặc tả trên rèm trúc, nhìn kỹ, thoáng rùng mình như có gì đó vừa chạy dọc sống lưng. Sự độc đáo nằm ở chính trong mỗi chuyển động hai mặt mà vẫn giữ được thần thái của người ở trong tranh.

Long lanh tranh trúc -0
Họa sĩ Nguyễn Thái Vinh và một tác phẩm của anh. 

Chọn khó làm đường đi

Khách hàng của anh đa phần đều khó tính. Trong số họ, từng có người cho rằng, anh điên rồ vì nghĩ anh chỉ vẽ được phong cảnh chứ không tin anh có thể vẽ được người trên rèm trúc. 

Phải mất hai năm, anh mới tìm ra được nguyên lý vẽ thành công. Cứ hỏng là làm lại, không biết bao nhiêu sợi trúc đã phải bỏ đi và cảm giác sung sướng như vỡ òa khi tác phẩm đầu tiên hoàn thành trong sự hài lòng. Nối tiếp, những bức tranh trúc khác ra đời, cảnh như hòa vào thiên nhiên, nhân vật như hòa vào cõi người... Nhiều khách mua tranh, nhiều người chiêm ngưỡng, ít có ai mà không giấu được sự tò mò, trầm trồ, thắc mắc vì sao và bằng cách nào mà Nguyễn Thái Vinh tạo dựng được tác phẩm khác lạ như vậy.

Hiện nay, ở khắp cả nước, nhiều phòng làm việc, một số bảo tàng đã có mặt các tác phẩm tranh trúc của Nguyễn Thái Vinh. Nhiều người đã thấy sự quen thuộc khi nhìn ngắm những tác phẩm anh vẽ về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ với Bác Tôn, Bác Hồ với thiếu nhi hay vẽ các lãnh tụ trên thế giới, chân dung của những người truyền cảm hứng, những nhân vật nổi tiếng... Mấy năm gần đây, có rất nhiều người mê tranh trúc đã tìm đến anh và gửi gắm những bức chân dung của chính mình và nhờ người họa sĩ ấy thổi hồn lại trên trúc. Nhiều ngôi nhà treo tranh chân dung của gia chủ, như một làn gió mới mang tới niềm vui cho đời. 

“Trước đây, tôi từng làm thiết kế cho một hợp tác xã sản xuất mành trúc xuất khẩu ở quận Phú Nhuận. Tới một lần, anh chủ nhiệm có trao đổi với tôi một công việc rất khó nhưng thú vị, đó là khách nước ngoài họ muốn có một tác phẩm nào đó mang tính độc đáo, ít đụng hàng mà bảo đảm được tính nghệ thuật”. Chỉ là câu nói bỏ ngỏ thế thôi nhưng lại như một mệnh đề khó giải với Nguyễn Thái Vinh. Anh biết người cộng sự kia muốn anh giúp việc này, nhưng cả hai đều chưa nghĩ ra được bằng cách nào để có một tác phẩm nghệ thuật độc lạ, không ai có, chưa ai làm. Thế là một đêm mất ngủ, hai đêm mất ngủ, những trở trăn khiến anh Vinh băn khoăn suốt mấy ngày liền. 

Công việc của anh lúc đó đã gắn bó với tre, trúc rồi nhưng nếu như chỉ vẽ trên một bức tranh bằng trúc thông thường anh nghĩ đó cũng chỉ là bức vẽ thô vụng. Định vẽ lại thôi, anh “ngậm tăm” trong cảm giác bế tắc. Nhưng trong sự bế tắc ấy, lại như có… ánh sáng phía đường hầm. Một ý nghĩ lóe lên trong anh. Cũng từ trúc, nhưng nó phải có linh hồn thật sự. Một sự chuyển động, như âm thanh của gió, như bàn tay của gió, ẩn trong sắc mầu của tranh… Thế là dần dần, ý niệm về một dòng tranh vẽ trên rèm trúc chuyển động từ đó ra đời. 

Thế là, ngay sau đó, anh Vinh đặt làm cho mình mành trúc từ ngọn trúc. Dù là mành trúc thô nhưng lại đòi hỏi khắt khe như phải là trúc ngọn, đều, thẳng. Sau đó đem cạo hết vỏ, rồi cắt làm các đoạn thẳng đều nhau là 6 cm với đường kính từ 3-5 mm. Sau đó từng đốt trúc ấy đem phơi nắng rồi mới xâu thành từng chuỗi. 

Thấy tôi tò mò như muốn đếm xem những bức tranh kia có tất cả bao nhiêu sợi trúc, anh Vinh đứng chỉ cho tôi xem rõ hơn về cấu trúc của một bức rèm trúc khi chuẩn bị vẽ. Anh chỉ vào bức chân dung đang vẽ dở một người bạn ở Hà Nội: “Nếu bức tranh này có kích thước là 200x200 cm sẽ gồm 326 dây với hơn 10 nghìn ống trúc. Và tất nhiên, mỗi ống trúc này đều rất mịn và mát tay so loại trúc thông dụng khác”.

Năm 2002, họa sĩ Nguyễn Thái Vinh thử nghiệm vẽ chân dung Bác Hồ trên rèm trúc. Anh miệt mài tìm hiểu, đọc tài liệu, nghiên cứu… để làm sao bức vẽ đầu tiên khiến người xem phải trầm trồ. Cũng chính bức vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của anh, đã giành giải vàng Ngôi sao Việt Nam tại Festival Huế năm 2004. Hiện nay, mỗi tác phẩm anh tạo dựng và những vị khách sở hữu các tác phẩm ấy đều mang trong mình cảm giác vui thích lẫn tự hào vì đó chính là những tác phẩm độc bản. 

Họa sĩ Nguyễn Thái Vinh: “Tôi từng vẽ đi vẽ lại tới ba, bốn lần những bức tranh đầu tiên, vì ngay cả khi mình đã tưởng tượng, đã hình dung là nó sẽ như thế, như thế. Nhưng khi vào vẽ mới thấy khó và sản phẩm không như ý. Thế rồi lại bỏ đi, làm lại”